Nông dân Bỉ tiếp tục biểu tình khi các Bộ trưởng Nông nghiệp EU nhóm họp
Các cuộc biểu tình nổ ra lần thứ hai trong một tháng tại Brussels khi các quan chức nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nông nghiệp đang leo thang ở Tây Âu.
Nông dân Bỉ đã tập trung về Brussels lần thứ hai trong một tháng để phản đối các chính sách không được lòng dân của Liên minh Âu Châu (EU) mà họ cho rằng đang khiến họ mất đi sản nghiệp.
Giống như nông dân ở những nơi khác, nông dân Bỉ chỉ trích chi phí năng lượng gia tăng và nhập cảng thực phẩm giá rẻ từ bên ngoài EU mà họ cho rằng đã làm giảm giá trị của các nhà sản xuất địa phương.
Bà Morgan Ody, tổng điều phối viên của một hiệp hội nông dân nổi tiếng, nói với Reuters: “Hôm nay chúng tôi lại có mặt ở Brussels vì EU đang không lắng nghe yêu cầu của chúng tôi.”
“Chúng tôi sản xuất thực phẩm, nhưng không sinh sống được — vì các thỏa thuận thương mại tự do, bãi bỏ quy định, và vì giá cả thấp hơn chi phí sản xuất.
“Chúng tôi yêu cầu EU giải quyết việc này.”
Hôm 26/02, những người nông dân tuyệt vọng đã hội tụ về Brussels, nơi các bộ trưởng nông nghiệp EU tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các cách xoa dịu sự bất bình của người biểu tình.
Những tuần gần đây đã chứng kiến những cuộc biểu tình tương tự—với quy mô và cường độ khác nhau—ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, và Ba Lan.
Nông dân trên khắp EU cũng chỉ trích những gì họ coi là sự quan liêu quá mức của EU và các chính sách “thân thiện với khí hậu” bó hẹp do các quan chức ở Brussels áp đặt.
Bà Marieke Van De Vivere, một nông dân ở vùng Ghent phía bắc nước Bỉ, nói với The Associated Press: “Chúng tôi đang bị phớt lờ.”
Bà kêu gọi các bộ trưởng EU đến thăm những người nông dân đang làm việc trên cánh đồng “để thấy rằng việc này không hề dễ dàng do những quy định mà họ áp đặt lên chúng tôi.”
Khi các bộ trưởng nông nghiệp đến, rất nhiều nông dân đậu máy kéo bên ngoài địa điểm tổ chức cuộc họp, trong khi hàng trăm người khác làm tắc nghẽn những con đường vào thành phố này.
Có thời điểm, cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vòi rồng để giải tán người biểu tình sau khi hàng chồng lốp xe được đốt lên gần khu vực diễn ra cuộc họp.
Khi đến nơi, các bộ trưởng EU tỏ ra thông cảm với cảnh ngộ của những người nông dân.
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau nói với các phóng viên: “Cần phải nói với nông dân rằng có điều gì đó đang thay đổi.”
“Không chỉ trong ngắn hạn, mà còn trong trung và dài hạn.”
Ông David Clarinval, Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ, nhấn mạnh rằng ông và các quan chức EU khác “nghe rõ những lời phàn nàn của [nông dân].”
Ông nói: “Chúng tôi hiểu một số người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn.”
“Nhưng hành động gây hấn chưa bao giờ là giải pháp,” ông Clarinval nói thêm, ám chỉ đến những hành động khiêu chiến ngày càng rõ ràng của nông dân trên khắp lục địa này.
Hôm 30/01, hàng trăm nông dân đậu máy kéo bên ngoài tòa nhà Nghị viện EU, nơi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Âu Châu.
Trong khi hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra, thì những người biểu tình đã đốt những kiện cỏ khô, ném chai lọ và trứng vào cảnh sát, bao vây cảng biển lớn nhất đất nước.
Theo dự kiến, các bộ trưởng nông nghiệp đến tham dự sẽ thảo luận các cách để xoa dịu sự thất vọng của nông dân và giải quyết những bất bình cấp bách nhất của họ.
Các đề xướng bao gồm giảm số lượng và tần suất thanh tra trang trại và miễn một số quy định về môi trường cho nông dân có quy mô nhỏ.
