Ông Tập bổ nhiệm ủy viên mới: Điều này ảnh hưởng thế nào tới Đài Loan?
Hôm 23/10, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố các thành viên của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương (CMC) khóa 20.
Bốn thành viên mới của Bộ Chính trị đều có thời gian phục vụ trong quân đội và hai thành viên của Quân ủy đến từ Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc chịu trách nhiệm về vấn đề Đài Loan, làm dấy lên nhiều lo ngại hơn nữa từ cộng đồng quốc tế về hòn đảo này.
Hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ có tổng bí thư là người lãnh đạo tối cao, dưới quyền là bảy ủy viên thường vụ trong số 24 ủy viên Bộ Chính trị. Bộ Chính trị được cải tổ lại 5 năm một lần vào mỗi kỳ đại hội toàn quốc do ĐCSTQ tổ chức.
Về mặt lý thuyết, những nhà lãnh đạo tối cao này sẽ tham gia vào quá trình ra quyết định của ĐCSTQ.
Các ủy viên mới của Bộ Chính trị
Bộ chính trị khóa 20 của ĐCSTQ có tổng cộng 24 thành viên, 7 người trong số đó là ủy viên thường vụ và được coi là cấp quyền lực thứ hai, chỉ sau ông Tập.
Theo thông báo chính thức, bảy ủy viên thường vụ gồm có: ông Tập Cận Bình, ông Lý Cường, ông Triệu Lạc Tế, ông Vương Hỗ Ninh, ông Thái Kỳ, ông Đinh Tiết Tường và ông Lý Hi.
17 thành viên còn lại của Bộ Chính trị khóa 20 là Vương Nghị, Doãn Lực, Thạch Thái Phong, Lưu Quốc Trung, Lý Thư Lỗi, Lý Hồng Trung, Hà Vệ Đông, Hà Lập Phong, Trương Hựu Hiệp, Trần Văn Thanh, Trần Cát Ninh, Trần Mẫn Nhĩ, Hoàng Khôn Minh, Lý Can Kiệt, Mã Hưng Thụy, Trương Quốc Thanh, và Viên Gia Quân.
Bốn thành viên cuối cùng có xuất thân từ quân đội và mới được ông Tập bổ nhiệm vào Bộ Chính trị.
Ông Lý Can Kiệt, bí thư tỉnh Sơn Đông phía đông bắc Trung Quốc, cũng là một chuyên gia về an toàn hạt nhân. Ông Mã Hưng Thụy, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương phía tây Trung Quốc. Ông Viên Gia Quân, bí thư tỉnh ủy Chiết Giang phía đông Trung Quốc, đều là chuyên gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Ông Trương Quốc Thanh, bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc, từng là tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp Binh khí Trung Quốc (China Ordnance Industries Group Corp., Ltd).
Tập đoàn Công nghiệp Binh khí Trung Quốc là công ty sản xuất quốc doanh chuyên về các sản phẩm thương mại và quân sự. Khi làm việc với các đối tác ngoại quốc, công ty này thường được biết đến với cái tên Tập đoàn Công nghiệp phương Bắc (North Industries Corporation, hay gọi tắt là Tập đoàn Norinco).
Các ủy viên mới của Quân ủy Trung ương
Quân ủy Trung ương khóa 20 của ĐCSTQ năm nay sẽ đón chào bảy thành viên mới.
Ông Tập Cận Bình là chủ tịch Quân ủy. Ông Trương Hựu Hiệp và ông Hà Vệ Đông là hai phó chủ tịch của Quân ủy Trung ương. Các thành viên Quân ủy khác là ông Lý Thượng Phúc, ông Lưu Chấn Lập, ông Miêu Hoa, và ông Trương Thăng Dân.
Ông Trương Hựu Hiệp và ông Lưu Chấn Lập đều có kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc năm 1979.
Ông Hà Vệ Đông nguyên là Tư lệnh chiến khu đông bộ của ĐCSTQ. Ông Miêu Hoa từng có thời gian dài phụng sự trong Tập đoàn quân số 31 trực thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), một đội hình quân sự trực thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ. Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ là lực lượng quân sự tiền tuyến của ĐCSTQ chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến chống lại Đài Loan.
Ổn định chính trị nội bộ
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cho rằng ông Tập sẽ tiếp tục xem ổn định chính trị nội bộ là ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ ba của mình.
Ông Tô nói trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 23/10, “Hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị đều là thân tín của ông Tập, nhấn mạnh rằng ông Tập vẫn đặt việc giữ vững ổn định nội bộ của ĐCSTQ lên hàng đầu.”
Ông Tô nói, “ĐCSTQ chắc chắn sẽ không ngơi nghỉ trong việc chuẩn bị quân sự chống lại Đài Loan, nhưng [tấn công] Đài Loan hiện không nằm trong nghị trình hàng đầu của ĐCSTQ. Chỉ khi có các vấn đề ổn định nội bộ nghiêm trọng, ĐCSTQ mới sử dụng căng thẳng quân sự chống lại Đài Loan làm trọng tâm.”
Ông Tô cũng tin rằng trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập, căng thẳng trên Eo biển Đài Loan sẽ tiếp diễn.
Ông Tô nói: “Một trong những gương mặt mới của Quân ủy Trung ương — ông Hà Vệ Đông — nhấn mạnh rằng ông Tập rất kiên trì theo đuổi điều mà ông ấy gọi là nghị trình Đài Loan.”
