Phong tục đón năm mới ở Nhật Bản: Nhất nguyên phục thủy, vạn tượng canh tân
Một nguyên (chu kỳ) lại bắt đầu, vạn vật đổi mới. Trong “Nguyệt Lệnh Quảng Nghĩa” của học giả Phùng Khánh Kinh triều Minh có nói: “Nhất thiên chi kế tại thần, nhất niên chi kế tại xuân” (Kế hoạch của một ngày bắt đầu từ sáng sớm, kế hoạch của một năm lo liệu từ mùa xuân). Từ câu nói này, ở Nhật Bản lại diễn sinh ra một cách nói “Nhất niên chi kế tại Nguyên Đán” (Kế hoạch một năm từ Tết Nguyên Đán).
Thời gian đầu năm, mọi người thăm người thân, thăm bạn bè, chúc nhau năm mới hạnh phúc, tận hưởng không khí vui mừng chào đón năm mới, kỳ vọng năm mới bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc, tốt lành. Trong đó, nhiều người viết ra những ấp ủ, kể ra nguyện vọng, lập kế hoạch mục tiêu cho năm mới.
Tháng Giêng xưa nay
“Chính nguyệt” hay “tháng Giêng”, vốn là tháng Một của âm lịch, ở Nhật Bản thời cận đại sau khi lịch Tây được áp dụng, để thuận tiện, tháng Một của lịch Tây được gọi là “tháng Giêng”. Trước đây, tháng Giêng thường chỉ tháng Một, ngoài ra, ngày mùng bảy gọi là “mùng bảy tháng Giêng”, ngày mười một gọi là “Điền đả Chính nguyệt”, từ ngày mùng một đến mùng bảy được gọi là “Đại chính nguyệt”, lấy ngày 15 làm ba ngày trung tâm gọi là “Tiểu chính nguyệt”, còn gọi bảy ngày đầu tiên của tháng Giêng là “Đại niên”, ngày 14 đến ngày 16 của tháng Giêng được gọi là “Tiểu niên”, v.v… Ở Nhật Bản, tùy theo từng thời điểm và từng vùng khác nhau, sẽ có cách phân chia, đặt tên và những điều kiêng kỵ trong tháng Giêng khác nhau, có thể nói là nhiều vô số kể.
Tháng Giêng, thường được gọi là “Mục nguyệt” (tháng hòa thuận), có nghĩa là tháng mà mọi người lui tới thăm hỏi lẫn nhau, hòa thuận vui vẻ. Cũng còn được gọi là Chúc nguyệt, Chính nguyệt, thủy hòa, sơ xuân nguyệt v.v… Nguyên Đán vốn là chỉ sáng sớm khi mặt trời mọc của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên, thời điểm mặt trời mọc đầu tiên của một năm. Ví dụ như, trong cuốn “Mộng Lương Lục” đời Tống ghi: “Ngày mùng 1 tháng Giêng, gọi là Nguyên Đán, thường gọi là năm mới”. Ngày nay, Nguyên Đán thường dùng để chỉ ngày mùng 1 tháng Giêng.
Ngày nay, người dân sống ở các thành phố Nhật Bản thường chỉ chú trọng ba ngày đầu tiên, từ ngày mùng một đến ngày mùng ba; còn ở các vùng nông thôn, một số nơi cho đến ngày nay vẫn giữ phong tục truyền thống năm mới từ ngày mùng một đến ngày mười lăm của tháng Giêng.
