BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Chính phủ liên minh Pakistan đối mặt với nhiều thách thức sau cuộc bầu cử bất phân thắng bại
Các nhà phân tích lo ngại tình hình chính trị hiện tại sẽ có nghĩa là nhiều tuần xáo trộn, biểu tình, và bất ổn gia tăng, cũng như những thách thức địa chính trị trong tương lai.
Pakistan, nơi có vị trí chiến lược khiến nước này trở thành nhân tố chủ chốt ở Trung Đông cũng như địa chính trị của Nam Á, đang phải đương đầu với các kết quả thăm dò bầu cử quốc gia bất phân thắng bại. Điều này có nghĩa là không có đảng chính trị nào chiếm đa số trong quốc hội mới, khiến các đảng chính trị vận động theo các nghị trình đối lập buộc phải hợp tác để thành lập chính phủ tiếp theo của đất nước.
Bị hủy hoại bởi những cáo buộc gian lận, các cuộc thăm dò cho thấy các ứng viên độc lập liên kết với đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của cựu thủ tướng Imran Khan giành được nhiều ghế nhất, tiếp theo là Liên đoàn Hồi Giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của cựu thủ tướng Nawaz Sharif, Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) và Phong trào Muttahida Qaumi (MQM).
Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông Shehbaz Sharif của PML-N, em trai của ông Nawaz Sharif, chuẩn bị thành lập chính phủ tiếp theo sau khi thiết lập một liên minh với các đảng chính trị lớn khác. Ông Khan, người hiện đang ở trong tù, trước đó vào hôm thứ Ba (13/02) đã cảnh báo các đối thủ chính trị của ông về “rủi ro” khi thành lập chính phủ tiếp theo với “những phiếu bầu bị đánh cắp.”
Đảng của ông Khan được xem là không còn quan trọng trong các cuộc thăm dò: lãnh đạo của đảng này đang ngồi tù và đảng này phải đưa các ứng cử viên của mình sang độc lập sau khi đảng này bị trừng phạt bởi các phán quyết của tòa án. Đảng này có quan điểm bất đồng với lực lượng quân đội đầy quyền uy của nước này, nơi những nhà độc tài trực tiếp cai trị đất nước trong 33 năm và thực thi quyền lực từ phía sau hậu trường trong suốt thời gian còn lại.
Ông Khan không phải là thủ tướng duy nhất bị kết án. Cả năm thủ tướng gần đây nhất của Pakistan đều từng phải đối mặt với án tù hoặc bị kết án.
Các nhà quan sát nhìn thấy cả thách thức lẫn cơ hội nội tại vào thời điểm này trong lịch sử dân chủ của nước này. Tuy nhiên, trên bàn cờ địa chính trị rộng lớn hơn, những sự kiện gần đây không phải là một diễn biến đáng mong đợi. Theo các chuyên gia, một chính phủ liên minh báo hiệu tình hình chính trị đang rơi vào bất ổn. Có những lo ngại rằng chính phủ mới sẽ tập trung hơn vào việc định hướng các vấn đề chính trị trong nước, và ít tập trung hơn vào việc giải quyết các thách thức kinh tế và chiến lược.
Ký giả người Pakistan Ahmed Quraishi, đảm trách việc đưa tin về các vấn đề an ninh quốc gia ở Islamabad từ năm 2002, kêu gọi “lạc quan thận trọng” rằng một chính phủ liên minh có thể ổn định Pakistan — nhắc The Epoch Times nhớ rằng ông Khan hiện bị cầm tù đó đã từng dẫn đầu các nỗ lực “bỏ tù các đối thủ và âm mưu duy trì quyền lực.” Đó là cách chính trị đã vận hành ở đất nước này cho đến tận bây giờ.
Sự ổn định là rất quan trọng đối với Pakistan hiện nay — đối với cả sự hồi sinh kinh tế cũng như vị thế địa chính trị của nước này trong một khu vực bị hủy hoại bởi các vấn đề khủng bố trong nước và biên giới căng thẳng với tất cả các nước lân bang của họ — Ấn Độ, Iran, và Afghanistan — ngoại trừ Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nhất mà nước này phải đối mặt là phục hồi nền kinh tế quốc gia, một khía cạnh mà nếu thiếu thì sẽ chỉ làm phức tạp mọi vấn đề khác.
Theo chuyên gia về Đông Nam Á Aparna Pande, “Pakistan cần chính thể ổn định và chính sách kinh tế nhất quán để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế tái diễn.” Bà Pande là một nhà nghiên cứu và giám đốc Sáng kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn.
Đất nước này hiện đang phải chịu khoản vay cứu trợ tạm thời từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bà Pande cho biết Pakistan sẽ cần tiếp cận IMF để có khoản vay thứ 24 sau khi chính phủ mới lên nắm quyền. Pakistan là nước nợ lớn thứ năm của IMF, chỉ đứng sau Argentina, Ai Cập, Ukraine, và Ecuador. Mỗi quốc gia này đều có dân số thấp hơn đáng kể so với 241.5 triệu người của Pakistan, và mỗi quốc gia này đều có tình hình chính trị căng thẳng.
