Thêm nhiều thành phố Trung Quốc bị phong tỏa theo chính sách zero COVID
Trung Quốc đã đặt thêm nhiều thành phố và hàng chục triệu cư dân của họ vào tình trạng phong tỏa mới, bao gồm cả trung tâm bán buôn lớn nhất thế giới và các thành phố cảng. Nhiều du khách hiện đang bị mắc kẹt và phải chật vật tìm kiếm thực phẩm, các đơn đặt hàng sản xuất bị hủy bỏ, và các doanh nghiệp phải đóng cửa vì các biện pháp nghiêm ngặt từ chính sách “zero COVID” của chính quyền Trung Quốc.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, kể từ đầu tháng Tám, một làn sóng COVID-19 mới đã quét qua 25 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc, trải dài từ tỉnh Hải Nam ở cực nam đến vùng Tân Cương và Tây Tạng ở phía tây.
Trung tâm bán buôn lớn nhất thế giới bị phong tỏa hoàn toàn
Thành phố Nghĩa Ô ở phía đông tỉnh Chiết Giang, là trung tâm bán buôn lớn nhất thế giới, đã bị phong tỏa một phần kể từ đầu tháng Tám, khi có các ca nhiễm mới gây ra bởi biến thể Omicron lây nhiễm mạnh hơn của COVID-19 được ghi nhận. Hôm 11/08, các nhà chức trách đã đưa thành phố này vào tình trạng phong tỏa hoàn toàn trong ba ngày, sử dụng hơn 500 ca nhiễm được báo cáo làm lý do biện minh cho biện pháp này.
Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, chính quyền Trung Quốc đã che giấu quy mô thực sự của các đợt bùng phát và từ lâu đã bị nghi ngờ là đã báo cáo thấp số ca bệnh trong nước. Trong khi đó, chế độ này sử dụng các đợt bùng phát được báo cáo để thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, chẳng hạn như phong tỏa trên toàn thành phố và xét nghiệm bắt buộc.
Dưới tình trạng bị phong tỏa hoàn toàn ở Nghĩa Ô, các địa điểm công cộng đều bị đóng cửa, các chuyến tàu bị đình chỉ, và người dân bị cấm rời khỏi nhà của họ. Các doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động; nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phàn nàn về việc thua lỗ nặng. “Trung tâm bán hàng phát trực tuyến” Giang Bắc Hạ Châu đã ngừng vận chuyển hàng hóa hồi đầu tháng Tám, và hàng trăm doanh nhân ngoại quốc đã không thể đến chợ Nghĩa Ô để mua hàng.
Là “thủ phủ của các mặt hàng nhỏ trên thế giới,” các sản phẩm của Nghĩa Ô được xuất cảng sang hơn 210 quốc gia và khu vực.
Một đợt bùng phát COVID-19 mới đã được đưa tin tại thành phố Chu Hải, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, là trung tâm sản xuất đồ điện tử ở vùng Đồng bằng sông Châu Giang, một khu vực kinh tế lớn của Trung Quốc.
Kể từ tháng Năm khi Trung Quốc phong tỏa nhiều khu vực và thành phố, bao gồm cả trung tâm tài chính Thượng Hải để “dọn sạch COVID-19 một cách linh động,” một số lượng lớn các đơn đặt hàng từ ngoại quốc đã bị hủy bỏ. Điều đó đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Đồng bằng sông Châu Giang thông báo rằng họ sẽ đóng cửa kinh doanh trước cuối tháng Tám, vì họ không còn đủ khả năng để tiếp tục mở cửa, trong khi nhiều nhà máy đã đưa công nhân vào các “kỳ nghỉ” không lương từ vài ngày cho đến vài tháng.
Một thành phố cảng khác ở Biển Đông đang bị phong tỏa
Sau Tam Á, một thành phố cảng ở điểm phía nam của đảo Hải Nam được gọi là “Hawaii của Trung Quốc,” đã bị phong tỏa toàn thành phố hôm 04/08, khiến hơn 80,000 khách du lịch bị mắc kẹt, chính quyền tỉnh đã phong tỏa thủ phủ Hải Khẩu hôm 08/08. Hải Khẩu là một cảng công nghiệp quan trọng ở Biển Đông.
