Phải chăng những điều tử tế đã hoàn toàn biến mất?
Ồ không đâu, những điều tử tế vẫn đang hiện hữu xung quanh, nếu chúng ta để tâm chú ý một chút thì sẽ dễ dàng nhận ra.
Gần đây, một người bạn ở New York đã hỏi tôi rằng, “Chúng ta còn nhớ tử tế là gì không hở cậu?”
Cuộc điện thoại của chúng tôi xoay quanh chủ đề sân bóng và chúng tôi chưa bao giờ có dịp quay trở lại câu hỏi của cô; nhưng điều cô nói khiến tôi mãi suy tư. Công việc của bạn tôi yêu cầu cô phải ngồi trước màn hình nhiều giờ trong ngày, và tôi đoán rằng cô ấy cũng dành thời gian trên mạng xã hội.
Tôi đã ngừng sử dụng Facebook rất lâu rồi, nhưng giống như cô, tôi cũng ngồi trước máy tính cá nhân nhiều giờ mỗi ngày, tôi viết lách, tôi đọc nhiều trang web tin tức thế giới và tìm kiếm ý tưởng cho công việc của mình. Thật sự là, những nội dung tử tế và nhân văn hiếm hoi lắm mới xuất hiện trên những tiêu đề và bình luận mà tôi đọc trên mạng.
Nhưng còn thế giới thật thì thế nào nhỉ? Thế giới của những con người bằng xương bằng thịt chứ không phải của những âm chuông báo và những chiếc còi kỹ thuật số? Tử tế ở nơi đó cũng chẳng còn hiện diện nữa sao?
Sau khi ngẫm nghĩ về ý tưởng này, tôi quyết định đội nón bảo hiểm pith helmet* lên đầu, đương nhiên đó là một cách nói ẩn dụ – tôi đi tìm sinh mệnh có tên là “tử tế” được cho là hiếm hoi đó đây.
Cuộc tìm kiếm nhanh chóng khiến tôi như bừng tỉnh. Tôi vui mừng tường trình với các bạn rằng tử tế rất phổ biến, rất sống động, vẫn còn tồn tại và hiện hữu khắp mọi nơi.
Trong thư viện công cộng, tôi nhìn thấy một bà mẹ dạy con tại nhà (homeschooling) với một nhóm trẻ em vây quanh đang giữ cánh cửa kính nặng nề để mở cho một cụ ông đang mang đầy sách trên tay.
Trong tiệm cà phê tôi hay lui tới có cậu sinh viên trẻ thường đến học bài. Cậu ấy kết bạn với nhân viên pha chế cà phê, mỉm cười với mọi người bước vào khu vực ngồi của tiệm. Cậu thích chiếc bàn lớn ở phía sau phòng. Nhưng thỉnh thoảng, cậu ấy nhường bàn cho một gia đình và chuyển giấy tờ, sách vở của mình sang bàn dành cho hai người.
Khi tôi có hẹn với một bác sĩ chuyên khoa da liễu, cô tiếp tân cứ liên tục gọi tôi “Bác ơi, bác ơi” – rồi êm ái cất giọng, “Cháu sẽ thử sắp cuộc hẹn sớm nhất cho bác trong một phút ạ.” Cô ấy đã khéo léo sắp cho tôi lịch hẹn vào tuần tiếp theo thay vì tôi phải chờ đến tháng Năm.
Gia đình con gái tôi đến thăm tôi vào cuối tuần. Có lúc tôi bắt gặp cảnh một trong những cháu gái của tôi ngồi nửa tiếng để đọc sách cho cậu em trai 5 tuổi của cháu. Không ai yêu cầu cô bé làm việc đó và tôi khá chắc Maggie không phải là người hâm mộ các cuốn sách Asterix (2). Điều đó thật thuần khiết và giản dị, và là một hành động mang tên tử tế.
Trong chuyến thám hiểm này, nơi nào tôi cũng chứng kiến những con người lịch thiệp, những hành vi và cử chỉ lịch sự, mà suy cho cùng là biểu hiện của tử tế. Hai từ bình dị “Làm ơn” và “Cảm ơn” có ý nghĩa gì nếu không là phải những tia sáng lấp lánh tỏa ra từ những con người tử tế?
Do đó đây sẽ là ‘học thuyết’ của tôi: Những điều tử tế vẫn đang hiện hữu xung quanh chúng ta, nếu chúng ta để tâm chú ý một chút thì sẽ dễ dàng nhận ra. Hay là tử tế có thể quá phổ biến nên chúng ta thậm chí không chú ý. Lúc này tử tế giống như chiếc nón rách rưới, ướt đẫm mồ hôi mà anh chàng nào đó đội khi cắt cỏ, quá quen thuộc đến nỗi anh thậm chí không nhận thấy mình đang đội nón trên đầu.
Một số người có thể không đồng ý với kết luận đó của tôi. Có thể họ chẳng thấy thế giới như một nơi chốn tốt lành. Có thể đối với họ, thậm chí thế giới này giống như trong rừng rậm, nơi chốn của “mạnh được yếu thua.” Họ có thể khinh thường luật lệ rừng xanh đó, nhưng họ tin rằng để sinh tồn tại nơi làm việc và trong thế giới này, thì tử tế nên được cất giữ ở nhà.
Do đó đây là lời đề xuất của tôi, hoặc bạn có thể xem như là một thí nghiệm bạn có thể nỗ lực thực hành cũng được. Hãy mang nhiều tử tế hơn tới nơi làm việc, tới trường học, tới cửa hàng hay tới tiệm cà phê, và thậm chí mang về chính ngôi nhà của bạn. Hãy sử dụng nhiều hơn hai từ “vui lòng” và “cảm ơn”. Hãy đặt một đồng đô la vào lọ tiền tip cho nhân viên pha chế cà phê. Và hãy khen ngợi những đồng nghiệp của bạn.
Rồi bạn hãy xem những gì sẽ diễn ra sau đó.
“Tử tế có thể là động lực của chính nó,” người khuân vác ở cảng và triết gia Eric Hoffer đã từng nói. “Chúng ta tử tế để tạo ra [một thế giới] tử tế.”
Và khi chúng ta tử tế, chúng ta cũng biến thế giới thành một nơi văn minh hơn.
Ghi chú:
* Pith helmet là loại mũ bảo hiểm nhẹ được bọc bằng vải, làm bằng vải bố.
Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times