Những điều căn bản trẻ nên học
Nhìn vào chương trình học hiện nay dành cho học sinh, bạn có thể cho rằng những môn học đó, cùng với trình tự mà chúng được dạy, và những tài nguyên được sử dụng trong việc giảng dạy đều bắt nguồn từ những công trình nghiên cứu vĩ đại bởi những chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Và rất có thể, bạn sẽ ngộ nhận rằng mục tiêu của giáo dục đương đại chính là để trao cho người học những công cụ, những kỹ năng và những hiểu biết cần thiết để họ có thể phát triển hết tiềm năng của mình.
Nhưng, không phải đâu!
Ngày nay, học sinh phải học những môn như ngôn ngữ Anh, những môn Xã hội, những môn khoa học về địa cầu và môn tiền Đại số trong suốt sự nghiệp học hành. Mặt khác, việc học các danh tác về văn học, âm nhạc, nghệ thuật, và thậm chí ngữ pháp đang ngày càng bị xem nhẹ. Trong nhiều trường hợp, học sinh dù đã tốt nghiệp, vẫn thiếu đi những hiểu biết căn bản về lịch sử, về giao tiếp thường thức, về các kiến thức liên quan đến những nền văn hóa khác nhau, hay những thông tin về những nhà tư tưởng và những nghệ sĩ vĩ đại – những người đã có nhiều đóng góp lớn lao cho nhân loại. Hơn thế nữa, những “quan niệm đạo đức” đương thời, nếu không bị ước chế bởi sự uốn nắn từ gia đình, sẽ kìm hãm khả năng phát triển của một người về sau.
Vậy con trẻ nên học gì?
Học giao tiếp
Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, trẻ nhỏ cần được dạy để đọc thật sành sỏi, để nói thật rõ ràng, và để viết một cách thuần thục. Cha mẹ có thể giúp con đạt được những điều này ngay từ những năm tiểu học bằng cách “chiêu đãi” lũ nhóc những đầu sách hay và thú vị để chúng có thể mải mê khám phá, để rồi khi trưởng thành, chúng sẽ nắm vững kiến thức nền tảng của ngữ âm và ngữ pháp.
Và ta cũng nên động viên và khuyến khích trẻ viết thường xuyên, như viết nhật ký, viết thư gửi gia đình, viết về những mẩu truyện mà tự chúng có thể thỏa thích sáng tạo và rồi viết lên bậc thềm bằng một viên phấn.
Việc rèn chữ cho trẻ cũng rất quan trọng. Quá trình viết tay trực tiếp trên giấy sẽ kích thích một tầng tư duy rất khác so với việc gõ chữ hoặc nhắn tin. Hơn nữa, có rất nhiều tài liệu được chép bằng tay, vì thế việc rèn chữ sẽ giúp người học duy trì khả năng đọc những bản thảo chép tay.
Khi trẻ dần tiến bộ trong việc học, chúng có thể đương đầu với những bài viết nâng cao, và hiển nhiên là phức tạp hơn, chúng có thể học cách trình bày những ý tưởng bằng lời, và chúng cũng có khả năng hiểu được những văn bản khó. Rõ ràng, những cá nhân, khi vững vàng về khả năng giao tiếp, có thể học bất cứ thứ gì, miễn là họ cảm thấy hứng thú.
Học cách suy luận logic
Một trong những lợi ích của việc học toán, ngoài những ứng dụng thực tế đối với những ai sẽ theo đuổi khối ngành kỹ thuật, và ngoài những ứng dụng trong việc hoạch định tài chính ở cấp độ gia đình, môn toán dạy bạn cách suy nghĩ logic. Vậy nên những học sinh xuất sắc trong môn toán nên được khuyến khích để tiếp tục lối tư duy logic này. Và việc loại bỏ những kì thi xét tuyển đầu vào, một xu hướng đang diễn ra, sẽ khiến học sinh xem nhẹ việc học toán, điều này dẫn đến việc các em sẽ mất đi sự nhạy bén trong tư duy.
Ngoài môn toán, còn có một môn học chính thống gọi là logic học. Nếu như bạn còn khá xa lạ với môn học này, rất có thể là do hầu hết các chương trình học hiện nay đã bỏ qua nó – một nội dung giáo dục vô cùng quan trọng. Logic học dạy ta cách suy luận nhằm xem xét những lập luận, những quan điểm trên phương diện lý tính, vì thế, người học có thể học cách chỉ ra những yếu tố mang tính ngụy biện và những giả thiết sai lệch.
