Phong trào hạn chế rượu và sức ảnh hưởng của phong trào này đối với Mỹ quốc
‘Đôi môi chạm vào rượu không bao giờ được chạm vào tôi’
Nhắc đến Lệnh Cấm, bất cứ ai quen thuộc với lịch sử Hoa Kỳ sẽ có thể nghĩ ngay đến thời kỳ Roaring Twenties (Những Năm 20 Gầm Vang), về những tay buôn rượu lậu bằng đường bộ và đường thủy, các quán bar bí mật, loại rượu tự chế gin bathtub, đặc vụ Eliot và ông trùm tội phạm Al Capone. Một số người có thể nhớ đến Tu Chính Án thứ 18 trong Hiến Pháp được ban hành vào năm 1919, là nền tảng để kiểm soát chặt chẽ thức uống có cồn, rượu và bia. Đạo luật Cấm Quốc gia năm 1919 còn gọi là Đạo luật Volstead, được đặt theo tên của một trong những người ủng hộ chính của luật này ở Quốc Hội, sau đó được thông qua để thi hành tu chính án này. Bị đổ lỗi là nguyên nhân làm gia tăng các băng đảng tội phạm ở Hoa Kỳ, và nhiều người Mỹ không vui vì những luật lệ hà khắc, do đó Tu chính án thứ 18 bị các tiểu bang bãi bỏ vào năm 1933.
Điều mà ít người có thể hiểu rõ là những động lực dẫn đến Lệnh Cấm Rượu có nguồn gốc sâu xa từ quá khứ của Hoa Kỳ. Những động lực này xuất hiện gần một thế kỷ trước đó, vào những năm 1820, và mặc dù phong trào hạn chế rượu có sự dao động nhiều lần cả về lượng thành viên lẫn tầm ảnh hưởng, nhưng nó vẫn tiếp tục trong suốt thế kỷ 19. Ban đầu là lời kêu gọi điều độ và sau đó là kiêng cữ sử dụng những thức uống có cồn.
Các sách giáo khoa lịch sử liệt kê nhiều động cơ khác nhau dẫn đến phong trào này. Quan điểm bài xích người nhập cư và chống Công Giáo, nông thôn không thích cư dân thành phố lớn, lòng nhiệt thành tôn giáo sinh ra từ Cuộc Đại Thức tỉnh lần Thứ Hai (cuộc phục hưng tôn giáo Tin Lành) thường được nhắc đến, và cũng có lẽ là đúng như vậy, trong các danh mục này.
Tuy nhiên xa hơn thế, động lực chính đằng sau phong trào cấm rượu lại gần gũi với gia đình hơn rất nhiều, bởi lẽ: Một lượng lớn những người chồng và người cha ở Hoa Kỳ uống rượu như hũ chìm.
Chìm trong men rượu
Khi bạn tìm kiếm trực tuyến cho câu hỏi “Có phải đàn ông Mỹ ở thế kỷ 19 uống rượu nhiều hơn thời nay không?”, thì các trang web sẽ nối tiếp nhau đưa ra câu trả lời khẳng định là đúng. Trang web của Kho Lưu trữ Quốc gia có bài viết với nhan đề “Spirited Republic” (Nền Cộng Hòa Tinh Thần), trong đó tác giả Bruce Bustard viết: “Vào năm 1790, chúng ta đã tiêu thụ trung bình 5.8 gallons (khoảng 22 lít) rượu nguyên chất hàng năm đối với mỗi cá nhân ở độ tuổi được phép uống rượu. Vào năm 1830, con số đó tăng lên 7.1 gallons (khoảng 27 lít)! Thời nay thì trái ngược, người Mỹ chỉ tiêu thụ khoảng 2.3 gallons (khoảng 9 lít) rượu nguyên chất mỗi năm.” Lưu ý rằng “rượu nguyên chất” nghĩa là loại rượu có đến 99% độ cồn.
Thời đó, uống một ly bia vào bữa sáng, một ly tương tự hoặc một ly rượu mạnh vào bữa trưa, một ly nữa vào buổi chiều, hay việc uống rượu trong và sau bữa tối cũng không có gì là lạ. Nguồn cung cấp nước thường không bảo đảm vệ sinh, và thức uống có cồn có thể dễ dàng làm tại nhà. Những người nông dân thường tự chưng cất rượu từ bắp để sử dụng hoặc bán. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này là nguyên nhân dẫn đến Cuộc nổi loạn Rượu Whiskey (Whiskey Rebellion) vào năm 1794. Chính phủ của cựu Tổng thống George Washington đã dập tắt thành công hành động đe dọa quyền lực liên bang đầu tiên này, dù bản thân ngài Washington khi đó cũng sở hữu và vận hành một trong những nhà máy chưng cất rượu lớn nhất Mỹ quốc ở Mount Vernon.
Văn hóa chìm trong men rượu này đã giải phóng một lực lượng phản kháng mạnh mẽ do những người phụ nữ dẫn đầu, cùng những hậu quả lớn hơn mà không ai có thể tưởng tượng được vào thời đó.
Một đội quân xuất hiện vào tháng ba
Việc phụ nữ chủ trì và tham gia với số lượng như vậy trong phong trào hạn chế rượu bia là xuất phát từ sự hội tụ của nhiều lực lượng. Nhiều mục sư đã cầu nguyện cho các nỗ lực này và khuyến khích nữ giới tham gia. Thêm nữa, phụ nữ và con của họ cũng là nạn nhân khi những người chồng đi uống rượu thường xuyên. Một kẻ say xỉn có thể mang theo sự ngược đãi về nhà và trút lên gia đình mình. Người công nhân nhà máy tiêu hết tiền lương vào quán rượu, hay người nông dân trong trạng thái mụ mị không thể làm việc trên các cánh đồng — đã gây tổn hại không chỉ với sức khỏe của chính họ mà còn với phúc lợi tài chính của gia đình họ nữa.
Song song với các cuộc phục hưng tôn giáo do các giáo sĩ Lyman Beecher và Charles Finney lãnh đạo là các phong trào chống rượu bia đầu tiên. Vào năm 1831, có 24 nhóm phụ nữ chống rượu bia nổi lên khắp cả nước. Trong vòng 20 năm, hàng trăm tổ chức địa phương ủng hộ việc uống rượu có điều độ hoặc yêu cầu cấm rượu hoàn toàn. Các thành viên diễn hành trên đường phố, cầu nguyện trước quán rượu, phân phát các tờ rơi và bản tin, đồng thời hát các bài hát và hô các câu khẩu hiệu như “Đôi môi chạm vào rượu không bao giờ được chạm vào chúng tôi,” bắt nguồn từ bài thơ của tác giả, nhà biên tập Harriet A. Glazebrook (một người ủng hộ phong trào hạn chế rượu).
Dần dần, những nỗ lực của họ cũng được đền đáp, lượng tiêu thụ bia, rượu và thức uống có cồn đã giảm đáng kể. Ở nhiều nơi, người Mỹ ký vào các bản cam kết hạn chế rượu bia, kiêng uống rượu, và vì vậy họ đã gia nhập vào nhóm gọi là “Cold Water Army” (Đội quân Nước lọc).
Cuối năm 1873, “bác sĩ” Dio Lewis ở thành phố Boston (ông chưa từng được cấp giấy phép hành nghề y) đã có bài diễn thuyết đầy thuyết phục ở nhà thờ Baptist trong ngôi làng Fredonia, New York, công kích việc “kinh doanh rượu” và kêu gọi những người phụ nữ trong nhà thờ tổ chức chống lại việc đó. Dưới sự hưởng ứng nhiệt tình — hơn 300 người đàn ông và phụ nữ đã gặp nhau tại nhà thờ vào sáng thứ Hai tuần sau đó — và thành lập tổ chức Woman’s Christian Temperance Union (WCTU – Liên minh Hạn chế rượu thuộc Công Giáo) của những người phụ nữ có quyền lực chính trị, nhằm phản đối các quán rượu và đồ uống có cồn, đồng thời đề cao các giá trị gia đình.
Trong số tất cả những cá nhân gắn liền với phong trào hạn chế rượu và với tổ chức WCTU, thì nổi tiếng nhất, và chắc chắn nổi bật nhất, là bà Carrie Nation (1846-1911).
‘Bà ngoại Búa rìu’
Vào mùa hè năm 1900, sau khi lựa chọn cẩn thận những hòn đá mà bà cho là lý tưởng để ném, bà Carrie Nation đã mang theo vũ khí này rồi lái chiếc xe con bọ của mình vào thị trấn Kiowa, tiểu bang Kansas, và làm choáng váng cả thị trấn bằng việc đập phá ba quán rượu, ném đá vào cửa kính và những chai rượu, rồi dùng những quả bóng bi-da để ném sau khi hết đá. Bởi vì các quán rượu này đều hoạt động phi pháp, nên bà không bị buộc tội.
Sau đó, bà làm điều tương tự với các quán rượu khác, thỉnh thoảng bà dùng một chiếc rìu để đập phá các cơ sở này. Bà bị bắt giữ hơn 30 lần, trải qua nhiều đêm ngủ trong nhà giam, và nhiều lần bị phạt. Bằng việc diễn thuyết và bán các món quà lưu niệm về chủ đề cấm rượu, gồm cả các bản sao chiếc rìu nổi tiếng của mình, bà Nation đã kiếm được tiền để chi trả cho các khoản nợ.
