Phương pháp trị bệnh chàm theo Trung y: Xoa bóp 3 huyệt vị có thể giảm ngứa
Da khô và bong vảy vào mùa đông, nổi ban vào mùa hè nóng ẩm, đều là những triệu chứng phổ biến của bệnh chàm (bệnh eczema). Bệnh chàm phát đi phát lại khiến bệnh nhân khó chịu, bác sĩ Quách Đại Duy (Guo Dawei) của Phòng khám Trung y Phù Nguyên (Đài Loan) đã giải thích nguyên nhân của bệnh chàm dựa trên quan điểm y học của Trung y và Tây y, đồng thời cung cấp phương pháp bấm huyệt vị và các loại thuốc mỡ để chấm dứt tình trạng ngứa của bệnh chàm.
Bệnh chàm là gì?
Bệnh chàm là những tế bào bị viêm nhiễm tập hợp tại tầng da ngoài và tầng da giữa, tạo ra những mụn nước nhỏ giống như bọt biển. Vì da nổi những nốt mẩn đỏ, có mụn nước, gây ngứa, nên phần lớn bệnh nhân sẽ gãi, làm cho làn da trầy xước, những nốt mẩn đỏ chảy nước ra, gây ẩm ướt, nên Trung y gọi là “Thấp chẩn”.
Vùng da bị chàm thiếu biểu bì bảo vệ, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài. Vào mùa hè nóng nực, nếu đổ mồ hôi nhiều và không nhanh chóng lau khô sẽ khiến da bị kích ứng, gây viêm nhiễm. Mùa đông hanh khô, lượng nước trong da thiếu cũng sẽ dẫn đến phản ứng viêm. Ngoài ra, khi thời tiết chuyển mùa và vào mùa mưa, bệnh chàm cũng dễ xuất hiện.
Bệnh chàm xuất hiện chủ yếu ở các vị trí như khuỷu tay, dưới cổ, nách, phía sau đầu gối, dưới háng, đặc điểm khởi phát chủ yếu là có tính đối xứng. Bác sĩ Quách Đại Duy cho biết, vì những nơi này là nơi các động mạch đập và nhiệt độ tương đối cao, nên bệnh chàm dễ xuất hiện. Tuy nhiên bệnh này có thể được cải thiện bằng cách kiểm soát và thư giãn cảm xúc.
4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh chàm
Bác sĩ Quách Đại Duy đã chỉ ra 4 nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh chàm, bao gồm:
- Môi trường: Do thời tiết lúc nóng, lúc lạnh đột ngột, chuyển mùa, nóng bức, hanh khô, lông thú nuôi, bụi bặm, đồ chơi nhồi bông, chất tẩy rửa mỹ phẩm, hóa chất, nước hoa, mỹ phẩm dưỡng da, quần áo chất liệu sợi hóa học không thấm mồ hôi.
- Cảm xúc: Áp lực lớn.
- Di truyền: Đây là nhân tố chủ yếu nhất của bệnh chàm.
- Thực phẩm: Tôm cá, thức ăn cay nóng, rượu bia.
Trung y giảng, “hữu chư nội tất hình chư ngoại” (có bên trong ắt biểu hiện ra bên ngoài). Biểu hiện ra bên ngoài làn da thì phải tìm nguyên nhân trong cơ thể, bệnh chàm thường phản ánh các vấn đề trong cơ thể, chẳng hạn như uống nhiều đồ lạnh, thích uống rượu bia, ăn nhiều trái cây thuộc họ dưa,… ăn rau sống, ăn kiêng, rất dễ tích tụ khí ẩm. Khí ẩm sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể qua mồ hôi và nước tiểu, nếu kết hợp với thói quen sinh hoạt không tốt như uống ít nước, lười vận động, thức khuya, táo bón, thì khí ẩm càng dễ tích tụ trong cơ thể.
5 loại bệnh chàm phổ biến
Bác sĩ Quách Đại Duy cho biết, bệnh chàm được phân ra một số loại không giống nhau, căn cứ vào triệu chứng biểu hiện và vị trí khác nhau mà có tên gọi khác nhau. Có 5 loại bệnh chàm phổ biến như sau:
- Viêm da dị ứng: Viêm da dị ứng là phổ biến nhất, đều có thể xảy ra bất cứ đâu trên làn da khắp cơ thể.
- Viêm da tiếp xúc: Bao gồm viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng, như chân tiếp xúc với giày làm từ chất liệu không phù hợp.
- Viêm da tiết bã: Lượng bã nhờn tiết ra quá nhiều, thường xuất hiện ở hai bên mũi và giữa hai lông mày của khuôn mặt, biểu hiện là sưng đỏ, bong vảy.
- Viêm da mụn nước dị ứng do thiếu lipid: thường xuất hiện ở tay chân và ngón chân, giống như triệu chứng bệnh chân Hồng Kông (Hong Kong foot), nhưng sẽ không lan rộng, có thể xuất hiện sau khi bơi lội, khi gãi sẽ không chảy nước.
- Viêm da kinh niên đơn thuần Lichen planus: Gãi ngứa trong thời gian dài khiến cho lớp biểu bì dày lên, tạo thành biểu hiện giống như Lichen planus.
