Phiên tòa xét xử ông Bannon: Một phán quyết kết tội được thực hiện dễ dàng, một ‘kháng cáo không thể chối cãi’
Phiên tòa kéo dài năm ngày xét xử ông Steve Bannon đã kết thúc hôm 22/07 với việc một bồi thẩm đoàn liên bang tuyên bố rằng người dẫn chương trình kênh podcast “War Room” kiêm cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump này phạm hai tội tiểu hình về khinh thường Quốc hội.
Toàn bồi thẩm đoàn đều đồng ý rằng ông Bannon đã không tuân thủ một trát đòi hầu tòa ngày 23/09/2021 yêu cầu cung cấp tài liệu và làm chứng trước Ủy ban 06/01 của Hạ viện vào mùa thu năm ngoái.
Sau khi phán quyết được đưa ra và trước khi rời khỏi pháp đình Tòa án Địa hạt Liên bang E. Barrett Prettyman ở Hoa Thịnh Đốn với án treo trước khi tuyên án, ông Bannon đã thừa nhận rằng bồi thẩm đoàn đã có rất ít sự lựa chọn.
Trong phiên điều trần hôm 11/07 trước phiên xét xử, Thẩm phán Địa hạt Liên bang Carl Nichols do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm cho biết ông sẽ tuân thủ nghiêm ngặt một án lệ đã có từ 61 năm nay, vốn loại trừ “lời khuyên từ luật sư” như một sự biện hộ cho các cáo buộc khinh thường Quốc hội.
Một tuần trước khi phiên tòa này bắt đầu, luật sư David Schoen của ông Bannon đã bực tức hỏi Thẩm phán Nichols rằng, “Nếu không có sự biện hộ, thì xét xử để làm gì chứ?”
Vị thẩm phán này đáp, “Chính xác là như vậy đấy.”
Các luật sư bào chữa muốn tranh luận rằng ông Bannon đang làm theo lời khuyên của luật sư lúc bấy giờ là ông Robert Costello khi tuyên bố thân chủ của mình bị cấm tuân thủ trát đòi hầu tòa này vì các liên lạc của ông ấy với ông Trump được đặc quyền hành pháp bảo vệ.
Lập luận đó được chứng minh là sai, theo đó bảo đảm các phán quyết của tòa án là quyết định cuối cùng, nhưng hồi mùa thu năm ngoái ông Bannon — và ông Costello — khẳng định rằng ông ấy sẽ không tuân thủ trát đòi hầu tòa cho đến khi những vụ việc đang tồn đọng đó được giải quyết.
Các luật sư bào chữa muốn tranh luận rằng ông Bannon không nên bị trừng phạt vì “làm theo lời luật sư của ông ấy”, người đã đưa ra một quan điểm pháp lý mà sau đó đã bị bác bỏ trước tòa. Nhưng dù sao thì họ cũng đã không thể nói điều đó, không phải trước mặt bồi thẩm đoàn.
Với việc khả năng biện hộ của ông Bannon bị hạn chế như thế, có vẻ như kết quả này đã được ấn định từ trước. Hầu hết mọi người dự đoán phiên tòa sẽ kết thúc trong vòng ba ngày — một thủ tục nhanh chóng được đặt ra với những sợi dây gài bẫy cho một kháng cáo nào đó.
Nhiều người tin rằng việc tuyển chọn bồi thẩm đoàn sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với việc làm chứng. Các công tố viên chỉ có hai nhân chứng. Bên bào chữa không thể biện hộ; trát đòi hầu tòa của họ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban 06/01 của Hạ viện, Dân biểu Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi) ra làm chứng đã bị ông Nichols bác bỏ.
Và khi đã rõ rằng ông Bannon sẽ không làm chứng trong vụ án này, nhiều người đã bị mất hứng — sẽ không có con voi nào ở rạp xiếc này cả.
Cuối cùng, phiên tòa này đã diễn ra đúng như mong đợi — với các bản án kết tội cho cả hai tội danh. Tuy nhiên, phiên tòa cũng kéo dài hơn và có những bóp méo cùng những thủ đoạn không lường trước được, gây ra sự phản đối kéo dài và các cuộc thảo luận bên lề rộng rãi, tất cả đặt ra những gì dường như là một sân khấu được dàn dựng chu đáo cho việc kháng cáo đầy hứa hẹn tại Tòa án Phúc thẩm Liên bang thuộc Đặc khu Columbia.
