Ông Blinken kêu gọi giải pháp ‘2-nhà nước’ trong bối cảnh gia tăng bạo lực giữa Israel và Palestine
Hôm 30/01, vào ngày thứ hai trong chuyến công du Trung Đông kéo dài ba ngày, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nhiều lần kêu gọi một giải pháp “hai-nhà nước” cho cuộc xung đột kéo dài nhiều năm giữa Israel và Palestine.
Ông Blinken đưa ra lời kêu gọi này trong bối cảnh bạo lực giữa Israel và Palestine ngày càng leo thang mà trong những ngày gần đây đã cướp đi sinh mạng của hơn chục người.
Tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Blinken bày tỏ hy vọng của Hoa Thịnh Đốn về việc nhìn thấy “tự do và an ninh” bằng “phương sách bình đẳng” cho cả người Israel và Palestine.
Ông nói, Tổng thống Joe Biden “vẫn hoàn toàn cam kết với mục tiêu đó. Và chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để đạt được điều đó là thông qua việc giữ gìn—sau đó hiện thực hóa—tầm nhìn về hai nhà nước [Israel và Palestine].”
Ông Blinken nói thêm: “Theo đánh giá của chúng tôi, thì bất cứ điều gì khiến chúng tôi rời xa tầm nhìn đó đều có hại cho an ninh lâu dài và bản sắc lâu dài của Israel với tư cách là một quốc gia Do Thái và dân chủ.”
Được thành lập vào cuối năm ngoái, chính phủ liên minh của ông Netanyahu bao gồm cả các đảng phản đối kịch liệt việc thành lập nhà nước Palestine.
Gia tăng bạo lực
Chuyến công du hiện tại của ông Blinken ở khu vực này diễn ra sau một loạt các sự kiện bạo lực đặc biệt trong những ngày gần đây giữa người Israel và người Palestine.
Hôm 26/01, 10 người Palestine đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel vào thành phố Jenin ở Bờ Tây. Ngày hôm sau, một tay súng Palestine đã sát hại 7 người Israel ở Jerusalem.
Theo các quan chức Palestine, ít nhất 35 người Palestine, gồm cả các chiến binh và thường dân, đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực kể từ hôm 01/01.
Vài giờ trước khi ông Blinken đến, một người đàn ông Palestine đã bị lính Israel bắn chết ở Bờ Tây. Các quan chức Israel cho biết các binh sĩ đã nổ súng sau khi người đàn ông này lao xe của mình vào một trạm kiểm soát của quân đội.
The Epoch Times đã không thể xác minh những lời khẳng định của cả hai bên.
Sau khi tổ chức các cuộc thảo luận kín với ông Netanyahu, ông Blinken kêu gọi cả hai bên thực hiện “các bước khẩn cấp để khôi phục sự bình tĩnh và giảm căng thẳng”.
Các cuộc đàm phán giữa Israel và chính quyền Palestine do Hoa Kỳ tương trợ đã chấm dứt vào năm 2014 sau khi Israel tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Dải Gaza. Hơn 2,000 người Palestine—và rất nhiều người Israel—đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài sáu tuần đó.
Ông Blinken dự kiến sẽ đến thăm thành phố Ramallah ở Bờ Tây hôm 31/01 cho chặng cuối cùng trong chuyến công du của mình, nơi ông dự kiến sẽ gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas.
Vấn đề Iran được đưa ra bàn thảo
Trong khi đàm thoại cùng với ông Netanyahu, ông Blinken cũng nhấn mạnh Hoa Thịnh Đốn tiếp tục cam kết đối với an ninh của Israel.
“Trong bối cảnh bạo lực leo thang,” ông Blinken nói, “quan trọng là chính phủ và người dân Israel biết rằng cam kết của Mỹ đối với an ninh của họ vẫn không thay đổi.”
Đáp lại, ông Netanyahu cũng ca ngợi mối quan hệ thân thiết giữa Hoa Kỳ và Israel, mà ông mô tả là “không thể phá vỡ” và là “một trong những liên minh vĩ đại của lịch sử hiện đại”.
Ông cũng nhân cơ hội này lên án Iran, nhấn mạnh chính sách lâu đời của Israel là “làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và các phương tiện để phóng những vũ khí đó”.
Ông Blinken đồng ý, nói rằng Tehran “không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân.”
Ông Blinken nói thêm rằng, trong cuộc gặp của họ, ông và ông Netanyahu đã thảo luận về việc “tăng cường hợp tác để đối đầu và chống lại các hoạt động gây bất ổn của Iran ở trong và ngoài khu vực”.
Rạng sáng hôm 29/01, những thiết bị bay không người lái không rõ nguồn gốc đã tấn công một cơ sở quân sự gần thành phố Isfahan của Iran. Mặc dù được cho là gây ra thiệt hại có giới hạn, nhưng cuộc tấn công đã không dẫn đến bất kỳ thương vong nào.
Bất chấp những suy đoán của nhiều người về sự tham gia của Israel, các quan chức nước này cho đến nay vẫn chưa bình luận gì về vụ việc.
Chuẩn tướng Patrick Ryder, một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, cho biết không có tài sản quân sự nào của Hoa Kỳ tham gia vào vụ tấn công trên nhưng từ chối bình luận thêm.
Ông Blinken gặp ông el-Sisi ở Cairo
Trước đó cùng ngày, ông Blinken cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi tại Cairo.
Tại một cuộc họp kín, hai ông đã tái khẳng định “cam kết mạnh mẽ” của nước mình đối với “quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ-Ai Cập”, theo một tuyên bố được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra sau đó.
Được biết, ông Blinken cũng đã khen ngợi ông el-Sisi vì “những nỗ lực không ngừng” của Ai Cập “để giảm căng thẳng leo thang giữa người Israel và người Palestine.”
Cairo trở thành thủ đô Ả Rập đầu tiên ký kết hòa bình với Israel vào năm 1979. Kể từ đó, Ai Cập—một nước nhận viện trợ quân sự lớn của Hoa Kỳ—đã tìm cách làm trung gian hòa giải giữa Israel và Chính quyền đặt tại Ramallah của Palestine.
Các cuộc hội đàm của ông Blinken với ông el-Sisi cũng đề cập đến các vấn đề khu vực, bao gồm những nỗ lực của Sudan nhằm thành lập một chính phủ dân sự và nhu cầu bầu cử ở nước láng giềng Libya, nơi vẫn bị chia rẽ giữa các phe phái đối địch.
Hồ sơ nhân quyền của Ai Cập gây lo ngại
Trước khi rời Cairo, ông Blinken cũng đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry.
Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ai Cập, ông Blinken cho biết Hoa Thịnh Đốn sẽ tiếp tục thúc ép Cairo trả tự do cho hàng nghìn nhà bất đồng chính kiến đang bị bỏ tù.
“Những lo ngại mà chúng tôi có [về các tù nhân chính trị] vẫn còn đó,” ông Blinken nói với các phóng viên. “Với tinh thần thẳng thắn … chúng tôi đã bày tỏ rất rõ ràng những lo ngại đó [với ông el-Sisi và ông Shoukri].”
Ông El-Sisi, một cựu chỉ huy quân đội, lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2013 lật đổ người tiền nhiệm Mohamed Morsi.
Ông Morsi, tổng thống được bầu cử tự do đầu tiên của nước này và là lãnh đạo của Tổ chức Anh em Hồi giáo hiện bị cấm ở Ai Cập, đã qua đời trong tù hồi năm 2019.
Sau cuộc đảo chính năm 2013 là một cuộc đàn áp sâu rộng đối với những người bất đồng chính kiến, nhắm vào các thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi và những người chỉ trích trường kỳ chính phủ của ông el-Sisi.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times