Nuôi dạy trẻ vị thành niên
Cuộc trò chuyện với chuyên gia nuôi dạy con cái Erica Komisar
Trận đại dịch này và các biện pháp y tế nơi công cộng (nhằm hạn chế những ảnh hưởng của Covid-19) thật sự đã làm hoang mang những người trưởng thành. Không chỉ ảnh hưởng đến người lớn, những thứ hỗn loạn ngoài kia đã khiến tình trạng trầm cảm trong thanh thiếu niên trở nên báo động.
Nhiều bậc cha mẹ ngày nay đang phải vật lộn với việc làm thế nào để an ủi, hỗ trợ và nuôi dưỡng con cái ở tuổi vị thành niên một cách tốt nhất trong tình cảnh thế giới đang có quá nhiều điều rủi ro nằm ngoài sự dự liệu của các vị phụ huynh. Thế là tôi đã tìm kiếm lời khuyên từ Erica Komisar, tác giả của tác phẩm “Này gà con, bầu trời kia sẽ không sụp đổ: Nuôi dạy những thanh thiếu niên kiên cường trong kỷ nguyên của sự u uất”.
The Epoch Times: Tuổi vị thành niên luôn là một giai đoạn khó khăn để định hướng cho con trẻ. Khi đại dịch xảy ra, nhóm tuổi này đã trải qua mức độ lo lắng kỷ lục. Theo những gì chúng ta đang chứng kiến thì trẻ đang trải qua những khó khăn nào?
Erica Komisar: Sức khỏe tâm thần không tốt là vấn đề của hầu hết thanh thiếu niên. Tuổi vị thành niên là giai đoạn quan trọng thứ hai của sự phát triển não phải, vốn là vùng não chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc, khả năng phục hồi sau căng thẳng, những hoạt động mang tính vận hành và trí nhớ dài hạn. Trong giai đoạn này, từ 9 đến 25, não bộ của thanh thiếu niên rất dễ bị tổn thương bởi áp lực từ môi trường, và thanh thiếu niên phải đối mặt với những áp lực khác về mặt học tập, xã hội, từ cha mẹ và nhà trường.
Với sự gia tăng số lượng các gia đình có cả cha lẫn mẹ cùng đi làm, các bậc phụ huynh ngày có càng ít thời gian trực tiếp chăm sóc các con, vì thế tình cảm trong những năm đầu đời của trẻ và cha mẹ lại càng nhạt nhòa hơn. Rõ ràng, chúng ta mong đợi những điều tích cực về mặt học vấn và tình thương của con dành cho cha mẹ nhưng lại dành quá ít thời gian bên con. Một đứa trẻ nếu gắn bó với bố mẹ sẽ có được sự an toàn về mặt cảm xúc ngay từ khi còn nhỏ, và em sẽ có khả năng đương đầu với những thử thách ở tuổi vị thành niên.
Hơn bao giờ hết, nhiều thanh thiếu niên ngày nay dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc và gặp phải các sang chấn tâm lý khi bước vào độ tuổi từ 9 đến 25, điều này khiến họ dễ dàng bị suy sụp. Tin tốt là nếu bạn không thể hỗ trợ cho con cái bạn nhiều như bạn mong muốn khi con trong độ tuổi từ 0 đến 3, thì tuổi vị thành niên là giai đoạn mà bạn vẫn còn có thể hỗ trợ quá trình phát triển cảm xúc và sức khỏe tinh thần của các con.
The Epoch Times: Các bậc cha mẹ rất quan tâm đến sức khỏe của con cái. Những điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm trong giai đoạn này để bảo đảm rằng con cái có được điều chúng cần?
Bà Komisar: Các bậc phụ huynh hay lầm tưởng rằng trẻ vị thành niên ít cần sự xuất hiện của cha mẹ, vậy nên họ dành ít thời gian cho con hơn. Đây là lúc họ bận rộn với công việc toàn thời gian hoặc đi du lịch; có một số cha mẹ lại tiếp tục con đường học vấn. Đây cũng được xem là một bước chuẩn bị cho cuộc sống tự lập sau này của con trẻ.
