[ĐỘC QUYỀN] Ông Ray Epps đã lo lắng đám đông di chuyển nhanh có thể làm hỏng ‘kế hoạch’ ngày 06/01
Một người đàn ông cho biết ông đã chứng kiến nhóm người theo chỉ thị của ông Epps lấy một thanh gỗ có kích cỡ 2×4 và một ống các-tông dài từ một cửa sập tiện ích tại Điện Capitol Hoa Kỳ
Ông Ray Epps, cựu thủ lĩnh của nhóm Oath Keepers (Những Người Giữ Lời Thề) đến từ Arizona, nổi tiếng từng bị máy quay ghi hình một ngày trước các cuộc biểu tình hôm 06/01/2021 khi đang xúi giục những người biểu tình tiến vào Điện Capitol. Ông này bị cáo buộc đã chỉ thị một nhóm cá nhân lấy “vũ khí bao vây” gồm một thanh gỗ dài có kích cỡ 2×4 từ một cửa sập tiện ích trong khuôn viên của Điện Capitol sau khi nói với một nhân chứng rằng họ cần phải làm chậm đám đông lại nếu không thì dòng người sẽ “làm hỏng kế hoạch”, một người đàn ông đến từ Kentucky tuyên bố.
Ông Eric Clark, 45 tuổi, cho biết ông đã gặp ông Epps ở phía tây của Điện Capitol hôm 06/01/2021, nhưng không nhận ra ông ấy là ai cho đến khi xem các bản tin về ông Epps hồi đầu năm nay. Hành vi và những tuyên bố mà ông Clark cho rằng ông đã chứng kiến đã có thêm ý nghĩa mới sau khi ông đọc các bản tin về vai trò có thể có của ông Epps với tư cách là một kẻ khiêu khích tại Điện Capitol.
“Lúc đó tôi không biết ông Ray Epps là ai,” ông Clark nói với The Epoch Times. “Tôi chỉ biết một người đàn ông cao to đã nói điều gì đó với tôi, và tôi đã chứng kiến một số sự việc xảy ra.”
Ông Clark nói, “Quả thật đúng như vậy, có thể là đúng một năm sau, khi tôi xem một bài đăng [tin tức] có ông Ray Epps trong đó, và tôi đã có thể gọi tên ra được một khuôn mặt mà tôi thấy quen.”
Thông qua luật sư của mình, ông Epps đã phủ nhận câu chuyện của ông Clark.
Từ lâu, ông Epps đã phủ nhận là người mật báo cho FBI hoặc cơ quan chấp pháp khác về vụ 06/01. Hình ảnh của ông này — được gán số 16 — ban đầu được đưa lên trang web truy nã gắt gao nhất của FBI trong vụ xâm nhập 06/01, nhưng sau đó đã bị xóa mà không có lời giải thích. Ông Epps chưa hề bị bắt hoặc bị buộc tội vì đã hiện diện tại Điện Capitol.
Ông Clark đã có mặt tại Công viên Ellipse để nghe Tổng thống Donald Trump diễn thuyết vào đầu ngày hôm đó. Do người quá đông, ông Clark đã đứng cách đó khoảng 50 mét và xem bài diễn thuyết trên màn hình video jumbo. Ông đã rời đi trước khi bài diễn thuyết kết thúc và đi đến Điện Capitol.
Tiếng hô ‘Oorah!’ thu hút sự chú ý của ông Epps
Ông Clark cho biết vào thời điểm ông đến đó, con đường từ Peace Fountain (Đài phun nước Hòa Bình) đến phía tây của Điện Capitol đã bị xâm nhập và đám đông đang tụ tập trên sân thượng phía tây. Khi đến chân tháp giàn giáo được dựng lên dành cho các hãng thông tấn trong lễ nhậm chức sắp tới, ông Clark đã hét lên một tiếng “Oorah!”
Giới hâm mộ phim chiến tranh đương đại và yêu thích lịch sử quân sự sẽ nhận ra “Oorah!” là một tiếng kêu động viên mà Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ hét lên với nhau. Đó là một dấu hiệu của tình huynh đệ và là một ám chỉ cho thấy người Thủy quân Lục chiến đó có thể sắp làm những gì Thủy quân Lục chiến thường làm: là người đầu tiên chiến đấu.
“Ngay sau khi chúng tôi đến Peace Monument (Đài tưởng niệm Hòa Bình), điều tôi cảm thấy ngay là có điều gì đó không ổn,” ông Clark nói. “Ít nhất là có thứ gì đó khác thường. Có điều gì đó đã xảy ra.”
