Ông Bill Gates: AI có thể ‘ngầm phá hoại các cuộc bầu cử’ và ‘lật ngược kết quả’ trong những cuộc đua sát nút
Ông Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, cảnh báo rằng các công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể giúp thao túng các cuộc bầu cử và “lật ngược” kết quả trong các cuộc đua sát nút.
Trong một bài đăng trên blog hôm 11/07, ông Gates cho biết, “Các deepfake* và thông tin sai lệch do AI tạo ra có thể phá hoại các cuộc bầu cử và nền dân chủ … Deepfake do AI tạo ra có thể được sử dụng để cố gắng lật ngược một cuộc bầu cử. Đã có những video giả mạo có cảnh quay bịa đặt về các chính trị gia nổi tiếng. Hãy tưởng tượng rằng vào buổi sáng của một cuộc bầu cử quan trọng, một đoạn video quay cảnh một trong những ứng cử viên cướp ngân hàng được lan truyền rộng rãi. Đoạn video này là giả, nhưng các hãng truyền thông và chiến dịch tranh cử phải mất vài giờ để chứng minh điều đó.”
“Có bao nhiêu người sẽ xem video đó và thay đổi phiếu bầu của họ vào phút cuối? Nó có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng, đặc biệt là trong một cuộc bầu cử sát nút.”
Khả năng tạo ra hình ảnh chân thực của AI là điều khiến nó trở thành một công cụ hoàn hảo để truyền bá thông tin sai lệch trực tuyến và gây ảnh hưởng đến dư luận. Trong khi AI giảm bớt khó khăn cho việc tạo ra nội dung chất lượng cao, thì đồng thời nó có thể mở ra con đường cho việc nhắm mục tiêu vi mô trên quy mô lớn vào những nhóm dân số cụ thể để tác động đến họ theo hướng có lợi cho một đảng hoặc một ứng cử viên.
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2024, việc sử dụng hình ảnh AI giả đã gây ra những lo ngại. Tháng trước, một tài khoản Twitter có tên DeSantis War Room chia sẻ một video cho thấy một số hình ảnh của ông Trump và Tiến sĩ Anthony Fauci, ba trong số đó mô tả ông Trump đang ôm và hôn vào mặt ông Fauci với chú thích “TRUMP ĐỜI THẬT,” ngụ ý về một mối quan hệ thân thiết.
Tuy nhiên, sau đó người ta phát hiện ra rằng những hình ảnh này là giả và được tạo ra thông qua AI. “Bôi nhọ ông Donald Trump bằng hình ảnh AI giả là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Tôi sẽ không chia sẻ chúng, nhưng chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới. Thậm chí phải hoài nghi hơn nữa về những gì quý vị nhìn thấy trên internet,” Thượng nghị sĩ JD Vance (Cộng Hòa-Ohio) cho biết trong một tweet hôm 08/06.
Hồi tháng Tư, một đoạn video quay cảnh bà Hillary Clinton dường như đang ủng hộ ông DeSantis lên làm tổng thống được lan truyền trên mạng. Video này là video giả mạo sử dụng kỹ thuật deepfake.
Bất chấp những lo ngại của ông Gates, công ty Microsoft của ông là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực AI. Được biết, công ty này đã đầu tư 13 tỷ USD vào OpenAI, công ty phát triển chatbot AI nổi tiếng ChatGPT. Microsoft cũng đã tích hợp mã xử lý trí tuệ nhân tạo các OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing và các dịch vụ khác của họ.
Mặc dù ông Gates thừa nhận rằng vấn đề deepfake chưa được giải quyết, nhưng ông “lạc quan một cách thận trọng” trong việc đối phó với vấn đề này do thực tế là mọi người “có khả năng học được cách không tin ngay những gì mà chưa qua suy xét cẩn thận.”
Vị tỷ phú này cũng chỉ ra rằng AI không chỉ có thể được sử dụng để tạo ra các deepfake mà còn giúp xác định chúng. “Chẳng hạn, Intel đã phát triển một công cụ phát hiện deepfake, và cơ quan chính phủ DARPA đang nghiên cứu công nghệ để xác định xem video hoặc âm thanh có bị làm giả hay không.”
Bên cạnh đó, ông Gates cho biết khi thời gian trôi qua thì mọi người sẽ học được cách “suy xét kỹ càng” và không bị lừa, tương tự như các bức thư điện tử của “hoàng tử Nigeria.” “Chúng ta sẽ cần xây dựng năng lực tương tự đối với các deepfake.”
Thao túng bầu cử
Trong một bài bình luận hôm 04/01 trên The Epoch Times, ông Anders Corr, người đứng đầu Corr Analytics Inc., đã giải thích cách AI đe dọa hệ thống dân chủ như thế nào.
