Ủy ban của Đảng Cộng Hòa đề nghị cải tổ để ngăn chặn việc cắt giảm phúc lợi an sinh xã hội
Một ủy ban nghiên cứu của Đảng Cộng Hòa đã đề nghị ngăn chặn mức cắt giảm 23% phúc lợi An sinh Xã hội bằng cách cải tổ chương trình này, bao gồm cả việc tăng tuổi về hưu.
Một lực lượng đặc nhiệm của Đảng Cộng Hòa là nhóm bảo tồn truyền thống lớn nhất tại Hạ viện đã công bố một đề nghị cải tổ nhằm ngăn chặn việc cắt giảm phúc lợi An sinh Xã hội trong bối cảnh hệ thống này đang trên bờ vực phá sản.
An sinh Xã hội đang phải đối mặt với những thách thức trong tương lai bởi các yếu tố bao gồm lạm phát và doanh thu thuế thấp hơn dự kiến, với một số ước tính cho thấy quỹ An sinh Xã hội chính sẽ cạn sạch tiền trong khoảng 10 năm, dẫn đến cắt giảm phúc lợi xã hội.
Ví dụ, một dự báo của tổ chức phi đảng phái Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm đã ước tính rằng quỹ ủy thác An sinh Xã hội, vốn bao gồm hai quỹ nhỏ hơn — Quỹ ủy thác Bảo hiểm Người già và Người sống sót (OASI) và Quỹ ủy thác Bảo hiểm Người khuyết tật (DI) — sẽ cạn tiền vào năm 2033.
Phân tích cho biết, “Khi mất đi khả năng thanh toán, luật pháp quy định rằng quỹ ủy thác OASI chỉ có thể chi tiêu số tiền bằng doanh thu sắp tới của quỹ ủy thác, có nghĩa là toàn bộ 70 triệu người về hưu, những người phụ thuộc, và những người sống sót — bất kể tuổi tác, thu nhập, hoặc nhu cầu — sẽ chứng kiến phúc lợi của họ bị giảm 23%.”
Nghĩa là trừ phi tìm được nhiều tiền hơn — hoặc bằng cách lấy từ quỹ chung, thông qua tăng thuế, hoặc thông qua những cải tổ dẫn đến các khoản tiết kiệm cho chương trình này — nếu không thì những người hưởng An sinh Xã hội sẽ nhận được những tấm chi phiếu có giá trị nhỏ hơn.
Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng Hòa (RSC) đã viết trong bản kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa 2025 của mình: “Những khoản cắt giảm tàn khốc này sẽ khiến nhiều người cao niên không thể trang trải cuộc sống và cướp đi khả năng sống có phẩm giá và độc lập của họ.”
“Hàng triệu gia đình Mỹ trợ giúp người thân cũng sẽ gặp khó khăn về kinh tế.”
Lực lượng đặc nhiệm này của Đảng Cộng Hòa lập luận rằng cách tiếp cận An sinh Xã hội của Tổng thống Joe Biden đã đặt chương trình An sinh Xã hội này vào một “tình thế bấp bênh,” với phần ngân sách năm tài khóa 2025 cho Sở An sinh Xã hội của ông vô hình chung đã ủng hộ việc tăng thuế đối với những người Mỹ có thu nhập cao kết hợp với các đề nghị tăng chi tiêu của chương trình.
“Đề nghị chi tiêu nhiều hơn mà không có giải pháp bền vững sẽ dẫn đến việc cắt giảm phúc lợi của người Mỹ nhiều hơn,” RSC viết, đồng thời lập luận rằng kế hoạch của Tổng thống Biden hiện đang đi theo hướng cắt giảm 23% trợ cấp phúc lợi vào năm 2033.
RSC tuyên bố rằng việc giảm trợ cấp phúc lợi này là “không thể chấp nhận được và vô đạo đức,” đồng thời đề nghị cải tổ chương trình để ngăn chặn việc cắt giảm.
Trong khi đề nghị của RSC xem xét một số giải pháp khả thi, biện pháp khắc phục đưa ra của họ là sự kết hợp của việc thực hiện những thay đổi nhỏ trong công thức tính số tiền bảo hiểm chính, thực hiện một “sự điều chỉnh nhỏ” đối với tuổi về hưu để tính tới việc tuổi thọ đã tăng lên, cũng như hạn chế và loại bỏ dần trợ cấp phúc lợi phụ trợ cho người có thu nhập cao.
Chủ tịch RSC Kevin Hern (Cộng Hòa-Oklahoma) được trích dẫn trong kế hoạch chi tiết nói rằng Đảng Cộng Hòa “SẼ KHÔNG điều chỉnh hoặc trì hoãn phúc lợi hưu trí cho bất kỳ người cao niên nào về hưu hoặc sắp về hưu.”
Cách khắc phục là gì?
Lực lượng đặc nhiệm của Đảng Cộng Hòa nêu trong đề nghị rằng về căn bản có ba cách để giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán của An sinh Xã hội.
Một biện pháp khắc phục có thể làm là chuyển tiền từ quỹ chung được tài trợ bằng nợ mà RSC cho rằng không bền vững.
“Cách tiếp cận này sẽ dẫn tới hậu quả là mắc kẹt vào việc chi tiêu bằng thâm hụt to lớn khiến người đóng thuế phải gánh khoản nợ hơn 200 ngàn tỷ USD (không tính lãi) từ năm tài chính 2024 cho đến năm tài chính 2096,” bản kế hoạch viết.
Ngoài ra, biện pháp đó sẽ mở cơ hội cho việc tăng thuế “hàng loạt” để trang trải cho khoản chi tiêu chung ngày càng tăng.
RSC lập luận, “Một cách căn bản hơn, lựa chọn này sẽ củng cố sự bất lực của Quốc hội trong việc giải quyết tình trạng mất kiểm soát tài khóa của Mỹ,” đồng thời chỉ ra rằng Mỹ hiện đang nợ khoảng 34 ngàn tỷ USD và rằng sự thiếu hụt tiền của chương trình An sinh Xã hội và Medicare thúc đẩy gần như toàn bộ mức tăng thâm hụt dự kiến từ 984 tỷ USD lên 3.29 ngàn tỷ USD vào năm 2033.
RSC lập luận rằng việc chuyển tiền từ quỹ chung được tài trợ bằng nợ cũng sẽ làm tăng thêm mối đe dọa kinh tế do Trung Quốc gây ra, vì Trung Quốc là chủ nợ ngoại quốc lớn thứ hai của Hoa Kỳ.
RSC nêu rõ: “Việc tiếp tục tận dụng các nghĩa vụ nợ vô trách nhiệm của chúng ta đối với ngoại quốc, đặc biệt là các quốc gia đối thủ, sẽ mang lại rủi ro lớn cho Hoa Kỳ.”
“Nếu Sở An sinh Xã hội sắp phá sản không thúc đẩy được Hoa Thịnh Đốn thực hiện chương trình bền vững, và thay vào đó [để cho] Quốc hội tập trung giải quyết vấn đề bằng nhiều chi tiêu thâm hụt và thuế hơn, thì Quốc hội sẽ mãi mãi từ bỏ trách nhiệm khôi phục sự lành mạnh về tài khóa.”
Một lựa chọn khác thường được những người thuộc phe cánh tả đề nghị là tăng thuế.
Đảng Dân Chủ đã đề nghị nâng giới hạn trên về mức thu nhập phải chịu thuế tiền lương, hiện được giới hạn ở mức 168,600 USD.
Lực lượng đặc nhiệm của Đảng Cộng Hòa lập luận chống lại cách tiếp cận này, cho rằng việc áp dụng thuế tiền lương cho tất cả các khoản thu nhập sẽ không chỉ dẫn đến mức tăng thuế lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, mà còn không làm An sinh Xã hội có khả năng thanh toán trong khi loại bỏ việc làm.
RSC nêu trong kế hoạch chi tiết: “Tổng thống Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ tại Quốc hội tiếp tục đánh lừa người dân Mỹ để khiến họ nghĩ rằng ‘tăng thuế đối với người giàu’ có thể giải quyết được vấn đề.”
RSC lập luận rằng việc tăng thuế đối với người Mỹ sẽ “trừng phạt” chính họ và “tạo gánh nặng” cho nền kinh tế, đồng thời gọi chế độ thuế và chi tiêu là “thảm họa và thuế lũy thoái.”
Cải tổ chương trình
Do đó, giải pháp được RSC đề nghị là tạo ra các khoản tiết kiệm cho chương trình bằng cách thực hiện một loạt cải tổ.
RSC nêu trong kế hoạch chi tiết: “Ví dụ: Bản kế hoạch Ngân sách của RSC sẽ thực hiện những thay đổi nhỏ đối với công thức tính trợ cấp phúc lợi bảo hiểm chính (PIA) dành cho những cá nhân chưa đến tuổi sắp về hưu và kiếm được nhiều hơn là hệ số trợ cấp phúc lợi cho người giàu có nhất.”
Mặc dù bản kế hoạch này không đi sâu vào chi tiết về những thay đổi trong công thức tính mức trợ cấp phúc lợi, Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng đã đề nghị một khái niệm tương tự liên quan đến việc giảm hệ số PIA xuống 5% từ mức 15% hiện tại đối với những người có thu nhập trung bình hàng tháng được lập chỉ mục từ 6,721 USD trở lên.
Bên cạnh việc tìm cách cắt giảm mức trợ cấp phúc lợi An sinh Xã hội mà các gia đình có thu nhập cao nhận được, RSC còn đề nghị tăng tuổi về hưu để tính tới việc tuổi thọ tăng lên. Tuy nhiên, nhóm không đưa ra độ tuổi mục tiêu cụ thể; thay vào đó, họ kêu gọi Tổng thống Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ bàn thảo về “những cải tổ hợp lý để cứu chương trình này” nhằm xác định các chi tiết.
Đề nghị này cũng đề xướng hạn chế và loại bỏ dần các phúc lợi phụ trợ dành cho người có thu nhập cao, các chi tiết cụ thể một lần nữa lại được để lại cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Ngoài ra, RSC còn đề nghị tăng cường khả năng thanh toán của quỹ An sinh Xã hội bằng cách tăng doanh thu từ thuế tiền lương thông qua “cải tổ thuế ủng hộ tăng trưởng, chính sách năng lượng ủng hộ tăng trưởng giúp tăng lương, các yêu cầu công việc chuyển người Mỹ từ nhận trợ cấp phúc lợi sang làm việc và cải tổ quy định giúp tăng trưởng kinh tế.”
Liên quan đến cải tổ thuế, đề nghị của RSC tìm cách cắt giảm thuế gần 5.5 ngàn tỷ USD trong 10 năm, ước tính rằng tác động hỗ trợ tăng trưởng sẽ mang lại doanh thu bổ sung là 566 tỷ USD.
Các cải tổ khác liên quan đến thuế bao gồm việc thực hiện vĩnh viễn các điều khoản về cắt giảm thuế cá nhân và kinh doanh dưới thời ông Trump, biện pháp sẽ làm tăng doanh thu thuế tiền lương thêm khoảng 27.5 tỷ USD trong 10 năm.
Một khoản tăng doanh thu thuế tiền lương khác lên tới 6.3 tỷ USD sẽ đạt được theo đề nghị của RSC bằng cách ban hành các cải tổ thuế hỗ trợ tăng trưởng khác cho phép các doanh nghiệp chi trả toàn bộ và ngay lập tức các khoản đầu tư của họ vào nghiên cứu và phát triển.
“[Nhìn chung,] chúng tôi sẽ không ủng hộ việc cắt giảm hoặc trì hoãn trợ cấp hưu trí cho bất kỳ người cao tuổi nào sắp về hưu hoặc sắp về hưu, không phải là bây giờ hay mãi về sau” ủy ban này tuyên bố.
“Khi tình trạng vỡ nợ đang đến gần trong thời hạn ngân sách 10 năm, Quốc hội có nghĩa vụ đạo đức và thực tế bắt buộc để giải quyết các vấn đề về An sinh Xã hội.”
“Những cải tổ dần dần, hợp lý này sẽ chỉ giúp Quốc hội có thêm thời gian để cùng nhau đàm phán các chính sách có thể bảo đảm khả năng thanh toán An sinh Xã hội trong nhiều thập niên tới.”
Bản kế hoạch của RSC đóng vai trò như một danh sách các chính sách mà Đảng Cộng Hòa có thể theo đuổi nếu họ giành lại đa số tại Hạ viện và chiếm lại Tòa Bạch Ốc.
Tương lai của An sinh Xã hội cũng đã trở thành một chủ đề chính trị quan trọng khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 đang nóng lên.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times