Phong trào chống ESG đạt được động lực
Chỉ một vài năm sau khi tuyên bố rằng “rủi ro khí hậu là rủi ro đầu tư” và yêu cầu các tập đoàn phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nhất định, ông Larry Fink, chủ tịch và giám đốc điều hành của BlackRock, đang phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng. Ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho đầu tư bền vững cũng đang tỉnh ngộ trước thực tế phũ phàng hiện nay.
Ông Fink, người lãnh đạo công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã tuyên bố trong lá thư gửi khách hàng năm 2020 rằng ông sẽ đặt tính bền vững là trung tâm trong chiến lược đầu tư của mình và giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Tháng trước (09/2022), ông Fink đã nói về vai trò của công ty mình trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại một sự kiện của Clinton Global Initiative, và nhờ vậy đã nhận được những lời khen ngợi từ cựu Tổng thống Bill Clinton.
Ông Fink nói rằng “sự thay đổi kiến tạo đang diễn ra. … Chúng ta đang thấy bằng chứng hàng ngày rằng rủi ro khí hậu là rủi ro đầu tư. Và mọi người đang nhận ra điều đó.”
Nhưng không phải tất cả mọi người trong cộng đồng đầu tư đều đồng ý với ông Fink. Ví dụ, Strive Asset Management có trụ sở tại Ohio đã bắt đầu một cuộc thập tự chinh chống lại các nhà quản lý tài sản hàng đầu thế giới thúc đẩy đầu tư bền vững, thường được gọi là đầu tư vào môi trường, xã hội, và quản trị (ESG).
Do các ông Vivek Ramaswamy và Anson Frericks đồng sáng lập năm nay, công ty này đã trở thành người ủng hộ nổi bật nhất phong trào chống ESG.
Hồi tháng Tám, Strive đã ra mắt quỹ chỉ số đầu tiên của mình, Quỹ ETF Năng lượng Hoa Kỳ (DRLL), đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Mỹ. Trong vài tuần giao dịch đầu tiên, quỹ đã thu hút được hơn 300 triệu USD, mà Financial Times mô tả là “một thành công bắt mắt”. Tờ báo viết, cho đến nay, các quỹ ETF “chống phong trào thức tỉnh” khác đã phải chật vật để vượt qua mức tài sản 25 triệu USD.
Thành công ban đầu của quỹ ETF năng lượng của Strive đánh dấu một kỷ nguyên mới trong phong trào chống ESG.
Hôm 20/09, Strive đã công bố sự ra mắt của quỹ chỉ số thứ hai, Strive 500 ETF (STRV), quỹ này đầu tư vào các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ.
“Chúng tôi rất vui mừng về sự nhiệt tình,” ông Frericks cho biết, đồng thời nói thêm rằng công ty khởi nghiệp này sẽ tiếp tục ra mắt thêm nhiều quỹ trong vài tháng tới.
Ông nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đang đưa rất nhiều thiếu sót của phong trào ESG ra trước công chúng.”
Theo những người sáng lập Strive, Strive dự định tận dụng sức mạnh phiếu bầu của cổ đông để yêu cầu các tập đoàn ưu tiên lợi nhuận hơn các nghị trình chính trị. Họ đã chỉ trích ba nhà quản lý tài sản lớn nhất — BlackRock, Vanguard, và State Street — vì đã vi phạm trách nhiệm ủy thác của mình bằng cách nhấn mạnh quá nhiều vào biến đổi khí hậu và “chủ nghĩa tư bản các bên liên quan” thay vì lợi nhuận cao hơn.
Ba quỹ lớn quản lý số tài sản trị giá tổng cộng khoảng 20 ngàn tỷ USD và sử dụng “quyền lực ngầm” trong hội đồng quản trị của các công ty bằng quyền biểu quyết của họ. Ví dụ, họ sở hữu hơn 21% cổ phần của Exxon Mobil Corp. tính đến tháng Sáu năm nay.
Lập trường rộng rãi chống lại đầu tư ESG
Cộng đồng đầu tư chống ESG khẳng định rằng các tập đoàn năng lượng Hoa Kỳ đã được đầu tư quá ít để sản xuất dầu khí, một phần là do các quy tắc ESG do các nhà quản lý tài sản này áp đặt. Họ cho rằng việc đầu tư không đủ đã gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng và lạm phát trên toàn cầu trong năm nay.
Do đó, không chỉ các nhà đầu tư mà cả các nhà lập pháp, thống đốc, thống đốc ngân khố tiểu bang, và các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng có lập trường phản đối việc đầu tư vào ESG.
Ông Tariq Fancy, giám đốc đầu tư toàn cầu đầu tiên của BlackRock về đầu tư bền vững từ năm 2018 đến năm 2019, đã cảnh báo về phong trào ESG và gọi nó là “giả dược nguy hiểm gây hại cho lợi ích công cộng”.
Ông Jamie Dimon, giám đốc điều hành JP Morgan Chase và là người ủng hộ nổi bật của ESG, gần đây đã thừa nhận sự cần thiết của việc đầu tư vào ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Khi được Dân biểu Rashida Tlaib (Dân Chủ-Michigan) hỏi liệu ngân hàng của ông có ngừng tài trợ cho các dự án dầu khí mới trong phiên điều trần Quốc hội hôm 21/09 hay không, ông Dimon trả lời: “Hoàn toàn không, và đó sẽ là con đường dẫn đến địa ngục cho nước Mỹ.”
“Chúng ta đang không làm đúng về điều này. Thế giới cần 100 triệu thùng dầu và khí đốt thực tế mỗi ngày. Và chúng ta cần nó trong 10 năm,” ông giải thích trong phiên điều trần, đồng thời nói thêm rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã khiến lượng khí thải tăng lên do việc sử dụng than tăng lên.
Một báo cáo tháng Ba của Tạp chí Kinh doanh Harvard đã tiết lộ “một sự thật phũ phàng” về các quỹ ESG. Báo cáo cho biết không chỉ các danh mục đầu tư của ESG có lợi nhuận tài chính kém mà còn có “lịch sử tuân thủ kém hơn đối với các quy tắc về lao động và môi trường”.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times