PHÂN TÍCH: Liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng có làm tăng tính cấp bách để Tổng thống Biden đàm phán về mức trần nợ?
Các chuyên gia cho biết, vụ phá sản ngân hàng thứ ba của Hoa Kỳ trong hai tháng không liên quan đến bế tắc chính trị về trần nợ và không có khả năng ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về việc nâng giới hạn vay theo luật định của quốc gia, nhưng điều đó có thể thay đổi.
First Republic Bank đã bị các cơ quan quản lý ngân hàng tiếp quản hôm 01/05, trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ. Mặc dù JPMorgan Chase đã đồng ý mua gần như toàn bộ tài sản của First Republic Bank, nhưng sự sụp đổ của tổ chức có trụ sở tại San Francisco này sẽ khiến Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) phải trả khoảng 13 tỷ USD từ quỹ bảo hiểm tiền gửi của mình.
Bất chấp tình huống bất thường là hai cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra cùng một lúc — một loạt ngân hàng phá sản và bất đồng chính trị về trần nợ quốc gia — các chuyên gia cho rằng các tình huống này không liên quan và không có khả năng tác động lẫn nhau.
Ông Mike Davis, đối tác sáng lập tại công ty cổ phần tư nhân Olive Tree Ridge, nói với The Epoch Times: “First Republic Bank bắt đầu nhận tiền vào cuối tuần và việc JPMorgan mua ngân hàng này sau đó là tách biệt và khác biệt với những thách thức mà [Tổng thống Joe] Biden đang phải đối mặt trong việc đàm phán các lựa chọn vì những thách thức đó liên quan đến trần nợ.”
Ông Robert Kravchuk, một nhà nghiên cứu tại Học viện Hành chính Công Quốc gia, cho biết: “Về tranh chấp trần nợ, đây thực sự là một vấn đề riêng biệt và nó giống như một tranh chấp chính trị hơn là một vấn đề kinh tế thực sự.”
Nhưng điều đó có thể thay đổi. Tâm trạng lo lắng ngày càng dâng cao của công chúng về khả năng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ vỡ nợ, kết hợp với các biện pháp chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang, có thể đẩy lãi suất lên mức chưa từng thấy trong nhiều năm.
Nếu điều đó xảy ra, các ngân hàng có mô hình kinh doanh dựa trên mức lãi suất thấp lịch sử được hưởng trong thập niên qua sẽ phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ ngày càng cao.
Quản lý yếu kém, lãi suất tăng
Ông Ari Rastegar, Giám đốc điều hành của Công ty Địa ốc Rastegar, nói với The Epoch Times: “First Republic Bank phá sản là do quản lý yếu kém.”
“Đây là về việc một ngân hàng đang đánh giá quá thấp việc tăng lãi suất nhanh như họ đã làm,” ông Rastegar nói. “Ban quản lý của họ hầu như chỉ tập trung vào việc tăng tiền gửi và không phòng ngừa rủi ro đúng cách,” nghĩa là không giảm thiểu rủi ro tăng lãi suất như đã xảy ra trong năm qua.
Trong nỗ lực đảo ngược tỷ lệ lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất cơ bản chín lần trong 12 tháng bắt đầu từ tháng Ba năm 2002. Lãi suất đã tăng từ 0 lên 4.75%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2006.
Trong những năm gần đây, First Republic Bank đã có thể phát triển mạnh bằng cách thu hút các nhà đầu tư lớn, những người có tiền được gửi dưới dạng tiền gửi với lãi suất rất thấp, mang lại một nguồn vốn rẻ.
Khi lãi suất tăng đột ngột, các ngân hàng như thế này buộc phải tăng lãi suất trả cho người gửi tiền trong khi các khoản cho vay mà họ đã cho người vay đi vay là dựa trên lãi suất thấp hơn trước đó.
Ông E.J. Antoni, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Dữ liệu, nói với The Epoch Times: “Fed đã phải tăng lãi suất mạnh và nhanh để làm chậm lạm phát, nhưng điều đó phơi bày rủi ro lãi suất mà họ đã tạo ra [bằng cách giữ lãi suất thấp trong thời gian dài]. Nhiều ngân hàng hiện đang ở trong tình thế mà các tài sản của họ có giá trị thấp hơn số tiền mà các họ đã trả cho các tài sản đó.”
Khi những người gửi tiền bắt đầu chuyển tiền của họ đến các tổ chức trả lãi suất cao hơn, First Republic Bank đã mất khoảng 100 tỷ USD, tương đương với gần một nửa số tiền gửi của họ, theo dữ liệu từ báo cáo thu nhập quý đầu tiên của ngân hàng này.
Vào tháng Ba, Silicon Valley Bank và Signature Bank đã sụp đổ trong những hoàn cảnh tương tự.
“Đôi khi người ta quên rằng họ đang sống trong một xã hội tư bản, nơi kẻ mạnh nhất sẽ sống sót, chứ không phải là kẻ yếu nhất,” ông Rastegar nói. “Họ đã không làm đúng. Họ tiêu rồi.”
Không có tiền thuế
Tổng thống Biden đã ca ngợi công việc của các cơ quan quản lý ngân hàng trong việc dàn xếp thương vụ bán First Republic Bank trong một sự kiện tại Tòa Bạch Ốc hôm 01/05.
“Những hành động này sẽ bảo đảm rằng hệ thống ngân hàng an toàn và lành mạnh,” ông Biden nói. “Điều quan trọng là những người đóng thuế không phải là những người rơi vào cảnh nợ nần.”
Theo ông Kravchuk, nhiều người Mỹ khó có thể tin rằng sự can thiệp của chính phủ vào cuộc khủng hoảng ngân hàng này không xuất phát từ túi tiền của người đóng thuế, nhưng đó là sự thật.
Ông Kravchuk nói với The Epoch Times: “Với tâm lý ác cảm phổ biến đối với các ngân hàng, Đảng Cộng Hòa có thể thúc đẩy một thỏa thuận hạn chế hoặc cấm sử dụng ‘tiền của người đóng thuế’ để ‘cứu trợ’ cho các ngân hàng. Nhưng không có mối liên hệ kinh tế rõ ràng nào giữa hai sự việc.”
Ông Kravchuk cho biết các quỹ do Cục Dự trữ Liên bang nắm giữ không phải là tiền của người đóng thuế. Số tiền này được tạo ra bởi Cục Dự trữ Liên bang, cơ quan có thẩm quyền độc nhất để làm như vậy. Tiền của người đóng thuế do Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nắm giữ.
Vì vậy, mặc dù nhiều người không thích việc chính phủ nhúng tay vào giải cứu các ngân hàng đang phá sản, nhưng chính phủ đang không làm như vậy bằng cách sử dụng tiền thuế.
Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, có vẻ lạc quan về cuộc khủng hoảng ngân hàng sau khi công ty của ông mua lại First Republic.
“Thương vụ mua lại này đang tiến gần tới kết thúc cuộc khủng hoảng, và hy vọng nó sẽ giúp ổn định mọi thứ,” ông Dimon nói với các ký giả hôm 01/05, theo Bloomberg. “Hệ thống ngân hàng Mỹ rất lành mạnh.”
Một cơn bão hoàn hảo
Các nhà kinh tế cho biết, mặc dù bế tắc về giới hạn nợ không tạo ra khủng hoảng ngân hàng, nhưng có một kịch bản trong đó tình trạng bế tắc về mức trần nợ có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với các ngân hàng.
Ông Kravchuk nói: “Cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể ảnh hưởng đến tranh chấp trần nợ đang diễn ra do hiểu lầm hoặc sợ hãi.”
Ông Peter C. Earle, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER), cũng đồng tình.
“Mọi nhan đề báo chí trong đó sự cố chấp của hai bên được xác nhận đều khiến lãi suất công khố phiếu Hoa Kỳ tăng lên,” ông Earle nói. “Điều đó làm tăng khả năng kiểu thời gian đáo hạn trung bình đã khiến Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ, cũng như khiến First Republic Bank bị trọng thương có thể lan rộng, khiến các tổ chức tài chính khác mắc bẫy.”
Theo ông Rastegar, ảnh hưởng của việc gia tăng tình trạng không chắc chắn trên thị trường, cộng với một đợt tăng lãi suất khác của Cục Dự trữ Liên bang, có thể gây khó khăn cho một số ngân hàng tầm trung.
Ông nói, “Tôi nghĩ rằng vấn đề mà chúng ta đang gặp phải với First Republic và Silicon Valley là mang tính hệ thống đối với nhiều ngân hàng thị trường tầm trung.”
Ông Rastegar nói: “Diễn biến đang được dự đoán là Chủ tịch [Cục Dự trữ Liên bang Jerome] Powell sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản. Và tôi nghĩ nếu không giải quyết vấn đề trần nợ, thật khó để hiểu mọi thứ đang xảy ra với lạm phát.”
Sự phá sản của First Republic Bank đã khiến một số người ở Hoa Thịnh Đốn kêu gọi tăng cường quy định hơn là đàm phán nợ.
Tổng thống cho biết quy định chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng khu vực là cần thiết và một số nhà lập pháp đã tham gia vào dàn hợp xướng đồng thanh đó.
“Thất bại của First Republic Bank cho thấy việc bãi bỏ quy định đã khiến vấn đề quá lớn để phá sản trở nên tồi tệ hơn như thế nào,” Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts) đã viết trên Twitter. “Quốc hội cần thực hiện những cải tổ lớn để sửa chữa một hệ thống ngân hàng đã hỏng hóc.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times