Nữ doanh nhân Trung Quốc đào thoát sang Hoa Kỳ, chấn động trước sự thật bị ĐCSTQ che đậy
Trước khi đến Hoa Kỳ, bà Lý Nãi Kỳ (Li Naiqi), một nữ chủ doanh nghiệp ở Hà Nam, Trung Quốc, đã từng phải gặp bác sĩ tâm thần vì bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đe dọa tịch thu tài sản. Điều khiến bà không ngờ là sau nhiều lần tham gia biểu tình phản đối ĐCSTQ trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, tâm trạng của bà đã trở nên vui vẻ và tràn đầy năng lượng, các triệu chứng trầm cảm cũng biến mất.
Trước đây, bà Lý Nãi Kỳ thường xuyên ra ngoại quốc. Tháng 07/2019, bà đã đến California để dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai. Sau khi trở về Trung Quốc, bà nhận được cuộc gọi từ cơ quan an ninh của ĐCSTQ, yêu cầu bà lập danh sách tài sản và đe dọa sẽ tịch thu tài sản của bà. “Tôi nghĩ sự tà ác của ĐCSTQ là ở chỗ, tôi chưa vi phạm bất kỳ điều luật nào mà họ đã có thể tịch thu tài sản của tôi bất cứ lúc nào,” bà Lý cho hay. Bà nói rằng bà vẫn giữ những tin nhắn đe dọa mà cơ quan an ninh gửi cho bà.
Chấn động trước sự thật bị ĐCSTQ che đậy
Sau khi bà Lý Nãi Kỳ tốt nghiệp Học viện Ngoại thương vào cuối những năm 1980, bà được phân công làm việc tại một công ty ngoại thương của tỉnh. Mấy năm sau, bà bắt đầu tự thành lập công ty ngoại thương. Vì nhu cầu công việc nên bà thường xuyên đi công tác ở ngoại quốc. Khi tham dự một cuộc triển lãm ở châu Âu vào năm 2008, bà đã nhìn thấy những cuốn sách nhỏ giảng rõ sự thật do các học viên Pháp Luân Công gửi tặng. Bà vô cùng chấn động: “Điều này đã hoàn toàn đảo ngược nhận thức trước đây của tôi.”
Sau đó, bà Lý còn thấy các học viên Pháp Luân Công ở Nhật Bản, Đài Loan, và những nơi khác lên án về sự tàn bạo của ĐCSTQ. Từ đó, bà bắt đầu chú ý đến các vấn đề xã hội của Trung Quốc.
Năm 2009, bà mở một trương mục Weibo và nhờ đó bà tiếp xúc được với nhiều người hơn. Sau đó, bà đọc cuốn “Nhật Ký Lục Tứ” và xem những thước phim lịch sử về sự kiện xe tăng của ĐCSTQ tiến vào Quảng trường Thiên An Môn tàn sát các sinh viên. Bà Lý Nãi Kỳ nhớ lại: “Những hình ảnh đẫm máu đó khiến tôi đặc biệt chấn động khi lần đầu tiên nhìn thấy.”
Những thông điệp về sự thật, sự khởi xướng về dân chủ và tự do mà những người có chính nghĩa và lương tâm trong nước đưa ra khiến bà phải suy nghĩ: Tại sao ĐCSTQ lại tàn sát người dân? Đây có phải là điều mà một “chính quyền nhân dân” nên làm hay không?
“ĐCSTQ đã dối trá từ đầu đến cuối,” bà nói. Bà Lý nhận ra rất nhiều chuyện mà ĐCSTQ tuyên truyền như Chiến tranh chống Mỹ xâm lược, viện trợ Triều Tiên, các nhân vật anh hùng như Hoàng Kế Quang và Khâu Thiếu Vân … đều là bịa đặt. “Lúc đó, tôi cảm thấy ĐCSTQ đang điều hành đất nước bằng sự dối trá. Từ lịch sử quá khứ đến lịch sử đảng, tất cả đều đã được sửa đổi theo cách có lợi cho đảng này.”
Bà nói rằng quan chức các cấp của ĐCSTQ không được bầu cử phổ thông, nên họ chỉ chịu trách nhiệm trước “cấp trên.” “Trên miệng thì họ [ĐCSTQ] tuyên bố phục vụ người dân, nhưng những việc họ làm thì giống như đám xã hội đen lưu manh. Họ không quan tâm đến sinh mạng và sinh kế của người dân.”
Bà Lý nói rằng ĐCSTQ chế định ra luật để kiểm soát người dân, nhưng đảng viên lại đứng trên luật pháp và có thể tùy ý tước bỏ quyền lợi của bất kỳ ai. “Đó không phải là một chính phủ theo nghĩa thông thường,” bà nói.
