Phong trào ‘Chúng ta tin vào Thượng Đế’ tìm cách hàn gắn một quốc gia đang rạn nứt
Một sáng kiến tại Ohio chung tay vào hành động nỗ lực của quốc gia
Một ngày tháng Tư, ông Dan Regenold đang ngồi tại bàn, trên tay cầm tờ 1 dollar thì dòng chữ “Chúng ta tin vào Thượng đế” (“In God we trust”) ở mặt sau dường như nhảy ra khỏi tờ tiền.
Ông Regenold bắt đầu tự hỏi: Đã bao nhiêu lần ông—và rất nhiều người Mỹ khác—nhìn vào tiền tệ của Hoa Kỳ mà không hề suy xét thêm về câu tiêu ngữ này của đất nước chúng ta?
“Tôi cảm giác như có ai đó vỗ nhẹ vai tôi và nói rằng, ‘Này, hãy suy ngẫm kĩ hơn về điều này,’” ông Regenold nói với The Epoch Times. Ông là thành viên hội đồng quản trị của EmpowerU America, một “trường đại học” bất vụ lợi cung cấp các buổi hội thảo giáo dục miễn phí gần Cincinnati, Ohio.
Ý tưởng chuyển thành hành động
Hồi tháng Chín, ông Regenold và EmpowerU khởi động dự án “Chúng ta tin vào Thượng Đế”, tìm cách đưa các bản sao đóng khung có in câu tiêu ngữ quốc gia vào các trường học ở Ohio.
Dự án này được cho là dự án duy nhất tại Ohio hoạt động nhắm đến việc quảng bá tiêu ngữ trên khắp cả nước, theo chân các chiến dịch tương tự trong nhiều năm qua. Đôi khi, các tranh cãi nảy sinh ngay cả khi những người thúc đẩy [dự án] coi phương châm này là một cầu nối hàn gắn sự chia rẽ ý thức hệ của nước Mỹ.
Ở cả Ohio và Texas, luật pháp tiểu bang yêu cầu các trường phải trưng bày các bảng hiệu được quyên tặng có dòng chữ “Chúng ta tin vào Thượng Đế” — miễn là nó hội đủ các điều kiện cụ thể. Luật Texas mới chỉ áp dụng được một năm. Mùa hè năm nay, ông Regenold rất ngạc nhiên khi biết rằng tiểu bang Ohio cũng có luật [quy định như vậy] từ năm 2006; ông tin rằng nó hầu như không được chú ý trong những năm gần đây.
Trong khi đó, tại California, từ năm 2002, có một phụ nữ đã kiên trì theo đuổi việc vận động các tòa nhà chính phủ trên khắp nước Mỹ treo tiêu ngữ quốc gia.
Chủ nghĩa ái quốc ở Bờ Tây
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 26/10, bà Jacquie Sullivan nói rằng tổ chức bất vụ lợi In God We Trust America Inc. của bà đã ghi nhận được 753 “chiến thắng” trong đó các chính quyền địa phương bỏ phiếu ủng hộ việc trưng bày [các khung in tiêu ngữ] như vậy.
Người phụ nữ 82 tuổi đã nghỉ hưu Sullivan bắt đầu sứ mệnh của bà tại thành phố Bakersfield, California, nơi bà đã phục vụ 25 năm trong hội đồng thành phố. Năm 2001, sau khi nghe về một cuộc biểu tình phản đối tiêu ngữ “Chúng ta tin vào Thượng Đế” ở Bờ Đông tại một tòa nhà công cộng, bà Sullivan rất bất bình. Bà quyết định hành động từ quê hương Bờ Tây của mình.
Năm tiếp theo, những người biểu tình đã kéo đến thành phố Bakersfield, nằm giữa Fresno và Los Angeles để phản đối đề xuất treo khung in tiêu ngữ tại tòa thị chính của bà Sullivan.
Tuy vậy, bà Sullivan và các đồng nghiệp tại hội đồng thành phố đã bỏ phiếu “đồng ý” để công khai đề cao câu tiêu ngữ này.
Theo báo cáo của bà Sullivan, trong hai thập niên kể từ đó, 147 thành phố và quận ở California đã hưởng ứng đề xuất này. Bà nói thêm: “Nếu chúng ta làm được ở California, thì điều này có thể làm được ở bất kỳ đâu.”
Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng Hòa đều có đức tin
Đức tin vào Thượng Đế là một điều hiếm hoi vượt qua ranh giới đảng phái chính trị, bà Sullivan nói. Tuy tự xưng là một người theo phái bảo tồn truyền thống, bà chỉ ra rằng dường như, ở mọi nơi, khẩu hiệu “Chúng ta tin vào Thượng Đế” đều nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng.
Năm 2011, Hạ viện Hoa Kỳ tái khẳng định “Chúng ta tin vào Thượng Đế” là tiêu ngữ quốc gia, khuyến khích trưng bày công khai [khung in tiêu ngữ] “tại mọi tòa nhà công cộng, trường học công lập, và các cơ quan chính phủ.” Ý kiến được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 396-9.
“Quý vị có thể nghĩ ra được bất kỳ điều gì ngày nay mà có được chiến thắng lưỡng đảng vang dội như vậy tại Quốc hội hay không?” bà Sullivan đặt câu hỏi.
Trong Nghiên cứu về Bối cảnh Tôn giáo năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng 83% người được hỏi “chắc chắn” hoặc “khá chắc chắn” rằng họ có đức tin vào Thượng Đế.
Bà Sullivan nói: “Tôi tự hào và có ý muốn nói rằng tiêu ngữ của chúng ta vốn hướng đến tính bao hàm, phi đảng phái và không giới hạn trong một tôn giáo nào”. Đó là lý do bà tin rằng việc quảng bá câu tiêu ngữ này là “một trong những cố gắng đoàn kết [quốc gia] quan trọng nhất cần phải tiếp tục ở đất nước chúng ta.”
Bà Sullivan ủng hộ cho các sáng kiến tại Texas và Ohio; bà mong muốn nhìn thấy câu tiêu ngữ này xuất hiện tại hàng trăm không gian công cộng nữa, “từ phòng học đến phòng xử án”.
The Epoch Times đưa tin hồi tháng Tám rằng, tại Texas, một số người phản đối việc treo tiêu ngữ trong trường học. Họ coi đây là một sự thâm nhập của tôn giáo vào môi trường công cộng, phi giáo hội,.
Học thuyết Nhà nước-Giáo hội bị hiểu sai?
Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Sullivan, việc sử dụng câu tiêu ngữ trong không gian công cộng không vi phạm học thuyết “tách biệt giữa nhà nước và giáo hội” thường được nhắc đến. Đối với bà: “Học thuyết này là nhằm giữ cho nhà nước không can thiệp vào tôn giáo; không phải nhằm ngăn cản tôn giáo can thiệp vào nhà nước.”
Thêm nữa, bà Sullivan cho rằng câu tiêu ngữ quốc gia không định rõ “Thượng Đế” nghĩa là gì; tùy thuộc vào sự diễn giải của mỗi cá nhân.
Ông Regenold cho biết sau khoảnh khắc đầy cảm hứng đó tại văn phòng của mình, ông đã nghiên cứu lịch sử của tiêu ngữ và phát hiện ra nó gắn liền với lịch sử nước Mỹ.
‘Ike’ quảng bá tiêu ngữ
Mặc dù từ năm 1864, Quốc hội đã chấp thuận sử dụng câu “In God We Trust” để in lên đồng xu, nhưng phải mất thêm 92 năm nữa để những dòng chữ này được lựa chọn trở thành câu tiêu ngữ chính thức của quốc gia.
Tổng thống Dwight Eisenhower đã thực hiện một bước đi theo hướng đó khi ông nói chuyện trên đài phát thanh vào năm 1954. Ông tuyên bố: “Với đức tin vào Thượng Đế, và nhờ đức tin vào chính họ là con cái của Ngài, tổ tiên của chúng ta đã thiết lập và xây dựng nên nền Cộng hòa.”
Ông Regenold cho biết Tổng thống Eisenhower coi đức tin vào Thượng Đế là “một đặc điểm thống nhất của trải nghiệm đậm chất Mỹ”. Người Mỹ thuộc các tôn giáo khác nhau có thể sử dụng các từ ngữ khác nhau trong lời cầu nguyện và thánh ca của họ, nhưng họ có chung một nền tảng: tin tưởng vào Thượng Đế.
Vì vậy, Tổng thống Eisenhower đã thúc đẩy để có những từ, “dưới lòng Thượng Đế”, được đặt vào Lời Thề Trung Thành Với Tổ Quốc. Hai năm sau, vào năm 1956, Tổng thống Eisenhower đã ký một luật chính thức chỉ định tiêu ngữ quốc gia “Chúng ta tin vào Thượng Đế”.
Ông Regenold đã chuẩn bị một bản tóm tắt về lịch sử của tiêu ngữ và dán nó vào một tấm bảng đi kèm với các bích chương đóng khung của “Chúng ta tin vào Thượng Đế”, mà các nhà tài trợ quyên tặng.
“Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu kết hợp học lịch sử với [tiêu ngữ] và biến nó thành một cơ hội học tập cho các học sinh,” ông Regenold nói.
Ông Regenold chia sẻ, trong vòng hơn một tháng, các bức bích chương trang trí trên các bức tường yêu nước đã được gửi đến 28 khu học chánh ở Ohio, tất cả đều được quyên tặng bởi các nhà tài trợ.
Những người muốn quyên tặng một tấm bích chương và tấm bảng có thể chọn từ bốn mẫu thiết kế trên trang web của dự án In God We Trust. của EmpowerU.
Ông Regenold sở hữu một doanh nghiệp sản xuất khung có tên là Frame USA, nơi cung cấp các bích chương “với giá gốc”, ông nói. Mỗi tấm bích chương có giá khoảng từ 90 đến 105 USD, bao gồm cả phí vận chuyển đến trường, ông Regenold cho biết.
Ông nói, cho đến nay, sáng kiến này chỉ tạo ra những phản hồi tích cực.
Biểu trưng của ‘số đông im lặng’
Bà Helga Silven, sinh viên tốt nghiệp năm 1973 của Trường Trung học Clermont Northeastern ở quận Clermont, tiểu bang Ohio, đã quyên tặng một trong những tấm bích chương đóng khung cho trường cũ của bà để chờ đợi cuộc hội ngộ lớp học lần thứ 50 của bà vào năm tới.
Bà Silven, hiện đang sống ở bên kia sông Ohio ở Bellevue, tiểu bang Kentucky, đã tham gia các chương trình của tổ chức EmpowerU được vài năm.
Sau khi được biết thông tin về dự án “Chúng ta tin vào Thượng Đế” của tổ chức này, bà quyết định trở thành nhà tài trợ.
Bà chia sẻ với The Epoch Times: “Tôi nghĩ rằng nhiều trường học đang ngày càng rời xa các giá trị truyền thống của Lời Thề Trung Thành Với Tổ Quốc, bài Quốc ca — tất cả những điều như vậy, những điều mà chúng ta trân quý,”. “Tôi chỉ muốn đưa chúng lên đằng trên một chút.
Bà hy vọng rằng dự án tiêu ngữ quốc gia của Ohio sẽ phát triển hơn nữa.
Bà nói: “Rất nhiều người cảm thấy rằng Thượng Đế đã bị đẩy khỏi các trường học trong một thời gian rất, rất lâu rồi, và đây là một cách để đưa điều đó trở lại các trường học của chúng ta,”.
Bà Silven nói, một “thiểu số ít ỏi” đã rất lớn giọng phản đối các giá trị truyền thống của Mỹ.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times