Từng bước một, các tòa án xây dựng rào cản chống lại nhà nước hành chính của TT Biden
Phán quyết chống lại EPA đặt tiền lệ cho một loạt vụ kiện chống lại sự lạm quyền của các cơ quan chính phủ
Khi chính phủ Tổng thống Biden lao đao vì một chuỗi các thất bại pháp lý gần đây, thì các nhà phân tích chính trị lại đang ca ngợi phán quyết mới nhất của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ West Virginia kiện EPA như là một phần của một cách tiếp cận mới, trên phạm vi rộng mà các tòa án đang thực hiện để ngăn chặn nỗ lực kéo dài hàng thế kỷ của những người cấp tiến nhằm trao quyền cho nhà nước hành chính và cai trị người dân Mỹ bằng sắc lệnh quan liêu.
Kể từ thời Tổng thống Woodrow Wilson 100 năm về trước, các tổng thống cấp tiến, trong đó có các ông Franklin Roosevelt, Lyndon Johnson, Barack Obama, và Joe Biden, đã nỗ lực để chuyển quyền lập pháp từ Quốc hội sang các cơ quan hành pháp của họ. Ông Wilson, cha đẻ của những người cấp tiến thời hiện đại, tin rằng với tam quyền phân lập, Hiến Pháp là một văn bản lỗi thời, và các quan chức chuyên nghiệp vượt trội hơn trong việc ra quyết định so với quá trình thông qua luật mất nhiều thời gian và thỏa hiệp của các đại diện dân cử.
Ông Wilson đã viết trong bài báo năm 1887 có nhan đề “Nghiên Cứu về Quản Trị” (“The Study of Administration”) rằng “số đông những người, những người có quyền thống trị [theo Hiến Pháp] không chịu lắng nghe ai, và ích kỷ, ngu dốt, rụt rè, cứng đầu hoặc ngu ngốc.”
“Theo nhiều cách, cuộc cách mạng lớn nhất kể từ khi có Hiến Pháp là sự chuyển dịch từ các cơ quan lập pháp sang các cơ quan [liên bang],” ông Matthew Spalding, Trưởng Khoa Chính Phủ tại trường Cao đẳng Hillsdale, nói với The Epoch Times. “Cuộc khủng hoảng ở đây là sự chuyển dịch này không có sự đồng ý,” khi người dân Mỹ ngày càng mất quyền lên tiếng về việc đặt ra các luật và quy định kiểm soát cuộc sống của họ.
Ví dụ, năm 1984, Tối cao Pháp viện đã ra một phán quyết gọi là Học thuyết Chevron, phán quyết rằng các cơ quan liên bang có thẩm quyền quyết định phạm vi quyền hạn của họ trong những tình huống mà sự ủy quyền của Quốc hội là không rõ ràng. Kể từ phán quyết này, trong vụ Chevron kiện Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia, các tòa án đã đứng về phía các cơ quan liên bang trong các vụ kiện khi mà quyền lực của các cơ quan này bị thách thức.
Giờ đây, lần đầu tiên sau một thế kỷ, một loạt phán quyết từ các tòa án liên bang đã đưa ra rào cản để ngăn chặn hành vi lạm quyền của chính phủ. Có hai yếu tố đã mang lại sự thay đổi này. Đầu tiên, chính phủ ông Trump đã bổ nhiệm được 234 thẩm phán liên bang, trong đó có ba thẩm phán Tối cao Pháp viện. Và thứ hai là những nỗ lực công khai khác thường của chính phủ ông Biden trong việc thúc đẩy các cơ quan liên bang vượt quá thẩm quyền pháp lý của họ để áp đặt một nghị trình cánh tả lên Hoa Kỳ mà không có sự đồng ý của đa số công chúng.
Phán quyết West Virginia
Trong vụ West Virginia kiện EPA, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã cố gắng buộc các công ty điện lực Mỹ chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang phong năng và quang năng. Vào ngày 30/06/2022, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết rằng chính phủ ông Biden không có thẩm quyền để làm như vậy.
“Trong nhiều năm, các quan chức không được bầu chọn trong nhà nước hành chính đã cố gắng phá hủy các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của chúng ta bằng cách biến EPA thành cơ quan lập kế hoạch trung ương kiểu cộng sản, vì họ biết rằng họ không thể thông qua các chính sách môi trường cấp tiến của mình tại Quốc hội,” Thống đốc Ngân khố Virginia Riley Moore của tiểu bang nói trong một tuyên bố chính thức, ca ngợi quyết định này là “một chiến thắng cho pháp quyền.”