Tuy ông Bannon chưa bao giờ ra làm chứng trước bồi thẩm đoàn, nhưng ông ấy nhận được nhiều sự chú ý của công chúng bên ngoài các phòng xử án trên vỉa hè của Đại lộ Hiến Pháp (Constitution Avenue) mỗi buổi chiều — con voi này đang gây náo động tại rạp xiếc, chỉ là không ở dưới sàn diễn chính của Rạp Xiếc mà thôi.
Theo các quyết định trước khi xét xử, lời biện hộ duy nhất của ông Bannon là ông ấy không hiểu các thời hạn của trát đòi hầu tòa hoặc nghĩ rằng chúng “dễ thay đổi” vì ông ấy tin rằng, cũng như với các nhân chứng khác được Ủy ban 06/01 và các ủy ban khác của Quốc hội gọi lên, thường có các cuộc thương lượng, một “quy trình dàn xếp,” để đáp ứng các yêu cầu của trát đòi hầu tòa.
Các công tố viên đã chứng minh rằng không có “quy trình dàn xếp” nào như vậy trong vụ kiện của ông Bannon.
Các luật sư bào chữa đã chỉ ra một số điều được cho là lỗi kỹ thuật trong quy trình tống đạt trát đòi hầu tòa và cho biết chữ ký của ông Thompson trên bản cáo trạng “không giống” như chữ ký trên trát đòi hầu tòa này và trên các bức thư giữa ông Costello và Ủy ban 06/01, ngụ ý rằng nó có thể đã bị giả mạo.
Những lỗi này là những quân bài nhỏ nhoi trong một “kiểu biện hộ như không biện hộ,” nắm lấy những chi tiết tầm thường không phải là những tuyên bố thực sự, mà là những đường dẫn đến những lời giới thiệu cửa hậu về đặc quyền hành pháp và những lập luận về lời-khuyên-từ-luật sư, mà ở một điểm nào đó ông Nichols đã cho phép.
Khi các công tố viên yêu cầu trình ra các phiên bản được bôi đen của các bức thư giữa ông Costello và Ủy ban 06/01 để làm bằng chứng, ông Nichols đã đồng ý, nhưng yêu cầu những bức thư đó phải được hiển thị toàn bộ cho bồi thẩm đoàn xem.
Những bức thư đó làm dấy lên cuộc thảo luận về đặc quyền hành pháp và có thể chỉ ra rằng ông Bannon có lẽ đã tin là luật sư của ông và Ủy ban 06/01 đang đàm phán các điều khoản về việc ông tuân thủ trát đòi hầu tòa.
Thẩm phán Nichols đã chọn tuân thủ nghiêm ngặt án lệ được thiết lập trong vụ Licavoli kiện Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Vào năm 1951, ông Peter Licavoli “Mặt Ngựa”, một kẻ lừa đảo và cướp bóc ở Detroit, đã từ chối điều trần trước Ủy ban Đặc biệt của Thượng viện Hoa Kỳ về Tội phạm Có tổ chức trong Thương mại Liên tiểu bang của Thượng nghị sĩ Estes Kefauver (Dân Chủ-Tennessee) và ông ấy đã bị kết tội kinh thường Quốc hội.
Ông Licavoli đã kháng cáo, tuyên bố rằng ông ấy không ra hầu tòa vì nghe theo lời khuyên từ luật sư. Một thập niên sau, một hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Đặc khu Columbia — tại pháp đình có cùng tên E. Barrett Prettyman — đã giữ nguyên bản án khinh thường Quốc hội của ông, và phán quyết rằng “việc nghe theo lời luật sư của ông” có thể là một lời biện hộ hợp pháp trong hầu hết mọi hành vi phạm pháp, nhưng không phải với hành vi khinh thường Quốc hội.
Mặc dù tuân thủ án lệ đã có từ 61 năm trước, nhưng ông Nichols đã cho phép các luật sư của ông Bannon trong một số trường hợp được à-tiện-thể đề cập đến những lời biện hộ đã có trong kế hoạch của họ trước khi ông ngắt lời họ vào những thời điểm cụ thể mà chắc chắn được ghi rõ trong bản ghi khi kháng cáo.
