Chính phủ TT Biden, Wall Street cản trở các khoản đầu tư dầu khí mới
Các ngân hàng, các cơ quan liên bang, và các nhà đầu tư ESG kìm hãm việc mở rộng nguồn cung cấp năng lượng của Mỹ
Ngành công nghiệp dầu khí đang thận trọng nhìn về tương lai, và các kế hoạch mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch dường như đang bị hạn chế.
Tại hội nghị Đầu tư Năng lượng Enercom ở Denver tuần này (08-14/08), câu thần chú được nhắc đi nhắc lại giữa các giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) là họ sẽ sử dụng phần lớn lợi nhuận của mình để trả nợ và trả lại tiền cho các nhà đầu tư thông qua việc mua lại cổ phiếu và trả cổ tức, mà phần lớn ít chú trọng hơn vào các dự án đầu tư vốn mới. Ngoài ra, các giám đốc điều hành cũng nhấn mạnh cam kết của họ đối với các nguyên tắc về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) để sản xuất năng lượng sạch hơn và giải quyết các vấn đề công bằng xã hội.
Khi Đảng Dân Chủ tại Quốc hội chuẩn bị phân bổ 369 tỷ USD thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát để trợ cấp cho xe hơi điện và năng lượng gió và mặt trời, các nhà sản xuất dầu và khí đốt Mỹ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn. Một nguồn cung vốn đang thu hẹp, một môi trường pháp lý thù địch, tình trạng thiếu nguyên liệu và lao động đang tạo ra những rào cản lớn cho việc khoan dầu mới.
“Tôi không muốn các khoản trợ cấp cho ngành của chúng tôi; chúng tôi không cần các khoản trợ cấp cho ngành của chúng tôi,” ông Chris Wright, CEO của Liberty Energy, nói với The Epoch Times. “Chúng tôi chỉ không muốn có những rào cản cản trở chúng tôi cung cấp năng lượng mà mọi người trên thế giới muốn và cần.”
Wall Street rút khỏi việc tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch
Trong số những rào cản đó là việc các ngân hàng và các nhà đầu tư cắt giảm tài chính cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, do các yếu tố về cả kinh tế lẫn chính trị. Tuân theo phong trào ESG, 114 ngân hàng, đại diện cho tổng cộng 38% tài sản ngân hàng toàn cầu, đã ký Tuyên bố Cam kết của Liên minh Ngân hàng Net-Zero (NZBA) thuộc Liên Hiệp Quốc, theo đó họ hứa sẽ “chuyển đổi” các danh mục cho vay để giảm phát thải khí nhà kính (GNG) và đạt mức phát thải GNG ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn. Các ngân hàng Mỹ đã ký cam kết này bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Citibank, Wells Fargo, Goldman Sachs, và Morgan Stanley.
Một nhóm các nhà đầu tư toàn cầu khác, mang tên Climate Action 100+, là “một sáng kiến do các nhà đầu tư lãnh đạo nhằm bảo đảm các nhà phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới thực hiện hành động cần thiết đối với biến đổi khí hậu.” Nhóm này có 700 công ty đầu tư là thành viên, đại diện cho 68 ngàn tỷ USD tài sản, và bao gồm các công ty quản lý tài sản như BlackRock, State Street, Fidelity, Invesco, Fisher, và PIMCO; các công ty bảo hiểm như Aegon, Allianz, và AXA; các quỹ hưu trí của tiểu bang như Hệ thống Hưu trí Công chức California (CalPERS), Hệ thống Hưu trí Giáo viên Tiểu bang California (CalPERS), Quỹ Hưu trí Chung Tiểu bang New York, Quỹ Hưu trí Thành phố New York, và Hệ thống Hưu trí và Lương hưu Tiểu bang Maryland; và các quỹ tài trợ đại học từ Harvard, MIT, và Đại học Rochester, trong số các tổ chức đầu tư khác.
Đáp lại, gần đây các tiểu bang West Virginia và Texas đã cấm các ngân hàng phân biệt đối xử với các công ty nhiên liệu hóa thạch trong việc để các công ty này nhận được các hợp đồng ngân hàng ở các thành phố địa phương tại các tiểu bang tương ứng của họ. Ví dụ, hôm 28/07, Thống đốc Ngân khố tiểu bang West Virginia Riley Moore đã thông báo rằng JPMorgan, Goldman Sachs, BlackRock, Morgan Stanley, và Wells Fargo sẽ được đưa vào Danh sách Các tổ chức Tài chính Bị hạn chế vì họ “tham gia vào việc tẩy chay các công ty nhiên liệu hóa thạch, theo luật mới của tiểu bang, và không còn đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng ngân hàng của tiểu bang.”
“Mỗi tổ chức tài chính nằm trong Danh sách Các tổ chức Tài chính Bị hạn chế ngày hôm nay đã công bố các chính sách về môi trường hoặc xã hội bằng văn bản hạn chế rõ ràng các mối quan hệ thương mại với các công ty năng lượng tham gia các hoạt động khai thác than, khai thác hoặc sử dụng than nhất định, thay vì xem xét hồ sơ tài chính hoặc rủi ro cho từng công ty,” ông Moore nói trong một tuyên bố chính thức. “Mặc dù phong trào ‘Môi trường, Xã hội và Quản trị’ hay còn gọi là ‘ESG’ có thể phổ biến về mặt chính trị ở California hoặc New York, nhưng các tổ chức tài chính cần hiểu các hoạt động của họ đang làm tổn thương người dân trên khắp tiểu bang West Virginia.”
Tuần trước (01-07/08), tổng chưởng lý của 19 tiểu bang đã gửi thư cho CEO BlackRock Larry Fink, tuyên bố rằng nỗ lực của vị giám đốc điều hành này nhằm áp đặt nghị trình ESG lên các công ty mà Blackrock sở hữu cổ phần đi ngược lại nghĩa vụ mà những người hưởng lương hưu ủy thác cho BlackRock, cố ý gây hại cho các công ty năng lượng của Mỹ, đồng thời, ở mức độ mà các công ty tài chính thông đồng với nhau trong nỗ lực này, gây ra những lo ngại về việc chống độc quyền. BlackRock là công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, với khoảng 10 ngàn tỷ dollar giá trị tài sản nằm dưới sự quản lý của công ty này.
Trong một bức thư gửi cho ông Fink, Tổng Chưởng lý Arizona Mark Brnovich đã viết, “BlackRock dường như sử dụng số tiền khó kiếm được của công dân các tiểu bang của chúng tôi để né tránh lợi tức đầu tư tốt nhất có thể, cũng như phiếu bầu của họ. Các cam kết công khai trong quá khứ của BlackRock cho thấy họ đã sử dụng các tài sản của công dân để gây áp lực buộc các công ty tuân thủ các thỏa thuận quốc tế, chẳng hạn như Thỏa thuận Paris buộc phải loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch, tăng giá năng lượng, thúc đẩy lạm phát, và làm suy yếu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”
Các nhóm ESG toàn cầu để ngành công nghiệp dầu khí ‘đói vốn’
Các giám đốc điều hành ngành dầu khí cho biết việc thúc đẩy thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch của các tổ chức toàn cầu như Climate Action 100+, Liên minh Ngân hàng Net-Zero (NZBA) của Liên Hiệp Quốc, và Liên minh Tài chính Glasgow ủng hộ Net Zero (GFANZ) đang có tác dụng như dự kiến.
“Ngành công nghiệp của chúng tôi đang đói vốn,” ông Anthony Gallegos, Giám đốc điều hành của Independent Contract Drilling, nói với The Epoch Times, lưu ý rằng các ngân hàng ngày càng không muốn cung cấp các dòng tín dụng quay vòng hoặc các hình thức cho vay thế chấp tài sản (ABLF) cho ngành công nghiệp dầu khí. “Có lẽ có một phần ba số ngân hàng ngày nay sẵn sàng cung cấp tín dụng quay vòng và ABLF cho các công ty dịch vụ [dầu khí] so với những gì đã có cách đây sáu năm,” ông nói. “Có những nhà đầu tư, có những ưu đãi, có những quan hệ đối tác hạn chế, một số trong số đó đã từng đầu tư vào năng lượng, mà ngày nay họ có một quy định nói rằng họ không thể đầu tư vào các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.”
“Tôi nghĩ rằng mối quan tâm của Tiểu bang West Virginia, Tiểu bang Texas, và các tiểu bang khác về các tổ chức tài chính đang cố gắng ngăn cản đầu tư là rất thực tế,” ông Wright nói. “Điều mà hành động ngăn cản này tác động nhiều nhất chính là những công ty nhỏ hơn hoặc những công ty đang phát triển dựa vào tài chính nợ ngân hàng và cho vay dựa trên dự trữ (RBL). Số vốn RBL ngày nay ít hơn rất nhiều so với một vài năm trước đây; có một số ngân hàng lớn của Âu Châu từng tham gia lĩnh vực này đã rút lui; có những ngân hàng Mỹ muốn thể hiện một sự sụt giảm trong tỷ lệ phần trăm danh mục đầu tư của họ vào ngành dầu khí; có ít vốn cổ phần tư nhân hơn vì các quỹ tài trợ của các trường đại học và CalPERS, CalSTRS, và các quỹ hưu trí khác của tiểu bang đang thoái vốn khỏi dầu khí.”
Ông Wright nói rằng việc cắt giảm tín dụng đối với các công ty dầu khí tư nhân nhỏ hơn là đặc biệt có hại vì họ hiện đang hoạt động tích cực nhất trong việc phát triển sản xuất mới. Trái ngược với các công ty dầu khí đại chúng lớn hơn, vốn đang thận trọng đầu tư vào tăng trưởng mới, “Các công ty tư nhân đang đầu tư tương đối mạnh mẽ. 60% hoạt động khoan và khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ hiện nay là của các công ty dầu khí tư nhân.”
Đáp lại các hành động của các tiểu bang, một số ngân hàng Mỹ gần đây đã phủ nhận họ đang làm bất cứ điều gì để giảm tài chính cho nhiên liệu hóa thạch. Goldman Sachs tuyên bố trong một lá thư hồi tháng Bảy cho Thống đốc Ngân khố West Virginia rằng họ đã cung cấp hơn 118 tỷ USD tài chính cho các công ty nhiên liệu hóa thạch. JPMorgan viết rằng họ có hơn 42 tỷ USD tín dụng cho các công ty dầu khí.
Trong một sự đảo ngược rõ ràng quan điểm của BlackRock hồi năm 2020 tuyên bố rằng “chúng tôi sẽ ngày càng có xu hướng bỏ phiếu chống lại ban giám đốc và hội đồng quản trị khi các công ty không cho thấy sự tiến triển cần thiết trong việc công bố thông tin liên quan đến tính bền vững cũng như các phương pháp và kế hoạch kinh doanh nền tảng đằng sau công việc kinh doanh của họ,” BlackRock tuyên bố hồi tháng Năm rằng họ có thể sẽ ủng hộ ít phiếu bầu của các công ty liên quan đến khí hậu hơn trong năm 2022 so với năm 2021.
Các nhà đầu tư ngại rủi ro sau những biến động giá dầu, các vụ phá sản trong ngành dầu khí
Bên cạnh phong trào ESG, ngành dầu khí cũng đang nổi lên sau giai đoạn đầu tư quá mức vào các dự án khai thác mỏ mới cách đây một thập niên, cùng với sản lượng tăng ở Trung Đông khiến giá dầu khí giảm mạnh trong năm 2016 và sau đó là sự sụp đổ vào năm 2020 trong các đợt phong tỏa đại dịch, buộc nhiều công ty dầu khí rơi vào tình trạng phá sản. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư có cách tiếp cận thận trọng hơn, đặc biệt là hiện nay khi nền kinh tế đang chậm lại và giá dầu và khí đốt đã giảm từ mức đỉnh vào mùa xuân.
“Tôi không nghĩ rằng quý vị sẽ thấy dòng vốn chảy vào ngành này như cách nó đã từng từ năm 2012 đến năm 2014,” ông Gallegos nói. “Các nhà đầu tư đã nói rõ: ‘Chúng tôi không ở đây để tài trợ cho sự phát triển của các vị chỉ vì mục đích phát triển; nếu chúng tôi mà cung cấp cho các vị tiền, thì các vị sẽ phải chứng minh một giải pháp hướng tới việc tạo ra lợi nhuận, mà mà chúng tôi phải nhìn thấy tính khả thi nào đó của việc được hoàn vốn trở lại với tư cách là các nhà đầu tư.”
Theo đó, các CEO hiện đang tập trung hơn vào việc hoàn trả lại tiền mặt cho các nhà đầu tư vốn chủ sở hữu và các nhà đầu tư vốn vay.
Giám đốc Fitch Ratings Neil Stirrat nói rằng các công ty dầu khí đang “thực hiện kỷ luật về vốn” và sử dụng lợi nhuận để hoàn trả nợ và mua lại vốn chủ sở hữu, với chi phí vốn chỉ tăng “nhẹ”. Mức tăng này, trung bình khoảng 15% trong toàn ngành, xấp xỉ mức tăng chi phí của các công ty do lạm phát.
Fitch lưu ý rằng xếp hạng tín dụng của ngành nhìn chung đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, khi các công ty dầu khí giảm đòn bẩy (nợ), kéo dài kỳ hạn cho vay, và cải thiện sức khỏe tài chính của họ. Trong khi hồi năm 2020, Fitch hạ cấp nợ của 20 công ty dầu khí, đồng thời nâng hạng bốn công ty; thì năm 2021, 13 công ty được nâng cấp và chỉ có hai công ty bị hạ cấp. Tính đến nay trong năm 2022, Fitch đã nâng cấp xếp hạng nợ của 10 công ty dầu khí, không có hạ bậc. Tỷ lệ nợ trung bình của các công ty dầu khí Bắc Mỹ, được tính bằng nợ trên thu nhập trước lãi vay, thuế, và khấu hao (EBITDA), đã giảm từ 4-1 năm 2016 xuống 1-1 ngày nay.
Môi trường pháp lý thù địch đối với nhiên liệu hóa thạch
Ngoài việc các nhà đầu tư ít hào phóng hơn, các công ty nhiên liệu hóa thạch Mỹ còn phải đối mặt với một môi trường pháp lý thù địch. Ví dụ, một báo cáo hôm 28/06 từ Quỹ Di Sản đã ghi nhận sự gấp rút của các công ty dầu khí trong những tháng cuối năm 2020 để có được giấy phép khoan trước khi chính phủ Tổng thống Biden nắm quyền kiểm soát.
“Cho đến nay, ông Biden là tổng thống duy nhất trong lịch sử hiện đại chưa tổ chức một thương vụ bán hợp đồng cho thuê khoan dầu khí trên các khu đất của liên bang nào mặc dù có chỉ thị rõ ràng từ Quốc hội để thực hiện điều đó hàng quý,” báo cáo nêu rõ. “Mặc dù Bộ Nội vụ đang bị ràng buộc bởi lệnh của tòa án để tổ chức bán hợp đồng cho thuê khoan trong quý này, nhưng bộ này đã tăng phí 50% và giảm 80% diện tích có sẵn để khoan — thậm chí là trong lúc bộ đang cắt giảm phí và thủ tục hành chính để sản xuất năng lượng tái tạo ‘xanh.’”
Ngoài ra, ông Biden chưa hoàn thành bất kỳ thương vụ cho thuê nào ở ngoài khơi. Ngược lại, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã bán 8 hợp đồng cho thuê ở ngoài khơi và chính phủ cựu Tổng thống Obama đã bán 29 hợp đồng. Tuy nhiên, trong năm 2021, chính phủ Tổng thống Biden đã cấp nhiều giấy phép khoan trên các vùng đất liên bang hơn chính phủ ông Trump đã làm trong năm đầu tiên cầm quyền, mặc dù việc cấp phép khoan đã giảm mạnh vào năm 2022.
Ông Biden cũng đã sử dụng các cơ quan khác, bao gồm Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), để không khuyến khích đầu tư vào các dự án dầu khí mới. SEC đã ban hành một yêu cầu hồi tháng Ba rằng tất cả các công ty niêm yết phải công bố các báo cáo đã được kiểm toán nêu chi tiết về lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch của họ, cũng như của các nhà cung cấp và khách hàng, cùng với kế hoạch giảm thiểu lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch. SEC tuyên bố rằng họ buộc phải ban hành quy định bắt buộc này vì “các nhà đầu tư đại diện theo đúng nghĩa đen cho hàng chục ngàn tỷ USD ủng hộ việc công bố thông tin liên quan đến khí hậu.”
Chính phủ chi hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ năng lượng gió và mặt trời
Bên cạnh các chính sách của chính phủ và việc tẩy chay của các nhóm nhà đầu tư toàn cầu, hàng trăm tỷ USD trợ cấp cho năng lượng tái tạo càng làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các công ty dầu, khí, và than. Điều này bao gồm Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm trị giá 1.2 ngàn tỷ USD, việc ông Biden kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng và Đạo luật Giảm Lạm Phát, hiện đang được tranh luận tại Hạ viện sau khi được Thượng viện thông qua.
Đổi lại việc bỏ phiếu cho các khoản trợ cấp xanh trong Đạo luật Giảm Lạm Phát, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) được biết là đã thương lượng một “thỏa thuận phụ” mà sau đó Quốc hội sẽ thông qua để giảm bớt gánh nặng pháp lý đối với các nhiên liệu hóa thạch, kể cả việc Quốc hội hành động nhiều hơn để cố gắng buộc chính phủ ông Biden bán thêm các hợp đồng cho thuê khoan dầu khí và cấp giấy phép khoan mới. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ rằng ông Manchin sẽ không bao giờ nhận được phần của mình trong cuộc mặc cả này, vì Đảng Dân Chủ hầu như đồng thuận trong việc bác bỏ một dự luật do Đảng Cộng Hòa (GOP) hậu thuẫn để việc chấp thuận giấy phép được dễ dàng hơn hồi tuần trước (01-07/08).
Phiên bản Đạo luật Giảm Lạm Phát mà ông Manchin đã chấp thuận thậm chí còn cấp cho EPA quyền quy định lượng khí thải carbon. Đây là một vấn đề quan trọng vì phán quyết mang tính bước ngoặt của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ West Virginia kiện EPA nêu rõ, nghị định của EPA tuyên bố rằng các tiện ích điện phải chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tránh xa than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác là bất hợp pháp vì Quốc hội không bao giờ trao thẩm quyền cho EPA để quy định lượng khí thải carbon. Đạo luật Giảm Lạm Phát sẽ trao cho EPA thẩm quyền này, làm vô hiệu quyết định của Tối cao Pháp viện, nơi đã ra phán quyết có lợi cho tiểu bang quê nhà của ông Manchin.
Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia) đã giới thiệu một sửa đổi, mà tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ, kể cả ông Manchin, đã bỏ phiếu chống lại, nhằm loại bỏ điều khoản cấp quyền lực sâu rộng mới cho EPA. Khi nỗ lực đó không thành công, Thượng nghị sĩ Capito sau đó đã thách thức sự tuân thủ của điều khoản này đối với các quy tắc điều chỉnh ngân sách vốn đã cho phép Thượng viện bỏ qua thủ tục tranh luận không giới hạn. Cố vấn pháp lý Thượng viện đồng ý với bà Capito, và ngôn ngữ cấp thẩm quyền mới cho EPA đã bị xóa khỏi dự luật.
“Quý vị có thể đưa ra lập luận, và tôi chắc chắn ông Manchin sẽ đưa ra lập luận đó, rằng chúng ta đang loại bỏ một số rào cản trong số đó cho sự phát triển hydrocarbon, và điều đó sẽ mang lại doanh thu cận biên,” ông Wright nói. “Nhưng tôi trừ đi khoản thu nhập đó vì chắc chắn rằng chúng ta sẽ chi 300 tỷ USD để trợ cấp cho năng lượng không ổn định, đắt tiền hơn, gây mất ổn định lưới điện, và nếu quý vị trợ cấp cho năng lượng tái tạo đủ nhiều, thì quý vị sẽ có được nó cho dù nó nguy hiểm đến mức nào với lưới điện của chúng ta. Cho dù nó có gây thất thoát ra sao, thì các khoản trợ cấp đủ lớn để việc xây dựng nó mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, và chúng ta sẽ phải trả giá.”
Ông Kevin Stocklin là một nhà văn, nhà sản xuất phim, và là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư. Ông đã viết và sản xuất tác phẩm “We All Fall Down: The American Mortgage Crisis” (“Chúng Ta Đều Sụp Đổ: Cuộc Khủng Hoảng Thế Chấp Của Mỹ”), một bộ phim tài liệu năm 2008 về sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế chấp của Hoa Kỳ.