Khả năng lập luận logic và tư duy phản biện là một thứ học vấn cần thiết trong kỷ nguyên này. Hiện nay, đã có nhiều chương trình giảng dạy về bộ môn logic học, và đối tượng mà những chương trình này hướng đến đó là những người theo đuổi giáo dục tại nhà – homeschooling. Ngoài ra, với những ai muốn rèn luyện lối tư duy logic, những chương trình này cũng vô cùng hữu ích.
Học lịch sử
Ngày nay, cách học sinh tiếp cận môn lịch sử trong trường vừa nhàm chán lại vừa thiếu tính chặt chẽ. Trên thực tế, lịch sử là một câu chuyện, bắt đầu từ lúc một sự kiện được ghi nhận và tiếp tục cho tới ngày nay. Nhìn chung, lịch sử rất thú vị và vô cùng lôi cuốn, nó mang đến những câu chuyện về những công trình có sức vóc nâng tầm nhân loại, những phát minh, những khám phá, và trên hết là những bài học đắt giá. Vậy nên việc dạy môn lịch sử nên đơn giản hơn và vui nhộn hơn. Và cách tốt nhất để dạy môn học này là bám sát trình tự của sự việc, giống như cách mà bạn kể bất cứ câu chuyện nào – bắt đầu từ điểm khởi đầu cho đến khi kết thúc.
Nếu bạn tò mò về mức độ thành công trong việc giảng dạy bộ môn lịch sử của hầu hết các trường học, hãy nói chuyện với một vài thanh thiếu niên, hãy hỏi họ những câu chẳng hạn như bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ nói về điều gì, những quốc gia nào đã tham chiến trong hai cuộc Đại Thế Chiến, hoặc tác động của chủ nghĩa cộng sản lên thế giới là gì. Rõ ràng, một xã hội thiếu hiểu biết về lịch sử sẽ mang theo mầm mống cho những tai ương về lâu về dài.
Học nghệ thuật
Có một sự thật đáng buồn là khi cải cách trong giáo trình giảng dạy ở trường học được áp dụng, các môn nghệ thuật thường bị cắt bỏ đầu tiên. Ta nên biết rằng, các nền văn minh khác nhau trên khắp thế giới đã mang lại những thành tựu về văn hóa rất đáng ghi nhận, và đó là những món quà mà nhân loại nên trân trọng. Cảm quan về thẩm mỹ, lòng bác ái và những bài học nhân sinh là thứ mà người học có thể cảm thụ được qua việc học những môn nghệ thuật, bất kể đó là lĩnh vực nào, từ hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, sân khấu, vũ đạo, văn học, thơ ca hay bất kỳ hình thức biểu đạt nghệ thuật nào khác.
Phát triển tài năng
Mỗi học sinh đều có những ưu điểm riêng biệt, những tài năng thiên phú của chính mình. Tuy nhiên, mô hình trường học ngày nay đã làm không tốt trong việc phát hiện và vun bồi những tố chất này ở các em.
Việc học sinh mong muốn được phát huy hết tiềm năng của chính mình là điều vô cùng chính đáng, vì những phẩm chất đó chính là những phước lành của các em, vậy nên các em cần được tạo điều kiện cũng như cung cấp những nguồn lực nhằm phát triển những tố chất sẵn có. Cho dù một cá nhân có mang trong mình tố chất của một văn nhân, một khoa học gia, một nghệ sĩ, một luật sư, một giáo viên, một giám đốc, một người thợ thủ công hay thợ sửa ống nước, thì tiềm năng của mỗi người đều nên được phát huy tối đa.
Phẩm chất đạo đức
Trên hết, ngành giáo dục đang thực thi nhiệm vụ tối quan trọng của mình – chính là truyền tải những giá trị đạo đức đến với người học. Nhờ vậy, học sinh mới có được khả năng phân định tốt xấu, để rồi sau này chúng có thể đứng về lẽ phải, có thể cất lên lời nói công bình, và có thể sống đời liêm chính. Hơn nữa, chúng sẽ biết được rằng làm một người ngay chính thì cần phải làm việc chăm chỉ, cần biết nhận lãnh những trọng trách, và đôi khi phải biết quên mình vì lẽ phải. Chưa hết, học sinh còn phải được giáo dục để biết cách quan tâm đến gia đình, bạn bè, chòm xóm, và để tâm đến cộng đồng mà chúng đang sinh sống. Và chúng còn phải được dạy về lòng bác ái đối với những người xung quanh, về sự lễ kính đối với người già. Và sau cùng, chúng phải có một khát khao muốn dốc lòng để trở thành một người ngay chính.
Một đứa trẻ nên được dạy để trở thành một người có giáo dưỡng với một nền tảng đạo đức tốt. Xã hội sẽ thật may mắn biết bao với những học sinh như vậy!
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times