Nhưng nếu bạn dành nhiều thời gian cho bản thân và ít dành thời gian cho con, chúng sẽ dễ bị tổn thương. Là cha mẹ, bạn cần phải cân bằng nhu cầu của chính mình, và hiểu rằng con bạn cần bạn cạnh bên và chúng cũng cần cảm giác luôn được cha mẹ để tâm đến mỗi khi chúng khám phá cuộc sống, khi chúng trải nghiệm những điều mới mẻ. Nếu bạn không ở đó và cánh cửa đóng lại, bạn phải đợi cho đến khi cánh cửa mở lại cho đến khi những đứa trẻ để bạn bước vào.
Bản năng tự vệ của thanh thiếu niên được kích hoạt theo thời gian của chúng, không phải của cha mẹ, vì việc gõ cửa phòng của những đứa con ở tuổi thanh thiếu niên (sau một ngày dài làm việc) không phải là một ý kiến tồi. Tuy nhiên, hành động trên rất có thể dẫn đến một cuộc trò chuyện như sau: “Ngày hôm nay của con thế nào?”, và đứa nhỏ sẽ đáp: “Tốt”. Bạn muốn bắt gặp chúng khi chúng cởi mở để nói chuyện và khi chúng dễ bị tổn thương. Thật ra, cha mẹ muốn bắt chuyện khi con cởi mở và lúc con dễ bị tổn thương.
Một điều quan trọng khác mà cha mẹ có thể làm là học cách lắng nghe một cách cởi mở và không làm gián đoạn hoặc cố gắng giải quyết vấn đề của con mình. Trên thực tế, con trẻ sẽ cho bạn biết nếu chúng cần lời khuyên từ bạn; nếu như chúng biết rằng những lời khuyên từ bạn cũng chẳng giúp hoàn cảnh khá khẩm hơn lên, chúng sẽ tìm kiếm sự đồng cảm và thấu hiểu từ cha mẹ.
Đây chỉ là một vài điều trong số rất nhiều thứ mà tôi đề cập trong cuốn sách mà các bậc cha mẹ có thể làm để giúp con mình trong giai đoạn phát triển quan trọng này.
The Epoch Times: Cuốn sách “Này gà con, bầu trời kia sẽ không sụp đổ: Nuôi dạy những thanh thiếu niên kiên cường trong kỷ nguyên của sự u uất” đề cao khả năng phục hồi. Làm thế nào để cha mẹ có thể truyền cho con cái khả năng phục hồi?
Bà Komisar: Khả năng phục hồi không phải là thứ mà chúng ta sinh ra đã có sẵn; đúng hơn, đó là điều mà chúng ta học được từ những người đã nuôi ta từ khi còn nhỏ bằng sự đồng cảm và bằng cả sự tinh tế. Khi mẹ (hoặc người chăm sóc trẻ) thường xuyên trấn an trẻ, em bé sẽ phát triển cảm xúc một cách vững chãi, phát triển thế giới quan và phát triển cả các mối quan hệ. Chúng phát triển cảm giác tin cậy, sự an tâm, và đó là nền tảng cho khả năng chống chọi với những vấn đề căng thẳng trong tương lai và khả năng đối phó với nghịch cảnh.
Điều tương tự cũng xảy ra ở tuổi thiếu niên. Nhưng nếu cha mẹ cởi mở và đồng cảm, thay vì phán xét và khắt khe, họ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho con. Chúng ta đang sống trong thời đại của chủ nghĩa cá nhân, thời đại mà nhiều người tự cho mình là trung tâm, tất cả chúng ta đều được khuyến khích đặt bản thân lên hàng đầu, nhưng nếu chúng ta không đặt con cái lên hàng đầu trong thời kỳ hỗn loạn này, chúng sẽ lạc lối.
Điều này không có nghĩa là bạn nên trở thành những bậc cha mẹ lo lắng cho con một cách thái quá. Thanh thiếu niên nên tự lập và cố gắng làm mọi việc theo cách của mình, nhưng không có nghĩa chúng phải đơn độc trước những cảm xúc và phải tự mình giải quyết những rắc rối.
Là cha mẹ, hãy tìm hiểu nhiều về văn hóa, âm nhạc, cách ăn mặc và sở thích của các con để có thể chấp nhận bản sắc riêng của chúng, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cố gắng trở thành bạn của chúng. Thanh thiếu niên cần hiểu rằng có một ranh giới giữa cha mẹ và con cái. Con cái nhiều lúc sẽ làm xáo trộn cảm xúc của bạn, nhưng khi cha mẹ vững chãi và hiểu được vấn đề đằng sau, họ có thể giữ trọn vẹn sự yêu thương, sự không phán xét và lòng cảm thông. Cảm giác an toàn, ổn định, đồng cảm và việc để tâm đến cảm xúc của con trẻ họ sẽ đẩy nhanh sự phục hồi.
