Quan chức hàng đầu của IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ ở mức dưới 3% vào năm 2023
Theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ duy trì ở mức dưới 3% vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới vẫn ở mức tương tự.
Bà Georgieva tuyên bố rằng các ngân hàng trung ương sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất và để chúng ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, để đạt được mục tiêu khôi phục sự ổn định giá cả khi tình trạng lạm phát tăng cao vẫn tiếp tục kéo dài trên toàn bộ nền kinh tế thế giới, điều sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
Bà nói trong một cuộc trò chuyện với Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass tại một sự kiện chung giữa IMF và Ngân hàng Thế giới hôm 10/04: “Và điều đáng lo ngại hơn là lạm phát sẽ duy trì ở mức khoảng 3% trong 5 năm tới.”
“Mức lạm phát này không cho chúng ta nhiều hy vọng về việc đáp ứng nguyện vọng của người dân, đặc biệt là người nghèo trên thế giới và người nghèo ở các nước nghèo.”
Khi thế giới vật lộn với hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, bà Georgieva tin rằng triển vọng tăng trưởng và mức năng suất sẽ vẫn ở mức thấp nếu không có “các cuộc cải tổ về cấu trúc trong nghị trình dài hạn tối quan trọng này.”
Ông Malpass đề cập đến chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến các nền kinh tế tiên tiến và thị trường mới nổi.
Ông giải thích, các nhà đầu tư toàn cầu dự đoán rằng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới sẽ ở mức “thấp trong thời gian dài,” dẫn đến việc phân bổ vốn sai.
Trên khắp thị trường quốc tế, các nhà đầu tư đã đưa ra quyết định dựa trên quan điểm rằng các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức 0% trong một thời gian dài.
Sử dụng vốn hiệu quả
Ông Malpass lưu ý rằng dự đoán này dẫn đến việc sử dụng vốn không hiệu quả trong nền kinh tế toàn cầu, điều này đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ông nói rằng thách thức sẽ là cố gắng phục hồi việc sử dụng vốn hiệu quả khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất như một phần của chiến dịch thắt chặt chống lạm phát của họ.
Đồng thời, những nỗ lực này đã dẫn đến tổn thất cho các tổ chức tài chính vốn “không đáp ứng được thời hạn các khoản nợ,” ám chỉ sự thất bại của ngân hàng Silicon Valley.
Ông nói: “Vì vậy, có những tổn thất là đang bị dẫn đến thông qua hệ thống trên thế giới.”
Ông Malpass nói thêm: “Nếu quý vị chỉ hạ lãi suất trở lại, thì sẽ không giải quyết được vấn đề này. Điều đó có nghĩa là mọi người sẽ phải đối mặt với lạm phát. Đồng dollar suy yếu đi, nhưng tỷ lệ lạm phát lại tăng lên, và điều đó gây tổn hại nhiều nhất cho người nghèo.”
“Tôi nghĩ rằng phải có một mục tiêu là tìm kiếm một môi trường lạm phát thấp và sự ổn định của đồng dollar cho tương lai.”
Thỏa thuận hoán đổi USD
Các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất xuống 0% để đối phó với đại dịch virus corona.
Cục Dự trữ Liên bang đã dẫn đầu việc này, thông báo về một hành động khẩn cấp hồi tháng 03/2020 nhằm giảm lãi suất quỹ liên bang (FFR) chuẩn xuống 0, và bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng (QE) không giới hạn.
Hành động này đã nâng bảng cân đối kế toán lên gần 9 ngàn tỷ USD và bao gồm việc mua Công khố phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp. Những nỗ lực này nhằm mục đích giảm bớt những tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do COVID-19.
Fed và nhiều đối tác của mình, trong đó có Ngân hàng Canada và Ngân hàng Anh, cũng phối hợp một cơ chế để tăng tính thanh khoản đồng bạc xanh trên toàn thế giới thông qua các thỏa thuận hoán đổi USD.
Mãi đến tháng 03/2022, Fed mới tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản. Kể từ đó, tổ chức này đã tăng FFR (lãi suất quỹ của Fed) thêm 475 điểm cơ bản.
Tội phạm, lạm phát, và sự không an toàn
Ông Malpass cho rằng sự khác biệt giữa các quốc gia và nhóm dân số có thu nhập thấp và cao khi những người có thu nhập thấp đang tăng với tốc độ nhanh hơn những người có thu nhập cao hơn là “đáng lo ngại.”
Ngoài việc gia tăng bất bình đẳng, nhà lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, người cho biết ông sẽ rời chức vụ trước cuối tháng Sáu, tin rằng điều này sẽ dẫn đến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng “không an toàn,” nghĩa là nhiều tội phạm hơn và giá cả cao hơn.
Ông nói: “Một trong những mối lo ngại về tội phạm và giá cả cao hiện nay là giá cao đang được áp dụng cho thực phẩm và phân bón.”
“Một mối quan tâm đối với những người nghèo nhất trên thế giới là nông dân không thể trồng trọt, hoặc nếu họ không có phân bón, họ sẽ không trồng trọt cho chu kỳ mùa vụ vì họ biết rằng năng suất của họ sẽ quá thấp.”
Lạm phát lương thực vẫn kéo dài
Hôm 07/04, tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) báo cáo Chỉ số Giá Lương thực của tổ chức này đã giảm trong 12 tháng liên tiếp.
Trong tháng Ba, chỉ số giá lương thực của FAO đã giảm 2.1%, mức thấp nhất kể từ tháng 07/2021 và thấp hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 03/2022.
Ông Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO, cho biết bất chấp sự trượt dốc kéo dài, áp lực lạm phát lương thực toàn cầu vẫn tồn tại.
Ông Torero nói, “Mặc dù giá giảm ở cấp độ toàn cầu, nhưng chúng vẫn ở mức rất cao và tiếp tục tăng ở các thị trường trong nước, đặt ra thêm những thách thức đối với an ninh lương thực. Điều này đặc biệt đúng ở các nước đang phát triển nhập cảng lương thực ròng.”
Theo Cục Thống kê Lao động, tỷ lệ lạm phát lương thực hàng năm của Hoa Kỳ đã giảm xuống 9.5% trong tháng Hai, giảm từ 10.1%. Điều này thể hiện mức giảm hàng tháng thứ sáu liên tiếp. Tuy nhiên, giá siêu thị vẫn ở mức trên 10%.
Trong Triển vọng Giá Lương thực mới nhất, Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo rằng giá lương thực tại nhà sẽ dao động từ 5.3% đến 10.5% trong năm nay, cao hơn mức trung bình lịch sử 20 năm là 2.5%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times