Phát hiện ngà voi ma mút 450,000 năm tuổi ở Anh quốc
Gần đây, một thợ săn hóa thạch người Anh cùng đồng nghiệp đã tình cờ phát hiện một hóa thạch ngà voi ma mút có chiều dài hơn 1.2 mét tại một mỏ đá ở miền đông Anh quốc. Lịch sử của chiếc ngà voi này có thể bắt nguồn từ khoảng 450,000 năm trước, và nó được bảo tồn rất tốt. Phát hiện này khiến hai khoa học gia rất phấn khích.
Theo truyền thông đưa tin, vào ngày 11/07/2023, nhà cổ sinh vật học Jamie Jordan, 33 tuổi và đồng nghiệp Sarah Moore 28 tuổi đã đến một mỏ đá ở Cambridgeshire, Anh quốc để tìm kiếm hóa thạch. Địa điểm này cách London khoảng 105km về phía Bắc. Trong lúc tìm kiếm, họ phát hiện một “vật nhô lên” bất thường trên cát. Theo kinh nghiệm của bản thân, ông Jordan nhanh chóng nhận ra đó là một chiếc ngà voi.
Ông Jordan cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi bước vào mỏ đá và nhìn xung quanh, thoáng nhìn qua, tôi thấy vật thể hình ống rỗng và cong này. Nó nằm trên mặt đất, khi tôi nhặt lên thì có cảm giác nặng. Vào lúc đó, tôi không thể tin vào mắt mình!”
Ông cho biết họ đã kiểm tra và xác nhận đó là hóa thạch ngà voi ma mút thảo nguyên (Steppe mammoth), dài khoảng 4 feet (khoảng 1.22 mét) và đang trong tình trạng bảo tồn rất tốt.
Ông Jordan cũng tiết lộ rằng ông yêu thích hóa thạch từ khi còn nhỏ và nhặt được hóa thạch đầu tiên trong đời khi mới 4 tuổi. Ông nhấn mạnh rằng trong nhiều năm qua, ông chưa bao giờ tìm thấy ngà voi ma mút được bảo tồn tốt như vậy, vì những hóa thạch này thường bị máy móc khai thác đá nghiền nát thành từng mảnh.
▶ Vui lòng click để xem video liên quan
Theo hai nhà cổ sinh vật học, chiếc ngà này đến từ một con voi ma mút thảo nguyên trưởng thành, cách đây khoảng 450,000 năm. Dựa trên chiều dài của chiếc ngà, con voi ma mút này cao khoảng 13 feet (khoảng 4 mét), nặng khoảng 14 tấn, kích thước lớn hơn so với voi hiện đại.
Voi ma mút thảo nguyên là một họ voi đã tuyệt chủng và là loài voi ma mút lớn thứ hai được biết đến trên Trái Đất, chủ yếu sống ở Âu Châu từ khoảng 600,000-370.000 năm trước (tức là kỷ Pleistocene giữa) của tiểu lục địa phía Bắc.
Điều đáng nói là hóa thạch ngà voi được phát hiện lần này vẫn còn dấu răng của động vật ăn thịt, điều này có thể giúp các khoa học gia hiểu thêm về mối tương tác phức tạp giữa động vật ăn thịt và con mồi thời bấy giờ, cũng như mối quan hệ giữa con người và động vật thời cổ đại.
“Chúng tôi đã thấy một số dấu vết của động vật ăn thịt trên ngà voi,” ông Jordan nói, và việc phát hiện ra những hóa thạch như vậy rất quan trọng vì chúng có thể giúp chúng tôi “hiểu rõ hơn về cuộc sống vào thời điểm cụ thể đó.”
Hiện tại, hóa thạch ngà voi cực hiếm này đã được gửi đến bảo tàng cổ sinh vật học có tên “Fossils Galore” ở Cambridgeshire để bảo quản và nghiên cứu, nhằm tìm hiểu thêm về đời sống của voi ma mút, chẳng hạn như môi trường sống và nguồn thức ăn của chúng. Bảo tàng bất vụ lợi này đã được ông Jordan thành lập từ khi ông 18 tuổi để “chia sẻ kiến thức về hóa thạch của mình” với những người khác.
Trương Vũ Phi thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