Phát hiện chiếc kéo 2,300 năm tuổi trong một ngôi mộ cổ ở Đức
Trong khi khảo sát một dự án sắp sửa khởi công ở quận Sendling của thành phố Munich, các nhân viên xử lý chất nổ ở Đức đã tình cờ phát hiện một ngôi mộ cổ, bên trong có một chiếc kéo đã hơn 2,300 năm tuổi.
Cách đây không lâu, một nhóm chuyên gia phá bom của Đức đã tìm kiếm các thiết bị nổ còn sót lại từ Đệ nhị Thế chiến tại một công trường xây dựng sắp khởi công ở ngoại ô quận Sendling. Trong quá trình khai quật, họ vô tình phát hiện một ngôi mộ của người Celt chứa một số văn vật bằng kim loại, trong đó có một chiếc kéo tay trái chuyên dụng rất cổ và tinh xảo.
Các nhân viên đã báo lại sự việc cho Văn phòng Bảo tồn Di tích Bang Bavaria (Bavarian State Office for the Preservation of Monuments), cơ quan này đã lập tức cử một nhóm các nhà khảo cổ học đến địa điểm để tiến hành công tác khai quật chuyên nghiệp.
Ngoài chiếc kéo được bảo quản tốt từ lần khai quật trước đó, họ còn khai quật được một thanh kiếm “gấp,” các mảnh khiên, một mũi giáo, một lưỡi kiếm, một dây thắt lưng và một chiếc móc cài hình mác.
Những đồ tùy táng chất lượng cao này cho thấy chủ nhân của ngôi mộ có địa vị xã hội rất đặc biệt.
Trong một thông cáo báo chí vào ngày 24/04, Giáo sư Mathias Pfeil, người đứng đầu Văn phòng Bảo tồn Di tích Bang Bavaria cho biết, chiếc kéo này ước tính đã hơn 2,300 năm tuổi nhưng vẫn còn “nguyên vẹn, không bị tổn hại,” hiện tại vẫn có thể sử dụng được.
“Đây là một phát hiện rất bất ngờ! Chất lượng công nghệ của nó khiến mọi người ấn tượng sâu sắc, hơn nữa điều may mắn là, công cụ này đã được bảo quản trong tình trạng khá tốt. Các đồ bồi táng còn lại cũng cung cấp cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn về phong tục mai táng của người Celt.”
Ngay cả trong thời đại đó, kéo cũng đã có rất nhiều công dụng. Nhóm khảo cổ cho biết chiếc kéo dài gần 5 inch (12cm) này có thể đã được sử dụng để cắt tóc hoặc vải, cũng có thể là cắt cả lông cừu. Công cụ này trông gần như mới, không bị rỉ sét, hơn nữa vẫn có ánh kim loại.
Theo LiveScience, các nhà nghiên cứu cho rằng những đồ vật trong ngôi mộ này được dùng để bầu bạn với một nam và một nữ. Từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, người Celt sống ở Trung Âu đã bắt đầu áp dụng phong tục hỏa táng, tức là dùng lửa thiêu thi thể người đã khuất thành tro, sau đó đem tro cốt chôn trong mộ cùng với các đồ vật tùy táng.
Ngôi mộ này còn có một thanh kiếm ở trạng thái gấp có thể đạt chiều dài đến 30 inch (76cm) khi kéo dài ra, rõ ràng nó đã không thể dùng được nữa.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ chỉ có thể suy đoán về lý do nó bị gấp lại. Có lẽ nó đã được cố tình uốn cong để làm mất công dụng nhằm bảo vệ ngôi mộ khỏi những kẻ trộm mộ; hoặc có thể nó đã được gấp lại như vậy chỉ đơn giản là để đặt vừa trong ngôi mộ.
Họ suy đoán thêm rằng việc “hủy hoại” thanh kiếm cũng có thể là một loại nghi lễ tôn giáo vào thời điểm đó, mục đích là để chủ nhân đã khuất của nó tiếp tục sử dụng nó ở thế giới bên kia, hoặc là một biện pháp đề phòng để ngăn cản vong hồn ra ngoài càn quấy.