Nuôi dạy con cái trở thành người chính trực
Việc dạy cho con cái chúng ta rằng phẩm chất chính trực là điều vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp các con thành công trong cuộc sống.
“Trên thế giới này, cách ngắn nhất và chắc chắn nhất để sống một cuộc đời tôn kính là nhận thức một cách thực tế về kiểu người mà ta sẽ trở thành. Nếu để ý quan sát, ta sẽ thấy rằng tất cả các đức tính của con người đều được gia tăng và củng cố bằng cách thực hành.” – Socrates
Khi con trai Jacob của tôi còn nhỏ, cháu thường hay nói về bản thân mình.
Bất kể đã làm điều nhỏ nhặt nào, cháu cũng luôn tìm tôi để chia sẻ: “Mẹ ơi, con làm hỏng bức tranh rồi”, hoặc “Mẹ ơi, con làm gãy đoàn tàu của mình rồi”. Jacob dường như cần phải cho tôi biết những gì bé đã làm, để có thể sửa chữa hành vi sai trái của mình và làm cho mọi thứ đúng đắn trở lại. Tôi luôn thấy sự hồn nhiên và trung thực của con thật tươi mới thú vị.
Jacob vẫn tiếp tục chia sẻ như vậy cho đến khoảng năm lớp 4 hoặc lớp 5, và sau đó tôi bắt đầu nhận thấy một sự thay đổi ở con. Con không còn nói về bản thân mình nữa. Đôi khi con thậm chí còn không muốn nói với tôi nếu đã làm điều gì đó không nên làm, và còn cố gắng che đậy. Tất nhiên, vào thời điểm đó, cháu đã gặp nhiều tác động mới từ bên ngoài, cùng với mong muốn không bị vướng vào rắc rối ngày càng gia tăng.
Là một bác sĩ chấn thương chỉnh hình, tôi đã được đào tạo để nhìn vào toàn bộ con người — tâm trí, thân thể và tinh thần — với hiểu biết rằng những điều này đều ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần chúng ta. Nếu chúng ta bỏ qua chỉ một phần, toàn bộ chỉnh thể sẽ không thể tốt. Tính cách và giá trị đạo đức đóng một vai trò vô cùng quan trọng ở đây. Lại trích lời Socrates: “Có hai loại bệnh tật trong tâm hồn, đó là thói hư tật xấu và sự ngu dốt.” Với hiểu biết này, tôi đã tìm cách giúp con trai mình hiểu tại sao và làm cách nào con nên làm điều đúng đắn.
Điều đó tạo nên bản chất cốt lõi nhất của con người chúng ta.
Những bài học cuộc sống
Ngay từ khi còn nhỏ, vào các buổi sáng cuối tuần, Jacob sẽ leo lên giường của tôi và chúng tôi sẽ có những cuộc nói chuyện về “các bài học cuộc sống”, tôi gọi chúng như vậy. Chúng tôi sẽ bàn về mọi thứ, từ những gì đã xảy ra với bạn bè và thầy cô của con ở trường học, cho đến lý do điều gì đó tồi tệ lại xảy ra trên thế giới, lý do chúng ta được sinh ra. Con thường hỏi những câu hỏi vượt quá tuổi của mình, và tôi đã cố gắng trả lời tốt nhất có thể, đồng thời cũng muốn con đưa ra ý kiến của mình. Những bài học về sự trung thực, lòng tốt và suy nghĩ cho người khác trước chỉ là một vài chủ đề được đề cập đến trong các buổi nói chuyện của chúng tôi. Jacob dường như dễ dàng nắm bắt được những điều đó.
Tôi quyết định dùng một chút thời gian quý báu này để thảo luận với con về một bài học cuộc sống quan trọng, đặc biệt là với sự thay đổi mà tôi bắt đầu nhận thấy ở con — hãy làm những điều chính trực, ngay cả khi không có ai theo dõi.
Chúng tôi từng đề cập đến chủ đề này trước đây, nhưng tôi muốn con trai mình hiểu rằng không thể chỉ vì không có ai khác biết con đã làm sai thì điều đó là ổn. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cuối cùng cho các quyết định của mình, và những quyết định đó đều có hệ quả đi kèm. Điều quan trọng là con phải hiểu điều này.
