Một cuốn sách phải đọc cho người yêu nước: ‘Báo cáo năm 1776’
Mùa thu vừa qua, cựu Tổng thống Donald Trump đã thành lập Ủy ban 1776, giao cho các thành viên nhiệm vụ “nuôi dưỡng một nền giáo dục tốt hơn cho người Hoa Kỳ theo các nguyên tắc và lịch sử của quốc gia chúng ta”. Ngày 18/01, Ủy ban đã phát hành “1776 Report” (Báo cáo năm 1776).
Ngày 20/01, trong ngày đầu tiên nhậm chức, tân Tổng thống đắc cử Joe Biden đã ký một sắc lệnh giải tán Ủy ban và thu hồi lại báo cáo. Trước đó, một số thành viên cấp tiến đã rất phẫn nộ với bản báo cáo này. Bài viết từ tờ Chicago Tribune dưới đây chỉ là một ví dụ về các cuộc chỉ trích kiểu này:
“Trong báo cáo mà ông Trump hy vọng sẽ được sử dụng trong các lớp học trên toàn quốc, Ủy ban đã tôn vinh những người sáng lập đất nước, hạ thấp trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với chế độ nô lệ, lên án sự trỗi dậy của chính trị cấp tiến và lập luận rằng phong trào dân quyền đã vi phạm ‘lý tưởng cao cả’ được các Tổ phụ Lập quốc tán thành.”
“Ban hội thẩm, chẳng bao gồm nhà sử học chuyên nghiệp nào của Hoa Kỳ, đã phàn nàn về ‘những hệ tư tưởng thời thượng và sai lầm’ vốn mô tả câu chuyện của đất nước theo kiểu ‘sự áp bức và nạn nhân’. Thay vào đó, ban hội thẩm kêu gọi những nỗ lực mới để bồi dưỡng ‘một tình yêu chân thật và dũng cảm cho đất nước chúng ta.’”
Tờ báo trích dẫn sự phản đối của một số nhà sử học của các trường đại học, một trong số họ mô tả bản báo cáo là “một kiểu tiếp cận lịch sử lớp sáu hoặc lớp bảy để làm cho bọn trẻ cảm thấy dễ chịu”.
Vì vậy, tôi quyết định đọc “Báo cáo năm 1776”, quý vị có thể tìm thấy trên trang web của Trường Cao đẳng Hillsdale. Và sau đây là những điều tôi đã tìm thấy.
Tầm nhìn về quá khứ và hiện tại
Báo cáo bắt đầu bằng cách lưu ý rằng mục đích của Ủy ban là “tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hiểu được lịch sử, các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ và cố gắng hình thành một Liên minh hoàn hảo hơn.” Sau đó, Ủy ban cho biết thêm: “Điều này đòi hỏi phải khôi phục lại nền giáo dục Hoa Kỳ,” và “khám phá lại bản sắc chung bắt nguồn từ các nguyên tắc lập quốc của chúng ta…”.
Trong các đoạn còn lại của Lời giới thiệu này, các tác giả đề cập đến sự chia rẽ hiện tại ở Hoa Kỳ, thừa nhận rằng Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng sống theo lý tưởng của mình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu các tài liệu và lịch sử đằng sau quá trình lập quốc của Hoa Kỳ. Bằng cách làm như vậy, họ cho rằng một sinh viên có nền tảng về những khái niệm này sẽ “trở thành một người tốt hơn, một công dân tốt hơn và một đối tác tốt hơn khi Hoa Kỳ thử nghiệm một nền chính phủ tự trị (self-government).”
Nếu chúng ta đọc Lời giới thiệu này, chúng ta thấy rằng các tác giả quan tâm đến việc truyền đạt kiến thức về lịch sử Hoa Kỳ cho học sinh và toàn bộ chúng ta, đồng thời làm sống lại tình yêu đối với Giấc mơ tự do và công lý của Hoa Kỳ.
Nguyên tắc lập quốc
Trong hai phần tiếp theo của báo cáo, Ủy ban phân tích sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp. Trong những trang này, các thành viên của Ủy ban cung cấp cho chúng ta những thông tin súc tích và rõ ràng về lịch sử của những văn bản này, trích dẫn câu chuyện về những người Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn, từ các Tổ Phụ Lập Quốc cho đến Martin Luther King Jr.
Tôi đã đọc rất nhiều về lịch sử trong suốt cuộc đời mình — tôi học chuyên ngành lịch sử ở trường đại học và sau đó hoàn thành hai năm nghiên cứu sau đại học — và tôi bối rối trước những người chỉ trích “Báo cáo năm 1776” là sơ sài. Ủy ban trình bày lịch sử của cả Tuyên ngôn và Hiến pháp một cách xuất sắc, vì tính chi tiết, sự ngắn gọn và sự thấu hiểu được những khó khăn mà các Tổ phụ phải đối mặt khi lập quốc.
Ở đây, tôi có thể kết luận rằng những kẻ chỉ trích này đã nổi giận vì Ủy ban kiên quyết bảo vệ những nền tảng của quyền tự do, bao gồm cả những lời giải thích liên quan đến Tu chính án thứ nhất và thứ hai của chúng ta cũng như việc sử dụng từ “những người yêu nước.”
‘Quyền lợi’ của Nhóm
Các trang đầu tiên của phần tiếp theo, “Những thách thức đối với các nguyên tắc của Hoa Kỳ” (Challenges to America’s Principles), đề cập đến chế độ nô lệ.
Về chế độ nô lệ, “Báo cáo năm 1776” đề cập đến sự lên án chế độ nô lệ của những người đàn ông như John Adams — “một sự lây nhiễm xấu xa trong tính cách con người” — và thậm chí của Thomas Jefferson, người mà Ủy ban lưu ý là đã sử dụng nô lệ, rằng: “Tôi run sợ cho đất nước của tôi khi tôi nghiệm ra rằng Đức Chúa Trời là công bình; rằng công lý của Ngài không thể ngủ yên mãi mãi”.
Báo cáo cũng nêu rõ: “Nền Cộng hòa của chúng ta đã gieo mầm cho cái chết của chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. Tuyên bố chưa đủ chặt chẽ trong Tuyên ngôn Độc lập về quyền bình đẳng của con người hoàn toàn đối lập với sự tồn tại của thân phận nô lệ, và những thỏa hiệp trong Hiến pháp được hiểu theo mệnh đề đó đã tạo tiền đề cho việc bãi bỏ chế độ này.”
Hoa Kỳ chấm dứt chế độ nô lệ thông qua một cuộc nội chiến đẫm máu, cuối cùng đã gạt bỏ đạo luật Jim Crow nghiệt ngã, và giờ đây Hoa Kỳ là nơi sinh sống của người dân từ các quốc gia trên khắp thế giới. Chúng ta không bao giờ có thể sống trong một thế giới hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể tự hào một cách chính đáng về chặng đường dài thoát khỏi sự phân biệt chủng tộc và định kiến.
Nhưng như báo cáo nêu rõ: “Tuy nhiên, thiệt hại do việc phủ nhận các nguyên tắc cốt lõi của Hoa Kỳ và việc cố gắng thay thế chúng bằng các lợi ích nhóm dường như lại rất sâu rộng và lâu dài. Quả thật, những thứ này là gốc rễ trực tiếp của một số lý thuyết phá hoại ngày nay, đã gây chia rẽ dân tộc và xé nát cơ cấu đất nước chúng ta.”
Kìm hãm Tự do
Trong phần còn lại của “Những thách thức đối với các nguyên tắc của Hoa Kỳ”, những tác giả đã nhìn vào chủ nghĩa cấp tiến, nền chính trị bản sắc, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Họ đưa ra một bản tóm tắt tuyệt vời về hai hệ tư tưởng đó, rất nhiều người dân Hoa Kỳ đã đổ máu để chiến đấu chống lại chúng trong hàng tá các cuộc chiến tranh. Họ chỉ ra rằng các nguyên tắc Hoa Kỳ của chúng ta hoàn toàn trái ngược với không chỉ các hệ thống độc tài toàn trị thất bại đó mà còn với các tư tưởng về chủ nghĩa cấp tiến và “các giai cấp được bảo vệ ngày nay dựa trên chủng tộc và các nhóm nhân khẩu học khác.” Các tác giả cho rằng sự xâm nhập của chính trị bản sắc vào chính phủ và diễn đàn công cộng làm suy giảm quyền tự do cá nhân và gia tăng sự chia rẽ gay gắt ngày nay giữa những người dân.
Họ cũng lưu ý sự phát triển của một bộ máy quan liêu liên bang rộng lớn của Hoa Kỳ trong thế kỷ qua: “Chính phủ ngầm này không bao giờ được bầu qua các cuộc bầu cử và hoạt động hầu như không có sự giám sát và cân bằng [quyền lực]. Những Tổ phụ của chúng ta luôn phản đối những chính phủ không chịu trách nhiệm trước người dân và không có sự kiềm chế của Hiến pháp, nhưng điều đó vẫn đang tiếp diễn xung quanh chúng ta.”
Tấn công tổ chức mà một số người gọi là Nhà nước Ngầm (Deep State), không có gì ngạc nhiên khi “Báo cáo năm 1776” phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích như vậy.
Xa rời Trí tuệ thực sự
Tuy nhiên, chính phần cuối cùng, “Nhiệm vụ Đổi mới Quốc gia” (The Task of National Renewal), chắc chắn đã dẫn đến sự phản đối dữ dội và xóa sổ nhanh chóng “Báo cáo năm 1776”. Ví dụ, ở đây, những người viết nói nhiệm vụ của các trường đại học hiện nay là “điểm nóng của chủ nghĩa chống Hoa Kỳ, của sự phỉ báng và kiểm duyệt, những điều này kết hợp với nhau để tạo ra trong sinh viên và cả nền văn hóa nhẹ nhất là sự khinh bỉ và tệ nhất là sự căm ghét hoàn toàn đối với đất nước này.”
Cũng tại đây, điều làm tôi ngạc nhiên, Ủy ban nhấn mạnh vai trò của gia đình là “người thầy đầu tiên”, đề xuất các cuộc thảo luận trong bữa tối về quyền tự do, và tuyên bố rằng “khi các gia đình cùng nhau cầu nguyện, họ cùng nhau thừa nhận sự phù hộ của Đức Chúa Trời Toàn năng, Đấng đã ban cho họ quyền tự do thiêng liêng.” Lần cuối cùng chúng ta nghe thấy một cơ quan chính phủ bày tỏ những ý kiến như vậy là khi nào?
Một điều đẹp đẽ
Trong bài báo trên Breitbart có tiêu đề “Bản báo cáo năm 1776 của ông Trump là một điều kỳ diệu” (Trump’s 1776 Report Is a Marvel), James Delingpole viết: “Bản báo cáo năm 1776 do Ủy ban Cố vấn 1776 của Tổng thống Trump tạo ra là một thứ mang vẻ đẹp, phẩm giá và sự uyên bác đến mức khiến tôi ước mình là người Hoa Kỳ, chứ không phải người Anh.”
Sau đó, ông ấy trích đoạn từ báo cáo:
“Trở thành một người Hoa Kỳ có nghĩa là một cái gì đó cao quý và tốt đẹp. Nó có nghĩa là quý trọng tự do và đón nhận sức sống của một nền tự trị. Chúng ta được định hình bởi vẻ đẹp, lòng rộng lượng và sự hoang sơ của lục địa chúng ta. Chúng ta đoàn kết với nhau bởi vinh quang của lịch sử. Và chúng ta khác biệt bởi tinh thần Hoa Kỳ là sự cởi mở, trung thực, lạc quan, quyết tâm, hào phóng, tự tin, tốt bụng, chăm chỉ, dũng cảm và hy vọng. Các nguyên tắc lập quốc của chúng ta không tạo ra những đức tính này, nhưng các nguyên tắc đã đặt nền tảng cho chúng phát triển, mở rộng và đưa Hoa Kỳ trở thành một quốc gia công bằng và vinh quang nhất trong lịch sử.”
Gần cuối bản báo cáo, chúng ta thấy những dòng chữ này: “Khi chúng ta trân trọng Hoa Kỳ vì đúng những gì của Hoa Kỳ, chúng ta biết rằng Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta đáng được bảo tồn, Hiến pháp của chúng ta đáng được bảo vệ, đồng bào đáng được yêu thương và đất nước của chúng ta đáng để chiến đấu.”
Bằng cách bãi bỏ Ủy ban năm 1776 và xóa sổ bản báo cáo này, Joe Biden có đọc nó không? Và chính quyền của ông đã vạch ra một ranh giới trên cát. Một bên là tất cả những người yêu nước, theo đuổi tự do và công lý theo luật pháp. Phía bên kia là những người phủ nhận các nguyên tắc lập quốc của đất nước và đang hành động để xóa bỏ chúng.
Hãy đọc “Báo cáo năm 1776”. Xem bạn nghĩ gì.
Ngoài phiên bản trực tuyến của Trường Cao đẳng Hillsdale, Encounter Books (một nhà xuất bản ủng hộ tự do và những thành tựu của nền văn minh phương Tây) sẽ sớm xuất bản Báo cáo năm 1776 dưới dạng sách, bao gồm lời nói đầu của những người đứng đầu Ủy ban, trích dẫn cuối sách và chú thích cuối trang.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times