Bản thân ông Nichols bày tỏ nghi ngờ về phán quyết trong vụ Licavoli cũng sẽ tồn tại trong kháng cáo.
Ông nói vào ngày gần cuối của phiên tòa khi sự hiện diện duy nhất của bồi thẩm đoàn sắp bị giải tán trong ngày, “Tôi bị ràng buộc bởi án lệ của Khu vực Thủ đô mà thậm chí tôi cũng không chắc là đúng.”
Các công tố viên đã phản đối việc ông Bannon bị cáo buộc dàn dựng một “rạp xiếc chính trị” bên ngoài phòng xử án và các luật sư của ông ấy đã nhắc đến động cơ đảng phái của các thành viên Ủy ban 06/01.
Ông Nichols đã van nài các bồi thẩm viên hãy quên những tham chiếu đó để hoàn toàn tập trung vào việc liệu ông Bannon có tuân thủ hay không tuân thủ các thời hạn trong trát đòi hầu tòa của Ủy ban 06/01.
Các bồi thẩm viên về căn bản đã được yêu cầu quên đi như thể rằng điều này đang không xảy ra ở Hoa Thịnh Đốn, rằng trát đòi hầu tòa này không đến từ một ủy ban đặc biệt của Quốc hội mà hơn 200 thành viên Quốc hội cho là bất hợp pháp, rằng bị cáo không phải là ông Steve Bannon, rằng họ cũng không được bảo là — theo ám chỉ của luật sư bào chữa Evan Corcoran — “hãy quên vụ 06/01 đi.”
Rời khỏi pháp đình sau bản án kết tội của mình, ông Bannon nói, “Chúng tôi có thể đã thua trận đánh này ở đây ngày hôm nay, nhưng chúng tôi không thua cả cuộc chiến.”
Ông đã chỉ ra một tuyên bố của bên công tố khi kết thúc phiên tòa rằng ông đã chọn đứng về phía ông Trump thay vì tuân thủ trát đòi hầu tòa của Ủy ban. Ông cho biết hôm nay ông muốn nói lại y như thế.
Và ông đã nói như thế.
Ông nói: “Tôi đứng về phía Tổng thống Trump và Hiến Pháp, và tôi sẽ luôn làm như vậy.”
Luật sư Schoen cho biết ông sẽ đệ trình “một kháng cáo không thể chối cãi” mà, trong bối cảnh “lời khuyên từ luật sư”, cũng sẽ tập trung vào việc giải thích từ “cố ý” mà các bồi thẩm viên đã phải sử dụng khi bàn bạc về vụ kiện.
Ông Schoen cho biết phán quyết này có thể có những hệ quả tiềm năng có ý nghĩa đối với những người bị cáo buộc phạm tội “mà không biết hoặc tin rằng họ đã làm bất cứ điều gì sai trái” và dựa theo lời khuyên của luật sư để tự bào chữa cho mình.
“Họ đã thắng kiện khi kết thúc ngày hôm nay,” ông nói, “nhưng đã thua vụ kháng cáo khi kết thúc ngày hôm nay.”
Ông Bannon được tự do cho đến ngày tòa tuyên án vào ngày 21/10. Với mỗi tội danh, ông phải đối mặt với số tiền phạt tối đa lên tới 100,000 USD và một án tù tối đa 12 tháng.
Một cựu phụ tá khác của ông Trump, ông Peter Navarro, phải đối mặt với hai cáo buộc khinh thường Quốc hội tương tự vì không tuân thủ một trát đòi hầu tòa của Ủy ban 06/01. Dự kiến phiên tòa xét xử ông Navarro sẽ diễn ra vào ngày 17/11 trước Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Amit Mehta tại cùng pháp đình nơi ông Bannon bị kết án.
Ông John Haughey là một ký giả làm việc từ năm 1978 với kiến thức chuyên sâu về chính phủ địa phương, cơ quan lập pháp tiểu bang, cũng như tăng trưởng và phát triển. Tốt nghiệp Đại học Wyoming, ông là một cựu chiến binh Hải quân đã chiến đấu với hỏa hoạn trên biển trong ba lần được điều động trên tàu USS Constellation. Ông là phóng viên của các tờ nhật báo ở California, Hoa Thịnh Đốn, Wyoming, New York, và Florida; và là một tác gia cho các ấn phẩm kinh doanh thương mại có trụ sở tại Manhattan.