Theo ông Tô, ông Hà Vệ Đông chỉ là cựu chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của ĐCSTQ, nhưng ông Tập đã trực tiếp đề bạt ông trở thành một trong hai phó chủ tịch Quân ủy, điều này cho thấy ĐCSTQ ngày càng có thái độ cấp bách hơn đối với Đài Loan.
Ông Tô nói thêm, “Ngoài ra, ông Lâm Hướng Dương, tư lệnh đương nhiệm của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ, là người tỉnh Phúc Kiến. Do đó, toàn bộ công tác chuẩn bị quân sự thực sự đang tập trung vào Đài Loan.”
Phúc Kiến là tỉnh gần nhất đối diện trực tiếp với Đài Loan qua eo biển.
Ông Tô đề nghị người dân Đài Loan nên giữ cảnh giác.
Ông Tô nói, “Đài Loan không cần phải lo sợ quá nhiều; chỉ cần giữ cảnh giác, thận trọng nhưng đừng quá lo lắng.”
Bất ổn gia tăng
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư phụ tá tại Đại học Công nghệ Sydney có quan điểm khác với ông Tô.
Khi chia sẻ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Phùng nói rằng phần lớn chính quyền mới của ĐCSTQ là thân tín của ông Tập, điều này giúp ông Tập dễ dàng thông qua nghị trình chiến tranh Đài Loan giữa các cấp lãnh đạo hàng đầu.
Ông Phùng tin rằng chính phủ Hoa Kỳ chắc chắn đã hay biết về các thông tin tình báo liên quan đến Eo biển Đài Loan, như Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm 17/10 rằng, “Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc thống nhất theo một tiến trình thời gian nhanh hơn nhiều”.
Ông Blinken đưa ra nhận định này trong cuộc trò chuyện với cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice tại Đại học Stanford, cùng thời điểm diễn ra Đại hội Toàn quốc khóa 20 của ĐCSTQ.
Ông Blinken cũng nói: “Và nếu các biện pháp hòa bình không khởi tác dụng, thì họ sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng chế và có thể, nếu các biện pháp cưỡng chế không hiệu quả, thì sẽ dùng đến biện pháp vũ lực — để đạt được các mục tiêu của họ. Và đó là những gì đang phá vỡ sâu sắc hiện trạng và tạo ra căng thẳng to lớn.”
Ông Phùng cho biết nguy cơ chiến tranh trên Eo biển Đài Loan là có tồn tại, vì ông Tập đã cảnh báo rằng ĐCSTQ “sẽ không bao giờ hứa từ bỏ sử dụng vũ lực” để khẳng định tuyên bố của mình đối với hòn đảo tự trị trong bài diễn văn của ông trước hơn 2,000 đại biểu của ĐCSTQ hôm 16/10.
“Kế hoạch tấn công Đài Loan của ông Tập là để chứng minh rằng ông ấy đã đạt được những thành tựu to lớn trong nhiệm kỳ của mình, bất kể hậu quả ra sao,” ông Phùng cho biết. “Những bất ổn trong vấn đề Đài Loan đang tăng lên. Logic thông thường hoàn toàn không có ý nghĩa gì [với ông Tập] cả.”
Đài Loan đang trong tình trạng ‘đặc biệt nguy hiểm’
Ông Vương Hách, một nhà bình luận các vấn đề thời sự và là nhà quan sát Trung Quốc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 22/10 rằng Đài Loan đang trong tình trạng “đặc biệt nguy hiểm”.
Ông Vương nói rằng Đài Loan có một đội quân 189,000 binh sĩ so với dân số 23 triệu người. Một ví dụ tốt để đối chiếu là Israel, quốc gia có quân số 180,000 so với dân số chỉ 8 triệu người. Nhưng Israel có thể huy động 300,000 người tham chiến trong vòng 24 giờ, theo ông Vương.
“Kẻ thù mà Đài Loan phải đối mặt là ĐCSTQ, một kẻ thù hung ác hơn những gì mà Israel phải đối mặt,” ông Vương nói thêm.
Ông Vương nói rằng Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ bị động nếu để ĐCSTQ quyết định thời điểm tấn công Đài Loan.
“Hoa Kỳ nên sử dụng những biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất để ĐCSTQ không dám hành động thô lỗ,” ông Vương nói. “Chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt các lệnh cấm nghiêm ngặt đối với vi mạch bán dẫn, trực tiếp cắt đứt sức mạnh quân sự công nghệ cao của ĐCSTQ. Đây là một bước đi khôn ngoan. [Nhưng] sẽ là quá muộn nếu Hoa Kỳ không hành động ngay bây giờ.”
Cuộc tấn công Đài Loan ‘sẽ không thể sớm diễn ra’
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân Chủ Trung Quốc và là cựu lãnh đạo sinh viên của cuộc biểu tình sinh viên Thiên An Môn năm 1989, trong các bình luận được đưa ra hôm 22/10 nói rằng ông Tập sẽ không tấn công Đài Loan trong tương lai gần.
Theo ông Vương, có hai lý do giải thích cho trường hợp này.
Một là ông Tập hiện cần thời gian để thực hiện các nghị trình trong nước khi ông đã nắm chắc nhiệm kỳ thứ ba, vì trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Tập đã bị cuốn theo các cuộc đấu tranh nội bộ để củng cố quyền lực của ông.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung, và Lạc Á
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times