Thức dậy với cảm giác bị thù ghét
Tôi thừa nhận mình gặp khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng, tôi đoán đó là một dấu hiệu của lão hóa. Nhưng thường sau khi uống một hoặc sáu ly cà phê, tôi liền cảm thấy ổn hơn.
Vào những ngày tôi buộc mình phải thực hiện vài chục lần hít đất thì tôi còn thấy khỏe khoắn hơn. Các hóa chất được giải phóng [trong cơ thể] đã cải thiện tâm trạng của tôi.
Tuy nhiên, gần đây tôi thấy mình khó thoát khỏi cảm giác chán nản, ngay cả trong những ngày xuân tươi sáng với những bông hoa nở rộ trên cây.
Không khó để hiểu lý do tại sao.
Tôi cảm thấy bị một lượng khá lớn những phụ nữ và đồng hương của tôi thù ghét, chưa nói là cả thế giới, bởi vì tôi là người Do Thái.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy gần một nửa số cử tri Gen Z có thiện cảm với Hamas. Tôi tự hỏi liệu họ sẽ cảm thấy thế nào nếu đứng cùng tôi ở một góc phố Paris vào năm 1989 (lần đầu tiên tôi thấy Hamas) để xem họ diễn hành, hô vang “Hamas, Hamas, hãy ném hết người Do Thái vào những hầm gas!” một phiên bản có phần cụ thể hơn của “Từ sông ra biển.”
Suy ngẫm kỹ hơn, có lẽ tôi không muốn biết [lý do đó là gì] mặc dù tôi nhận ra rằng nhiều người trong số những người trẻ tuổi này là những sản phẩm tương đối vô tội (tùy thuộc vào cách quý vị muốn nhìn nhận vấn đề) từ sự truyền bá kép của hệ thống giáo dục và phương tiện truyền thông quá mức tồi tệ của chúng ta (truyền thông xã hội và phương tiện khác).
Tôi cũng biết chúng ta có một tổng thống (cùng với đảng chính trị của ông ấy) mà đối với họ thì phiếu bầu quan trọng hơn sự thật.
Là người tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng (Dartmouth và Yale), tôi nhận thấy những gì đang diễn ra ở Đại học Columbia, Yale, và MIT (có lẽ là nơi nguy hiểm nhất vì liên quan đến an ninh quốc gia) là điều không thể chấp nhận được. Không có ngôn từ nào có thể thực sự mô tả điều đó.
Tôi không chút ngạc nhiên khi biết rằng cách đây 20 năm vị hiệu trưởng đương nhiệm của trường Columbia đã đưa ra những tuyên bố biện minh cho chủ nghĩa khủng bố.
Cũng như những người khác, từ lâu tôi đã từ bỏ việc quyên góp cho những tổ chức này — việc đó không quan trọng vì họ quá giàu có rồi — nhưng giờ đây tôi kêu gọi mọi người thuộc mọi giai tầng đừng gửi con em mình cho họ. Tôi nghĩ đó là điều duy nhất sẽ tạo ra sự thay đổi.
Tôi viết tất cả những điều này không phải để gây thiện cảm hay nghĩ mình là một nạn nhân. Tôi hoàn toàn không có ý như vậy. Tôi đã vô cùng may mắn vì nhiều lý do, trong đó ít nhất là tôi có cơ hội được bày tỏ quan điểm của mình tại hãng thông tấn tuyệt vời này.
Trên hết, tôi may mắn được sinh ra vào cuối Đệ nhị Thế chiến trong một gia đình di cư từ Đông Âu hàng chục năm trước thời điểm đó. Tôi đã sống cuộc sống của mình ở Mỹ quốc trong một thời kỳ mà quốc gia này vô cùng hiếu khách đối với người Do Thái và cá nhân tôi không hề phải chịu đựng thành kiến nào, mặc dù tôi đã nhận thức rất rõ về nạn diệt chủng Holocaust ngay từ khi còn nhỏ.
Rõ ràng thời kỳ đó đã chuyển sang một giai đoạn khác. Tôi vô cùng lo lắng cho thế hệ trẻ, họ lo sợ bạo lực mỗi khi đi ngang qua khuôn viên trường đại học và những bạn trẻ của thế hệ tiếp theo cũng vậy. Tôi đã nhìn thấy một vài người trong số họ vào đêm đầu tiên của Lễ Quá Hải (22/04) mà tôi làm lễ kỷ niệm với một nhóm lớn tại Chabad ở Nashville. Ngồi đối diện với tôi là một thanh niên 22 tuổi làm việc cho The Daily Wire. Tôi biết cậu ấy đã sẵn sàng giải quyết vấn đề này, cũng như một số người khác mà tôi gọi là thanh niên. Nhưng những đứa trẻ 5, 6 tuổi đang chạy quanh đó lại khiến lòng tôi se thắt lại.
Ở đây tôi cũng phải thừa nhận một điều hiển nhiên — công bằng mà nói không phải tất cả người Do Thái đều thánh thiện. Một số người tôi ghét nhất là người Do Thái. Họ nằm trong số những người tôi phản đối mạnh mẽ nhất vì những lý do ý thức hệ hoặc xã hội. Vài người trong số họ có quyền lực khá lớn. Phần lớn họ đều không thuộc cộng đồng tôn giáo. Chắc chắn quý vị sẽ nhận ra hầu hết tên của họ, nếu không phải là tất cả. (Tôi sẽ không làm điều đó ở đây vì tôi đang viết — ở giai đoạn đầu — một cuốn tiểu thuyết đề cập đến vấn đề này và tôi chưa chắc chắn chính xác mình sẽ giải quyết như thế nào.)
Nhưng liên quan đến việc thức dậy với cảm giác bị thù ghét, tôi đã tìm ra giải pháp hiệu quả nếu thực hiện với sự quả quyết và niềm tin. Như độc giả của bản tin của tôi biết, trong những năm gần đây, tôi đã trở nên sùng đạo hơn. Một phần là do kết quả không ngạc nhiên của quá trình lão hóa, cỗ xe có cánh của thời gian và tất cả những thứ đó. Một phần là nhờ chút hiểu biết về bản thân và đồng thời là sự tôn trọng. Nhưng một phần cũng là do phản ứng trước chủ nghĩa bài Do Thái đang leo thang.
Càng bị thù ghét một cách phi lý thì tôi càng muốn khẳng định mình là ai. Tôi sinh ra là người Do Thái và có một cuộc sống phần lớn là ở thế tục — nhưng giờ thì không còn như thế nữa.
Bây giờ mỗi khi thức dậy, tôi đọc kinh cầu nguyện Modeh Ani vào buổi sáng bằng tiếng Anh và tiếng Do Thái rất vấp váp như sau:
“Con tạ ơn Đức Chúa Trời hằng sống và vĩnh cửu, vì Ngài đã mang lại cho con linh hồn đầy lòng trắc ẩn. Tận tâm thành tín Ngài.”
Đây là liều thuốc giải độc của tôi khi tôi thức dậy mỗi sáng và cảm thấy bị thù ghét. Việc làm này có vẻ hiệu quả.
Tôi nghĩ đó sẽ là kết luận của mình, nhưng vợ tôi, Sheryl, vừa nhắn tin cho tôi những lời sau đây từ ông Ben Bergquam và Real America’s Voice trên X về trường Columbia và sự thù hận:
“Không thể tin được! Các giảng viên tại Đại học Columbia tán thành những sinh viên ủng hộ khủng bố! Chỉ có một người nói rằng chúng ta không nên ủng hộ những sinh viên nào hô vang ‘Mỹ quốc phải bị tiêu diệt’ mà tôi không nghĩ ông ấy là giảng viên. Số còn lại hoặc là những kẻ hèn nhát hoặc là đồng lõa. Từng người trong số những người xấu xa này nên bị sa thải!”
Mọi người có nhớ những lời này không?
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times