Ông nói: “Có toàn người là người ních chật kín dọc theo cầu thang dẫn đến nơi cao nhất của Điện Capitol và một hàng mỏng các sĩ quan cảnh sát Điện Capitol đang canh giữ đám đông trên suốt đường đi lên tòa tháp đó.”
Ông Clark cho biết, sau khi ông kêu lớn “Oorah!” thì ông Epps tiếp cận ông.
“Ông ta nói, ‘Semper Fidelis devil dog (‘devil dog’ là biệt hiệu mà binh lính Đức gọi Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong trận Battle of Belleau Wood năm 1918, ‘Semper Fidelis’ là câu châm ngôn trên biểu tượng của Thủy quân Lục chiến nghĩa là ‘luôn trung thành’), chúng ta phải giữ đám đông này lại lâu hơn một chút, nếu không họ sẽ làm hỏng kế hoạch,’ ông Clark cho biết. “Được rồi, có một loại kế hoạch nào đó chăng?”
Ông Clark cho biết ông không hoàn toàn chắc chắn hiểu được tuyên bố của ông Epps nghĩa là gì. “Vì vậy, tôi bắt đầu hô, ‘Ủng hộ nhân viên chấp pháp! Ủng hộ nhân viên chấp pháp!’ (‘Back the blue, back the blue’) và ông ấy đã tiến về phía bên phải, xuống đầu bên kia,” ông kể lại.
Cả ông Epps và ông Clark đều xuất hiện trong video
Trong khi ông Epps phủ nhận đã nói rằng đám đông sẽ “làm hỏng kế hoạch,” thì The Epoch Times đã xác định được một đoạn video do anh Quincy Franklin quay được. Anh Quincy Franklin, được biết đến trên mạng với biệt danh Nhà Thuyết Giáo Da Đen Bảo Thủ, đã quay được cảnh hai ông Clark và Epps thi thoảng đứng cạnh nhau trong suốt khoảng thời gian năm phút vào buổi chiều hôm đó tại địa điểm mà ông Clark đã mô tả. Ông Clark đang đeo một chiếc mặt nạ Guy Fawkes.
Ở mốc 2 phút 31 giây trên video có nhan đề “Bão Tố Đã Đến Phần 3” (“The Storm Arrived Part 3”), một người biểu tình đã xịt một bình cứu hỏa vào không khí, khiến ông Epps phải di chuyển ra khỏi hàng cảnh sát đi xuống các bậc thang. Ông Clark ở ngay phía sau ông Epps, người khi đó đã di chuyển sang bên phải của ông khi ông tiếp tục chạy thẳng xuống bậc thềm. Ông Clark đã dừng lại cách ông Epps khoảng 25 feet (gần 8 mét).
Video cho thấy khoảng hai phút sau, cả hai ông đã trở lại gần hàng cảnh sát tại chân tháp truyền thông. Trong hơn hai phút, họ đứng cạnh nhau trước khi tách ra lần nữa khi đi xuống cầu thang.
Ông Clark cho biết ông quan sát thấy ông Epps tương tác với nhiều người khác nhau trong đám người ngày càng đông lên. Dường như ông Epps nắm quyền chỉ huy lớn với cả những người biểu tình và cảnh sát.
“Khi ông ấy đến và nói những gì phải nói với tôi, ông ấy có bộ dạng rõ ràng của người có thẩm quyền không chỉ với những người biểu tình, mà còn cả với các viên cảnh sát của Điện Capitol,” ông cho biết. “Bất cứ lúc nào ông ấy đi ngang qua, họ sẽ lùi lại.”
Ông Clark cho biết, sau đó ông Epps đã kéo một người đàn ông ra khỏi đám đông.
“Ông Epps đã quay trở lại đầu cuối này của chúng tôi, tóm một người đàn ông mặc áo hoodie đen ra khỏi đám đông,” ông Clark nói. “Ông ta nói điều gì đó với người kia và di chuyển sang bên phải nơi toàn bộ lực lượng cảnh sát của Điện Capitol đang ở đó.”
Những gì xảy ra tiếp theo vẫn còn ghi dấu trong ký ức của ông.
“Quý ông mặc chiếc áo hoodie đen được [ông Epps] kéo ra kia lại kéo thêm hai người khác ra khỏi đám đông, và họ đi thẳng về phía công trình này,” ông Clark nói. “Nó rộng cỡ 4ft x 4ft x 4ft (1.2m x 1.2m x 1.2m) và có một cái cửa sập giống như một cái nắp ở trên.”