The Epoch Times: Những hiểu lầm phổ biến nhất mà cha mẹ thường mắc phải về trẻ vị thành niên là gì?
Bà Komisar: Cha mẹ thường nghĩ rằng trẻ vị thành niên không cần sự hiện diện của mình vì chúng có vẻ độc lập hơn và chúng thường có xu hướng tránh tiếp xúc với cha mẹ. Đây thực sự là một sự hiểu lầm. Đúng vậy, đôi khi con trẻ cần có không gian riêng, nhưng đó là một kiểu luyện tập cho cuộc sống tự lập sau này. Nếu cha mẹ không mở lòng và không muốn lắng nghe con, rồi cảm thấy tức giận trước những hành vi hung hăng của con, cha mẹ đang bỏ lỡ cơ hội để hiểu con. Thật ra, chúng vẫn cần bạn, và thậm chí cần để tâm của bạn như khi chúng còn nhỏ, chỉ theo một cách khác.
Nếu bạn bình tĩnh, và có thể để tâm ở thì hiện tại để có thể cảm thông cho con (đặt câu hỏi phù hợp, biết lắng nghe và cảm nhận cảm xúc của con). Khi bạn sẵn lòng chấp nhận mà không phán xét về suy nghĩ và cảm xúc của chúng, thì bạn đang trên đường hiểu con mình. Bạn có thể yêu thương con mình bằng cả trái tim mình nhưng thiếu đi sự thấu hiểu, và điều này có thể gây đau đớn như không cảm thấy được yêu thương gì cả.
The Epoch Times: Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ vị thành niên đang thực sự gặp khó khăn về tinh thần và cảm xúc?
Bà Komisar: Để ý bất kỳ thay đổi nào trong hành vi của chúng như việc ngủ quá nhiều hoặc quá ít, ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, mệt mỏi hoặc trở nên quá hiếu động, [hoặc] có những hành vi hung hăng hơn ngày thường. Hãy để tâm đến những dấu hiệu của việc con bạn bị cô lập hoặc đang gặp những rắc rối ngoài xã hội. Ngoài ra, hãy lưu tâm đến kết quả học tập của con.
Ví dụ, khi một học sinh “điểm A” trước đây nhưng hiện đang nhận rất nhiều điểm D— điều này có thể là một dấu hiệu của sự căng thẳng. Lo lắng có thể biểu hiện thành các cơn hoảng loạn, vì vậy hãy lưu ý khi thấy con ra nhiều mồ hôi, tim đập nhanh hoặc tức ngực. Ngoài ra, để tâm lúc con buồn, khi chúng tuyệt vọng hoặc suy sụp và phải hỏi xem chúng có nghĩ đến việc làm hại bản thân hay không để biết rằng liệu chúng có ý định tự sát?
Nếu chúng có một vài biểu hiện kể trên trong hơn hai tuần, hãy can thiệp ngay lập tức. Càng đợi lâu, các triệu chứng này càng khó trị. Hãy tìm kiếm một nhà trị liệu chuyên điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên. Hãy chỉ tìm đến bác sĩ tâm lý như một phương sách cuối cùng. Thuốc có thể được khuyến nghị không phải là điểm dừng đầu tiên trên hành trình điều trị.
The Epoch Times: Mối quan tâm lớn nhất của bạn về thời đại ngày nay và những tác động ảnh hưởng đến con trẻ là gì?
Bà Komisar: Hơn bao giờ hết, cuộc sống ngày nay tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ. Đặc biệt, thanh thiếu niên (thường thì chúng có quá nhiều sự lựa chọn) có rất ít lựa chọn trong kỷ nguyên COVID: những vấn đề như thất nghiệp, thay đổi công việc, các xu hướng kinh tế, biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu đang chiếm sóng trên phần lớn các phương tiện truyền thông.
Hơn nữa, có quá nhiều áp lực buộc thanh thiếu niên phải thành công từ sớm, phải đạt những thành tích cao, phải hoàn hảo về ngoại hình, và phải có những lựa chọn nghề nghiệp cũng như những hành vi xã hội khôn ngoan. Chủ nghĩa hoàn hảo ngày càng bị thổi phồng bởi mạng xã hội, khiến trẻ khó chấp nhận sự bình thường và chúng nghĩ rằng “đủ tốt” là chưa đủ để mưu cầu hạnh phúc. Các bậc cha mẹ có thể làm trầm trọng thêm lối suy nghĩ vốn đã cứng nhắc này bằng cách hướng trẻ tập trung quá nhiều vào việc đạt điểm cao và vào đúng trường đại học (dù sao đó cũng là cách để vào được một trường đại học hàng đầu). Tuy nhiên, chúng ta cần làm dịu những khao khát này (vốn dĩ đã mang đến quá nhiều áp lực cho các em) của trẻ em ở lứa tuổi này hơn là khiến trẻ thêm áp lực.
The Epoch Times: Đây là khoảng thời gian căng thẳng đối với tất cả mọi người. Sự căng thẳng của cha mẹ tác động đến trẻ vị thành niên như thế nào và cha mẹ cần làm gì để giải quyết vấn đề?
Bà Komisar: Khi cha mẹ lo lắng hoặc trầm cảm, họ sẽ ảnh hưởng đến con cái. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh có thể không tự biết rằng họ đang vướng phải sự lo âu thậm chí mắc chứng trầm cảm, những gì họ có thể nhìn nhận là chưa đủ, và họ cho đó chỉ là những cơn lo âu vô hại. Ngoài khía cạnh di truyền, cha mẹ còn có thể truyền những đức tính cho con mình như khả năng ứng phó (cũng có thể là việc thiếu đi khả năng ứng phó). Di truyền chỉ xác định xem chúng ta ít hay nhiều mức độ nhạy cảm đối với những căng thẳng, nhưng sức khỏe tinh thần của chúng ta liên quan mật thiết đến môi trường — vậy thì khi trẻ còn là thiếu niên, nhóm người nào tạo ra môi trường xung quanh trẻ? Môi trường chính là nhóm bạn cùng trang lứa, nhưng cha mẹ vẫn là một phần rất quan trọng và có ảnh hưởng đến môi trường của con.
Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng, quá tải và có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của trầm cảm hoặc bạn cảm thấy rất lo lắng và tình trạng này kéo dài hơn hai tuần, thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Bằng cách nói chuyện với những chuyên gia trị liệu, bạn không chỉ giúp ích cho chính mình mà còn giúp con mình. Đó có thể là điều tốt nhất bạn có thể làm cho con cái của mình.
The Epoch Times: Một thanh thiếu niên đang phát triển mạnh về tinh thần và cảm xúc sẽ trông ra sao?
Bà Komisar: Khi thanh thiếu niên khỏe mạnh, chúng có những mối quan hệ, những tương tác, được hỗ trợ và nhất quán với cha mẹ, anh chị em và bè bạn, và chúng có thể chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc về những trải nghiệm hàng ngày. Tình bạn với những người bạn thân thiết và những chia sẻ giữa những người bạn thân với nhau là đặc biệt quan trọng. Một đứa trẻ khỏe mạnh sẽ có xu hướng để mắt đến các hoạt động mang lại cho chúng niềm vui bên ngoài trường học. Hơn nữa, chúng ngủ thẳng giấc, không chán ăn, không ám ảnh, và làm việc chăm chỉ ở trường nhưng không bị ám ảnh về điểm số.
Một thanh thiếu niên khỏe mạnh là người có thể hân hoan trước những thành công và ưu điểm của chúng, đồng thời cũng cảm thấy cũng tiếc nuối trước những mất mát và thất vọng, tuy nhiên chúng không cảm thấy bị choáng ngợp bởi những cảm xúc tiêu cực. Khả năng phục hồi không có nghĩa là chúng không trải qua nỗi buồn hay việc cảm thấy mất mát; tuy nhiên, những đứa trẻ có lòng tự tôn thấp sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi âu lo và trầm cảm.
Tác giả Barbara Danza là một người mẹ đã có hai con, có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, yêu biển và có trái tim thuần khiết. Bài viết của cô chú trọng những thách thức và cơ hội nuôi dạy con trong thời hiện đại; và những chủ đề liên quan đến lựa chọn giáo dục trong gia đình, nhận thức mới về sự đơn thuần của trẻ nhỏ, lợi ích của việc du lịch gia đình và tầm quan trọng của lối sống gia đình trong xã hội ngày nay.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: