Phong tỏa COVID-19 đột ngột khiến du khách đến Tây Tạng bị mắc kẹt trên một cây cầu trong nhiều ngày
Những du khách đang có một chuyến đi tham quan đến Tây Tạng đã không ngờ rằng cuộc hành trình của họ sẽ dừng lại trên một cây cầu vì đợt bùng phát COVID-19 gần đây tại quốc gia đó.
Trong đoàn người này có một gia đình gồm sáu người rời tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, để lái xe đến Tây Tạng hôm 30/07; nhưng hôm 13/08, họ đã bị chặn lại trên cầu Kim Sa Giang vì một đợt phong tỏa đột ngột.
Cầu Kim Sa Giang là một kênh giao thông quan trọng băng qua sông nối tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc và Tây Tạng. Sông Kim Sa, có nghĩa là “Sông Cát Vàng”, là tên của thượng nguồn sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc.
Một đầu của cây cầu thuộc quyền quản lý của huyện Mang Khang (Markam), Tây Tạng và đầu còn lại thuộc quyền quản lý của huyện Ba Đường (Batang), tỉnh Tứ Xuyên.
Do bị cầm giữ nghiêm ngặt ở trên cầu hoặc gần cầu, nên họ phải ở bên trong xe của mình, thiếu các điều kiện sinh hoạt căn bản. Một thành viên trong gia đình đã kể lại trải nghiệm của họ khi ở trên cây cầu trong thời gian phong tỏa trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Không có nhà vệ sinh, không được tắm
Cô Liang (bút danh), chồng cô và bốn thành viên khác trong gia đình đã cùng nhau đi du lịch từ tỉnh Hồ Bắc đến Tây Tạng bằng xe hơi của họ.
“Hôm 30/07, chúng tôi khởi hành, lái xe dọc theo Quốc lộ 318, hướng đến Tây Tạng,” cô Liang kể với The Epoch Times hôm 22/08.
Quốc lộ 318 (G318) của Trung Quốc chạy về phía tây từ Thượng Hải đến Chương Mộc (Zhangmu) thuộc Tây Tạng ở biên giới Trung Quốc-Nepal. Đây là Quốc lộ dài nhất Trung Quốc với chiều dài 3,403 dặm (5,476km).
Nhưng hôm 13/08, khi họ đang ở trên cầu Kim Sa Giang, một biện pháp phong tỏa bất ngờ được áp đặt do một đợt bùng phát virus COVID-19 bắt đầu ở Tây Tạng hồi đầu tháng Tám.
Không có nơi nào để tắm và không có nhà vệ sinh – vấn đề lớn nhất đối với nhóm.
“Chúng tôi phải xoay sở nơi nào tương đối an toàn và thuận tiện,” cô Liang nói với vẻ thất vọng.
Họ đã bị mắc kẹt 4 ngày trên cầu trong thời tiết mùa hè nóng nực.
Hôm 16/08, các nhân viên chính phủ phía Tây Tạng yêu cầu họ làm xét nghiệm PCR và bật mã sức khỏe của họ.
Cô Liang nói: “Nếu các xét nghiệm PCR âm tính và mã sức khỏe của chúng tôi có màu xanh lục, thì họ nói rằng chúng tôi có thể rời khỏi cây cầu.”
Song, cô Liang cho biết điều chờ đợi họ là sự đối xử tàn bạo và nhiều ngày bị cầm giữ trên cầu.
Bị xô ngã xuống đất
Khi cô Liang nói với nhân viên chính phủ rằng mã số sức khỏe của họ đều có màu xanh lục, ông ấy ra lệnh cho họ nhanh chóng lái xe ra khỏi cây cầu.
Nhưng một nhân viên khác đã ngăn họ lại và ra hiệu cho họ đậu ở một bên của cây cầu.
“Chồng tôi giải thích với ông ấy rằng chúng tôi có mã sức khỏe xanh lục và được phép rời đi,” cô Liang kể, “nhưng ông ấy không để chúng tôi rời đi, giả vờ như không nghe thấy những lời mà người nhân viên kia đã bảo chúng tôi rời đi.”
Sau khi bị cô lập trên cầu trong bốn ngày và cảm thấy tuyệt vọng, cô Liang cho biết cô đã nhảy ra khỏi xe và nói điều gì đó thô lỗ với nhân viên kia.
“Ngay lập tức ông ấy xô tôi xuống đất mà không chút do dự,” cô Liang nói, “Tôi vẫn nhớ nhiều bàn chân đã đá vào người tôi cùng một lúc.”
Cô cố gắng ngăn cú đá bằng tay nhưng vô ích. Chồng cô bị một số người khống chế và đánh đập.
Cô Liang đã quay được vài giây video các cảnh lính canh đánh chồng cô trước khi điện thoại của cô bị người đàn ông đang ngăn cản họ chụp lấy.
“Ông ấy quá cao to; Tôi không thể tiếp cận ông ấy và ông ấy lại đẩy tôi xuống đất, ” cô Liang kể.
Đoạn video khác do ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times thu thập được cho thấy một người phụ nữ ngồi trên mặt đất, nói “Hãy trả lại điện thoại lại cho tôi,” sau đó, có tiếng một người đàn ông nói nhiều lần: “Hãy trả lại điện thoại cho vợ tôi.”
Nhưng một người đàn ông mặc áo bảo hộ màu trắng đã khước từ, nói rằng cô Liang nhiếc mắng ông ta.
Theo cô Liang, một nhân viên chính phủ khác đã trả lại điện thoại cho cô sau đó, nhưng đoạn phim đã bị xóa và tất cả mã số sức khỏe của họ giờ đã chuyển sang màu đỏ.
Họ vẫn không thể rời khỏi cây cầu.
Hai trường hợp tử vong trong tình trạng phong tỏa đó
Cô Liang cho biết hai người đã tử vong trong tình trạng phong tỏa này.
“Mọi người không thể chịu đựng được, vì điều kiện thực sự rất tệ,” cô Liang nói, “vì vậy mỗi ngày người ta đã biểu tình ngay giữa cầu.”
Hôm 18/08, một người đã nhảy từ trên cầu xuống sông tự tử vào sáng sớm, và một người khác tử vong vì bệnh do không được điều trị y tế trong thời gian bị cầm giữ, cô Liang nói với The Epoch Times.
“Bằng cái giá phải trả với hai mạng người, chúng tôi mới có thể tự do vào ngày hôm sau,” cô Liang buồn bã nói. “Chuyến đi tham quan của chúng tôi giống như một cuộc hành trình gian khổ.”
Cô cho biết, nhiều xe cộ trên cầu đã được lưu thông hôm 19/08.
The Epoch Times đã liên hệ với văn phòng phòng chống và kiểm soát đại dịch địa phương ở huyện Cam Tư (Garzê) của tỉnh Tứ Xuyên. Nhân viên phúc đáp nói rằng họ không rõ về tình hình trên cầu và yêu cầu phóng viên của chúng tôi gọi cho trung tâm chỉ huy kiểm soát đại dịch địa phương. Tuy nhiên, số điện thoại mà nhân viên này cung cấp không hoạt động.
Hôm 08/08, chính quyền Trung Quốc đã công bố đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên ở Tây Tạng kể từ năm 2020.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times