“Một phần của vấn đề là Quốc hội đang viết ra những luật rộng rãi này, để lại nhiều cơ hội cho các cơ quan có nghĩa vụ thực thi pháp luật diễn giải luật,” ông William Shughart, thành viên cao cấp của Viện Độc Lập, nói với The Epoch Times. “Điều đó đã dẫn đến sự phát triển bùng nổ trong nhà nước hành chính. Phán quyết của West Virginia đưa vào các hệ thống phanh cho sự phát triển đó.”
‘Học thuyết các vấn đề trọng yếu’
Một trong những yếu tố quan trọng trong phán quyết này của Tối cao Pháp viện là “học thuyết các vấn đề trọng yếu” (“major questions doctrine”). Đây là khái niệm mà theo đó các cơ quan, vốn không được công chúng bầu chọn và không chịu trách nhiệm với công chúng, không thể đưa ra các quy tắc về các vấn đề quan trọng đối với người dân Mỹ nếu không có sự ủy quyền rõ ràng của các đại diện dân cử.
“Phán quyết của Tối cao Pháp viện nói lên những sai sót pháp lý của việc cố gắng đánh dấu chấm hết cho cả một ngành công nghiệp,” ông Jonathan Berry, một luật sư cộng sự của Boyden Grey & Associates, nói với The Epoch Times. “Điều mà Tối cao Pháp viện đang nói là khi quý vị thực hiện các sáng kiến có ý nghĩa trọng đại về kinh tế hoặc chính trị, các biện pháp đó phải được Quốc hội cho phép bằng một tuyên bố rõ ràng.”
“Một trong những khía cạnh sâu sắc nhất của phán quyết này là tính khả chuyển của nó trong các cơ chế quản lý,” ông Berry nói. “Khi đưa ra phán quyết của mình trong vụ West Virginia, Tối cao Pháp viện đã xem xét các phán quyết trước đó, kể cả các phán quyết chống lại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Cơ quan Quản lý Sức khỏe và An toàn Lao động (OSHA). “Chủ đề chung xuyên suốt những vụ kiện đó là nhánh hành pháp sử dụng một cơ quan hành chính để can thiệp vào các lĩnh vực chính sách vượt quá những gì Quốc hội cho phép,” ông Berry nói thêm.
Hồi tháng 08/2021, Tối cao Pháp viện ra phán quyết rằng CDC không có thẩm quyền hợp pháp để cấm các chủ nhà trục xuất những người thuê nhà không trả tiền. Tháng Một năm nay, Tòa án đã phán quyết rằng OSHA không có thẩm quyền để buộc nhân viên của các công ty lớn chủng ngừa COVID-19.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến ở đây là vô cùng quan trọng,” ông Spalding nói. “Cách thức hoạt động của Pháp viện là họ làm những việc này trong các vụ kiện khác nhau ở chỗ này hay chỗ kia, nhưng họ đang tập hợp một học thuyết lại với nhau để cuối cùng xây dựng thành một vụ án lớn hơn. Trọng tâm của vấn đề là sự vi hiến của việc về căn bản là chuyển quyền lập pháp ra bên ngoài nhánh lập pháp vào những cơ quan này.”
“Đã có rất nhiều vụ kiện ở ngoài kia đã tiến dần lên tòa án cấp cao hơn của hệ thống pháp luật trong nhiều năm,” ông Bonner Cohen, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công Quốc gia, nói với The Epoch Times. “Một số vụ kiện đó cuối cùng sẽ được đưa lên Tối cao Pháp viện, nhưng rất nhiều vụ kiện trong số đó có thể được giải quyết ở tòa án cấp thấp hơn đơn giản chỉ bởi vì giờ đây mọi người có thể trích dẫn án lệ đã được đặt ra trong vụ West Virginia kiện EPA.”
Lạm quyền hành chính
Tuần trước (18-24/07), một thẩm phán liên bang do ông Trump bổ nhiệm đã tạm thời chặn các lệnh của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (DOE) vốn cố gắng buộc các tiểu bang cho phép trẻ em chuyển giới thi đấu thể thao trong trường học theo bản dạng giới của chúng thay vì giới tính khi sinh ra của các em, cùng những điều khác. Các tổng chưởng lý của 20 tiểu bang đã khởi kiện chống lại chỉ thị của DOE, cho rằng thẩm quyền quyết định các chính sách như vậy “hoàn toàn thuộc về Quốc hội, các Tiểu bang và người dân.”
Hai lĩnh vực khác mà chính phủ ông Biden có thể sẽ bị thách thức tiếp theo vì lạm quyền hành chính là chỉ thị từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) liên quan đến “kế toán xanh” (nghĩa là, kế toán có tính đến yếu tố chi phí môi trường trong kết quả tài chính của các hoạt động [kinh doanh]) và các sáng kiến kiểm soát súng từ Cục Rượu, Thuốc lá, và Súng Liên bang (ATF).
