Ở Trung Đông, ông Obama đứng về phía nào?
Khi đọc bài báo “Xung quanh việc những người biện hộ cho Hamas kêu gọi đặt cuộc tấn công Israel vào bối cảnh” trên RealClear Politics của ông Peter Berkowitz, trong đó ông thảo luận về phản ứng trước các sự kiện gần đây của ông Rashid Khalidi, giáo sư Nghiên cứu Ả Rập Hiện đại tại Đại học Columbia, đã khiến tôi phải lục tìm một bài viết tôi đã thực hiện cho PJ Media hồi năm 2010: “Tại sao tờ LA Times lại giấu nhẹm cuốn băng về Obama/Khalidi?”
“Trước sự thay đổi đột ngột bất thường trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Israel dưới thời Chính phủ ông Obama, tôi bị ám ảnh bởi đoạn băng ghi hình hai ông Rashid Khalidi và Barack Obama từng bị kiểm duyệt vào năm 2003. Đoạn băng đó — hay như chúng ta được cho biết — được cất giữ trong một chiếc két sắt ở tòa nhà của Los Angeles Times (LA Times). Trong tình hình hiện nay, việc tờ báo này đăng tải đoạn băng ghi hình trở nên quan trọng và có giá trị tin tức hơn bao giờ hết.
“Đoạn băng về ông Khalidi có thể có ý nghĩa to lớn trong việc tiết lộ nguồn gốc quan điểm của ông Obama về Trung Đông cũng như mức độ mà công chúng đã bị đánh lừa về những quan điểm đó trong chiến dịch tranh cử tổng thống.”
Tại sao đoạn ghi hình này lại quan trọng như vậy? Như tôi đã viết lúc đó:
“Ông Rashid Khalidi — một nhà sử học người Mỹ gốc Palestine nổi tiếng với quan điểm ủng hộ người Palestine mạnh mẽ — hiện được xem như Giáo sư Edward Said (một học giả, nhà hoạt động chính trị người Mỹ gốc Palestine) tại khoa Nghiên cứu Ả Rập Hiện đại của trường Columbia kiêm giám đốc Viện Trung Đông của trường đại học đó.
Sau khi ông Khalidi nhận được sự bổ nhiệm này ở Columbia vào năm 2003, một bữa tiệc tối đã được tổ chức để vinh danh ông ở Chicago. Một đoạn băng hình về bữa tiệc đó đã được ghi lại, trong đó có nhiều lời hoa mỹ được dành cho người Palestine và nhiều lời điều tiếng về Israel. Thượng nghị sĩ tiểu bang Illinois đương thời — ông Barack Obama — cũng tham dự, có người cho rằng, cả hai ông William Ayers và Bernadine Dohrn cũng góp mặt.
“Như ông Leon DeWinter đã nhắc nhở chúng ta, cuốn băng đó đã được một người không rõ danh tính trao cho ông Peter Wallsten của tờ LA Times vào một thời điểm nào đó. Sau đó, ông Wallsten đã viết về một vài nội dung của đoạn băng trong một bản tin vắn trên LA Times vào ngày 10/04/2008, có nhan đề là ‘Các đồng minh của người Palestine thấy một người bằng hữu ở ông Obama.’
“Có lẽ vì quá sơ sài nên bài báo đó đã gây ra lời hô hào yêu cầu phát hành toàn bộ cuốn băng. Điều gì đã thực sự xảy ra ở bữa tiệc đó? Những lời nói kia là gì? Ông Obama đã phản ứng thế nào? Mọi người muốn biết thêm chi tiết về quan điểm liên quan đến Trung Đông của vị ứng cử viên tổng thống này. Nhưng LA Times đã nỗ lực kiểm soát và cất giữ cuốn băng đó trong két sắt của tòa soạn.”
Bất chấp nỗ lực tìm kiếm của tôi và những người khác, cuốn băng này vẫn mất tung tích cho đến tận ngày nay. Có lần tôi đã cố gắng gọi cho ông Wallsten, lúc đó ông đã chuyển từ LA Times sang Wall Street Journal, nhưng về căn bản, ông ấy đã cúp máy ngang.
Như người ta thường nói, đó là khi đó, còn đây là hiện tại.
Lúc đầu, ông Obama im lặng trước cuộc xâm lược của Hamas, nhưng gần đây vị cựu tổng thống này mới bước ra sau một thời gian im hơi lặng tiếng.
Trong đoạn trích dài ba phút từ cuộc phỏng vấn với một tổ chức nào đó mà tôi không biết — trên Pod Save America — mà sẽ được đăng đầy đủ vào ngày 07/11, ông ấy dường như đưa ra lời kêu gọi về một quan điểm công bằng khi xem xét tình hình này.
“Những gì Hamas đã làm thật khủng khiếp, và không có lời biện minh nào có thể chấp nhận được,” ông Obama nói. “Và một điều cũng đúng đó là sự chiếm đóng và những gì đang xảy ra với người Palestine thì không thể chịu dung thứ được.”
Không có gì đáng ngạc nhiên, vế cuối đã nhận được tràng pháo tay lớn nhất trong đoạn podcast này, với phần lớn khán giả là những người ủng hộ và nhân viên cũ của ông ấy.
Ông cũng nói thêm: “Nếu quý vị muốn giải quyết vấn đề, thì quý vị phải tiếp nhận toàn bộ sự thật. Và sau đó quý vị phải thừa nhận rằng không có bàn tay nào trong sạch cả, rằng tất cả chúng ta đều đồng lõa ở một mức độ nào đó.”
À, hãy đứng ngoài cuộc xung đột, hãy trở thành người thực thi công lý một cách công bằng.
Nhưng ông ấy có thực sự như vậy không?
Tôi nghĩ một số độc giả có thể nhớ lại khoảnh khắc nổi dậy mãnh liệt chống lại các giáo sĩ Hồi Giáo chuyên quyền trong Phong trào Xanh năm 2009 ở Cộng hòa Hồi Giáo Iran.
Các sinh viên dũng cảm và những người ủng hộ họ đã tuần hành trên đường phố để kêu gọi tự do, và hô vang: “Obama, Obama, ông đứng về phía chúng tôi hay phía họ?”
Đối với những người trong chúng ta đứng về phía những người biểu tình dũng cảm, thì việc ông Obama chọn cách phớt lờ họ, và vẫn muốn tiếp tục các cuộc đàm phán hạt nhân mà rốt cuộc là vô ích với tay sai của các giáo sĩ Hồi Giáo vào thời điểm đó — ông Mahmoud Ahmadinejad — thật khiến người ta tức giận.
Ông ấy đã đứng về phía nào?
Mỉa mai thay, vào tháng 10/2022, 13 năm sau — có lẽ là để tránh một vết nhơ và nhiều hơn thế nữa (các sinh viên này có thể đã giành chiến thắng với sự ủng hộ tinh thần mạnh mẽ của người Mỹ) trong sử sách — ông Obama thừa nhận mình đã phạm sai lầm.
Nhưng quay trở lại hiện nay, thời đại mà vị cựu tổng thống đó nói với chúng ta rằng ông ấy muốn cai trị bằng tai nghe từ tầng hầm hơn là phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn trên mặt đất và dường như ông ấy đã đạt được mong muốn của mình.
Chúng ta nên đánh giá thế nào về lập luận công bằng của ông ấy, khẳng định rằng tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm, ngoại trừ việc đó là một sự thật vặt vãnh có thể áp dụng cho bất cứ điều gì.
Chúng ta nên nhìn nhận như thế nào về việc những người dân thảm thương ở dải Gaza (như chúng ta được cho biết) đang chịu sự bắn phá liên tục của những người Israel được cho là những kẻ khát máu?
Chà, tôi phải thừa nhận rằng ông Obama đã đúng khi nói trong podcast rằng sự việc đó hơi rối ren, nhưng dù thế nào thì vẫn còn cách quá xa so với những gì ông muốn chúng ta tin tưởng.
Đơn cử, chúng ta được yêu cầu bày tỏ sự cảm thông của mình tới nhiều người có hai quốc tịch (Hoa Kỳ và những nước khác) đang chật vật để thoát khỏi dải Gaza.
Nhưng đây là một phản ứng bất lịch sự. Ngay từ đầu, họ đã làm gì ở đó kia chứ?
Kể từ năm 2007, Hamas đã cai trị dải Gaza bằng nắm đấm sắt mà điều đó khiến Đức Quốc xã trông giống như những kẻ mềm yếu, và sát hại một số ít người bất đồng chính kiến cũng như ném những người đồng tính từ mái nhà xuống. Họ có đồng tình với điều đó không? Người có đạo đức sẽ là người như thế nào? Ai lại muốn sống ở đó trong hoàn cảnh như vậy chứ? Vậy thì tại sao họ lại đến?
Chắc chắn là, có thể có một số người ở đó vì lý do gia đình hoặc điều gì đó tương tự, nhưng đa phần quý vị phải chứng kiến nhiều người dân dải Gaza chấp nhận hoặc thậm chí thích bị những kẻ khủng bố có hệ tư tưởng sát nhân vì chủng tộc và sắc tộc cai trị, chưa kể đến sự khinh thường đối với công dân của họ.
Có thể đối với ông Obama thì có yếu tố công bằng trong việc này, nhưng thật khó để nhìn thấy điều đó. Hamas đã nói với thế giới một cách khá rõ ràng rằng họ sẵn sàng lặp lại hành vi hung hãn man rợ ở Israel, cưỡng hiếp, bắt cóc, và thiêu sống trẻ em.
Tại sao người Israel lại khoanh tay đứng nhìn và cho phép điều đó xảy ra?
Thoạt nhìn, tất cả những điều này có vẻ khó hiểu, nhưng sự thật thực tế là như vậy. Phần lớn người dân dải Gaza là những người sẵn sàng sống chung với hỏa tiễn và bom được giấu dưới các bệnh viện, trường học, cơ sở tôn giáo, và, giờ đây chúng ta được biết là trường đại học duy nhất của họ.
Không giống như người Iran, có rất ít hoặc không có dấu hiệu nổi loạn.
Nhưng tôi đoán đối với ông Obama, có một sự bình đẳng nào đó trong vấn đề này — ăn miếng trả miếng và tất cả những thứ tương tự.
Tóm lại, như những sinh viên trên đường phố Tehran đã từng nói, “Obama, Obama, ông đứng về phía chúng tôi hay phía họ?”
Nhưng chúng ta biết câu trả lời đối với Israel. Ông ấy đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới quốc gia Do Thái này rất lâu sau chuyến công du xin lỗi tới các quốc gia Ả Rập ở Trung Đông.
Rất tiếc là giờ ông ấy sẽ không thể né tránh việc này được nữa.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times