PHÂN TÍCH: Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hòa đẩy mạnh kế hoạch trả nợ cho các khoản vay sinh viên
Khi kế hoạch xóa hơn 400 tỷ USD nợ vay sinh viên liên bang của chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã thất bại tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, thì cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều nói rằng họ có một giải pháp để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ vay sinh viên sắp xảy ra.
Để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, TT Joe Biden đã cam kết rằng ông sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xóa nợ sinh viên hàng loạt, nhưng sử dụng một thẩm quyền pháp lý khác.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đang ủng hộ điều mà họ gọi là “một giải pháp thay thế có mục tiêu và có trách nhiệm về tài khóa” đối với kế hoạch của ông Biden nhằm giúp người đi vay dễ dàng trở lại việc trả nợ vay hơn.
Kế hoạch B của TT Biden
Kế hoạch của ông Biden, sẽ “xóa” khoản nợ vay sinh viên lên tới 10,000 USD cho những người có thu nhập dưới 125,000 USD và thêm 10,000 USD cho những người nhận trợ cấp Pell Grant nào đáp ứng giới hạn thu nhập đó, ban đầu dựa trên cái được gọi là Đạo luật HEROES, một luật được thông qua sau hậu quả của vụ tấn công khủng bố 11/09.
Quốc hội đã thông qua phiên bản đầu tiên của Đạo luật HEROES vào năm 2001, cho phép bộ trưởng giáo dục miễn trừ hoặc sửa đổi các quy tắc cho vay sinh viên liên bang đối với những người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công đó. Luật này đã được mở rộng vào năm 2003 để bảo vệ những người vay bị ảnh hưởng bởi “chiến tranh, hoạt động quân sự, hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia” khi bộ trưởng cho là cần thiết.
Luật này định nghĩa một người “bị ảnh hưởng” là một người đang tại ngũ, sống trong một khu vực xảy ra thảm họa, hoặc đã trải qua “khó khăn kinh tế trực tiếp” do hậu quả trực tiếp của tình trạng khẩn cấp quốc gia. Chính phủ TT Biden lập luận rằng điều này sẽ cho phép bộ trưởng hủy các khoản vay sinh viên để đối phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng COVID-19.
Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện không tin rằng Đạo luật HEROES sẽ trao cho chính phủ TT Biden quyền thực hiện một kế hoạch sâu rộng như vậy.
“Đạo luật HEROES … không cho phép Bộ trưởng viết lại luật này đến mức hủy bỏ 430 tỷ USD tiền gốc của khoản vay sinh viên,” Chánh án John Roberts viết cho bản ý kiến đa số trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 6 phiếu thuận – 3 phiếu chống, lưu ý rằng “những thay đổi” được nêu trong kế hoạch của ông Biden” đã tạo ra một chương trình xóa nợ mới khác lạ về căn bản” nhằm “mở rộng khả năng xóa nợ cho hầu hết mọi người vay trong nước.”
Vài giờ sau phán quyết của Tối cao Pháp viện, từ Tòa Bạch Ốc, ông Biden nói rằng ông sẽ tìm một cơ sở pháp lý mới cho kế hoạch xóa nợ này.
Một nỗ lực thứ hai sẽ dựa vào Đạo luật Giáo dục Đại học (HEA) năm 1965, theo ông, bao gồm một quy định cho phép bộ trưởng giáo dục “thỏa hiệp, từ bỏ, hoặc miễn trừ các khoản vay trong một số trường hợp nhất định.”
“Quyết định hôm nay đã đóng lại một con đường,” tổng thống nói. “Bây giờ chúng ta sẽ theo đuổi một con đường khác. … Chúng tôi sẽ sử dụng mọi quy định có sẵn để giúp quý vị giảm khoản nợ sinh viên mà quý vị cần.”
HEA đã được chứng minh là một quy định hợp lệ về mặt Hiến Pháp để xóa nợ. Hồi tháng Tư, Tối cao Pháp viện đã từ chối thực hiện một yêu cầu ngăn Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona sử dụng quyền hạn HEA của mình để xóa khoản nợ vay sinh viên trị giá 6 tỷ USD do những người đi vay cho rằng họ không nhận được loại hình giáo dục mà trường của họ đã hứa.
Tuy nhiên, việc sử dụng HEA để xóa nợ vay sinh viên đòi hỏi một tiến trình khác, bởi vì luật cũ này không liên quan đến bất kỳ thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp nào, vốn có thể cho phép chính phủ bỏ qua các thủ tục thiết lập quy tắc dài dòng, và nhàm chán điển hình. Theo HEA, trước khi bất kỳ thay đổi nào có hiệu lực, đầu tiên thủ tục này thường phải trải qua nhiều vòng điều trần công khai và một thời gian tham khảo ý kiến kéo dài nhiều tháng vốn đòi hỏi một lượng lớn ý kiến đóng góp của công chúng.
Hôm 05/07, Bộ Giáo dục đã tuyên bố chính thức bắt đầu tiến trình “thiết lập quy tắc được đàm phán” để thành lập một kế hoạch xóa nợ sinh viên mới.
“Chúng tôi thông báo ý định thành lập một ủy ban thiết lập quy tắc được đàm phán để soạn thảo quy định được đề xướng cho các chương trình Trợ giúp Sinh viên Liên bang vốn được trao quyền theo Đề mục IV của Đạo luật Giáo dục Đại học năm 1965,” ông Cardona cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi dự định triệu tập một ủy ban để phát triển các quy định được đề xướng liên quan đến các vấn đề … liên quan đến việc sửa đổi, miễn trừ, hoặc thỏa hiệp đối với các khoản vay sinh viên liên bang.”