Khi tôi và con nói về việc làm điều đúng đắn, tôi chợt nhận ra rằng, đôi khi chúng ta có thể phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi thoạt nhìn vào sự việc. Tôi chắc chắn đã từng phạm phải những sai lầm tương tự [như con].
Bà Susan Alexander Yates, trên trang web trực tuyến về nuôi dạy con cái Focus on the Family, đã đưa ra một số nhận xét rất xác đáng rằng phẩm chất chính trực là điều quan trọng trên hết thảy.
Chúng ta cần phải cẩn trọng [trong ngôn hành] để không bẻ cong các nguyên tắc của chính mình, bất kể vấn đề nhỏ nhặt đến đâu, chúng ta có thể cảm thấy sai trái như thế nào, chúng ta có đầy lý lẽ [để biện minh] cho hành động của mình ra sao, hay điều đó có thể khiến chúng ta được lợi như thế nào.
Bà lưu ý: “Là các bậc cha mẹ, chúng ta có coi trọng sự chính trực hơn thành công [của con] không? Nếu tôi coi trọng sự chính trực, tôi sẽ nhất quyết yêu cầu con trai mình trung thực thừa nhận những cú đánh ra ngoài trong trận đấu quần vợt của con, ngay cả khi điều đó khiến con thua cuộc. Tôi sẽ không viết thay con gái bài luận văn vào đại học, ngay cả khi việc này có thể làm tăng cơ hội con được chấp nhận [vào trường đó]. Do các giá trị văn hóa của chúng ta đã bị làm cho méo mó, chúng ta cần phải cảnh giác: Khao khát thành công có thể có ảnh hưởng một cách tinh vi đến các quyết định của chúng ta và cuối cùng làm xói mòn nhân cách chúng ta.”
Việc chỉ ra cho con cái mình những thời điểm chúng ta chọn làm điều đúng đắn, thay vì làm những gì có lợi nhất cho bản thân, có thể dạy cho con cách bắt đầu suy nghĩ làm điều tương tự. Càng thực hành cách tư duy và hành xử này nhiều bao nhiêu, chúng ta càng trở nên thành thục hơn bấy nhiêu trong việc làm điều đúng đắn.
Đưa ra những lựa chọn đúng
Hằng ngày, chúng ta đều có những cơ hội khảo nghiệm xem chúng ta sẽ chọn làm điều đúng đắn, hay là làm các việc dễ dàng, thuận tiện với mục đích cuối cùng là vì bản thân.
Đôi khi những lựa chọn này là không hề dễ dàng, và chúng ta có thể thấy trong nội tâm mình đang diễn ra một cuộc xung đột thực sự. Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta sẽ chọn lắng nghe theo tiếng nói nào?
Khi còn nhỏ, chúng ta trong sáng đơn thuần hơn. Nhưng khi lớn hơn, chúng ta dần biết đến những tấm gương không làm điều đúng đắn của người khác. Những tấm gương này đến từ cha mẹ, những đứa trẻ khác ở trường, truyền hình, mạng xã hội, v.v. Qua tất cả các thông điệp này, chúng ta có lẽ đã bắt đầu tin rằng việc làm điều đúng đắn không thực sự trọng yếu.
Tuy nhiên, việc làm điều đúng đắn, còn được gọi là sự chính trực, lại là một điều quan trọng. Đó là điều tối cần thiết để tạo nên con người chúng ta của ngày hôm nay – và kiểu người chúng ta sẽ trở thành trong tương lai. Sự chính trực của chúng ta sẽ định hình [nhân cách] con cái chúng ta, rồi đến các thế hệ tương lai và rộng hơn là toàn xã hội. Nó tác động đến các quyết định mà chúng ta đưa ra hàng ngày, các mối quan hệ của chúng ta, cách chúng ta phản ứng lại trước những thách thức trong cuộc sống, cách chúng ta bầu chọn những người lãnh đạo của mình, và gần như là mọi khía cạnh cuộc sống chúng ta theo một cách nào đó.
Bà Susan Alexandra Yates tiếp tục nói về tính chính trực này: “Trở thành một người chính trực có nghĩa là trở thành một người hoàn toàn trung thực và đáng tin cậy, bất kể là người khác có đang theo dõi [bạn] hay không. Thật không may, nền văn hóa ngày nay không coi trọng sự chính trực. Điều này thường dẫn đến một thái độ cho rằng chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, miễn là không có ai bị tổn thương và chúng ta không bị bắt quả tang.”