Brussels đã nới lỏng một số hạn chế trong số những hạn chế nghiêm ngặt hơn sau một loạt các cuộc biểu tình trước đó ở các quốc gia EU khác.
Chẳng hạn, họ đã loại bỏ mục tiêu giảm lượng phát thải trang trại khỏi “lộ trình khí hậu” và loại bỏ luật được đề xướng phản đối sử dụng một số loại thuốc trừ sâu.
Họ cũng từ bỏ việc yêu cầu nông dân phải bỏ hoang một phần đất nhất định với mục đích bề ngoài là thúc đẩy “đa dạng sinh học.”
Đầu năm nay, các quan chức Đức đã cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng này bằng cách hứa hẹn sẽ duy trì miễn thuế cho nông dân trong khi loại bỏ dần trợ cấp nông nghiệp trong ba năm.
Sau các cuộc biểu tình rầm rộ ở Pháp, Paris đã từ bỏ các kế hoạch loại bỏ trợ cấp dầu diesel và cam kết nới lỏng các quy định về môi trường đối với sản xuất nông nghiệp.
Nhưng nông dân — ở Pháp, Đức, và khắp EU — cho rằng những nhượng bộ này là chưa đủ và tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi mọi yêu cầu của họ được đáp ứng.
Đặc trưng bởi việc sử dụng các phương tiện nông nghiệp để chặn đường cao tốc, đường bộ, và cửa biên giới, các cuộc biểu tình của nông dân châu Âu lần đầu tiên diễn ra ở Hà Lan hồi năm 2019.
Kể từ đó, đã lan sang một số nước châu Âu khác, nơi nông dân và các nhân viên nông nghiệp khác cũng có những bất bình tương tự.
Biểu tình ở Tây Ban Nha, Ba Lan
Cuộc biểu tình hôm 26/02 ở Brussels diễn ra cùng lúc với các hoạt động tương tự ở Madrid, nơi nông dân Tây Ban Nha lên tiếng phàn nàn tương tự bằng cách đánh trống và chặn đường.
Ông Roberto Rodriguez, một nông dân đến từ tỉnh Ávila, miền trung Tây Ban Nha, nói với Reuters: “Những quy định này [của EU] là không thể chấp nhận được.”
“Chúng tôi chán ngấy bộ máy quan liêu này.”
“Họ muốn chúng tôi làm việc ngoài đồng vào ban ngày và giải quyết chuyện giấy tờ vào ban đêm.”
Đầu tháng này, nông dân Tây Ban Nha đã chặn các con đường trên khắp đất nước để phản đối lạm phát gia tăng và cạnh tranh không công bằng từ các nhà sản xuất ở các quốc gia ngoài EU.
Vào thời điểm đó, phó chủ tịch của một hiệp hội nông dân hàng đầu Tây Ban Nha cho biết: “Nông dân phải đối mặt với những vấn đề tương tự trên khắp EU.”
Với các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Brussels và Madrid, nông dân Ba Lan cũng tổ chức các cuộc biểu tình phản đối dòng ngũ cốc giá rẻ tràn vào từ nước láng giềng Ukraine.
Nông dân Ba Lan từ lâu đã chỉ trích một quyết định hồi năm 2022 của Brussels về việc bãi bỏ thuế đánh vào thực phẩm nhập cảng từ Ukraina.
Trong những tuần gần đây, nông dân Ba Lan đã làm gián đoạn giao thông trên toàn quốc và có một cuộc phong tỏa trên thực tế ở biên giới của Ba Lan với Ukraine.
Hôm 26/02, họ cũng chặn một cửa biên giới với Đức để nhấn mạnh các yêu sách của mình.
Ông Adrian Wawrzyniak, một phát ngôn viên của một hiệp hội nông dân nổi tiếng của Ba Lan, cho biết: “Đây là một sự thể hiện của tinh thần đoàn kết.”
“Nông dân Ba Lan và Đức sẽ không cho phép những hàng hóa này từ Ukraine tiếp tục vào thị trường Âu Châu.”
Từ Warsaw, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói rằng những bất bình của nông dân phải được giải quyết “ở cấp độ khắp Âu Châu.”
Ông nói với các phóng viên: “Ba Lan là quốc gia EU đầu tiên [ở biên giới với Ukraine], nhưng đây là một vấn đề của toàn bộ EU — của toàn bộ nền nông nghiệp EU.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times