Ông Biden và ông Tập sẽ điện đàm vào ngày 28/07 để thảo luận về Đài Loan
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ tổ chức một cuộc điện đàm với người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình vào ngày 28/07, với việc Đài Loan được dự tính sẽ là vấn đề nghị sự chính, cũng như chuyến đi dự kiến tới Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California).
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên hôm 26/07 rằng việc quản lý cạnh tranh kinh tế giữa hai nước cũng sẽ là một trọng tâm của cuộc điện đàm.
“Đây là một cuộc điện đàm đã được lên lịch từ lâu và đã có một chương trình nghị sự khá chặt chẽ để hai nhà lãnh đạo này thảo luận,” ông nói trong một cuộc triệu tập báo chí.
“Tất cả mọi thứ từ căng thẳng về Đài Loan đến cuộc chiến ở Ukraine, cũng như cách chúng ta quản lý tốt hơn sự cạnh tranh giữa hai quốc gia, tất nhiên là trong lĩnh vực kinh tế.”
Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập sẽ là cuộc điện đàm thứ năm thuộc loại này. Cuộc điện đàm diễn ra giữa lúc quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục chạm đáy về các vấn đề thương mại và an ninh, cũng như những tranh cãi gay gắt về vai trò của Đài Loan trong bối cảnh toàn cầu.
Đài Loan nằm trong tầm ngắm
ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc, và ông Tập đã long trọng tuyên bố sẽ thống nhất hòn đảo này với đại lục và không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Hoa Kỳ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”, có nghĩa là nước này không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Mặc dù không duy trì quan hệ ngang hàng, nhưng về mặt pháp lý Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải cung cấp cho Đài Loan những vũ khí cần thiết để tự vệ.
Mối quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan đã trở nên nổi bật trong tuần qua sau khi ĐCSTQ đưa ra một loạt các tuyên bố gây hấn với Hoa Kỳ sau các báo cáo về việc bà Pelosi đang lên kế hoạch đến Đài Loan.
Ban lãnh đạo ĐCSTQ cảnh báo về “các biện pháp mạnh mẽ” chống lại Hoa Kỳ và Đài Loan nếu bà Pelosi đến thăm. Sau các tuyên bố đó, ông Biden công khai nói rằng bà Pelosi không nên đến Đài Loan vì vấn đề an ninh quốc gia, một sự nhượng bộ rõ ràng trước chế độ cộng sản.
Ông Kirby biện hộ cho tuyên bố của ông Biden, lưu ý rằng bà Pelosi nằm trong hàng ngũ kế vị tổng thống, và do đó, chuyến đi của bà là một vấn đề an ninh quốc gia. Chỉ bà mới có thể đưa ra quyết định về chuyến đi của mình, ông nói thêm.
Trung Quốc đe dọa tấn công
Ông Kirby nói rằng “tính hiếu chiến” của ĐCSTQ là “vô bổ”, nhấn mạnh vào luận điệu ngày càng hiếu chiến của chế độ Bắc Kinh trong vài tháng qua. Luận điệu đó, một cách thường xuyên, tập trung vào Đài Loan và Hoa Kỳ để quấy rối và đe dọa đặc biệt.
Hồi tháng Sáu, một tướng Trung Quốc đã đi xa đến mức đe dọa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, nói rằng ĐCSTQ sẽ “không ngần ngại phát động chiến tranh bất kể giá nào” để ngăn chặn nền độc lập của Đài Loan được công nhận.
Trong khi đó, ĐCSTQ lại tiếp tục các hành động khiêu khích quân sự đối với Đài Loan. Trong tháng qua, ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc xuất kích quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và thậm chí còn tới mức tuyên bố sai sự thật rằng không có vùng biển quốc tế nào trong 100 dặm đại dương giữa Đài Loan và đại lục.
Các hành động khiêu khích đã không chấm dứt nếu không có phản ứng từ phía Đài Loan, chính phủ dân chủ nước này đã bắt đầu một loạt các cuộc tập trận hồi đầu tuần mô phỏng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Trung Quốc.
Cả bà Pelosi lẫn Bộ ngoại giao Đài Loan đều chưa xác nhận bất kỳ kế hoạch thăm viếng nào. Bà Pelosi sẽ là Chủ tịch Hạ viện đang tại nhiệm đầu tiên đến thăm hòn đảo này kể từ năm 1997. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Newt Gingrich đã đến thăm Đài Bắc và đưa ra cảnh báo với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.