Giao thông công cộng đã bị tạm dừng, tất cả mọi cư dân đều phải thực hiện các cuộc xét nghiệm PCR và không được phép rời khỏi khu dân cư của họ, đồng thời tất cả các chuyến bay đến và đi đều bị hủy.
Hôm 13/08, đại diện của Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hải Nam cho biết trong một cuộc họp báo rằng hôm 12/08, có 1,426 ca nhiễm mới đã được xác nhận ở tỉnh đảo này. Từ ngày 01/08 đến ngày 12/08, có tổng cộng 6,399 ca nhiễm được xác nhận đã được ghi nhận.
Cho đến nay, sáu thành phố ở Hải Nam đã bị phong tỏa.
Một người dân họ Lương ở Hải Khẩu nói với The Epoch Times rằng cô và gia đình đã đến Tam Á để thăm viếng nhưng đã bị nhốt trong nhà thuê kể từ hôm 02/08, trong khi tất cả các cửa hàng đều đã bị đóng cửa.
“Họ đột ngột phong tỏa nơi đây mà không đưa ra bất kỳ thông báo nào,” cô nói.
Cô Lương cho biết chính quyền đã phân phát các vật phẩm cứu trợ nhưng không đưa cho những du khách bị mắc kẹt, cô cho biết trong tình trạng phong tỏa, cô không thể mua thức ăn và không có cách nào để cầu cứu.
“Chúng tôi đã gọi cho [đường dây] 12345 để được giúp đỡ, nhưng không có ai giải quyết. Chúng tôi đã gọi cho văn phòng cộng đồng, nhưng họ không thể làm gì được.”
Các đợt bùng phát mới cũng đã được đưa tin ở các tỉnh khác trên toàn quốc, và ngày càng có nhiều thành phố và huyện đang bị “quản lý tĩnh,” một thuật ngữ do chính quyền Trung Quốc tạo ra để đề cập đến việc phong tỏa.
Tây Tạng và Tân Cương
Các ca nhiễm COVID-19 mới đã được báo cáo ở Tây Tạng từ đầu tháng Tám, sau khi không có ca nhiễm nào được báo cáo trong 900 ngày qua. Một số quận ở thủ phủ Thành Quan (Lhasa) đã bị phong tỏa. Nhật Khách Tắc (Shigatse) đã bị phong tỏa toàn thành phố kể từ hôm 08/08, trong khi Địa khu A Lý (Ngari) đã bị phong tỏa kể từ hôm 11/08.
Ông Triệu Dực (Zhao Yi, hóa danh), một doanh nhân trở về A Lý từ Lhasa, đã bị mắc kẹt ở Shigatse cùng với một nhóm bốn người hôm 07/08. Họ đã ở lại công ty của một người bạn địa phương cùng với tám người làm việc cho công ty này.
“Chúng tôi gần như hết gạo, đó là thức ăn duy nhất mà chúng tôi có,” ông Triệu nói với The Epoch Times hôm 11/08. “Với nhiều người ăn như vậy, chỉ còn một nửa bao gạo, và hai ngày nữa sẽ hết sạch.”
Ông Triệu cho biết nhóm này không có cách nào để kiếm thêm thức ăn khi bị phong tỏa.
Cô Ngô Quyên (Wu Juan, hóa danh), người đã đi tour du lịch bằng xe hơi đến Tây Tạng với một người bạn, đã bị mắc kẹt ở Shigatse trên đường đến A Lý từ Lhasa. Cô nói với The Epoch Times rằng họ muốn rời đi, nhưng họ phải có kết quả xét nghiệm PCR, vốn được yêu cầu ba lần trong ba ngày liên tục. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không tiến hành xét nghiệm, nên họ không thể rời đi được.
Theo các nhà chức trách ở Tân Cương, nơi có đa số là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, đợt bùng phát mới ở thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) là do biến thể Omicron gây ra. Chính quyền địa phương đã phong tỏa sáu quận hôm 10/08 trong năm ngày. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng đều đã bị đình chỉ.
Đã có những trường hợp mới được báo cáo ở các thành phố Y Ninh (Yining), A Lặc Thái (Altay), Cáp Mật (Hami), Thổ Lỗ Phiên (Turpan), Khố Nhĩ Lặc (Korla), và Hòa Điền (Hotan) ở Tân Cương.
Ông Alex Wu là một cây bút của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.