PHÂN TÍCH: Lịch sử cho thấy các tiểu bang thiên tả có thể gây trở ngại thi hành phán quyết về hành động khẳng định
Hôm 29/06, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết rằng hành động khẳng định (affirmative action*) là vi hiến. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy các tiểu bang và tổ chức thiên tả có thể gây trở ngại cho việc thi hành phán quyết, vốn tuyên bố việc tuyển sinh dựa trên chủng tộc vi phạm điều khoản bảo vệ bình đẳng của Tu chính án thứ 14.
Ông GianCarlo Canaparo, thành viên pháp lý cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý và Tư pháp Edwin Meese III của Quỹ Di Sản, đã dự đoán với The Epoch Times rằng các trường cao đẳng và đại học sẽ cố gắng né tránh phán quyết đó bằng cách sử dụng một tiêu chuẩn trung lập về chủng tộc để tạo ra sự đa dạng về chủng tộc.
“Họ có thể ưu tiên cho những người nộp đơn từ các mã vùng hoặc các trường trung học nơi họ biết có nhiều học sinh gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha hơn sinh sống, và ít ưu tiên hơn cho những người từ các mã vùng có nhiều người gốc Á và da trắng,” ông nói. “Điều này vẫn bị cấm theo phán quyết của Tối cao Pháp viện — ‘tập trung vào bản chất bên trong chứ không phải biểu hiện bề ngoài’ — nhưng sẽ khó bắt lỗi các trường đại học nếu họ phân biệt đối xử một cách kín đáo.”
Sau phán quyết của Tối cao Pháp viện, Đại học Tiểu bang New York (SUNY) đã lên tiếng bảo vệ hành động khẳng định.
“Các chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc đã làm các tổ chức và quốc gia của chúng ta trở nên phong phú,” Hiệu trưởng SUNY John King và Hội đồng Thụ ủy SUNY cho biết trong một tuyên bố chung. “Tuy nhiên, bất chấp sự tồn tại của các chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc, người gốc Phi Châu và gốc La tinh, cùng với các nhóm khác, vẫn chưa được có vị trí trong các tổ chức giáo dục đại học với tư cách là sinh viên, giảng viên và quản trị viên.”
Sau phán quyết này của Pháp viện, Thống đốc California Gavin Newsom đã nói trong một tuyên bố rằng tiểu bang của ông sẽ không bị ngăn cản vì “không tòa án nào có thể phá vỡ Giấc mơ California. Cánh cửa giảng đường của chúng tôi vẫn mở rộng cho tất cả những em muốn học hành chăm chỉ — và cam kết của chúng tôi về cơ hội đa dạng, công bằng, và bình đẳng chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế.”
Thống đốc Illinois J.B. Pritzker nói trong một tuyên bố rằng “không có phán quyết lỗi thời nào có thể thay đổi” chính sách khuyến khích sinh viên thiểu số vào các trường cao đẳng và đại học của tiểu bang này.
Phớt lờ Tối cao Pháp viện
Ông Howard Slugh, một luật sư đã tranh tụng các vấn đề Hiến Pháp, nói với The Epoch Times rằng pháp quyết nói trên của Tối cao Pháp viện là “mơ hồ” vì tòa án cấp cao nhất ở Hoa Kỳ đã không nói rõ ràng liệu họ có lật lại vụ án năm 1978 “Các thành viên hội đồng quản trị của Đại học California kiện Baake” cũng như các vụ kiện xảy ra sau đó hay không — những vụ kiện được xem là tạo ra thử thách về cách thức và thời điểm nào là chấp nhận được khi cân nhắc vấn đề chủng tộc trong tuyển sinh đại học.
Ông Josh Blackman, một giáo sư tại đại học luật South Texas College of Law Houston, nói với The Epoch Times rằng các trường đại học sẽ cố gắng né tránh phán quyết đó bằng cách đưa ra “các tuyên bố về sự đa dạng” và rằng mặc dù Tối cao Pháp viện cho biết các bài tiểu luận trong đơn xét tuyển không thể được sử dụng làm phép thử về chủng tộc nhưng “các nhân viên tuyển sinh thông thạo sẽ có thể đọc những bài luận này một cách chính xác.”
Ông David Bernstein, giáo sư luật Hiến Pháp tại Trường Luật Antonin Scalia của Đại học George Mason, đồng tình với ông Blackman và nói thêm rằng nhiều trường đại học tiểu bang sẽ nhận những học sinh đứng đầu trường trung học của các em, vốn là một thông lệ ở Florida và Texas.
Ông nói, những trường khác sẽ đơn giản là phớt lờ phán quyết đó, vì chính phủ Tổng thống Biden sẽ không quy trách nhiệm cho họ. Ông cũng dự đoán rằng các trường học sẽ loại bỏ các điểm kiểm tra tiêu chuẩn hóa, giúp những em thuộc nhóm thiểu số thiệt thòi dễ dàng được nhập học hơn.
Các phán quyết khác gần đây
Các tiểu bang và các tổ chức giáo dục đại học có thể đang không chỉ tìm cách né tránh phán quyết về hành động khẳng định.
Gần đây có một vụ kiện của một nhà thiết kế trang web đã từ chối cung cấp dịch vụ cho một đám cưới đồng giới. Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết có lợi cho nhà thiết kế này. Theo quan điểm của ông Slugh, cố vấn pháp lý của Liên minh Do Thái vì Tự do Tôn giáo (JCRL), cuộc tấn công nhắm vào những người có đức tin trong lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp diễn.
“Chúng ta có thể thấy nhiều vụ kiện hơn liên quan đến việc liệu các hoạt động khác nhau có mang tính biểu đạt như thiết kế web hay không,” ông nói. “Tối cao Pháp viện đã không phải trả lời câu hỏi đó vì Colorado đã quy định rằng [studio thiết kế web] 303 Creative có liên quan đến thực hiện hành vi biểu đạt. Ranh giới sẽ ở đâu là điều không rõ ràng.”
Tuy nhiên, ông Blackman cho biết có thể mong đợi số lượng những vụ kiện như vậy sẽ giảm bởi vì các cặp đồng giới ít khi tìm đến những người có đức tin tôn giáo để làm một trang web đám cưới.
Một vấn đề khác mà chính phủ Tổng thống Biden cố gắng xoay xở né tránh là khoản vay sinh viên.
Hôm 30/06, Tối cao Pháp viện xem chương trình xóa nợ vay sinh viên 400 tỷ USD của tổng thống Joe Biden là bất hợp pháp. Cuối ngày hôm đó, ông Biden thông báo rằng theo Đạo luật Giáo dục Đại học năm 1965, Bộ Giáo dục có thể “thỏa hiệp, từ bỏ, hoặc miễn trừ các khoản vay trong một số trường hợp nhất định.” Ông cũng công bố một chương trình mà sinh viên có thể trì hoãn trả nợ lên đến một năm mà không bị Bộ Giáo dục xem là trễ hạn.
Theo ông Canaparo, những chính sách mới này sẽ thất bại. Ông lưu ý rằng “Đạo luật Giáo dục Đại học không thể hiện ý định rõ ràng của Quốc hội trong việc trao quyền cho tổng thống chấm dứt các khoản vay sinh viên trị giá hàng trăm tỷ dollar.”
Đẩy mạnh các luật kiểm soát súng
Khi đề cập đến các biện pháp né tránh, các tiểu bang thiên tả như California và New York đã tìm cách đi đường vòng trong việc kiểm soát súng, mặc dù trong phán quyết vụ “Thủ đô Hoa Thịnh Đốn kiện Heller” năm 2008, Tối cao Pháp viện đã tái khẳng định quyền mang súng của cá nhân theo Tu chính án thứ Hai.
California có một số luật về súng nghiêm ngặt nhất Hoa Kỳ (pdf). Người mua súng ngắn phải từ 18 tuổi trở lên, trong khi người mua súng lục phải từ 21 tuổi trở lên. Kể từ ngày 01/07, Đạo luật về Trách nhiệm của Ngành Súng đã được áp dụng tại tiểu bang này, quy định rằng những người bán súng, kể cả những người bán súng tư nhân, phải có giấy phép bán súng.
Luật này cũng cho phép mọi người dễ dàng hơn khi kiện các nhà sản xuất súng ra tòa án dân sự.
Ngoài ra còn có vụ “McDonald kiện thành phố Chicago” năm 2010. Qua đó, Tối cao Pháp viện phán quyết rằng Tu chính án thứ Hai bao gồm quyền tự vệ tại nhà bằng súng và các tiểu bang phải tuân thủ theo quy trình tố tụng của Tu chính án thứ 14. Phán quyết này đã khiến lệnh cấm súng ngắn của Chicago trở nên vô hiệu.
Tuy nhiên, việc sở hữu một khẩu súng ở Chicago vẫn còn khó khăn. Năm nay, Illinois ban hành lệnh cấm vũ khí tấn công.
Các vụ kiện sắp tới
Ông Blackman chỉ ra rằng “sau vụ Bruen, các tiểu bang thiên tả đã cố gắng tránh né phán quyết mang tính bước ngoặt về Tu chính án thứ Hai” và rằng “đó là một sự phản kháng lớn.” Trong vụ “Hiệp hội Súng trường và Súng lục Tiểu bang New York kiện Bruen” năm 2022, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ một luật của tiểu bang New York quy định mọi người phải đưa ra “lý do chính đáng” để mang một khẩu súng giấu kín.
Kể từ đó, New York đã ban hành Đạo luật Cải tiến Mang theo Vũ khí Giấu kín sửa đổi.
“Ngay bây giờ [New York và California] đang cố gắng tìm ra mọi cách để né tránh,” ông Canaparo nói. “Có lẽ họ cũng đang hy vọng rằng các thẩm phán thân thiện của tòa án cấp dưới ở tiểu bang sở tại sẽ để họ trót lọt và Tối cao Pháp viện sẽ không sớm xét xử một vụ án khác liên quan đến Tu chính án thứ Hai.”
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tiếp theo, Tối cao Pháp viện sẽ xem xét một vụ kiện về việc liệu những người bị một lệnh hạn chế tiếp xúc vì bạo lực gia đình có thể sở hữu súng hay không, một điều bị cấm theo luật liên bang.
Cũng trong nhiệm kỳ tới, bắt đầu từ ngày 02/10, Tối cao Pháp viện sẽ xác định điều gì tạo thành một trọng tội về ma túy. Ngoài ra, còn có một vụ kiện tái phân chia địa hạt bầu cử được đưa ra trước Pháp viện trong bối cảnh Pháp viện đã ban hành hai phán quyết trong nhiệm kỳ vừa qua. Ngoài ra, Pháp viện sắp xét xử một số vụ án liên quan đến các trương mục mạng xã hội của các quan chức chính phủ. Thêm vào đó, Pháp viện sẽ xác định xem cơ cấu tài trợ đằng sau Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng có hợp hiến hay không.
Những vụ kiện này cũng tiềm ẩn khả năng né tránh thi hành tùy thuộc Pháp viện có đưa ra các phán quyết kín kẽ hay không.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times