Ông viết: “AI sẽ có thể tìm thấy các liên minh chiến thắng tối thiểu trong không gian chính trị n chiều để xác định các mục tiêu chính trị ngắn hạn và trung hạn, chẳng hạn, sau đó gây ảnh hưởng đến những nhóm dân cư đó thông qua sản xuất nội dung AI.”
“Thông qua việc nhắm mục tiêu vi mô, sản xuất vi mô, và phân phối vi mô tuyên truyền tinh vi, lần đầu tiên trong lịch sử AI có thể quyết định các kết quả ra quyết định dân chủ, do đó làm cho các quy trình dân chủ trước kia đó trở nên phi dân chủ.”
OpenAI đã không cho phép sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo của mình như ChatGPT cho “vận động tranh cử chính trị hoặc vận động hành lang.”
Quy định này bao gồm các hạn chế đối với việc “tạo khối lượng lớn các tài liệu chiến dịch” và cấm “tài liệu chiến dịch được cá nhân hóa hoặc nhắm mục tiêu vào các nhóm nhóm dân số cụ thể.”
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi đưa ra quy định pháp lý đối với việc sử dụng AI cho các mục đích chính trị. Tổ chức bất vụ lợi ủng hộ người tiêu dùng Public Citizen đã thúc giục Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ (FEC) tạo ra một quy tắc cấm sử dụng các deepfake chính trị. Họ cũng kêu gọi các đảng chính trị lớn và các ứng cử viên cam kết không sử dụng những công cụ này để đánh lừa cử tri.
Hôm 20/06, trong một thông cáo báo chí, ông Robert Weissman, chủ tịch của Public Citizen, cho biết, “Như chúng ta biết, A.I. sáng tạo hiện đang đặt ra mối đe dọa lớn đối với sự thật và nền dân chủ.”
“Một mặt, công nghệ này đe dọa những trò lừa bịp thay đổi bầu cử, và mặt khác làm cử tri mất khả năng tin vào ngay cả những hình ảnh và thông tin trung thực.”
Một cuộc thăm dò của Ipsos được tiến hành hồi tháng Tư cho thấy 76% số người được hỏi lo lắng về các deepfake do AI tạo ra dẫn đến thông tin sai lệch.
Đối phó với những mặt trái của AI
Trong bài đăng trên blog của mình, ông Gates lưu ý rằng giờ đây những kẻ tấn công mạng sẽ sử dụng năng lực kỹ thuật của AI để “viết mã hiệu quả hơn. Họ cũng sẽ có thể sử dụng thông tin công khai về các cá nhân, chẳng hạn như nơi họ làm việc và bạn bè của họ là ai, để phát triển các cuộc tấn công lừa đảo đẳng cấp hơn những cuộc tấn công mà chúng ta thấy ngày nay.”
Nhưng cũng trong trường hợp này, ông Gates đã nhắc đến việc sử dụng AI để chống lại những cuộc tấn công như vậy. Ông nói thêm rằng vì lý do này, nên “chúng ta không nên cố gắng tạm thời ngăn mọi người thực hiện những phát triển mới ở AI, như một số người đã đề nghị.”
Ông Gates đã có thái độ phản bác tích cực đối với tất cả những mặt trái của AI, đây vốn là điều không có gì đáng ngạc nhiên khi mà các công ty của ông đang đầu tư vào công nghệ này.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác trong lĩnh vực này không có cùng sự lạc quan đó.
Không giống như những gì các công ty công nghệ nhận định là một chiến thắng dễ dàng, việc áp dụng AI đã gặp phải sự phản kháng gay gắt trong nhiều ngành và lĩnh vực.
Trong bài diễn văn tại hội nghị công nghệ Collision ở Toronto hôm 28/06, ông Geoffrey Hinton, một giáo sư khoa học máy điện toán tại Đại học Toronto, người còn được mệnh danh là một trong những “cha đẻ của AI”, cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo có thể phát triển mong muốn giành quyền kiểm soát từ con người để cố gắng hoàn thành các mục tiêu đã được lập trình của nó.
Ông nói, “Ở một cấp độ rất chung chung, nếu quý vị có thứ gì đó thông minh hơn mình rất nhiều, rất giỏi trong việc thao túng con người, thì ở một cấp độ rất chung chung, quý vị có tự tin rằng con người còn nắm quyền không? Tôi nghĩ chúng sẽ lấy [động cơ giành quyền kiểm soát] như một cách để đạt được các mục tiêu khác.”
(*) Ghi chú của dịch giả
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times