PHÂN TÍCH: Mặt tốt và mặt xấu trong kế hoạch 4 điểm để cứu quỹ an sinh xã hội của Tổng thống Biden
Chuyên gia An sinh Xã hội nhận định: ‘Bất kỳ thay đổi nào được thực hiện đối với chương trình này đều phải dựa trên nhu cầu chứ không phải độ tuổi.’
Khi người Mỹ đến tuổi về hưu, phần lớn mọi người sẽ phụ thuộc vào các khoản tiền hưu của quỹ tín thác An sinh Xã hội mà họ đã đầu tư kể từ ngày đầu tiên tiền thuế được trừ khỏi khoản tiền lương đầu tiên của họ.
Tuy nhiên, khoản tài trợ trị giá 22.4 ngàn tỷ USD được dự đoán trong Báo cáo của các Ủy viên quản lý quỹ tín thác năm 2023 có thể dẫn đến việc cắt giảm tiền lương hưu lên tới 23% đối với những người về hưu ở Mỹ kể từ năm 2033.
Không giống như Medicare, Quỹ tín thác Bảo hiểm cho Người già và Người sống sót (OASI) của An sinh Xã hội không hướng tới phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Chừng nào còn người Mỹ làm việc thì tiền sẽ vẫn chảy vào ngân quỹ của quỹ tín thác này để trang trải tiền hưu cho những người về hưu hiện tại. Điều có nguy cơ bị đe dọa là lương hưu của những người nhận trong tương lai.
Trong nỗ lực tránh rủi ro trong tương lai đối với những khoản tiền hưu này, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị một kế hoạch bốn điểm nhằm củng cố tài sản hiện tại của quỹ tín thác và giúp bổ sung khoản thâm hụt dự kiến.
Những thay đổi được đề nghị là:
Đánh thuế tiền lương trên 400,000 USD trong khi không đánh thuế tất cả thu nhập kiếm được từ 160,200 đến 400,000 USD. Như hiện tại, bất kỳ mức lương nào trên 160,200 USD đều được miễn thuế An sinh Xã hội.
Chuyển thước đo điều chỉnh chi phí sinh hoạt (COLA) của Sở An sinh Xã hội từ Chỉ số Giá Tiêu dùng dành cho Người làm công hưởng Lương ở Thành thị và Nhân viên Văn thư (CPI-W) sang Chỉ số Giá Tiêu dùng cho Người cao niên (CPI-E).
Tăng Số tiền Bảo hiểm Chính (PIA) mà các nhân viên đã về hưu trong độ tuổi từ 78 đến 82 nhận được hàng năm thêm 1%, con số mà cuối cùng sẽ tăng lên 5%.
Tăng mức tiền hưu tối thiểu đặc biệt cho những người hưởng An sinh Xã hội có mức lương thấp hơn suốt đời lên 125% mức nghèo của liên bang.
Chuyên gia Rachel Greszler thấy cả ưu điểm lẫn khuyết điểm trong danh sách đề nghị này.
Bà Greszler là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Roe, có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực hưu trí và chính sách lao động trong các chương trình như An sinh Xã hội, lương hưu, bảo hiểm khuyết tật, và bồi thường cho người lao động.
Trước khi gia nhập Quỹ Di Sản vào năm 2013, bà đã phục vụ bảy năm trong vai trò là nhà kinh tế cao cấp được ký hợp đồng chính thức của Ủy ban Kinh tế Liên hợp của Quốc hội.
Vậy bà Greszler thấy điểm nào là tốt, và điểm nào là chưa tốt trong đề nghị của ông Biden?
Đánh thuế tiền lương trên 400,000 USD
Trong tất cả các đề nghị, bà Greszler cho rằng đề nghị này sẽ gây thiệt hại nhiều nhất.
Bà nói với The Epoch Times: “Tôi hiểu được sức hấp dẫn của đề nghị này.”
Điều đó phù hợp với câu thần chú “trả phần công bằng của họ” thường được các thành viên Đảng Dân Chủ — như Tổng thống Joe Biden và cấp trên cũ của ông, cựu Tổng thống Barack Obama — nhắc đi nhắc lại, và được nhiều người Mỹ ưa chuộng, đặc biệt là những người ủng hộ Đảng Dân Chủ.
Tuy nhiên, trong khi “có vẻ như họ chỉ tăng thuế đối với những người có thu nhập giàu có hơn,” bà Greszler lưu ý rằng nỗ lực này “sẽ không bù đắp được sự thiếu hụt hoặc thậm chí phần lớn các khoản chi phí và tiền hưu gia tăng đó.”
