Nợ nần, thiên tai, và chủ nghĩa khủng bố gia tăng – Pakistan rơi vào khủng hoảng
Pakistan đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng rất nghiêm trọng khi các nhà quản trị của quốc gia này đang phải nai lưng ra để giải cứu nền kinh tế nợ nần chồng chất trong bối cảnh bất ổn chính trị và các mối đe dọa khủng bố gia tăng. Còn người dân của đất nước này thì sao? Họ cũng đang phải đương đầu với nạn đói và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng. Hơn nữa, các khoản vay mờ ám từ đồng minh thân cận nhất của họ, Trung Quốc, cũng đang làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
“Pakistan đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất vào thời điểm xảy ra bất ổn chính trị và khủng hoảng an ninh,” cô Aparna Pande, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và là tác giả của hai cuốn sách về Pakistan nói với The Epoch Times.
Chính phủ nước này đã tổ chức mười ngày đàm phán chuyên sâu với IMF từ ngày 31/01 đến ngày 09/02, nhưng không thể đạt được một thỏa thuận nào. Trong khi các cuộc đàm phán được nối lại vào hôm 14/02, Dawn, một tờ báo hàng đầu của quốc gia, dẫn lời những người trong cuộc, nói rằng IMF “mong muốn Pakistan bắt đầu thực hiện các biện pháp đã được đồng thuận trước khi tung ra đợt [cứu trợ] tiếp theo.”
Cô Pande cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra và liên tục kéo dài với IMF là một dấu hiệu cho thấy nước này đang rơi vào khủng hoảng. “Đây là gói cứu trợ lần thứ 23 của IMF dành cho Pakistan. IMF là người cho vay cuối cùng — cũng giống như ICU — và nếu quý vị tìm đến ICU 23 lần thì sẽ có những vấn đề tiềm ẩn cần được giải quyết,” cô cho biết.
Vào năm 2022, nền kinh tế Pakistan chỉ tăng trưởng 2%, trong khi dự trữ ngoại hối do ngân hàng trung ương nắm giữ hiện ở mức 3.1 tỷ USD: không đủ để bảo đảm cho một tháng xuất cảng.
Dự trữ USD cực kỳ thấp của nước này đã buộc họ phải cấm nhập cảng thực phẩm và thuốc men thiết yếu cho đến khi IMF đưa ra một gói cứu trợ. Trong khi đó, các ngành công nghiệp của Pakistan như ngành thép, dệt may, dược phẩm gần như ngừng hoạt động, cùng với nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Các chuyên gia lo ngại về sự gia tăng nghèo đói và thất nghiệp nghiêm trọng chưa từng thấy.
“Pakistan đang trên bờ vực vỡ nợ kinh tế, đồng thời phải đối mặt với một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Các chuyên gia trẻ tuổi đang rời khỏi đất nước với số lượng kỷ lục. Những người ở lại tỏ ra bi quan về tương lai của Pakistan. Đây là thời điểm khủng khiếp đối với 220 triệu người Pakistan,” ông Adnan Aamir, một ký giả làm việc tại Pakistan, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này là thiên tai gây ra những hậu quả thảm khốc. Lũ lụt diễn ra trên diện rộng vào năm 2022 không chỉ khiến 1,700 người tử vong mà còn tàn phá nền nông nghiệp và các đàn gia súc, đồng thời phá hủy hơn một triệu ngôi nhà, 24,000 trường học và 1,500 cơ sở y tế công cộng trên khắp 72 quận của quốc gia. Theo UNICEF, 15 triệu người cần được trợ giúp sau lũ lụt, trong khi 9 triệu người đã bị những trận lũ này đẩy vào cảnh nghèo đói.
Theo Business Recorder, một tập đoàn truyền thông lớn ở Pakistan, ngành dệt may, đóng góp hơn 60% vào tổng kim ngạch xuất cảng của Pakistan, đã bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt, với thiệt hại gần 40% tổng sản lượng bông vải, trong khi tổng sản lượng nông nghiệp giảm 10–15%.
