Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đề xướng dự luật giới hạn nhiệm kỳ đối với các thẩm phán Tối cao Pháp viện
Hôm 26/07, Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã đưa ra một đề xướng đặt giới hạn nhiệm kỳ đối với các thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (SCOTUS).
Người bảo trợ của dự luật này, Dân biểu Hank Johnson (Dân Chủ-Georgia), Chủ tịch Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về Tòa án, tuyên bố rằng tòa án tối cao của quốc gia đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp.”
“Năm trong số sáu thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống trên hội đồng thẩm phán đã được các tổng thống bị mất phiếu phổ thông bổ nhiệm, và họ hiện đang chạy đua để áp đặt nghị trình xa-rời-thực-tế của họ lên những người dân Mỹ vốn không muốn có nghị trình đó,” ông nói trong một tuyên bố.
Ông Johnson nhận được sự ủng hộ của các nhà đồng bảo trợ đến từ Đảng Dân Chủ là các Dân biểu Jerry Nadler ở New York, David Cicilline ở Rhode Island, Sheila Jackson Lee ở Texas, Steve Cohen ở Tennessee, và Karen Bass cùng Ro Khanna ở California cho Đạo luật Thiết lập Nhiệm kỳ cho Tối cao Pháp viện và Hiện đại hóa Việc về hưu (TERM).
Cảm thấy bị tổn thương bởi các phán quyết “trong năm vừa rồi,” mà ông không nêu tên, ông Nadler cho biết ông muốn có các giới hạn nhiệm kỳ để chuyển cán cân quyền lực ra khỏi đa số thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống của Tối cao Pháp viện, mà ông coi là “cực đoan, không bị kiềm chế.”
Trong số các phán quyết của mình trong năm nay, hồi tháng Năm Tối cao Pháp viện đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade, phán quyết năm 1973 khiến việc phá thai trở nên hợp pháp trên toàn quốc. Phán quyết đó đã được những người theo phái bảo tồn truyền thống hoan nghênh nhưng đã vấp phải sự tức giận của các chính trị gia cánh tả cũng như các cuộc biểu tình và phá hoại của các nhà hoạt động.
Kể từ năm 1869, Tối cao Pháp viện đã được tạo thành từ chín thẩm phán được bổ nhiệm cho các nhiệm kỳ suốt đời. Nhưng truyền thống này ngày càng bị thách thức bởi một số thành viên Đảng Dân Chủ và những người ủng hộ cánh tả.
Hiện có sáu thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống: Chánh án John Roberts, các Thẩm phán Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, và Amy Coney Barrett. Ngoài ra còn có ba thẩm phán thiên tả, gồm có bà Sonia Sotomayor, bà Elena Kagan, và bà Ketanji Brown Jackson.
Sự phản đối
Giáo sư trường Luật Harvard Noah Feldman, người từng là thành viên của Ủy ban Tổng thống về Tối cao Pháp viện của Tổng thống Joe Biden hồi cuối tháng Sáu, trước đó đã nói rằng những cải tổ đáng kể có thể là “thảm họa”.
“Câu hỏi đặt ra là liệu trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, việc làm suy yếu Pháp viện thông qua sự cải tổ đáng kể — và tôi đang nghĩ về ‘tăng thêm số lượng thẩm phán,’ và hầu hết các hình thức tước quyền tài phán — sẽ làm tăng thêm hay yếu đi tính hợp pháp về mặt thể chế của Pháp viện, mà tính hợp pháp lại cho phép Pháp viện hoàn thành những chức năng này,” ông nói.
“Theo quan điểm của tôi, những loại cải tổ như vậy sẽ là thảm họa đối với năng lực của Tối cao Pháp viện trong việc thực hiện những vai trò mà Pháp viện hiện đang đảm trách.”
Các thành viên Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích Tổng thống Biden vì đã thành lập ủy ban này, gọi đó là “một cuộc tấn công vào cơ quan tư pháp độc lập của quốc gia chúng ta và một dấu hiệu khác cho thấy ảnh hưởng của phe cánh tả đối với chính phủ Tổng thống Biden.”