Những người đàn ông này kéo cánh cửa sập ra và lấy ra một thanh gỗ dài 12ft (gần 4m) có kích cỡ 2×4, một đoạn ống các-tông dày có cùng chiều dài và một chiếc ghế đẩu cao khoảng 3 ft (gần 1m), ông nói. Ống các tông có đường kính khoảng 6 inch (khoảng 15cm).
Ông Epps tách khỏi nhóm sau khi nói chuyện với người đàn ông đầu tiên và không giúp những người đàn ông này di chuyển các công cụ bị cáo buộc này, ông Clark nói.
“Tôi đã nhìn xuống đó [công trình] và nó có vẻ giống như lối vào tiện ích hoặc lối đi lát gạch chống thấm, một kiểu cống thoát nước hoặc bất cứ thứ gì, nhưng chắc chắn đó là một loại khu đường hầm nhỏ,” ông nói, “họ đang kéo tất cả những thứ này ra khỏi đó,” ông nói.
Ông Clark cho biết một trong những người đàn ông đã đội một chiếc mũ màu đỏ hoặc cam tươi. Một trong những người đàn ông còn lại mặc áo khoác kiểu Carhartt màu hung.
Ông Clark nói rằng ông không muốn tham gia vào bất cứ điều gì mà những người đàn ông kia đang làm, vì vậy ông đã đi lên tầng tiếp theo của sân thượng phía tây. Sau khi hỗ trợ một phụ nữ bị xịt hơi cay, ông đi theo một đám đông và bị đẩy qua một cánh cửa đang mở và cuối cùng vào bên trong Điện Capitol, ông cho biết.
The Epoch Times đã quan sát một cách độc lập một cửa sập nằm chính xác tại vị trí mà ông Clark mô tả.
Ông Clark bị buộc tội
Ông Clark bị các công tố viên liên bang buộc tội cố ý tiến vào hoặc lưu lại một tòa nhà hạn chế khi không có thẩm quyền hợp pháp, và có hành vi bạo lực hoặc gây mất trật tự trong Điện Capitol. Ông đã không nhận tội.
Một trong những đồ vật mà ông Clark cho biết ông đã chứng kiến bị lấy ra khỏi cửa sập tiện ích trùng khớp với đoạn video quay cảnh một người đàn ông không rõ danh tính phá hoại cửa sổ ở Điện Capitol. Sau đó, người đàn ông này, chỉ được biết đến với biệt danh hashtag #RedOnRedGlasses (Người Mặc Đồ Đỏ Kính Đỏ), vẫn chưa được nhận diện hoặc buộc tội, mặc dù FBI liệt kê anh ta là người đứng thứ 300 trên trang web truy nã gắt gao nhất trong vụ xâm nhập ngày 06/01.
Hành động của ông Epps vào ngày hôm đó đã lần đầu tiên nhận được sự chú ý rộng rãi hồi tháng 6 và tháng 12/2021 khi trang web Revolver.News đăng các câu chuyện chi tiết về vai trò bị cáo buộc của ông Epps với tư cách là một tác nhân không bị truy tố.
Ông John Blischak, luật sư của ông Epps ngụ tại Phoenix, đã phủ nhận những khẳng định của ông Clark.
“Tôi đã đọc các bình luận của quý vị và như ông Epps đã nói: ‘Điều đó chưa bao giờ xảy ra,’” ông Blischak nói với The Epoch Times trong một thư điện tử. “Tôi không nghi ngờ gì về tính chính trực của ông ấy.”
Ông William Miller, phát ngôn viên của Văn phòng Biện lý Liên bang tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn cho biết: “Chúng tôi không bình luận về các vụ việc xảy ra hôm 06/01/2021 hoặc về cuộc điều tra ngoài những gì được nêu hoặc đệ trình lên Tòa án.”
Các video trong ngày hôm đó cho thấy các vật phẩm tương tự như những thứ được ông Clark mô tả đang được chuyền ra xung quanh làm vũ khí tại lối vào đường hầm Lower West Terrace. Một chiếc thang gấp chữ A thấp cũng được nhìn thấy bên trong lối vào đường hầm. Người ta không biết những món đồ đó đến từ đâu.