Có rất nhiều cuộc thảo luận trong xã hội ngày nay về việc làm bất cứ điều gì người ta muốn. Cũng có rất nhiều ví dụ về việc thể hiện hành vi xấu vì một người cảm thấy bị đối xử bất công, hoặc khó chịu về vấn đề nào đó. Theo quan điểm của tôi, đây là suy nghĩ không đúng. Với tư cách đạo đức của chúng ta, cũng như vì lợi ích của những người xung quanh và xã hội nói chung, chúng ta nên đưa ra những lựa chọn đúng đắn và hành động một cách tử tế chính trực, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Rốt cuộc thì trừ khi chúng ta sống trên một hòn đảo riêng, việc chúng ta là người thế nào và cách chúng ta hành xử cuối cùng sẽ có ảnh hưởng lên những người khác. Điều này là không thể tránh khỏi. Sau cùng, hành vi xấu vẫn là hành vi xấu, cho dù chúng ta có cố gắng biện minh như thế nào.
Biết cơ điểm của bạn là gì
Điều quan trọng là [chúng ta] phải suy nghĩ nghiêm túc về các giá trị và đạo đức của mình, rồi sau đó truyền những điều này lại cho con cái chúng ta. Chúng ta thực hiện điều này bằng cách làm gương thực hành các nguyên tắc này và thảo luận với con cái mình trong mọi cơ hội mà chúng ta có được, ngay cả khi đó là trong lúc đang đi bộ hay là đang lái xe đến trường. Có một thực tế đáng buồn là ngày nay các cuộc thảo luận về giá trị và đạo đức với con em chúng ta không diễn ra thường xuyên. Với tình trạng của thế giới như hiện nay, thì những cuộc thảo luận này là cần thiết hơn bao giờ hết.
Trang web Merriam-Webster định nghĩa sự chính trực là “sự tuân thủ chặt chẽ một bộ các giá trị đạo đức hoặc nghệ thuật”.
Việc tuân thủ một bộ các giá trị đạo đức này trái ngược hẳn với việc tuân theo [các trào lưu] quan điểm phổ biến, đặc biệt là khi những trào lưu quan điểm phổ biến này khác xa với những gì đúng đắn.
Đây là điều trọng yếu mà chúng ta, và đặc biệt là con cái chúng ta, đều cần phải ghi nhớ. Áp lực đồng trang lứa có thể khiến con cái ta đi vào con đường nguy hiểm với chỉ một sự lựa chọn sai lầm.
Chính vì lý do này mà các cuộc nói chuyện với con trai tôi luôn có sự nhập vai. Ví dụ, tôi sẽ hỏi con những điều như: “Con sẽ làm gì nếu một số bạn bè trong lớp con bảo con lấy trộm thứ gì đó từ một cửa hàng? Và nếu chúng bắt đầu đặt những biệt danh cho con nếu con không tham gia thì sao?” Sau khi con trả lời: “Con sẽ chỉ nói không và bỏ đi”, tôi lại nâng tiêu chuẩn cao thêm một chút. “Con sẽ làm gì nếu A.S. (bạn thân nhất của con) bảo con trộm lấy máy chơi điện tử Mario Bros mới mà con vô cùng ao ước, khi con biết là sẽ không có ai bắt quả tang mình?”
Trong nhiều năm, tôi đã đặt ra các tình huống khác nhau cho con, liên quan đến mọi thứ, từ hút thuốc, gian lận, chịu trách nhiệm về hành động của mình, cho đến việc đặt người khác lên hàng đầu. Điều tôi hy vọng là, nếu con có thể biết trước về những điều này, con sẽ biết cơ điểm của mình là gì và có thể làm điều đúng đắn một cách dễ dàng hơn khi thời điểm đến.
Hiểu về phẩm chất chính trực
Trong một bài báo trên tạp chí Psychology Today, tác giả Laura Markham cung cấp những thông tin chi tiết về cách chúng ta có thể giúp con mình làm điều đúng đắn. Cô ấy liệt kê bốn việc cần tập trung khi dạy dỗ con cái về tính chính trực.
Đầu tiên, bọn trẻ luôn chú ý đến hành vi của chúng ta, nghĩa là chúng ta làm gương và các con học từ cha mẹ. Và tôi nghĩ rằng mọi bậc phụ huynh đều biết điều này, mặc dù họ có thể nghĩ rằng con họ không phải lúc nào cũng chú ý – nhưng họ vẫn nên làm gương cho con mọi lúc.