Thường bấm 3 huyệt vị có thể chấm dứt ngứa
Bấm huyệt cũng có thể giúp giảm ngứa do bệnh chàm gây ra. Bác sĩ Quách Đại Duy đưa ra phương pháp bấm ba huyệt vị gồm huyệt Huyết Hải, huyệt Khúc Trì, huyệt Bách Trùng Oa, có thể áp chế triệu chứng ngứa.
- Huyệt Khúc Trì (LI 11)
Gập khuỷu tay về phía ngực, huyệt Khúc Trì nằm ở chỗ lõm ở đầu ngoài của nếp gấp ngang khuỷu tay, gần mép khớp xương. Huyệt Khúc Trì là hợp huyệt của Kinh Dương Minh Đại Tràng, nghĩa là nơi hội tụ năng lượng của kinh mạch. Ấn huyệt Khúc Trì có thể giúp tiêu tán nhiệt lượng dư thừa trong cơ thể.
- Huyệt Huyết Hải (SP 10)
Huyệt Huyết Hải nằm cách mặt trong của mép trên xương bánh chè 2 thốn (độ rộng bằng 2 đốt ngón tay cái), nơi cơ đùi nhô ra. Phương pháp xác định huyệt là dùng bàn tay úp ở đầu gối, nơi ngón cái chạm vào đùi trong là huyệt Huyết Hải. Huyệt Huyết Hải là huyệt vị quan trọng để bổ máu và thúc đẩy lưu thông máu, cũng thường được sử dụng để điều trị bệnh chàm kinh niên, mề đay kinh niên và các bệnh khác.
- Huyệt Bách Trùng Oa (EX-LE3)
Từ huyệt Huyết Hải đi lên khoảng 1 thốn (tức là rộng bằng đốt ngón tay cái) là huyệt Bách Trùng Oa. Bách Trùng Oa là huyệt vị thường được sử dụng để điều trị bệnh chàm.
Trên Tạp chí “Khoa học Châm cứu và Massage Tuina” (Journal of Acupuncture and Tuina Science) đã đăng một nghiên cứu chung của các học giả Đức và Trung Quốc, nghiên cứu cho thấy, trong 54 bệnh nhân bị bệnh chàm thì có 47 người đã hồi phục hoặc cải thiện chứng bệnh thông qua châm cứu các huyệt Khúc Trì, Bách Trùng Oa, tỷ lệ hiệu quả đạt gần 90%.
Nhiều thực nghiệm đối chiếu lâm sàng ngẫu nhiên cũng cho thấy, châm cứu có tác dụng cải thiện bệnh chàm, có thể giảm ngứa.
Những bài thuốc cải thiện bệnh chàm
Bác sĩ Quách Đại Duy cũng giới thiệu hai loại dược thiện thường dùng:
- Tứ thần bài cốt thang
Công dụng: Kiện tỳ lợi thấp
Nguyên liệu: Khiếm thực 20g, liên tử 20g, hoài sơn 20g, phục linh 20g, hạt ý dĩ 20g, nước 2,000ml, xương sườn lượng vừa phải, chần sơ qua.
Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu vào nồi đun cho đến chín nhừ, có thể cho thêm 3 lát đương quy, gừng, nêm một chút muối.
Bác sĩ Quách Đại Duy cho biết, Tứ thần thang là loại dược thiện tốt nhất cho bệnh chàm, có tác dụng kiện tỳ lợi thấp, trợ giúp hệ tiêu hóa, bài tiết lượng nước dư thừa ra ngoài qua đường ruột. Ông cũng khuyên rằng các dược liệu trong Tứ thần thang rất giàu tinh bột, có thể thay thế cơm.
- Bách hợp lục đậu thang
Công hiệu: Thanh hư nhiệt trừ thấp (thích hợp với người chán ăn, không thoải mái, phiền lòng mất ngủ).
Nguyên liệu: Đậu xanh 30g, bách hợp 30g, sơn dược tươi 30g, hạt ý dĩ 15g, khiếm thực 15g, đường phèn lượng vừa phải.
Cách làm: Cho đậu xanh, bách hợp, hạt ý dĩ, khiếm thực, sơn dược tươi vào nồi, thêm lượng nước vừa phải rồi nấu chín nhừ, thêm đường phèn vừa ăn là được.
Bác sĩ Quách Đại Duy cho biết, đậu xanh có thể thanh nhiệt giải độc; bách hợp có thể bình tâm an thần, giúp ngủ ngon; sơn dược vào Tỳ kinh, có tác dụng điều dưỡng dạ dày.
Trung y còn có nhiều loại thuốc mỡ bôi ngoài da cho bệnh chàm, chẳng hạn như Tử vân cao, Thanh đại cao, v.v. Các nghiên cứu cho thấy, thành phần Indirubin trong thuốc mỡ Thanh đại cao có thể giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương trên da và cải thiện tình trạng viêm da. Thành phần Shikonin trong Tử vân cao cũng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giúp vết thương nhanh lành.
Cách chăm sóc khi bị bệnh chàm
Trong sinh hoạt hàng ngày, người bị bệnh chàm nên chú ý một số vấn đề sau:
Do Amber Yang thực hiện
Thiệu Diệc biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