Bộ phim tài liệu “Thu hoạch nội tạng” (Human Harvest) do nhà làm phim người Canada gốc Hoa Lý Vân Tường (Li Yunxiang) làm đạo diễn năm 2014 đã tiết lộ sự kinh hoàng về nạn diệt chủng và thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống của ĐCSTQ. Bà Lý nhớ lại ấn tượng ban đầu sau khi xem bộ phim: “Tôi không thể diễn tả được sự tà ác của ĐCSTQ”; “(Mọi người) xem họ [ĐCSTQ] như một vị cứu tinh vĩ đại, nhưng đằng sau hậu trường, họ lại làm đủ việc xấu. Thật khủng khiếp!”
“Sống dưới sự cai trị của ĐCSTQ này, tôi cảm thấy rất tuyệt vọng.” Bà Lý nghĩ về người con trai vừa mới bước vào trường trung học cơ sở của mình: “Tôi không thể để con tôi lặp lại con đường của tôi, bị ĐCSTQ tẩy não và xâm phạm các quyền lợi. Tôi muốn con trai nhận được một nền giáo dục tốt, bình thường và có tình người.” Vài năm sau đó, cuối cùng bà đã gửi con sang Hoa Kỳ du học.
Không thể im lặng: Trung Quốc là nhà tù lớn
Bà Lý Nãi Kỳ cảm thấy bản thân không thể giữ im lặng. Bà đã dùng Weibo và WeChat để lan truyền các thông tin sự thật, cố gắng để nhiều người nhìn rõ hơn bản chất của ĐCSTQ. Vì lý do này mà nhóm WeChat của bà đã bị chặn 11 lần, việc bà gửi thông tin thường xuyên cũng khiến cơ quan an ninh chú ý.
Ngày 26/09/2017 là một ngày mà bà nhớ rất rõ. Bà đã bị hai viên công an dẫn ra khỏi nhà. Trước khi đi, bà đã lấy lý do thay y phục để xóa tài khoản WeChat trên điện thoại.
Bà Lý bị thẩm vấn một ngày một đêm. Viên công an nói: “Để tôi nói cho bà biết, chúng tôi có thể thấy rõ mọi thứ bà làm ở phía sau [nhóm WeChat]. Quyền riêng tư của bà hoàn toàn không tồn tại!”
Công an tịch thu điện thoại của bà và nói: “Chúng tôi có thể khôi phục những gì bà đã xóa.” Cơ quan an ninh đã lấy sự an toàn của con trai bà để ép bà viết cam kết không có thêm bất kỳ bài đăng nào nữa. Họ còn yêu cầu bà gọi điện và báo cáo vị trí của mình mỗi tuần sau khi trở về nhà.
Bà Lý không hề biết mình đang bị theo dõi cho đến khi một người bạn nói với bà rằng có ai đó đang theo dõi bà ở bên ngoài. Từ đó, bà trở nên rất thận trọng. Khi đến Hoa Kỳ để tham dự lễ tốt nghiệp của con trai vào năm 2019, bà đã chứng kiến phong trào “Chống dự luật dẫn độ” ở Hồng Kông. Bà đã nhắn một số tin tức thực tế cho những người bạn của mình trong nhóm WeChat. Sau khi trở về Trung Quốc, cơ quan an ninh đã gọi điện và yêu cầu bà giao nộp tất cả thông tin cá nhân của mình như tài sản, xe hơi, và thẻ ngân hàng, v.v.
“Trong thời gian đó, mỗi ngày khi nghĩ đến chuyện đó là tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, tâm trạng chán nản. Tôi thường xuyên phải đến gặp bác sĩ tâm lý. Tài sản mà tôi đã làm lụng vất vả và tích lũy cả đời sẽ bị họ tịch thu,” bà Lý nhớ lại. Khi người con trai biết về tình trạng của mẹ mình, cậu đã đề nghị bà ra ngoại quốc để thư giãn. Bà lại đến Hoa Kỳ vào tháng Mười Một năm đó [2019], nhưng do dịch bệnh bùng phát nên bà đành lưu lại nơi đây.
Trong thời gian này, hai mẹ con bà đã tham gia biểu tình phản đối ĐCSTQ trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles. Sau vài lần tham gia, bà cảm thấy nỗi chán nản và sợ hãi do ĐCSTQ gây ra cho bà đã biến mất, tâm trạng của bà ngày càng thoải mái hơn. Cậu con trai nói đùa: “Không ngờ tham gia hoạt động phản đối ĐCSTQ còn có tác dụng chữa bệnh.”
“Sống ở Trung Quốc quá ngột ngạt.” Bà Lý than thở rằng công an của ĐCSTQ có thể đe dọa tịch thu tài sản cá nhân mà không cần ra hầu tòa.