Để đón năm mới cát tường, cần phải có một diện mạo mới, đặc biệt là phụ nữ, phải mặc trang phục truyền thống Kimono rực rỡ. Trong tháng Giêng, phải ăn những món ăn đặc biệt gọi là “Osechi”, là món ăn nguội được chế biến từ trước, bắt đầu ăn từ ngày mùng Một tháng Giêng, thường là ăn liên tục trong vài ngày. Ngày mùng 7 được gọi là “Nhân nhật”, ăn cháo “Thất thảo chúc” hay còn gọi là Nanakusa-gayu (cháo 7 loại thảo mộc). Ngày 11 là ngày “Kagami Biraki”, cắt bánh Kagami mochi, ăn “súp Ozoni” (súp được nấu từ bánh Kagami mochi). Ngày 15 là ngày “Tiểu chính nguyệt” phải ăn “cháo đậu đỏ” v.v…
Giấc mộng đầu tiên của năm
Giấc mộng đầu tiên của năm mới được gọi là “Sơ mộng”, vì là giấc mơ đầu tiên của năm mới nên cũng được coi là điềm báo của Thần về vận hạn, lành dữ của năm này. Những ghi chép sớm nhất về Sơ mộng có thể được tìm thấy trong “Sơn Gia Tập” từ thời kỳ Kamakura (1185-1333). Trong lịch sử cũng có rất nhiều ý kiến về thời gian nằm mộng, thường là từ giao thừa đến mùng 3 Tết.
Từ thời Muromachi (1336-1573), vì để có được một giấc mơ tốt đẹp, mọi người sẽ đặt cuộn tranh 7 vị Phúc Thần (thường là: Ebisu, Daikokuten, Fukurokuju, Bishamonten, Hotei, Juroujin, Benzaiten) ngồi trên một con thuyền Takarabune (Bảo thuyền, con thuyền châu báu) dưới gối ngủ. Nếu là nằm mơ thấy ác mộng thì sáng sớm hôm sau liền mang cuộn tranh đó vứt xuống sông, cầu khấn xin lại một giấc mộng khác.
Ở Nhật Bản, theo tín ngưỡng dân gian, ba giấc mơ tốt lành nhất thường theo thứ tự là: núi Phú Sĩ, chim ưng, trái cà. Vậy nên, người Nhật Bản thường nói: “Một Phú Sĩ, hai chim ưng, ba trái cà”. Cách nói này dường như bắt nguồn từ đầu thời kỳ Edo (1603-1868). Có rất nhiều kiểu giải thích về ý nghĩa tượng trưng của nó, đồng thời còn được ghi lại trong nhiều sách cổ. Giải thích phổ biến nhất là: Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản, chim ưng vốn thông minh lại dũng cảm, cách phát âm của trái cà giống cách phát âm của “thành công”. Ngoài ra, còn có cây quạt, thuốc lá, v.v… Ngoài ra, nằm mơ thấy nhà vệ sinh, hỏa hoạn, đám tang,… cũng cho là điềm may mắn.
Sơ thư và nhược thủy
Vào ngày mùng 2 tháng Giêng âm lịch, dùng bút lông viết nguyện vọng và mục tiêu của năm mới, được gọi là “Sơ thư”. Ban đầu, điều này vốn được gọi là “Cát thư”, là một nghi thức trong cung đình: người viết ngồi ngay ngắn, quay mặt về hướng tốt lành, viết những lời cát tường hoặc thơ ca v.v… Thời Edo, từ “Terakoya”, cơ quan giáo dục phổ thông cho người dân thường, cùng với trường học từ thời Minh Trị về sau, đều dạy viết thư pháp bút lông, vì thế khiến cho tập tục này được phổ biến rộng rãi trong dân gian.
Nghi thức chính thức của “Sơ thư” là: treo cuộn chân dung của đại học giả – Thái chính đại thần Sugawara no Michizane (845-903) của thời Heian trong phòng, đồng thời chuẩn bị bút và mực mới, dùng “Nhược thủy” để mài mực, viết chữ. Ông Sugawara no Michizane tinh thông Hán học, thông minh tuyệt đỉnh, được ca tụng là vị Thần học thuật ở Nhật Bản. Hiện nay, mặc dù người viết “Sơ thư” ở nhà ngày càng ít, nhưng ở một số vùng, một số trường học, hàng năm vẫn tổ chức đại hội “Sơ thư”.