Trong một bài báo gần đây đăng trên Nikkei Asia, ông Aamir đã viết rằng cuộc khủng hoảng chung đã đẩy nhanh quá trình “thất thoát chất xám” khỏi đất nước. Số liệu mới nhất của chính phủ cho thấy 832,339 người dân Pakistan đã ra ngoại quốc làm việc vào năm 2022, con số cao thứ ba từ trước đến nay.
Các chính sách tồi tệ trong nhiều năm
Các nhà phê bình đổ lỗi cho các nhà hoạch định chính sách của Pakistan về khó khăn kinh tế của quốc gia và đổ lỗi cho một số chính trị gia danh tiếng vì đã thổi bùng cuộc khủng hoảng vì lợi ích về phiếu bầu.
Ông Ahmed Qureshi, một ký giả Pakistan kỳ cựu, cảm thấy rằng tình hình hiện nay phản ánh chính sách kinh tế tồi tệ trong nhiều năm. Ông cho rằng các nhà lãnh đạo của đất nước đã thất bại trong việc bồi đắp thế mạnh của mình và thay vào đó áp dụng mô hình sống nhờ vào các khoản vay quốc tế “vĩnh viễn.”
Ông Qureshi cho rằng sự bế tắc hiện tại với IMF là do chế độ của cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan, chính phủ của ông đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội hồi tháng Tư năm ngoái.
Ông Qureshi cho biết: “Những rắc rối mới nhất với các tổ chức tài chính quốc tế bắt nguồn từ hành động thiếu sáng suốt của cựu Thủ tướng Imran Khan, nhằm từ bỏ các cam kết thắt lưng buộc bụng với IMF của mình, do đó làm tổn hại đến vị thế đàm phán trong tương lai của Pakistan.”
Ông Aamir cho biết nhiều sửa đổi gần như không tồn tại trong nền kinh tế “vốn có khiếm khuyết” của Pakistan. Các đồng minh toàn cầu không còn tin tưởng giao phó cho quốc gia này các khoản vay mới vì họ không thấy bất kỳ sự thay đổi hay cải thiện kinh tế nào sau các khoản vay trước đó.
Ông Aamir nói: “Vì vậy, IMF là lựa chọn cuối cùng cho Pakistan. Gói cứu trợ tháng 08/2022 chỉ là một đợt giống như đợt hiện tại. Ngay cả khi Pakistan nhận được khoản tiền mới nhất này từ IMF, họ cũng chỉ có thể cứu vãn nền kinh tế khỏi nguy cơ vỡ nợ trong sáu tháng tới. Tình hình này sẽ không thay đổi nếu không có những biến đổi căn bản trong cách thức quản lý của Pakistan.”
Cổ xúy khủng hoảng
Thêm vào những khó khăn kinh tế là sự bất ổn chính trị gia tăng, điều mà các nhà phê bình cho rằng ông Khan đang lợi dụng để đạt được lợi ích chính trị của mình. Đảng của ông Khan đang cầm quyền ở hai tỉnh — Punjab và Khyber Pakhtunkhwa — và các hội đồng dân cử của cả hai tỉnh đó đã bị giải thể hồi tháng Một.
Việc giải thể được cho là do ông Khan thúc đẩy, người đã yêu cầu bầu cử sớm ở nước này kể từ khi ông bị phế truất hồi năm ngoái.
Ông Aamir cho biết: “Ông Imran Khan đã sử dụng việc giải thể các hội đồng như một quân bài chính trị để buộc [tổ chức] các cuộc bầu cử sớm trong nước.”
Hội đồng bầu cử của Pakistan đã thông báo rằng các cuộc thăm dò trong hai cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng Tư. Điều đó không suôn sẻ với ông Khan, người đã nói với các ký giả ngoại quốc hôm thứ Tư rằng đảng chính trị của ông sẽ tiếp tục thúc đẩy bầu cử sớm và các thành viên trong đảng của ông sẽ xuống đường.
“Pakistan sẽ phá sản nếu chính phủ [đương nhiệm] không tổ chức bầu cử sớm,” ông Khan nói, đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là nguyên nhân khiến ông bị phế truất. “Chỉ có như vậy mới bảo đảm ổn định chính trị.”