Trong một vụ kiện gần giống với vụ West Virginia kiện EPA, SEC đã ban hành một chỉ thị rằng tất cả các công ty niêm yết phải cung cấp các báo cáo đã qua kiểm toán về việc phát thải khí nhà kính trong các hoạt động của họ, cũng như các hoạt động của các nhà cung cấp và khách hàng của họ. Ngoài ra, các công ty phải trình bày chi tiết các chiến lược của họ để giảm lượng khí thải đó. Các nhà phê bình tin rằng điều này sẽ khiến các công ty vướng vào một loạt các vụ kiện môi trường và các hành động pháp lý từ các công ty quản lý tài sản mang tính vận động như BlackRock, State Street, và Vanguard. Tổng chưởng lý West Virginia Patrick Morrisey là một trong những quan chức tiểu bang đầu tiên đe dọa sẽ đáp trả bằng hành động pháp lý.
ATF đã và đang cố gắng mở rộng định nghĩa pháp lý về các bộ phận của súng tạo nên một khẩu súng trong nỗ lực thực hiện một sáng kiến của chính phủ ông Biden vốn không được Quốc hội thông qua, chống lại các loại súng tự chế chưa đăng ký, do đó biến một hành vi trước đây từng là hợp pháp thành một tội đại hình. Tổ chức Gun Owners of America (Chủ Sở Hữu Súng Mỹ) đã đệ trình đơn kiện phản đối điều này. Ngoài ra, ATF bị phát hiện đang lưu giữ hồ sơ của “vài trăm triệu” giao dịch mua bán súng, bất chấp thực tế là Quốc hội đã cấm việc đăng ký súng liên bang một cách rõ ràng.
Mất lòng tin của công chúng
Những nỗ lực nhằm né tránh sự đồng ý của công chúng bằng cách lập pháp thông qua các cơ quan liên bang không được bầu chọn như vậy chắc chắn dẫn đến sự mất lòng tin của công chúng đối với chính phủ.
“Nếu không có sự đồng ý, không phải chịu trách nhiệm, không có hệ thống kiểm tra lại, thì quý vị thực sự đang làm suy yếu niềm tin của công chúng vào quá trình đó,” ông Spalding nói. Liên quan đến ATF và các biện pháp kiểm soát súng, một cuộc thăm dò hồi tháng Sáu của NPR/Ipsos phát hiện ra rằng, trong khi hầu hết các chủ sở hữu súng nói rằng họ sẽ chấp nhận kiểm tra lý lịch phổ quát, họ “đã mang trong mình một sự ngờ vực sâu sắc đối với chính phủ.”
Ông Berry nói: “Chính phủ này càng vượt qua ranh giới và tự ban cho mình những quyền lực mà các đại diện của người dân trong Quốc hội không trao cho họ bao nhiêu, thì chúng ta càng kỳ vọng sự suy giảm về lòng tin và tính hợp pháp bấy nhiêu.”
Tuy nhiên, khi các tòa án bắt đầu đẩy lùi hành vi lạm quyền hành chính, thì phản ứng dữ dội từ cánh tả chính trị đang ngày càng leo thang, kể cả các yêu cầu “tăng thêm thẩm phán” cho Tối cao Pháp viện bằng nhiều thẩm phán thiên tả hơn, hoặc thậm chí là bãi bỏ toàn bộ Pháp viện.
Sau vụ lật ngược án lệ Roe kiện Wade, Tổng thống Biden tuyên bố, “Chúng ta không thể cho phép một Tối cao Pháp viện ngoài tầm kiểm soát làm việc phối hợp với các phần tử cực đoan của Đảng Cộng Hòa, để tước đi quyền tự do và quyền tự chủ cá nhân của chúng ta.” Một cuộc khảo sát gần đây của Rasmussen và Viện Heartland cho thấy rằng, sau phán quyết về EPA, sự lật ngược của vụ Roe kiện Wade, và phán quyết ủng hộ Tu chính án thứ Hai trong vụ Bruen (liên quan đến vũ khí giấu kín), hầu hết các thành viên Đảng Dân Chủ và các cử tri trẻ đều nhìn nhận Pháp viện là một thể chế phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính và muốn tăng thêm số lượng thẩm phán trong Pháp viện bằng các thẩm phán cấp tiến, bãi bỏ tòa án này đi, hoặc thay thế nó.