Giả sử rằng, sau khi chúng ta rời khỏi cửa hàng tạp hóa, ta mới nhớ ra rằng nhân viên bán hàng quên thu tiền nước uống. Nếu chúng ta nói, “Quên việc này đi, ba mẹ không có thời gian để quay lại” hoặc tệ hơn, “Tuyệt vời, đỡ tốn tiền!” chúng ta đang dạy con mình bài học gì? Quay lại và trả tiền nước là việc làm đúng đắn, và sau đó con cái sẽ học được cách giải quyết các tình huống tương tự một cách liêm chính. Trong thì hiện tại, quan trọng là chúng ta phải làm điều chân chính để con cái chúng ta biết cách đối đãi như thế nào ở thì tương lai.
Tại đây, tôi còn muốn chỉ ra rằng, mặc dù chúng phải làm tấm gương tốt, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể sửa chữa hoặc hướng dẫn con mình vì chúng ta đã gặp sai lầm mà các con hiện đang gặp. Nếu chúng ta dùng lối suy nghĩ không đúng này, làm thế nào chúng ta dạy con cái mình phân biệt phải trái, đúng sai?
Với tư cách là cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta là dẫn dắt con cái đi theo con đường tốt đẹp, giáo dục chúng bằng lý trí và các giá trị chân chính. Nếu chúng ta tin rằng chúng ta phải hoàn hảo để làm được điều này, thì làm thế nào chúng ta có thể làm cha mẹ một cách hiệu quả? Dù gì thì chúng ta cũng là con người và vì vậy chúng ta sẽ liên tục vấp ngã, và chắc chắn rằng mỗi chúng ta đều có những thất bại và thiếu sót của riêng mình. Nhưng chúng ta không nên lấy việc này làm lý do để thụ động cho phép con cái chúng ta buông lời phán xét tiêu cực hoặc thực hiện các hành vi xấu. Suy nghĩ như vậy sẽ dẫn đến tụt dốc trong ứng xử, trong đức hạnh và giá trị của con em chúng ta và của xã hội nói chung.
Điều tiếp theo là hãy chỉ ra cho con cái chúng ta thấy những ảnh hưởng dài hạn đến người khác, để con có thể tạm dừng lại và cân nhắc xem con có hành động tử tế và chu đáo chưa. Đó là nguyên tắc “đối với người khác cũng như thế nào thì người khác sẽ đối lại với mình như vậy.”
Khi con bạn để một đứa trẻ khác chơi với chiếc xe tải yêu thích của mình, hãy chỉ ra cho cháu rằng cháu đã làm cho đứa trẻ đó hạnh phúc như thế nào và con bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu được ai đó chia sẻ món đồ chơi yêu thích của chúng với con.
Sau đó, hãy hỏi con bạn cảm thấy thế nào sau khi chia sẻ xe tải của mình. Làm điều đúng đắn mang lại cảm giác tốt cả cho người cho và người nhận, vì vậy hãy cho con bạn nhận ra điều này.
Chúng ta cũng có cơ hội dùng việc làm sai như một cách dạy dỗ và đưa ra các lựa chọn thay thế cho hành vi của con mình.
Ví dụ, giả sử con chúng ta chọn chơi thay vì làm bài tập về nhà, và sau đó bị điểm kém trong bài làm của mình. Đó là cơ hội để đứa trẻ trải nghiệm và suy nghĩ về những gì cháu có thể làm. Cháu có thể làm bài tập về nhà và sau đó chơi tiếp. Cháu có thể cảm thấy tốt hơn là chơi trong khi viết bài tập về nhà đang chờ và sau đó phải vội vàng làm bài tập sau khi đã mỏi mệt vì chơi quá mức.
Cuối cùng, Markham khuyên bạn nên đặt những câu hỏi giả định về cách đối nhân xử thế của các con. Ví dụ như, “Con sẽ làm gì nếu tình huống này xảy ra”. Con học được gì từ một tình huống cụ thể và nếu một phần nào đó trong con biết rằng điều gì đã xảy ra là không ổn, bạn cũng sẽ giúp con nhìn nhận lại bản thân và xem mình có thể cải thiện ở đâu. Một số bài học quý giá nhất trong cuộc sống đến theo cách này.
