Quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc vào dịp tưởng niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn
Một nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ đã đến Trung Quốc để hội đàm nhằm thảo luận về “các vấn đề then chốt trong mối bang giao song phương” với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Chuyến thăm của ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, trùng với lễ tưởng niệm 34 năm Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra.
Tháp tùng ông Kritenbrink tại Bắc Kinh là bà Sarah Beran, giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, các cuộc gặp chính thức của ông tại Bắc Kinh sẽ bắt đầu vào ngày 05/06. Như thường lệ, ông Kritenbrink sẽ nêu lên những lo ngại về nhân quyền với các quan chức Trung Quốc và tiếp tục ủng hộ các quyền tự do căn bản ở Trung Quốc.
Ông Kritenbrink sau đó dự kiến sẽ có bài diễn văn tại Hội nghị của Viện Các vấn đề Quốc tế New Zealand ở Auckland vào ngày 08/06 và sẽ tới Wellington, New Zealand cho đến ngày 10/06 để dự Đối thoại Chiến lược Hoa Kỳ-New Zealand.
Trước đây ông từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng lưu ý trong một tuyên bố hôm 03/06 rằng Hoa Kỳ sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 34 năm Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn.
“Vào ngày 04/06/1989, Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đã đưa xe tăng vào Quảng trường Thiên An Môn để đàn áp dã man những người biểu tình ôn hòa ủng hộ dân chủ của Trung Quốc cũng như những người đứng xem,” ông nói. “Sự dũng cảm của các nạn nhân sẽ không bị lãng quên và tiếp tục truyền cảm hứng cho những người ủng hộ những nguyên tắc này trên khắp thế giới.”
Ước tính có khoảng 300,000 binh sĩ Trung Quốc — nhiều người trong số họ chỉ mới 18 hoặc 19 tuổi — đã được điều động đến để giải tán đám đông sinh viên biểu tình trong một sự kiện mà sau đó đã trở thành một vụ đại thảm sát đẫm máu.
Theo một nghiên cứu có nhan đề “Tại sao Quân đội Nhân dân Bắn vào Nhân dân: Quân đội Trung Quốc và Thiên An Môn,” khoảng 100,000 sinh viên, ước tính có khoảng 500,000 người đứng bên xem và ủng hộ, đã biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/06/1989.
Khi những người lính nổ súng, hàng trăm — có thể là hàng ngàn — người biểu tình đã bị sát hại vì đứng lên chống lại sự đàn áp nhân quyền và tự do dưới chế độ cai trị độc đảng của ĐCSTQ ở Trung Quốc.
Trong khi các số liệu chính thức của ĐCSTQ tuyên bố rằng 241 người đã tử vong trong vụ việc, bao gồm cả binh lính và rằng có 7,000 người bị thương, thì các tài liệu được giải mật do một người tố giác ẩn danh cung cấp vào tháng 12/2017 cho thấy ít nhất 10,000 người đã thiệt mạng.
Theo ông Andrew Nathan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, trước ngày 04/06, các binh sĩ đã bị cô lập và chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua “công tác tư tưởng chính trị” để “dọn sạch Quảng trường Thiên An Môn.” Ông đã trích dẫn các tài liệu mật của ĐCSTQ với những bình luận của cựu lãnh đạo và chỉ huy quân sự Trung Quốc Dương Thượng Côn (Yang Shangkun), người đã dàn dựng cuộc tấn công đẫm máu này.
Ông Dương khi ấy làm việc cùng lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, người trước đó đã nói rằng Quân Giải phóng Nhân dân phải sẵn sàng “đổ máu” để lập lại trật tự.
“Các lãnh đạo đảng sợ rằng toàn bộ ‘lâu đài’ của chủ nghĩa cộng sản sẽ sụp đổ,” ký giả John Pomfret, người đã chứng kiến sự kiện chấn động này, cho biết. “Họ cần phải tạo ra một ví dụ, và một ví dụ đẫm máu, để cho người dân của họ thấy, và thực tế là để dọa cho người dân của họ sợ mà quay lại quỳ phục như trước.”
Để tưởng nhớ thảm kịch nhân quyền này, Ngoại trưởng Blinken cho biết trong tuyên bố của ông, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.”
Căng thẳng âm ỉ
Chuyến thăm của ông Kritenbrink diễn ra sau chuyến đi bí mật đến Trung Quốc của Giám đốc CIA William Burns vào tháng trước sau khi Bắc Kinh cắt đứt hầu hết các cuộc gọi thường xuyên giữa các quan chức ngoại giao, tình báo, và quân sự cao cấp sau Hoa Kỳ quyết định bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.
Khí cầu này đã bay trên không phận Hoa Kỳ qua các địa điểm quân sự nhạy cảm và bị một chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bắn hạ chỉ sau khi thiết bị này ra khỏi khu vực đất liền và đến Đại Tây Dương.
Sau cuộc họp, trong đó ông Burns đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở trong các kênh tình báo” với những người đồng cấp Trung Quốc, ông Biden cho biết hôm 21/05 rằng ông dự đoán mối bang giao với Trung Quốc sẽ sớm bình thường trở lại.
Hôm 25/05, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) tại Hoa Thịnh Đốn và bày tỏ sẵn sàng “xây dựng sự gắn kết giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập” tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G-20 vào tháng 11/2022 ở Bali, Indonesia, sau cuộc khủng hoảng ngoại giao khinh khí cầu.
Sau đó, hôm 26/05, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã gặp ông Vương tại một hội nghị của các Bộ trưởng Thương mại APEC ở Detroit.
Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố rằng họ đang làm việc để tạo thuận lợi cho các chuyến công du đến Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken, cũng như Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Raimondo.
Cuối tuần qua (03-04/06), Trung Quốc vẫn từ chối tổ chức đàm phán quân sự với các quan chức Hoa Kỳ tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore — hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu châu Á.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times