“Ủy ban này sẽ bao gồm đại diện của các tổ chức hoặc nhóm có lợi ích bị ảnh hưởng đáng kể bởi chủ đề của các quy định được đề xướng,” tuyên bố cho biết thêm, đồng thời lưu ý rằng bộ sẽ bắt đầu tiếp nhận ý kiến của công chúng và sẽ triệu tập cuộc họp thiết lập quy tắc được đàm phán chính thức đầu tiên vào ngày 18/07.
Giải pháp thay thế của Đảng Cộng Hòa
Trước phán quyết của Tối cao Pháp viện vào tháng trước bác bỏ kế hoạch của ông Biden, một nhóm các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã trình bày kế hoạch của riêng họ, mà họ cho rằng sẽ bảo đảm “một quá trình chuyển đổi suôn sẻ trở lại với việc trả nợ vay” đồng thời mang lại sự cứu trợ cho những người cần nhất.
Đề xướng này, chính thức được gọi là Đạo luật Trợ giúp của Liên bang để Bắt đầu Trả nợ vay (FAIR), được Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Hạ viện, Dân biểu Virginia Fox (Cộng Hòa-North Carolina), cũng như các Dân biểu Burgess Owens (Cộng Hòa-Utah), và Lisa McClain (Cộng Hòa-Michigan) đồng tài trợ.
Trong số những điều khác, dự luật này tập trung vào việc điều chỉnh các kế hoạch trả nợ theo thu nhập (IDR), trong đó số tiền thanh toán hàng tháng chủ yếu dựa trên thu nhập của người đi vay khoản vay sinh viên, và mọi số dư còn lại sẽ được miễn trừ sau 20 hoặc 25 năm thanh toán [nợ].
Cụ thể, đề xướng này của Đảng Cộng Hòa sẽ gom bốn kế hoạch IDR hiện có thành một kế hoạch “có thể dự đoán được và trong khả năng thanh toán,” yêu cầu những người đi vay ghi danh vào kế hoạch IDR mới phải xác nhận lại thu nhập của họ trước khi tiếp tục thanh toán và bảo đảm rằng việc trợ giúp trả nợ sẽ giảm dần khi thu nhập của người đi vay tăng lên và họ có khả năng thanh toán khoản nợ vay của mình.
Khi đề cập đến việc giảm nợ, dự luật này sẽ loại bỏ việc thanh toán số dư khoản vay còn lại theo thời gian, và thay vào đó, miễn trừ số dư còn lại của người đi vay nếu họ “đã trả lại nhiều hơn số tiền gốc ban đầu mà họ nợ người đóng thuế về căn bản và tiền lãi.” Dự luật này cũng sẽ mang lại cho những người đi vay chưa trả được nợ cơ hội thứ hai để ghi danh lại vào một kế hoạch trả nợ, loại bỏ điểm xấu vì không trả được nợ khỏi báo cáo tín dụng của họ miễn là họ thực hiện các khoản thanh toán bắt buộc hàng tháng.
Quan trọng hơn, dự luật này sẽ ngăn chính phủ TT Biden tiếp tục với những thay đổi IDR được đề xướng, điều mà một số nhà phê bình cho rằng quá hào phóng đến mức họ sẽ biến chương trình cho vay thành một chương trình gần như tài trợ. Theo một phân tích hồi tháng 09/2022 của nhà kinh tế học Adam Looney tại Đại học Utah, những thay đổi đó sẽ cho phép người đi vay chỉ trả nợ dưới 50 cent cho mỗi dollar mà họ vay.
“Đạo luật FAIR là một sự ứng phó có mục tiêu và có trách nhiệm về mặt tài khóa đối với tình trạng hỗn loạn do mưu đồ nợ vay sinh viên của ông Biden gây ra,” các nhà tài trợ của dự luật cho biết trong một tuyên bố chung. “Giải pháp này của Đảng Cộng Hòa thực hiện các bước quan trọng để khắc phục hệ thống cho vay sinh viên bị hỏng, cung cấp cho người đi vay hướng dẫn rõ ràng về việc trả nợ, và bảo vệ người đóng thuế khỏi sự suy thoái kinh tế do nghị trình cấp tiến về đại học miễn phí của chính phủ gây ra.”
Trong khi đó, tại Thượng viện, Đảng Cộng Hòa đã đề xướng Đạo luật Giảm nợ và Chi phí Giáo dục, một gói gồm năm dự luật nhằm cung cấp cho sinh viên và gia đình thông tin tốt hơn với hy vọng rằng họ hiểu và cân nhắc cẩn thận các lựa chọn của mình trước khi vay những gì mà họ có thể không có khả năng hoàn trả được.
Theo nhà tài trợ chính, Thượng nghị sĩ Bill Cassidy (Cộng Hòa-Louisiana), gói các dự luật này sẽ làm cho các lựa chọn trả nợ hợp lý hơn, cung cấp một số dịch vụ tư vấn cho vay, cải thiện tính minh bạch trong các chương trình đại học, tiêu chuẩn hóa các dịch vụ trợ giúp sinh viên, hạn chế vay từ giáo dục đại học, và ngăn chặn các khoản cho vay mới từ việc tham gia các chương trình đại học và sau đại học mà sinh viên trước đó không thể kiếm được nhiều tiền hơn sinh viên có bằng tốt nghiệp trung học hoặc bằng cử nhân tương ứng.
Một nhà tài trợ khác, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa) cho biết: “Nếu sinh viên muốn đưa ra những lựa chọn sáng suốt về chi phí giáo dục, và hình thức trợ giúp mà họ nhận được khi vào đại học, họ nên so sánh táo với táo chứ không phải táo với cam.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times