Ông Qureshi cho biết ông Khan khao khát quyền lực và các cuộc biểu tình của ông ấy được biết đến là chiến dịch xoa dịu các cử tri Pakistan.
Các khoản vay từ Trung Quốc làm dấy lên lo ngại
Các nguồn tin của Pakistan đã không quy cuộc khủng hoảng hiện nay cho Trung Quốc — chủ nợ lớn nhất của Pakistan. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng các cuộc đàm phán kéo dài với IMF là do các thỏa thuận cho vay kém minh bạch của Trung Quốc.
“Trung Quốc luôn không muốn minh bạch về các khoản vay của mình đối với bất kỳ quốc gia nào, kể cả những quốc gia trong khuôn khổ sáng kiến BRI. Sự không rõ ràng của các khoản vay này đã tạo ra vấn đề cho nhiều quốc gia ở Nam Á,” cô Pande, tác giả của cuốn sách “Lý giải Chính sách Ngoại giao của Pakistan: Thoát khỏi Ấn Độ,” cho biết
Cô Pande nói rằng IMF và các tổ chức tài chính khác muốn biết chi tiết về các khoản tiền mà Pakistan vay của Trung Quốc, trước khi họ cung cấp thêm bất kỳ khoản vay cứu trợ nào.
Hôm 16/02, cố vấn chính sách ngoại giao Hoa Kỳ Derek Chollet, người dẫn đầu phái đoàn trong chuyến thăm Pakistan tuần trước, chia sẻ lo ngại về khoản nợ Trung Quốc của quốc gia này.
Ông Chollet nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã rất rõ ràng về mối bận tâm của mình, không chỉ ở Pakistan mà ở những nơi khác trên thế giới về khoản nợ đối với Trung Quốc, hoặc khoản nợ chưa trả Trung Quốc.”
Năm ngoái, tạp chí Bloomberg báo cáo rằng Pakistan nợ Trung Quốc 30% trong số các khoản nợ ngoại quốc của họ. Bloomberg trích dẫn một báo cáo của IMF cho biết, con số này cao gấp ba lần so với số tiền quốc gia này nợ IMF và nhiều hơn cả quỹ của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á cộng lại. Phần lớn khoản nợ này đến từ Dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một dự án hàng đầu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Tiền hối lộ và giao dịch tham nhũng
Cô Pande nói rằng việc Trung Quốc miễn cưỡng chia sẻ thông tin chi tiết về các khoản vay của họ cho Pakistan, nghĩa là những khoản vay này bao gồm “các khoản tiền hối lộ cho giới tinh hoa địa phương, các giao dịch tham nhũng, và một số điều kiện nhất định mà họ không muốn thế giới biết đến.”
Theo một báo cáo của tạp chí chuyên bình luận các vấn đề thời sự The Diplomat, một ủy ban chính phủ được thành lập vào năm 2019 đã phát hiện sự chênh lệch đến 625 triệu dollar (100 tỷ rupee Pakistan) trong lĩnh vực phát điện độc lập. Ít nhất một phần ba trong số đó liên quan đến các dự án của Trung Quốc. Báo cáo này cũng chỉ ra cơ sở quân sự của Pakistan và mối liên hệ của cơ sở này với Trung Quốc.
Ông Aamir nói rằng mặc dù chính phủ Pakistan có thiện cảm với Trung Quốc, nhưng họ đã nhận ra rằng quốc gia này đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.
“Tuy nhiên, họ vẫn cần tiền của Trung Quốc và sự ủng hộ ngoại giao từ Liên Hiệp Quốc và các cơ quan khác. Do đó, họ không thể từ bỏ thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc mặc dù họ biết điều đó là có hại cho Pakistan,” ông nói.
Đặt cược vào quân đội Pakistan
Ông Madhav Nalapat, giám đốc địa chính trị tại Đại học Manipal của Ấn Độ, nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc đã thúc đẩy mối liên kết với quân đội hùng mạnh của Pakistan vì họ tin rằng quân đội đang kiểm soát đất nước này.