“Nhược thủy” chính là nước sạch được lấy vào sáng sớm ngày mùng 1 đầu năm. Sau khi lấy nước về, trước tiên phải dâng lên bàn thờ Thần, sau đó dùng để nấu nướng, pha trà, mài mực viết thư pháp. Tương truyền rằng, nhược thủy có linh tính, có thể xua đi tà khí của cả năm. Thời kỳ Heian (794 – 1185), vào tiết Lập xuân, trong hoàng cung đều cử hành nghi thức lấy nhược thủy, về sau nghi thức này được cử hành vào Tết Nguyên Đán, từ đó phổ biến rộng khắp trong dân gian.
Lấy Nhược thủy là nghi thức quan trọng của năm mới, thường thì do nam giới thực hiện. Đi lấy nhược thủy được gọi là “nghênh nhược thủy”, phải cẩn thận, trang nghiêm, nếu trên đường đi gặp người khác phải nghiêm trang cẩn thận hỏi chuyện. Khi lấy nước, phải ngâm xướng điệu hát dân gian “Cấp hoàng kim thủy”. Ngày nay, mặc dù không còn nước giếng để lấy, nhưng vẫn theo phong tục cũ, không ít người đi đến các ngọn núi nổi tiếng vào sáng mùng 1 Tết để lấy nước.
Sơ nghệ – Hatsumoude
Để xua đuổi những tai ương trong năm, cầu sức khỏe, bình an, việc viếng thăm các đền chùa đầu năm được gọi là “Sơ nghệ” hay “Hatsumoude”. Trong đó, nhiều người vì muốn nghe tiếng chuông đêm giao thừa và ra khỏi nhà, đây được gọi là “Khóa niên tham bái”. Tương truyền rằng, phong tục ngày xưa là, vào đêm giao thừa, người chủ gia đình sẽ đến đền thờ Thần Đạo, đồng thời thức suốt đêm để đón năm mới. Thời trước, vốn chỉ đến cúng viếng các đền thờ ông bà tổ tiên của dòng tộc, sau này trở thành đại đa số là đến các đền thờ Thần Đạo. Nhưng ở Nhật Bản hiện nay, không chỉ giới hạn ở điều này, mà ngày càng có nhiều người đến thăm các đền thờ Thần Đạo nổi tiếng hoặc đền thờ ở gần nhà, họ thường kết thúc việc thăm viếng này trước ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch.
Người dân cử hành Sơ nghệ, vào ngày đầu năm mới, Thiên Tử cũng phải nghênh “Sơ dương” (mặt trời của ngày đầu năm mới), “Bái tứ phương”. Vào sáng sớm của ngày đầu tiên, Thiên Tử phải ở trong Thần Gia điện trong cung, mặt quay về hướng Thần cung Ise mà lễ bái, sau đó lại bái Thiên Địa chư Thần tứ phương, cầu nguyện tiêu tai trừ họa cho cả năm, được mùa ngũ cốc. Đây là một truyền thống được bắt đầu từ thời kỳ Heian, đã trở thành một trong những hoạt động tế tự cố định trong Hoàng cung.
Lễ thành nhân – Seijin no hi
Ngày Thành Nhân diễn ra vào ngày thứ Hai của tuần thứ hai trong tháng Giêng hàng năm. Năm nay ngày Thành Nhân rơi vào ngày mùng 9 tháng Giêng. Ngày 01/04/2022, Nhật Bản hạ độ tuổi trưởng thành từ 20 xuống 18 tuổi. Nghi lễ này được đặt ra từ năm 1948, cho đến ngày 15 tháng Giêng năm 1999. Sau khi các luật liên quan được sửa đổi vào năm 2000, ngày này được đổi thành ngày thứ Hai của tuần thứ hai trong tháng Giêng hàng năm.