Nhiều hành động khả nghi
Cuộc tranh cãi xung quanh ông Epps vẫn chưa ngã ngũ, bất chấp những nỗ lực của Ủy ban 06/01 nhằm dập tắt điều thường được mô tả một cách chế nhạo là thuyết âm mưu của cánh hữu. Ông Epps đã gặp ủy ban này, mặc dù không có bản ghi lời khai nào được công bố. Theo các bản tin của các hãng thông tấn, ông Epps nói với FBI rằng ông không khuyến khích người biểu tình Ryan Samsel vượt qua hàng rào cảnh sát tại điểm xâm nhập thứ hai hôm 06/01/2021.
Video cho thấy ông Epps ở một số nơi trong khuôn viên Điện Capitol chỉ trích những người biểu tình vì bạo lực và thúc giục họ để cho các sĩ quan cảnh sát thực hiện công việc mà không bị cản trở. Một người đàn ông dường như đang đe dọa hàng cảnh sát ở phía tây của Điện Capitol khi ông Epps can thiệp. Người đàn ông đó nói: “Tôi rất muốn tiếp tục. Tôi sẽ có chuẩn bị từ trước khi đến đây nếu tôi biết điều này sẽ xảy ra.”
Ông Epps yêu cầu người đàn ông lùi lại khỏi cảnh sát. “Hãy lùi lại một bước,” ông này nói trong video do hãng Just Another Channel phát sóng. “Chúng tôi đang thủ vững nơi đây. Chúng tôi không cố gắng làm mọi người bị thương. Họ không muốn bị thương, quý vị không muốn bị thương. Hãy lùi lại.”
Ông Epps đã được thấy trong các đoạn video khác, dường như đang hỗ trợ đám đông khi họ đi qua một tấm biểu ngữ Trump bằng vải lớn trong một khung kim loại trên sân thượng phía tây. Một thời gian ngắn sau, những người biểu tình đã cố gắng đập tấm biểu ngữ này vào hàng cảnh sát. Một số bị cáo đã bị buộc tội sử dụng tấm biểu ngữ như một vũ khí sát thương, theo các tài liệu buộc tội liên bang.
Hành trình của ông Clark
Hành trình tham dự các sự kiện diễn ra hôm 06/01/2021 là một chặng đường khó khăn đối với ông Clark. Ông đã trải qua 25 năm nghiện ma túy đá (methamphetamine), một chứng nghiện khiến ông bị giải ngũ khỏi lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sau hai năm. Ông nói rằng ông đã cai nghiện được bốn năm rưỡi sau khi tìm thấy Chúa, Ngài đã dẫn dắt ông khỏi xiềng xích của nghiện ngập.
Ông nói Chúa muốn ông đến Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày hôm đó.
“Tôi cảm thấy thuyết phục về điều đó. Và tôi không nghĩ — tôi cảm thấy thuyết phục về điều đó. Tôi đã cảm thấy thuyết phục về điều đó kể từ khi tôi về nhà hôm 07/01/2021. Sẽ không ai nghe những gì tôi phải nói,” ông Clark nói. “Luật sư bào chữa công của tôi nói với tôi rằng tôi đang nói dối khi nói với ông ấy. FBI hành động như thể không có gì to tát.”
Ông Clark nói, “Trong trái tim tôi, tôi biết bàn tay của Chúa sẽ giáng xuống Thủ đô vào ngày hôm đó, và Ngài muốn tôi ở đó và tôi bắt đầu tìm vé xe buýt Greyhound và may mắn gặp được ai đó đã cho tôi đi chung xe với họ — tôi chẳng gặp may gì đâu. Ở đây không có sự may mắn. Chúa đã ban cho tôi một người để đi chung xe. Và một căn phòng thực sự xinh đẹp để ở.”
Ông Clark cho biết ông quyết tâm đưa các cáo buộc hôm 06/01 của mình ra xét xử, và nếu thua, ông sẽ chịu ngồi tù.
“Tôi sẽ ngồi biệt giam vào một năm nào đó — chẳng sao cả,” ông nói. “Tôi xứng đáng bị như vậy vì những tội mà tôi đã phạm phải nhưng đã thoát khỏi khi là một kẻ nghiện ma túy và heroin. Chẳng lo về ba năm của họ.”
Ông Joseph M. Hanneman là một phóng viên của The Epoch Times chuyên đưa tin về vụ xâm phạm Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021 và hậu quả của nó, cùng tin tức nói chung về tiểu bang Wisconsin. Trong sự nghiệp gần 40 năm, các bài viết của ông đã được xuất bản trên Catholic World Report, Racine Journal Times, Wisconsin State Journal và Chicago Tribune. Quý vị có thể liên lạc với ông tại: [email protected].