ĐỘC QUYỀN: Quấy rối, đe dọa sát hại đối với nhà thiết kế web tăng vọt kể từ khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết ủng hộ tự do ngôn luận
Cô Lorie Smith, nhà thiết kế trang web ở Colorado — tâm điểm của phán quyết mang tính lịch sử ủng hộ tự do ngôn luận cho mọi người dân Mỹ trong vụ kiện 303 Creative LLC kiện Elenis của Tối cao Pháp viện vào ngày 30/06 — đang phải hứng chịu hàng loạt hành vi quấy rối, vốn đang ngày càng gia tăng và bao gồm cả những lời đe dọa sát hại nghiêm trọng, sau phán quyết với tỷ lệ 6–3 này.
“Đặc biệt là trong tuần trước (24-30/06), mặc dù chiến thắng, tôi vẫn tiếp tục phải đối mặt với những cuộc tấn công khủng khiếp, mọi người nói rằng họ hy vọng tôi sẽ bị cưỡng hiếp; họ muốn đốt nhà tôi; họ biết nơi tôi sống, và họ muốn đến sát hại tôi cùng gia đình tôi,” cô Smith nói với The Epoch Times vào ngày 05/07 trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Cố vấn cao cấp kiêm Giám đốc Các vấn đề Chính phủ của Alliance Defending Freedom (ADF), công ty luật vì lợi ích cộng đồng đã đại diện cho cô Smith trong suốt vụ kiện, bà Kellie Fiedorek, cho biết: “Đội bảo an của chúng tôi đang theo dõi rất, rất chặt chẽ tất cả các bình luận gửi đến để xác định cách bảo vệ cô Lorie tốt nhất và có hành động phù hợp để ứng phó với những lời đe dọa này.”
Bà Fiedorek cho biết, “Chúng tôi không thể chia sẻ thêm về những cuộc hội thoại nội bộ mà chúng tôi đang có, nhưng quả thật là thất vọng khi chứng kiến cô Lorie bị quấy rối ác ý và bị đe dọa sát hại vì đứng lên vì tự do ngôn luận cho tất cả người Mỹ và vì phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ khẳng định rằng cả những người đồng ý và những người kịch liệt phản đối cô Lorie đều có quyền nói lên niềm tin của mình mà không sợ bị chính phủ trừng phạt.”
Cô Smith cho biết cường độ của việc quấy rối đã lên đến đỉnh điểm khi phán quyết được đưa ra trong tuần phán quyết cuối cùng trước kỳ nghỉ hè của Tối cao Pháp viện vào cuối tháng Sáu.
“Chỉ mới tuần trước thôi, trang web của tôi vừa bị sập với hơn 10 triệu cuộc tấn công, những tin nhắn nói ra những lời khiến quý vị phải nổi da gà,” cô Smith cho biết. “Thật buồn cho tôi bởi vì, rốt cuộc thì, tôi vẫn đứng lên bảo vệ những cá nhân đã đưa ra những phản ứng thù hận đó, đứng lên để bảo vệ tôi và cả họ, tất nhiên, điều đó thật đau lòng.”
Trường hợp của cô Smith xuất phát từ những lo ngại của cô rằng các quan chức của Ủy ban Dân quyền Colorado sẽ sử dụng đạo luật chống phân biệt đối xử của tiểu bang để buộc cô tạo các trang web truyền tải những phát ngôn mà cô không đồng ý, đặc biệt là liên quan đến hôn nhân truyền thống so với hôn nhân đồng giới. Cô đã rời bỏ sự nghiệp thiết kế trang web và tiếp thị kỹ thuật số ở công ty để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, tên là 303 Creative.
Cô Smith lo lắng vì tiểu bang này trước đây đã tìm cách sử dụng luật để chống lại ông Jack Phillips, một thợ làm bánh từng phản đối việc bị ép làm bánh kỷ niệm hôn nhân đồng giới, nhưng cô đã được động viên khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết có lợi cho ông Phillips trong vụ kiện giữa Masterpiece Cakeshop và Ủy ban Dân quyền Colorado. Tuy nhiên, các quan chức Colorado vẫn tiếp tục các nỗ lực pháp lý chống lại ông Phillips ngay cả sau khi có phán quyết này. Giống như cô Smith, ông Phillips được ADF bào chữa trước tòa.
Cô Smith đã thua kiện tại tòa sơ thẩm liên bang, nhưng cô đã kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Khu vực 10 của Hoa Kỳ. Khi tòa phúc thẩm ra phán quyết chống lại cô, cô Smith đã kháng cáo lên Tối cao Pháp viện, nơi đã thụ lý vụ kiện một cách nghiêm ngặt nhằm mục đích quyết định xem chính phủ tiểu bang có thể sử dụng luật của mình “để buộc một cá nhân đưa ra phát ngôn trái với đức tin của cô ấy hay không.”
Thẩm phán Neil Gorsuch đã chấp bút cho bản ý kiến đa số, nói rằng, “Tiểu bang Colorado không chỉ tìm cách bảo đảm các điều kiện bình đẳng trong việc bán hàng hoặc dịch vụ. Họ còn tìm cách sử dụng luật của mình để buộc một cá nhân đưa ra phát ngôn trái với đức tin của cô ấy. Câu hỏi mà chúng ta phải đối mặt đó là liệu điều đó có vi phạm Điều khoản Tự do Ngôn luận của Tu chính án thứ Nhất hay không.”
“Trong trường hợp này, Colorado tìm cách buộc một cá nhân phải có phát ngôn phù hợp với quan điểm của họ nhưng lại không đoái hoài đến lương tâm của cô ấy về một vấn đề có ý nghĩa quan trọng [đối với cô]. Tu chính án thứ Nhất hình dung Hoa Kỳ là một miền đất trù phú và phức tạp, nơi mọi người được tự do suy nghĩ và biểu đạt theo ý họ muốn, chứ không phải theo yêu cầu của chính phủ.”
Ông Gorsuch nói thêm rằng, “Và, trong bất kỳ trường hợp nào, các biện pháp bảo vệ của Tu chính án thứ Nhất không chỉ dành cho những ai có những phát ngôn mà chính phủ cho rằng động cơ của họ là chính đáng; sự bảo vệ của Tu chính án thứ Nhất còn thuộc về tất cả mọi người, kể cả những người đưa ra lời nói có động cơ mà người khác có thể thấy là thông tin sai lệch hoặc xúc phạm.”
Khi được hỏi liệu có một cơ hội làm lại, thì cô ấy có làm như vậy nữa hay không, cô Smith trả lời với The Epoch Times: “Chắc chắn, chắc chắn tôi sẽ làm. Tự do ngôn luận đáng được bảo vệ, nó đáng được bảo vệ không chỉ cho chúng ta ở đây hôm nay, mà tôi nghĩ về thế hệ tiếp theo, những người có thể lớn lên trở thành những nhà thiết kế đồ họa và sáng tạo ra lời nói; họ có thể lớn lên và có một quan điểm khác về hôn nhân.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times