Để chúc mừng những người thành nhân mới tròn 18 tuổi, hàng năm chính quyền địa phương tổ chức lễ mừng long trọng, đồng thời tổ chức các buổi diễn thuyết, liên hoan và tặng quà… Những người thành nhân mới được mời đến dự đều ăn mặc xinh đẹp, vui vẻ, có thể là lắng nghe lời dạy bảo của bậc tiền bối, hoặc là tự cảm thấy trách nhiệm của người trưởng thành.
Ở Nhật Bản, việc tổ chức lễ trưởng thành đã có từ xa xưa. Đàn ông mặc “Nguyên phục” (Hakama), trong khi phụ nữ mặc “Thường phục” (Kimono Furisode) và “vấn tóc”. Nhưng lễ Thành Nhân được thực hiện như hiện nay lại được bắt nguồn từ ngày 22/11/1946. Vào thời đó, sau khi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, khắp nơi đều là cảnh hoang tàn, xã hội có rất nhiều mặt cần phải bắt đầu khôi phục. Để khuyến khích thế hệ thanh niên gánh vác tương lai, vì thế ông Takahashi Shoujirou, trưởng đoàn thanh niên thành phố Warabi, tỉnh Saitama, đề nghị tổ chức lễ Thanh niên tại địa phương. Kể từ đó, lễ này đã phát triển thành ngày lễ Thành nhân của hiện đại, đồng thời phổ biến khắp toàn quốc. Chính phủ Nhật Bản cũng đáp ứng với tình thế, căn cứ theo quy định ngày lễ được ban bố vào năm 1948, đã quyết định từ năm 1949 trở đi lấy ngày 15 tháng Một làm ngày Lễ Thành Nhân.
Theo quy định điển phạm của Vương thất, độ tuổi thành nhân của Thiên Tử, Thái Tử, Thái Tôn đều là 18 tuổi giống như dân thường. Chiếu theo sự khác biệt về thân phận, mà nội dung cử hành lễ Thành Nhân của Vương thất, Vương tộc có sự khác nhau.
Ngày Thành Nhân của Nhật Bản bắt nguồn từ Quán lễ (lễ đội mũ) của Trung Quốc, còn được gọi là Nguyên Phục, đối với nữ được gọi là Kê Lễ. Trong “Lễ Ký – Quán Nghĩa” ghi: “Dĩ quán nhi tự chi, thành nhân chi đạo dã” (tạm dịch: Làm lễ đội mũ đặt tên tự, ý nói là đã trưởng thành vậy). Thời nhà Chu, tuổi thực hiện Quán lễ của các sĩ đại phu là 20 tuổi, các Vương công là 15 tuổi, Văn Vương 20 tuổi làm Quán lễ. Lễ Thành Nhân, không chỉ là một nghi thức, mà cũng là một sự ước thúc, một phần thệ ước, thông qua nghi thức này, các nam nữ thanh niên sẽ ý thức được rằng: Bản thân đã trở thành người trưởng thành, gánh vác những trách nhiệm xã hội tương ứng nhằm bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với sự phồn vinh, an ninh của xã hội.
Tân tuế ngẫu cảm
Vô ngân hạo vũ, hạo phồn quần tinh.
Hoàn cầu tuy miểu, vân vân chúng sinh.
Bách quốc thiên triêu, văn hóa vạn chủng.
Đại hòa thân hạ, cộng thừa cổ phong.
Thiên niên chính đạo, ẩn vu đông doanh.
Phủ cực thái lai, vạn tượng hanh thông.
Tạm dịch:
Cảm xúc năm mới
Vũ trụ mênh mang, vô vàn sao trời.
Hoàn cầu tuy nhỏ, muôn nghìn chúng sinh.
Trăm quốc ngàn triều, văn hóa vạn chủng.
Đại Hòa (Nhật Bản) dòng dõi Hoa Hạ, cùng kế thừa nếp xưa.
Ngàn năm chính đạo, ẩn ở Đông Doanh.
Bỉ cực thái lai, vạn tượng hanh thông.