[ĐỘC QUYỀN] TNS Josh Hawley ‘không hối hận’ về bất cứ điều gì đã làm hôm 06/01
Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) cho biết ông không hối tiếc về bất cứ điều gì ông đã làm vào ngày 06/01/2021, trước những lời chỉ trích mà ông đã nhận được từ các chính trị gia và các hãng thông tấn cánh tả vì kiên trì với kế hoạch thách thức các phiếu đại cử tri tại phiên họp Thượng viện vào ngày hôm đó.
“Những gì tôi đã làm là đứng lên đấu tranh cho tính liêm chính của cuộc bầu cử, và cả cho các cử tri ở tiểu bang của tôi nữa,” ông Hawley nói trong chương trình “Crossroad” của Epoch TV hôm 22/07. “Tôi nghĩ rằng dẫn đầu một cuộc tranh luận trên sàn của Thượng viện về tính liêm chính của cuộc bầu cử là điều mà Thượng viện tồn tại để thực hiện.”
Năm 2016, chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton đã trả tiền cho một mật vụ có liên hệ với Nga để nói dối FBI và có được một lệnh từ Tòa án Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISC) để theo dõi chiến dịch của ông Trump và các cộng sự của ông, ông Hawley giải thích, lưu ý rằng Đảng Dân Chủ “đã đi tiên phong trong việc này” và bà Clinton, “cho đến ngày nay, nói rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi bà ấy.”
Nhưng khi mọi người truy hỏi và gắng sức tìm kiếm câu trả lời về cuộc bầu cử năm 2020, thì họ bị gán nhãn là “một mối đe dọa đối với nền dân chủ,” ông Hawley cho hay.
“Niềm tin của người dân vào các cuộc bầu cử của chúng ta là hoàn toàn tối quan trọng đối với một nền dân chủ tự do, cởi mở và hoạt động tốt,” ông Hawley cho biết, đồng thời nói thêm rằng ông phản đối kết quả Đại cử tri đoàn của Pennsylvania hồi tháng 01/2021 vì Pennsylvania đã thay đổi các quy tắc bầu cử trong suốt cuộc bầu cử. “Điều đó là sai trái, và tôi hy vọng nó sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”
Ông Hawley nói rằng ông không hối tiếc vì đã đệ đơn phản đối việc chứng nhận các phiếu đại cử tri và tham gia cuộc tranh luận về tính liêm chính của cuộc bầu cử khi ông trở lại Điện Capitol vào ngày 06/01 sau khi di tản.
“Hầu hết mọi người, tuyệt đại đa số những người đã đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và thậm chí [những người] ở gần khu vực xung quanh Điện Capitol, đều có mặt ở đó một cách ôn hòa,” ông Hawley nói. “Tôi không hối tiếc chút nào khi chào những người đã biểu tình một cách ôn hòa ở đó, tôi không hối tiếc khi lên tiếng và bảo vệ quyền biểu tình theo Hiến Pháp của họ.”
Bảo vệ tính liêm chính của cuộc bầu cử
Bảo vệ nỗ lực của các tiểu bang trong việc thực hiện các bước nhằm bảo đảm tính liêm chính của cuộc bầu cử là một trong những điều quan trọng nhất để khôi phục niềm tin của công chúng vào quy trình bầu cử, ông Hawley cho biết.
Missouri, tiểu bang mà ông Hawley đại diện, có luật bầu cử thực sự chặt chẽ, bao gồm cả các yêu cầu về thẻ căn cước cử tri, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Georgia và Texas muốn làm cho các cuộc bầu cử của họ được an toàn và bảo mật. Tuy nhiên, ông cho biết Đảng Dân Chủ muốn ngăn chặn điều đó và kiểm soát các cuộc bầu cử trên khắp đất nước từ Hoa Thịnh Đốn.
“Tôi nghĩ một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm là ngăn chặn điều đó và cho phép các tiểu bang bảo vệ các cuộc bầu cử của chính họ, cho phép họ cải cách ở những nơi cần phải cải cách.”
Ông Hawley nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giành lại Hạ viện và Thượng viện vào mùa thu để tăng cường giám sát của Quốc hội đối với Bộ Tư pháp, nơi mà ông nói là “hoàn toàn không còn hoạt động.”
Ông nói rằng một mặt, Bộ Tư pháp đang “đối xử với những người đang biểu tình ôn hòa như thể họ là những kẻ bạo lực, như thể họ là những kẻ khủng bố trong nước, đối xử với các bậc cha mẹ như thể họ là những kẻ khủng bố trong nước,” mặt khác lại “từ chối thực thi pháp luật — nếu quý vị muốn ném bom xăng vào một trung tâm chăm sóc thai sản, thì rõ ràng là chỉ cần cứ thế mà tiến hành, nếu quý vị muốn đe dọa một Thẩm phán Tối cao Pháp viện, thì rõ ràng là chỉ cần cứ thế mà làm thôi.”
Các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ gần đây đã chặn một nghị quyết của Đảng Cộng Hòa nhằm lên án làn sóng bạo lực và phá hoại nhắm vào các nhóm ủng hộ sự sống và các nhà thờ trên toàn quốc. Trong vài tháng qua, các trung tâm chăm sóc thai sản và nhà thờ đã bị phóng hỏa dữ dội, với cửa sổ bị đập phá, tường bị viết vẽ bậy, và các tòa nhà bị ném bom xăng.
‘Đứng vững’
Ông Hawley kêu gọi những người cảm thấy chán nản với việc bỏ phiếu do thiếu tín nhiệm vào quy trình bầu cử đừng bỏ cuộc.
“Đó là những gì phe cánh tả muốn. Họ muốn chúng ta nản lòng đến mức chúng ta nói, ‘Chúng tôi bỏ cuộc.’ Nếu điều đó xảy ra, thì sao, chúng ta chỉ cứ giao đất nước cho họ à? Chúng ta từ bỏ sự thật? Chúng ta không thể làm điều đó.”
Đối với người dân Mỹ, ông Hawley nói, “Đây là thời điểm để đứng vững, có lòng can đảm vào điều quý vị tin tưởng.”
“Sức mạnh duy nhất mà họ có đối với chúng ta là sức mạnh của sự sợ hãi. Đó là nỗ lực để khiến chúng ta nói, ‘Ôi không, tôi đã sai, xin hãy rủ lòng thương đối với tôi, xin hãy tha thứ cho tôi — điều đó sẽ không xảy ra.”
Bà Ella Kietlinska là một phóng viên của The Epoch Times tại New York, chuyên đưa tin về chính trị Hoa Kỳ và thế giới.
Anh Joshua Philipp là một phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV. Anh là một chuyên gia được công nhận về chiến tranh không hạn chế, chiến tranh hỗn hợp phi cân xứng, hoạt động lật đổ, và các quan điểm lịch sử về các vấn đề ngày nay. Hơn 10 năm nghiên cứu và điều tra về Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động lật đổ, và các chủ đề liên quan giúp anh có cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa toàn cầu này và bối cảnh chính trị.