“Vấn đề ở đây là đề nghị này tạo ra một lỗ hổng tạm thời nên thu nhập từ 160,200 USD đến 400,000 USD sẽ không bị đánh thuế,” bà giải thích và nói thêm rằng “thu nhập trên 400,000 USD sẽ bị đánh thuế cả 12.4%.”
“Đó là một mức tăng thuế rất lớn,” bà cảnh báo. “Quý vị sẽ có tổng mức thuế cận biên gần 70% ở Hoa Kỳ, nếu quý vị nhìn vào một tiểu bang có mức thuế cao nhất như California. Mức thuế cận biên này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với thu nhập không ổn định của các doanh nghiệp nhỏ. Thu nhập của các doanh nghiệp có thể là cao trong năm nay chứ không phải là năm kế tiếp, và phần lớn thu nhập đó được dùng để đầu tư, mang lại cho chúng ta tất cả các công nghệ mà từ đó chúng ta được hưởng lợi.”
Một phân tích năm 2020 về đề nghị này của Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania đã kết luận rằng điều chỉnh này sẽ “làm giảm sự mất cân bằng thường thấy trong 75 năm của chương trình An sinh Xã hội đi một khoản bằng 1.5% thu nhập lương chịu thuế theo luật hiện hành, khiến sự mất cân bằng chỉ còn là 2.0% lương chịu thuế theo luật hiện hành.” Tổ chức này cũng dự đoán “mức thuế cận biên này sẽ khiến GDP giảm 0.6% vào năm 2030 và 0.8% vào năm 2050.”
“Đó là một khoản chênh lệch thực sự lớn,” bà Greszler nói về dữ liệu năm 2020. “Có nghĩa là mỗi gia đình ở Mỹ sẽ giảm khoảng 450 đến 600 USD mỗi năm. Cộng thêm số tiền đó tăng theo thời gian và đó là rất nhiều tổn thất thu nhập.”
Với tỷ lệ lạm phát hiện nay, tổn thất thu nhập sẽ tăng theo cấp số nhân.
Chuyển thước đo COLA từ CPI-W sang CPI-E
Khi được lựa chọn giữa CPI-W và CPI-E, bà Greszler nhận thấy cả hai chỉ số này đều có vấn đề.
Bà mô tả CPI-W là “một chỉ số thiếu sót” bởi vì “chỉ số này rất hẹp và chỉ xét đến một nhóm nhỏ người lao động.”
Ngược lại, bà nói “CPI-E đối với người cao niên cũng không thực sự có ý nghĩa” bởi vì “chi phí lớn nhất đối với những người về hưu cao niên là chi phí y tế đã được Medicare chi trả rồi, và những người hưởng An sinh Xã hội cũng đã được bảo vệ khỏi lạm phát theo cách mà những người Mỹ thông thường không được bảo vệ.”
Bà giải thích, “Tiền lương hưu An sinh Xã hội đã tăng 8.7% vào năm ngoái trong khi tiền lương trung bình của người Mỹ đã giảm khoảng 2 đến 3% vào năm 2022. Vì vậy, chúng ta đang trả tiền hai lần.”
Bà cho biết những người chưa về hưu hiện không chỉ nhận được mức lương thấp hơn mà cuối cùng họ cũng sẽ là những người phải chịu gánh nặng về chi phí gia tăng do An sinh Xã hội chi trả các khoản tiền hưu cao hơn.
“Nếu mục tiêu là mang lại tiền hưu cao hơn thì điều đó nên được thực hiện một cách trực tiếp rõ ràng,” bà đề nghị. “Chứ không phải là thực hiện bằng cách cố gắng che giấu lợi ích này thông qua cách nói rằng họ đang sử dụng một chỉ số lạm phát khác.”
Thay vì CPI-W hay CPI-E, bà Greszler đề nghị nên thay đổi chỉ số lạm phát thành chỉ số mà bà tin là một chỉ số lạm phát chính xác hơn, CPI theo Chuỗi hoặc “Chỉ số Giá Tiêu dùng theo Chuỗi cho Tất cả Người tiêu dùng Thành thị” (C-CPI-U).
“Được chỉ định là C-CPI-U,” BLS giải thích, “chỉ số này bổ sung cho các chỉ số hiện có do BLS tạo ra: CPI cho Tất cả người Tiêu dùng Thành thị (CPI-U) và CPI cho Người làm công hưởng Lương ở Thành thị và Nhân viên Văn thư (CPI-W).”
“Chỉ số này hợp lý,” bà nói, đồng thời lưu ý rằng đó là chỉ số được cả Tổng thống Đảng Dân Chủ Obama và Tổng thống Đảng Cộng Hòa George W. Bush đề nghị.
Bà nói: “Chỉ số này theo dõi giỏ hàng hóa mà hầu hết mọi người đang thực sự mua.”
Bà nói: “Đáng lẽ việc chọn chỉ số nào phải là vấn đề lưỡng đảng, nhưng thật không may, nó đã trở thành một vấn đề mang tính đảng phái hơn.”
Tăng PIA
Sau đó, có đề nghị tăng tiền hưu An sinh Xã hội dựa trên người nào đó đạt đến độ tuổi 78 và 82.
Bà giải thích, lập luận ở đây là khi quý vị già đi, chi phí của quý vị ngày càng tăng.
Tuy nhiên, mặc dù có một số tương quan, đặc biệt là đối với chi phí chăm sóc sức khỏe, bà lưu ý rằng xác suất những người trong độ tuổi này đã trả hết khoản vay nợ mua nhà và đã loại bỏ các chi phí lớn khác cũng cao hơn.
“Bất kỳ thay đổi nào được thực hiện đối với chương trình này đều phải dựa trên nhu cầu chứ không phải độ tuổi, bởi vì cuối cùng quý vị sẽ trả cho các triệu phú những khoản tiền hưu cao hơn theo những đề nghị đó và họ không cần những khoản tiền hưu cao hơn đó và hệ thống này cần phải giữ càng nhiều nguồn tài chính càng tốt,” bà Greszler giải thích. “Tôi không nghĩ đề nghị đó có ý nghĩa. Việc tăng tiền lương hưu cho các triệu phú không phải là mục tiêu. Đề nghị này chỉ mang lại lợi ích bất ngờ cho mọi người bất kể việc liệu họ thực sự có nhu cầu tài chính tăng lên trong những độ tuổi đó hay không.”
Tăng trợ cấp tối thiểu đặc biệt
Ở một khía cạnh nào đó, bà Greszler xem đây là một ý tưởng hay.
Bà nói với The Epoch Times: “Tôi thực sự nghĩ rằng có đủ lý do để nên tăng tiền lương hưu cho những người có thu nhập thấp trong An sinh Xã hội vì chương trình này được lập ra để trở thành một chương trình chống đói nghèo mà tuy vậy có hàng triệu người cao niên đang nhận An sinh Xã hội và vẫn phải sống trong nghèo đói.”
Bà cũng lưu ý rằng những người về hưu ở mức nghèo này cũng đang “sử dụng các chương trình như thu nhập an sinh bổ sung và các chương trình trợ cấp phúc lợi khác.”
Bà đề nghị: “Vì vậy, tôi nghĩ cần có sự trợ giúp của lưỡng đảng cho việc tăng phúc lợi tối thiểu.”
Bà nói, ý tưởng này tương tự như điều mà Quỹ Di Sản đề nghị “như một phần của sự thay đổi rộng lớn hơn nhiều nhằm hướng tới một cấu trúc tiền lương hưu phổ quát hơn dựa trên số năm quý vị làm việc thay vì thu nhập quý vị kiếm được.”
Bà nói: “Đề nghị của chúng tôi sẽ tăng mức lương hưu tối thiểu ít nhất lên mức nghèo đối với những người đã trải qua một sự nghiệp trọn vẹn.”
Tuy nhiên, vấn đề mà bà nhận thấy với đề nghị của Tổng thống Biden là “ông ấy muốn thực hiện sự thay đổi này khá nhanh chóng.”
“Thành thật mà nói, chương trình An sinh Xã hội không có đủ nguồn tài chính để tăng mức lương hưu tối thiểu,” bà nói. “Lương hưu sắp bị cắt giảm 25% trên diện rộng trong vòng 10 năm và Quốc hội đang không làm gì với sự việc này. Vì vậy, chúng ta đang nói về việc cắt giảm tiền hưu trung bình trên diện rộng là 5,000 USD trong 10 năm.”
Bà dự đoán rằng, nếu quý vị bắt đầu lĩnh lương hưu đáng kể trong 10 năm tới, thì ngày vỡ nợ dự kiến trong 10 năm không chỉ “sẽ đến sớm hơn” mà mức cắt giảm tiền hưu trên diện rộng sẽ lớn hơn đối với tất cả mọi người. Những người đáng lẽ nhận được tiền hưu lớn hơn trong vài năm tới sẽ nhận được ít hơn.
Bà giải thích, An sinh Xã hội ban đầu được dự định là “một chương trình dành cho người cao niên, chống đói nghèo” để bổ sung chứ không phải là nguồn thu nhập duy nhất khi về hưu. Vì vậy, bà tin rằng những cải tổ sẽ phản ánh mục đích ban đầu đó.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times