Ông Tập đe dọa ông Biden trong cuộc điện đàm: ‘Đùa với lửa có ngày phỏng tay’
Hôm 28/07, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình. Đây là cuộc điện đàm lần thứ năm giữa ông Biden và ông Tập và kéo dài hơn hai giờ.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh vô số căng thẳng khiến cho mối bang giao Trung-Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua. Mặc dù ĐCSTQ đã giảm thiện chí đàm phán về hầu hết các vấn đề, Tòa Bạch Ốc vẫn tuyên bố rằng điều quan trọng là phải duy trì cho các kênh trao đổi giữa hai cường quốc này được cởi mở.
“Tổng thống muốn bảo đảm rằng các kênh trao đổi với Chủ tịch Tập vẫn được cởi mở, bởi vì cần phải làm như vậy,” phát ngôn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết. “Có những vấn đề chúng ta có thể hợp tác với Trung Quốc, và sau đó là những vấn đề mà rõ ràng là có mâu thuẫn và căng thẳng.”
“Đây là một trong những mối bang giao song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay, với tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài cả hai quốc gia riêng lẻ. Tổng thống hiểu rõ điều đó, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vì mối bang giao đó.”
Các hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc tuyên bố rằng cuộc trao đổi này là “thẳng thắn và sâu sắc” và hai nhà lãnh đạo hứa sẽ giữ liên lạc với nhau.
Được biết, ông Tập đã nói với ông Biden rằng nhiệm vụ của “hai cường quốc này” là quản lý an ninh toàn cầu và kêu gọi ông Biden không nhìn ĐCSTQ qua lăng kính “cạnh tranh chiến lược.”
Ông Biden hiện đang tranh cãi về sự cần thiết phải giải quyết thỏa đáng vị thế của một cường quốc đang lên của Trung Quốc, đồng thời giảm thiểu hành vi ngày càng thù địch của chính quyền này.
Vì vậy, cuộc trò chuyện của ông Tập với Biden tập trung nhiều vào Đài Loan.
“Đùa với lửa có ngày phỏng tay,” ông Tập nói với ông Biden. “Tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể thấy rõ điều này.”
Một bản tin về cuộc điện đàm được Tòa Bạch Ốc công bố đã hạ thấp cuộc trao đổi và chỉ nói rằng Hoa Kỳ không thay đổi chính sách trong việc công nhận ĐCSTQ là tổ chức duy nhất đang cầm quyền tại Trung Quốc.
“Cuộc điện đàm này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ của TT Biden nhằm duy trì và làm sâu sắc thêm các kênh trao đổi giữa Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa, đồng thời giải quyết một cách có trách nhiệm những khác biệt của chúng ta và cùng nhau hợp tác khi lợi ích của chúng ta hòa hợp,” bản tin cho biết, trích dẫn từ viết tắt là tên chính thức của nhà nước này, tức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
“Về Đài Loan, TT Biden đã nhấn mạnh rằng chính sách của Hoa Kỳ không thay đổi và Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan.”
ĐCSTQ cho rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. Ông Tập đã thề sẽ thống nhất hòn đảo này với đại lục và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để làm điều đó. Về phần mình, Đài Loan đã tự quản kể từ năm 1949, chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ và tự hào có một nền dân chủ và kinh tế thị trường đang phát triển mạnh.
Hoa Kỳ không có mối bang giao chính thức với Đài Loan nhưng được ràng buộc bởi một hiệp ước cung cấp vũ khí cần thiết cho đảo quốc này để họ tự vệ. Chính phủ cũng duy trì một học thuyết về “sự mơ hồ chiến lược,” trong đó họ sẽ không xác nhận cũng không phủ nhận liệu họ có bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược hay không.
Trong tuần qua, căng thẳng về vấn đề Đài Loan gia tăng trong bối cảnh có những đồn đoán cho rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đang lập kế hoạch cho một chuyến thăm cá nhân đến đảo quốc này.
ĐCSTQ sau đó đã đe dọa đưa ra “các biện pháp mạnh mẽ” chống lại Hoa Kỳ và Đài Loan nếu chuyến đi diễn ra. Sau các bình luận đó, ông Biden công khai nói rằng một chuyến đi như vậy là “không phải là một ý hay” và cho rằng quân đội đã phản đối điều đó.
Tuyên bố của ông Biden khiến các nhà lập pháp cũng như các chuyên gia ngạc nhiên vì họ cho rằng cả tổng thống lẫn quân đội đã vượt quá quyền hạn khi cố gắng kiểm soát chuyến đi cá nhân của một thành viên đương nhiệm trong Quốc hội.
Bà Pelosi cho biết chính phủ có lẽ cho rằng Trung Quốc sẽ bắn rơi phi cơ của bà nếu bà đến thăm Đài Loan.
Lời qua tiếng lại chỉ là một tình tiết trong chuỗi những hành động ngày càng gay gắt và đôi khi là thù địch từ các cấp cao nhất của ĐCSTQ.
Hồi tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho biết ĐCSTQ sẽ “không ngần ngại khởi động chiến tranh bất kể giá nào” để ngăn chặn quốc tế công nhận nền độc lập trên thực tế của Đài Loan.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.