Một số người xem bà Nation là nữ anh hùng trong khi một số khác gọi bà là “quý bà điên”; chính danh hiệu thứ hai đã phủ bóng tối lên bà cho tới ngày nay. Tuy nhiên như ông Mark Schrad đã viết trong bài báo đáng ngưỡng mộ của mình là “Hatchet Nation” (Bà Nation Búa Rìu) rằng, ở nhiều phương diện, lịch sử đã thất bại khi đánh giá về bà. Giống như nhiều người khác tham gia vào phong trào hạn chế bia rượu, chồng của bà Nation qua đời vì nghiện rượu và bỏ lại bà trong sự nghèo khó. Trong một giai đoạn của cuộc đời, khi bà tình nguyện làm nhà truyền giáo trong tù, bà đã hỏi từng tù nhân rằng điều gì khiến họ phạm tội, thì phần lớn đều dẫn đến câu trả lời không thể tránh khỏi là: “Uống rượu.” Cuối cùng, bà ít trông cậy hơn vào hệ thống chính trị để tìm kiếm sự thay đổi. Khi chính phủ tham nhũng thỉnh thoảng vẫn dung túng cho những quán rượu và nhà máy chưng cất rượu bất hợp pháp, rồi sau đó bắt giam bà vì tội phá hoại quán rượu, bà Nation sẽ hét lên rằng, “Các người không cho tôi sử dụng lá phiếu, vậy thì tôi sẽ sử dụng tảng đá!”
Ngoài việc ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ và làm mục vụ trong nhà tù, bà Nation còn tổ chức các đợt phân phát lương thực và quần áo cho người nghèo, thành lập nơi trú ẩn cho những phụ nữ bị ngược đãi, và mở “Hatchet Hall” (Tòa nhà Búa rìu) ở tiểu bang Arkansas, nơi bà chăm sóc người cao niên và phụ nữ bị bạo hành cùng con cái của họ.
Tầm ảnh hưởng lan rộng
Theo những cách nhất định, công việc và những cam kết của bà Carrie Nation đối với nhiều mục đích khác nhau đã cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của phong trào hạn chế rượu bia trong lịch sử Mỹ quốc. Giống như bà, một số phụ nữ đi đầu trong nỗ lực chống lại ma men bắt đầu tham gia vào chủ nghĩa bãi nô, quyền phụ nữ, giúp đỡ người nghèo, và giành quyền bầu cử cho phụ nữ.
Chúng ta có thể thấy sự mở rộng cam kết này trong quan điểm “Do Everything” (Làm Tất Cả Mọi Thứ) và những hành động của bà Frances Willard (1839-1898), chủ tịch thứ hai của tổ chức WCTU. Được WCTU thông qua vào năm 1882, chính sách “Do Everything” của bà Willard cho phép các giáo hội địa phương giải quyết các vấn đề xã hội và chính trị khác theo mong muốn của họ. Ví dụ, một giáo hội bảo thủ có thể phản đối Lá phiếu Bảo vệ Gia đình (lá phiếu của phụ nữ), nhưng vẫn có thể tồn tại bên cạnh giáo hội ủng hộ việc đó. Bản thân bà Willard ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ nhưng vẫn muốn WCTU duy trì sự tập trung vào trận chiến chống bia rượu và xây dựng cuộc sống gia đình.
Từ đó, theo nhiều cách, phong trào cấm rượu bia là khởi thủy của tất cả các phong trào xã hội tương tự mà phụ nữ thời nay thường dẫn đầu. Chẳng hạn, các nhóm như Enough Is Enough (Đủ Rồi Đấy) tìm kiếm cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn thông qua việc giáo dục an toàn cho trẻ em trên mạng internet và bảo vệ các em khỏi những kẻ săn mồi trực tuyến, và cũng như tất cả các tổ chức tương tự, họ nợ những người phụ nữ thời xưa một lời cảm ân vì sự tồn tại của mình.
Và một lưu ý cuối cùng: Liên minh Hạn chế rượu thuộc Công Giáo của Phụ nữ (WCTU) vẫn tồn tại cho đến thời nay. Như chính trang web này tuyên bố, “WCTU là tổ chức của phụ nữ hoạt động liên tục và lâu đời nhất trên thế giới.” Trang web này cũng chia sẻ với chúng ta rằng “WCTU sẽ vẫn tiếp tục công việc giáo dục về tác hại của rượu và các chất gây nghiện khác. WCTU làm việc để bảo vệ các gia đình khỏi tất cả những ảnh hưởng tiêu cực bằng chính sách ‘Do Everything’ của mình.”
Vào năm 2017, WCTU được đề cử giải Nobel Hòa Bình.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times