Mark Merrill, cha của 5 đứa trẻ và là một người đàn ông chính trực đã bộc bạch: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nói với bạn rằng đó không phải là một hành động đơn lẻ mà là một lối tư duy bạn cần phát triển? Tính chính trực được sinh ra trong tâm trí và trái tim của một người. Tính chính trực đến từ việc bạn thực sự là một người đàn ông hay phụ nữ, và những gì bạn thực sự tin tưởng về đúng và sai, thiện và ác. Và chính trực không chỉ được thể hiện ở một hành động tốt mà ở toàn bộ tính cách của bạn.”
Merrill đề nghị tập trung vào một số điều cơ bản trong việc phát triển tính chính trực, chẳng hạn như những gì chúng ta nói, cách chúng ta nói, những gì chúng ta làm và cách chúng ta làm điều đó. Sử dụng những điều này làm hướng dẫn, chúng ta có thể đánh giá cách chúng ta hành xử để bảo đảm rằng chúng ta phù hợp với các giá trị và nguyên tắc mà chúng ta muốn sống, và sau đó chúng ta có thể tiếp tục truyền đạt những điều này cho con cái của mình. Tôi cũng sẽ chú ý đến những gì chúng ta nghĩ, vì đó là nền tảng cho những gì chúng ta nói và làm.
Trang web All Pro Dad, tập trung vào việc hướng dẫn nam giới cư xử như hình mẫu cho con cái của họ, tác giả Merrill nói về những lựa chọn sai lầm như sau: “Khi chúng ta hưởng lợi từ những hành động đáng nghi vấn và những thực hành phi đạo đức, chúng ta cũng sẽ để lại một vết thương đau đớn cho người khác. Và quy luật tự nhiên rằng, bạn sẽ phải chịu đựng đau khổ khi lấy đi những gì không thuộc về mình. Ai sẽ phải trả giá cho những hành động này? Và những gì xảy ra trong bóng tối cuối cùng sẽ được đưa ra ánh sáng. Điều đó luôn luôn xảy ra như vậy.”
Hướng về tương lai
Một số tác giả đã trích dẫn một câu nói của một trong những doanh nhân thành công nhất mọi thời đại, Warren Buffett, về tầm quan trọng của chính trực.
“Khi tuyển dụng nhân sự, bạn hãy chú trọng vào ba phẩm chất: chính trực, thông minh và nghị lực. Và nếu ứng viên không có cái đầu tiên, hai cái còn lại sẽ giết chết [công ty của] bạn.”
Là cha mẹ, chúng ta cố gắng đưa con mình vào những trường học tốt nhất để đảm bảo chúng có được nền giáo dục tốt nhất, để chúng đạt được thành công trong cuộc sống. Chúng tôi coi trọng trí thông minh. Nhưng ở đây chúng ta đang thiếu mất điều gì? Như Buffett đã chỉ ra, trí tuệ mà không chính trực sẽ giết chết bạn, hoặc ít nhất, là công việc kinh doanh của bạn. Mặc dù giáo dục là một thành tố quan trọng, nhưng tính cách của chúng ta thậm chí còn quan trọng hơn cho thành công sau này. Tuy nhiên đây là điều không nhận được sự quan tâm xứng đáng.
Năm nay con trai tôi đã 14 tuổi. Và, ngay cả khi Jacob không còn ngủ trên giường của tôi nữa, tôi luôn cố gắng dạy cháu một số kỹ năng khi cháu đang tự mình trải nghiệm cuộc sống. Đức hạnh, giá trị và niềm tin vững mạnh là nền tảng cho việc cháu sẽ trở thành người như thế nào, và giúp cháu định rõ đường đời. Cả với tư cách là cha mẹ và là một thành viên trong xã hội, trách nhiệm của tôi là bảo đảm rằng con trai chúng tôi sẽ trở thành một người đàn ông liêm chính.
Tatiana Denning, D.O., là một bác sĩ phòng bệnh y khoa gia đình, người tập trung nghiên cứu về sức khỏe và sự phòng ngừa. Bà tin tưởng vào việc trang bị cho bệnh nhân của mình kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe của chính họ thông qua việc quản lý cân nặng, hình thành các thói quen lành mạnh và phòng ngừa bệnh tật.
Nhã Liên và Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: