PHÂN TÍCH: Các giáo sư Stanford lo sợ một nửa số ngân hàng Hoa Kỳ sắp mất khả năng thanh toán, ông Navarro quy cho ‘lạm phát của ông Biden’
Trong một phân tích mới đây, các giáo sư Anat Admati, Martin Hellwig, và Richard Portes đưa ra lời phê bình gay gắt về các vấn đề mang tính hệ thống của ngành ngân hàng Hoa Kỳ, rõ ràng nhất là cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2023. Đặc biệt, phân tích của họ xoay quanh sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley (SVB) và First Republic, nêu bật các vấn đề mang tính hệ thống đang ảnh hưởng đến các ngân hàng Hoa Kỳ.
Phân tích này cho thấy rằng cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng Hoa Kỳ là mang tính hệ thống, không phải do sự liên kết của các ngân hàng với nhau, mà do các chiến lược ngân hàng tương tự mà họ đã áp dụng. Sự sụp đổ của SVB hồi tháng 03/2023, sau một cuộc rút tiền gửi hàng loạt, là một trường hợp điển hình.
Năm 2019, báo cáo tài chính của SVB cho thấy 62 tỷ USD tiền gửi, 33 tỷ USD cho vay, và 29 tỷ USD chứng khoán. Nhanh chóng chuyển sang tháng 03/2022 và các khoản tiền gửi của ngân hàng đã tăng gấp ba lần, với các khoản cho vay và chứng khoán cũng có sự tăng trưởng khá nhiều. Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất vào năm 2022 của Cục Dự trữ Liên bang đã khởi đầu một phản ứng dây chuyền. Các nhà đầu tư dần dần chuyển từ tiền gửi sang đầu tư trên thị trường tiền tệ với lãi suất cao hơn. Đến tháng 03/2023, SVB đã thua lỗ về chứng khoán và không thể gọi thêm vốn chủ sở hữu, gây ra một cuộc rút tiền hàng loạt dẫn đến việc đóng cửa ngân hàng này.
Theo một bài báo mà bà Admati gửi cho The Epoch Times: “Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách, các nhà vận động hành lang, và các nhà bình luận dường như đã bỏ lỡ bài học rất hiển nhiên: việc không lưu ý đến các khoản nợ mất khả năng thanh toán cùng với việc bảo hiểm các khoản tiền gửi có thể dẫn đến những hậu quả tai hại.”
“Cục Dự trữ Liên bang hiện đang cung cấp trợ giúp thanh khoản mà không khôi phục khả năng thanh toán, kéo dài tình thế khó khăn và khuyến khích một số ngân hàng bắt đầu đánh cược để hồi sinh như các cuộc khủng hoảng trong ngành tiết kiệm và cho vay (savings and loan, S&L) đã làm trong những năm 1980.”
Bà Admati, một giáo sư thuộc Đại học Stanford, là một chuyên gia về tài chính và quản trị doanh nghiệp. Ông Hellwig, một nhà kinh tế học người Đức, từng tác động sâu sắc đến quy định ngân hàng và lý thuyết khủng hoảng tài chính. Ông Portes, từ Trường Kinh doanh London, là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế quốc tế và hội nhập Âu Châu.
Bản phân tích này cáo buộc SVB che giấu tình trạng mất khả năng thanh toán của mình thông qua các hoạt động kế toán. Hơn nữa, bài phân tích còn chỉ trích biện pháp giám sát của Cục Dự trữ Liên bang, với lý do rằng ngân hàng này đã nhận được xếp hạng theo quy định khá cao mặc dù đã mất khả năng thanh toán. Một trường hợp tương tự đã xảy ra với First Republic Bank, cho thấy rằng những vấn đề này không phải là những sự kiện cá biệt.
Vấn đề mất khả năng thanh toán không chỉ giới hạn ở SVB và First Republic Bank; các giáo sư này cảnh báo rằng các ngân hàng khác có thể phải đối mặt với số phận tương tự do các khoản đầu tư của họ vào chứng khoán có thu nhập cố định. Theo Jiang et al. (2023), khoản lỗ chưa thực hiện trong chứng khoán tại các ngân hàng Hoa Kỳ lên tới khoảng 2 ngàn tỷ USD.
Phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang đối với cuộc khủng hoảng này được mô tả là một giải pháp khắc phục tạm thời, với việc mở rộng chính sách của họ không làm giảm bớt các vấn đề về khả năng thanh toán của các ngân hàng này. Các giáo sư lập luận rằng việc không lưu ý đến tình trạng mất khả năng thanh toán cùng với việc bảo hiểm tiền gửi có thể dẫn đến những hậu quả tai hại, như đã từng được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay (S&L) những năm 1980.
Các tác giả kêu gọi các nhà chức trách Hoa Kỳ thừa nhận cuộc khủng hoảng ngân hàng rõ ràng này và giải quyết các vấn đề căn bản về khả năng thanh toán. Họ đề nghị các biện pháp tức thời như hạn chế bồi thường cho giám đốc điều hành và thanh toán cho các cổ đông đối với các ngân hàng không đáp ứng các tiêu chuẩn về vốn chủ sở hữu theo kế toán giá trị hợp lý.
Họ lập luận rằng cuộc khủng hoảng hiện nay tạo ra một cơ hội cho việc tái cấu trúc ngành ngân hàng đã quá hạn từ lâu, bảo đảm cho các ngân hàng có khả năng thanh toán được tồn tại trong khi giải quyết vấn đề quá nghiêm trọng đến mức không thể cho phép đi đến phá sản. Họ cảnh báo về những vụ sáp nhập liên quan đến các ngân hàng vốn đã quá lớn, ví dụ như việc JPMorgan Chase nắm quyền kiểm soát First Republic Bank.
Cuối cùng, các giáo sư kêu gọi những sửa đổi về quy định để ngăn chặn một khả năng tái diễn của các vấn đề đã dẫn đến sự sụp đổ của SVB. Các khuyến nghị chính bao gồm việc áp dụng kế toán giá trị hợp lý cho tất cả các tài sản, tăng cường giám sát theo Hiệp định Basel, và nâng cao các yêu cầu về vốn chủ sở hữu. Các tác giả kết luận bằng một câu hỏi sâu sắc dành cho các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý: “Bao giờ thì họ mới học được?”
Một giáo sư Stanford khác thấy trước rắc rối
Giáo sư Amit Seru của Trường Kinh doanh Đào tạo Sau Đại học Stanford và Viện Hoover cũng đã đưa ra những cảnh báo nghiêm túc về những mối nguy hiểm sắp xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng Hoa Kỳ.
Khi lãi suất tăng, ông Seru cho rằng các ngân hàng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Ông Seru đã lưu ý trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng thông tấn Bloomberg rằng do lãi suất tăng, các ngân hàng đã buộc phải bán tài sản do giá trị của những tài sản này giảm đi, và những người gửi tiền không được bảo hiểm, cảm thấy lo lắng, nên đang rút tiền của họ. Điều này kích hoạt một chu kỳ làm giảm thêm sự ổn định của các ngân hàng.
Vị giáo sư này, cùng với nhóm của mình, đã tiến hành một bài kiểm tra tình trạng căng thẳng nhỏ về các ngân hàng Hoa Kỳ, tính toán giá trị thị trường của tài sản của các ngân hàng dựa trên việc thắt chặt tiền tệ trong năm qua. Họ đã tìm thấy một lỗ hổng đáng báo động trị giá 2 ngàn tỷ USD trong bảng cân đối kế toán của khu vực ngân hàng tổng hợp. Khoản lỗ này gần tương đương với vốn chủ sở hữu trong hệ thống ngân hàng, cho thấy một số ngân hàng có thể rơi vào một tình thế bấp bênh.
Ông Seru bày tỏ lo ngại không chỉ về lãi suất tăng mà còn về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ bối cảnh kinh tế, và khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế chỉ làm cho những vấn đề này thêm trầm trọng. Đặc biệt đáng lo ngại là lĩnh vực địa ốc thương mại vốn vẫn chưa phục hồi hoàn toàn tại Hoa Kỳ.
Ông Seru giải thích: “Nếu các khoản cho vay địa ốc thương mại sụt giảm và xảy ra tình trạng vỡ nợ, thì [các ngân hàng] sẽ có ít lực đệm hơn để hành động vì các tài sản được định giá theo thị trường hoặc các khoản lỗ chưa thực hiện, khiến các ngân hàng trở nên rất yếu kém.”
Theo logic này, điều này có thể khiến các ngân hàng dễ bị tổn thương trước những cuộc khủng hoảng thêm nữa.
Giáo sư này cũng nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến quyết định của chính phủ Hoa Kỳ về việc ngừng gửi tiền trong một nỗ lực giảm thiểu lo ngại. Hành động này có thể khiến cho các ngân hàng, vốn đã rơi vào tình trạng có số dư nợ lớn hơn giá trị tài sản mà họ nắm giữ (underwater), phải chấp nhận rủi ro khinh suất trong một nỗ lực phục hồi. Tình huống này gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay những năm 1980.
Tình trạng hỗn loạn mới đây trong lĩnh vực ngân hàng đã gây lo lắng cho những người trưởng thành ở Hoa Kỳ, với gần một nửa trong số họ bày tỏ lo ngại về sự an toàn của tiền gửi của họ, một mức độ lo ngại gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009. Khi lãi suất tiếp tục tăng, ngành ngân hàng và công chúng sẽ theo dõi chặt chẽ để xem tình hình diễn ra như thế nào.
‘Lạm phát của ông Biden’
Ông Peter Navarro, một cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump, đã phản ứng trước những lo lắng này trong một cuộc phỏng vấn mới đây, cho rằng cuộc khủng hoảng này là do các chính sách tài chính của chính phủ đương nhiệm.
“Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng ngân hàng sắp xảy ra này là do lạm phát của ông Joe Biden,” ông Navarro nói với The Epoch Times, đồng thời chỉ trích việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất đột ngột. “Điều này, cùng với một gói cứu trợ với quy mô chưa từng có, được thiết lập để tạo ra lạm phát hơn nữa, cản trở nỗ lực giải quyết vấn đề này chỉ bằng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang.”
Ông Navarro gợi ý rằng Fed nên thúc giục ông Biden kiềm chế chi tiêu để chống lại lạm phát. Ông bày tỏ những lo ngại nghiêm trọng về thị trường địa ốc thương mại, mà ông xem là một “quả bom hẹn giờ kinh tế.”
Nhắc đến chủ đề về giới lãnh đạo đương nhiệm của Cục Dự trữ Liên bang và kế hoạch khai triển một loại tiền kỹ thuật số trung ương, ông Navarro cũng chỉ trích không ít. Ông nói, “Ông Jerome Powell không nên làm Chủ tịch Fed, tôi đã phản đối khi ông Trump bổ nhiệm ông ấy. Chúng tôi lúng túng với một người mà tôi không tin tưởng để giải quyết bất cứ điều gì,” đồng thời chỉ trích cựu Bộ trưởng Ngân khố Steve Minuchin vì đã giới thiệu ông Powell cho vị trí này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times