“Người Trung Quốc đã đặt cược rất lớn vào quân đội Pakistan. Trung Quốc đã và đang ủng hộ nhưng không phải cho người dân Pakistan hay nhà nước Pakistan. Họ đang toàn lực ủng hộ quân đội Pakistan,” ông Nalapat nói, đồng thời cho biết thêm rằng trong tình hình các mối đe dọa gia tăng hiện nay, để bảo vệ các khoản đầu tư của Trung Quốc tại CPEC, ngày càng có nhiều bộ máy an ninh của nước này được thành lập trong nội bộ Pakistan.
“Cuối cùng, theo quan điểm của tôi, nếu họ muốn bảo vệ khoản đầu tư của mình, thì có một thứ mà họ sẽ ngày càng có nhiều hơn — nhiều binh sĩ và nhân viên an ninh Trung Quốc hơn. Và lực lượng bán quân sự đang đến đây trong những bộ trang phục dân sự — ngày càng nhiều,” ông nói.
The Epoch Times không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố của ông Nalapat về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong trang phục dân sự bên trong Pakistan.
Tuy nhiên, ông Aamir cho biết, “Người Trung Quốc đã xin phép cho họ được dẫn theo lực lượng an ninh, nhưng [chính phủ] Pakistan đã từ chối.”
Vào cuối năm 2021, truyền thông Ấn Độ đưa tin về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở biên giới đang tranh chấp giữa Ấn Độ-Pakistan. Một bài báo trên tờ The Economic Times (Thời báo Kinh tế) đã mô tả về hoạt động khảo sát làng mạc và đồn bốt quân sự của quân đội Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Hồi tháng 08/2021, phiên bản báo mạng của tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily Online) do nhà nước Trung Quốc điều hành đưa tin rằng quân đội Pakistan đã tổ chức lễ mừng Ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân trong sự “nồng nhiệt,” đồng thời gọi Quân Giải phóng Nhân dân và Quân đội Pakistan là “anh em keo sơn.”
Chủ nghĩa khủng bố gia tăng
Việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan vào năm 2021 có tác động xấu đến an ninh quốc gia của Pakistan. Nhóm nổi dậy chống Pakistan Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), còn được gọi là Taliban Pakistan, đã tiến hành các cuộc tấn công mới trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính này.
Vụ [tấn công] mới nhất xảy ra vào hôm 17/02 tại văn phòng tổng thanh tra cảnh sát ở Karachi. Bảy người, trong đó có ba chiến binh đã thiệt mạng và 18 người bị thương. Một vụ nổ khác trên một chuyến tàu hôm 16/02 đã làm hai người tử vong và làm bị thương một số người khác. Tuy nhiên, vụ tấn công đẫm máu nhất xảy ra trong buổi cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar hôm 30/01, khiến 103 người thiệt mạng và 200 người bị thương.
Tháng Một cũng là tháng tang thương nhất đối với chủ nghĩa khủng bố trong 5 năm qua.
Trong ba tháng qua, Taliban Pakistan và các thành viên của tổ chức này đã tiến hành 160 vụ tấn công, sát hại hàng trăm người, theo một báo cáo gần đây của Diễn đàn Quốc tế về Quyền và An ninh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Toronto.
Ông Nalapat nói rằng các phần tử trẻ hơn của Taliban đã “quay lưng lại” với Pakistan.
Trung Quốc phải chịu trách nhiệm
Ông Nalapat gợi ý rằng Trung Quốc nên đứng ra giúp Pakistan giải quyết cuộc khủng hoảng của mình. Ông nói, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc thúc đẩy quân đội Pakistan, sự rạn nứt trong bang giao của Pakistan với Hoa Kỳ, và sự bế tắc hoàn toàn với Ấn Độ.
“Trung Quốc nên xóa toàn bộ khoản nợ mà Pakistan đang thiếu và chỉ cho nước này sử dụng 100 tỷ dollar vào mục đích dân sự. Cần có sự giám sát của Liên Hiệp Quốc để bảo đảm rằng khoản vay chỉ [được sử dụng cho] mục đích dân sự,” ông Nalapat nói.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times