“Những phát hiện này cho thấy rõ ràng rằng hầu hết các thành viên Đảng Dân Chủ và giới trẻ Mỹ không tôn trọng sự tôn nghiêm của Tối cao Pháp viện khi Pháp viện ban hành các phán quyết trái với nghị trình của họ,” ông Chris Talgo, nhà nghiên cứu thành viên của Viện Heartland, nói với The Epoch Times. “Từng là một giáo viên về lịch sử Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng hệ thống giáo dục của chúng ta đang không dạy những kiến thức cơ bản khi nói đến môn công dân. Hầu hết sinh viên Mỹ không thể kể tên ba nhánh của chính phủ, chứ chưa nói đến hiểu được vai trò của tam quyền phân lập. Xét đến mức độ các cử tri trẻ đang thù địch với chính các thể chế bảo tồn quyền tự do của chúng ta, điều này không phải là điềm báo tốt cho tương lai của nền tự do.”
Ví dụ, Bộ Tư pháp đã cho phép các cuộc biểu tình đe dọa kéo dài hàng tuần bên ngoài tư gia của các thẩm phán Tối cao Pháp viện theo phái bảo tồn truyền thống sau khi bản ý kiến lật ngược án lệ Roe kiện Wade bị rò rỉ sớm trước khi có phán quyết chính thức. Sau vụ bắt giữ một người đàn ông có vũ khí bị buộc tội cố ý mưu sát tại nhà của Thẩm phán Brett Kavanaugh hồi tháng Sáu, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đã yêu cầu Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland “nêu chi tiết các bước Bộ Tư pháp đang thực hiện để bảo vệ các Thẩm phán Tối cao Pháp viện của chúng ta trước một chiến dịch quấy rối và đe dọa chưa từng có.”
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã bị chỉ trích vì mất nhiều tuần để đưa ra biểu quyết cho một dự luật bảo vệ các thẩm phán Tối cao Pháp viện và gia đình của họ, ngay cả sau khi xảy ra kế hoạch mưu sát bị cáo buộc đối với Thẩm phán Kavanaugh. Khi dự luật được đưa ra biểu quyết, 27 thành viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu chống.
Trao quyền cho các chuyên gia
Không đồng ý với đa số thẩm phán trong vụ West Virginia, Thẩm phán Tối cao Pháp viện Elena Kagan lập luận rằng các tòa án phải cho phép EPA, cơ quan mà bà coi là “cơ quan chuyên gia” quyền quyết định, và cho phép cơ quan này diễn giải phạm vi quyền hạn của chính mình. Tuy nhiên, những người chỉ trích cách tiếp cận này vẫn hoài nghi việc trao quá nhiều quyền lực cho các chuyên gia và đặt câu hỏi liệu các nhà quản lý có thực sự là các chuyên gia hay không, khi chuyện liên quan đến các vấn đề như chính sách năng lượng quốc gia hoặc việc đưa ra các quyết định y tế cá nhân.
“Đây là những nhân viên chính phủ chuyên nghiệp,” ông Cohen nói. “Họ không phải là chuyên gia.”
“Hãy nhìn vào trải nghiệm mà đất nước này đã từng kinh qua trong đại dịch, khi chúng ta có các chuyên gia như Tiến sĩ [Anthony] Fauci và Tiến sĩ [Deborah] Birx và những người khác trong chính phủ liên bang, những người đã giải quyết sai hoàn toàn phản ứng y tế công cộng đối với COVID-19,” ông Cohen nói. “Nếu những người này là các chuyên gia, thì chúng ta cần phải giải thoát bản thân khỏi các chuyên gia, bởi vì họ đã sai lầm một cách ngoạn mục.”
Một trong những phương pháp được sử dụng để mở rộng quyền lực hành chính là chính phủ ban bố các tình trạng khẩn cấp về y tế, trong đó có tình trạng khẩn cấp về y tế liên quan đến đại dịch, tình trạng khẩn cấp về y tế về vấn đề khí hậu, tình trạng khẩn cấp về y tế về phân biệt chủng tộc, và cuộc khủng hoảng y tế về ‘bạo lực súng đạn.’”
“Bất cứ khi nào quý vị gặp phải từ ‘khẩn cấp’, bất cứ khi nào quý vị gặp phải từ ‘khủng hoảng’, thì hãy cẩn thận,’” ông Cohen cho hay. “Nó có thể thật sự là một cuộc khủng hoảng vì có những điều đó xảy ra, nhưng nó có thể không gì hơn một cái cớ cho một kế hoạch chiếm đoạt quyền lực.”
“Việc kích hoạt một tình trạng khẩn cấp không phải là sự biện minh cho việc kết hợp các quyền hạn của chính phủ vào tay một người duy nhất,” ông Berry nói. “Đó là định nghĩa của chế độ chuyên chế.”
Ông Kevin Stocklin là một nhà văn, nhà sản xuất phim, và là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư. Ông đã viết và sản xuất tác phẩm “We All Fall Down: The American Mortgage Crisis” (“Chúng Ta Đều Sụp Đổ: Cuộc Khủng Hoảng Thế Chấp Của Mỹ”), một bộ phim tài liệu năm 2008 về sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế chấp của Hoa Kỳ.