“Tổng thống đã dành phần lớn thời gian trong chiến dịch tranh cử của mình để tỏ ra dè bỉu về vấn đề này, nhưng hiện tại đã thừa nhận từ sự an toàn của nhiệm kỳ bốn năm rằng ông ấy coi ngành tư pháp là ‘không ổn,’” Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó.
“Nghiên cứu giả tạo về một vấn đề không tồn tại này hoàn toàn phù hợp với chiến dịch kéo dài nhiều năm của những người thiên tả nhằm chính trị hóa Pháp viện, đe dọa các thành viên và lật đổ sự độc lập của tòa án này.”
Ông Biden đã tạo ra ủy ban nói trên bằng một sắc lệnh hôm 09/04/2021.
Đảng Dân Chủ
Những người đồng bảo trợ của dự luật đã mô tả luật này về phương diện “khôi phục sự cân bằng [và]… sự tin tưởng của công chúng” đối với Tối cao Pháp viện, mà một số người trong số họ mô tả là “cực đoan”, “không bị kiềm chế”, và “cổ hủ”.
Họ không đề cập đến bất kỳ sự ủng hộ nào giữa những người theo phái bảo tồn truyền thống đối với các phán quyết của Tối cao Pháp viện về luật súng và phá thai — những vấn đề thường gây chia rẽ người Mỹ theo cánh tả và cánh hữu.
Ông Nadler, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, bày tỏ lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ “bị bỏ lại với” phần lớn các thẩm phán Tối cao Pháp viện theo phái bảo tồn truyền thống “trong một thế hệ trở lên.”
“Thay vào đó, theo dự luật này, mỗi Tổng thống sẽ có quyền bổ nhiệm hai thẩm phán,” ông nói thêm, bày tỏ quan điểm rằng theo dự luật được đề xướng, theo thời gian sẽ có cơ hội để xóa bỏ thành phần thẩm phán hiện nay của Pháp viện để phản ánh các quan điểm của công chúng thiên tả.
Còn ông Cicilline thì tuyên bố Tối cao Pháp viện đang đánh mất niềm tin của công chúng, và nói rằng dự luật này là một cách để khôi phục “vai trò quan trọng của Pháp viện trong hệ thống theo Hiến Pháp của chúng ta.”
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên nhắm vào Tối cao Pháp viện của Đảng Dân Chủ. Hồi đầu tháng 07/2022, đảng này đã kêu gọi một dự luật nhằm bổ sung thêm bốn ghế vào hội đồng thẩm phán để giải quyết vấn đề đa số thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống.
Dự luật TERM
Theo Đạo luật TERM (pdf), cứ mỗi hai năm một thẩm phán mới sẽ nhậm chức thẩm phán và dành 18 năm tại vị.
Giới hạn nhiệm kỳ đáng kinh ngạc với chín thẩm phán có nghĩa là sẽ có một vị trí trống hai năm một lần, cho phép mỗi tổng thống được bổ nhiệm hai người trong mỗi nhiệm kỳ.
Các thẩm phán giữ chức vụ sẽ đảm nhận vị trí cao cấp. Những lần bổ nhiệm mới sẽ xảy ra trong năm đầu tiên và năm thứ ba sau một cuộc bầu cử tổng thống như là cách thức duy nhất để bổ nhiệm vào tòa án tối cao này.
Các thẩm phán tại vị hiện sẽ đảm nhận vị trí cao cấp theo thời gian phụng sự khi mỗi thẩm phán mới được bổ nhiệm. Ông Thomas, người hiện là thẩm phán lâu năm nhất tại Pháp viện với nhiệm kỳ 30 năm, trước tiên sẽ được chuyển sang trạng thái bán-về hưu theo dự luật này.
Dự luật cũng sẽ duy trì sự độc lập về tư pháp bằng cách bảo đảm rằng các thẩm phán Tối cao Pháp viện đảm nhận vị trí cao cấp vẫn là thành viên được trả lương đầy đủ trọn đời của cơ quan tư pháp liên bang này, có khả năng thực thi các nhiệm vụ tại Pháp viện lâu dài đến khi nào họ muốn.
Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island) đã giới thiệu một dự luật tương tự tại Thượng viện.
Ông Caden Pearson là một ký giả sống ở Úc. Ông chuyên về biên kịch và phim tài liệu. Quý vị có thể liên lạc với ông qua [email protected].