“Vào thời điểm đất nước cần các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự phối hợp cùng nhau để bảo đảm sự ổn định, thì một phán quyết gây chia rẽ như vậy sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong quốc hội và sẽ cản trở rất lớn đến khả năng thực hiện các quyết định kinh tế khó khăn của bất kỳ chính phủ nào,” bà Pande, tác giả của nhiều cuốn sách về Ấn Độ và Pakistan, nói với The Epoch Times.
Hôm thứ Ba, bà Tamanna Salikuddin đã viết trong một phân tích cho Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) rằng để được một gói cứu trợ mới của IMF, thì chính phủ mới cũng sẽ cần nhận được sự trợ giúp từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, và các Cường quốc vùng Vịnh. Bà Salikuddin là Giám đốc các chương trình Nam Á của USIP. Trước đó, bà từng giữ chức vụ Giám đốc phụ trách Afghanistan và Pakistan tại Hội đồng An ninh Quốc gia, tập trung vào mối bang giao Hoa Kỳ-Pakistan và tiến trình hòa bình ở Afghanistan.
Theo bà Salikuddin, chính phủ mới không chỉ phải đối mặt với những thử thách về chính sách ngoại giao trong bối cảnh này, mà sẽ còn được yêu cầu phải “cam kết theo con đường kỷ luật tài chính, thay đổi mức thuế không được lòng dân, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và rút trợ cấp năng lượng” — không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Sự ổn định chiến lược
Các vấn đề về bất ổn chiến lược và thiếu chính sách ngoại giao phù hợp cũng đang khiến các chuyên gia địa chính trị lo lắng, những người biết rằng tình hình chính trị hiện tại rất có thể đồng nghĩa với tình trạng bất ổn gia tăng trong nhiều tuần, nhiều cuộc biểu tình hơn của những người ủng hộ ông Khan, sự phản kháng của công chúng, và gia tăng bất ổn toàn diện.
Ông Kiyya Baloch, một ký giả tự do theo dõi bạo lực ở các khu vực biên giới của Pakistan với Iran, đã chỉ ra hoàn cảnh của ông Nawaz Sharif. Tháng Mười năm ngoái, chính trị gia kỳ cựu Sharif đã trở về quê hương Pakistan sau bốn năm sống lưu vong ở London và thấy rằng mọi vụ kiện chống lại ông đều đã được bãi bỏ. Ông đang được nhiều người đồn thổi sẽ là thủ tướng tiếp theo.
“Tuy nhiên, ông ấy đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi tự mình giữ khoảng cách và đề cử em trai mình làm Thủ tướng. Tôi nghĩ ông Nawaz Sharif biết chính phủ này yếu và không thể [duy trì] lâu dài. Ông cũng nhận thức được tâm trạng của công chúng và đang cố gắng cứu hình ảnh chính trị của mình khỏi bị tổn hại và tránh được phản ứng dữ dội từ công chúng,” ông Baloch nói với The Epoch Times.
Theo ông Baloch, kết quả bầu cử của Pakistan cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến mối bang giao trong tương lai với các nước khác, đặc biệt là với các nước lân bang.
Ông cho hay, “Điều này xảy ra vào thời điểm quan trọng, khi mối bang giao của Pakistan với Iran đang căng thẳng và mối bang giao của nước này với Ấn Độ và Afghanistan hiện đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Ngoài ra, Trung Quốc bày tỏ sự bất bình trước những thách thức và mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng đối với Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.”
Cả bà Salikuddin và ông Baloch cũng bày tỏ sự thận trọng về cách chính phủ mới sẽ giao thiệp với chính phủ Tổng thống Biden.
Việc đó sẽ diễn ra như thế nào “vẫn còn phải xem, đặc biệt là khi cân nhắc đến việc không có sự giao thiệp trực tiếp gần đây giữa Tòa Bạch Ốc và Islamabad,” ông Baloch cho biết, trong khi bà Salikuddin thì nói rằng “tình hình đang diễn tiến ở Pakistan sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phải thận trọng khi tiếp xúc với chính phủ mới.”
Hoa Kỳ và các nước khác hy vọng rằng cuộc bầu cử sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị nảy sinh sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 04/2022 dẫn đến việc ông Khan bị truất phế khỏi chức thủ tướng Pakistan. Tuy nhiên, thay vì giải quyết được cuộc khủng hoảng, thì cuộc bầu cử lại tạo ra nhiều bất ổn hơn, bà Salikuddin cho biết.
Bà chia sẻ, “Các nhà hoạch định chính sách cần chuẩn bị tinh thần trước rằng khi một chính phủ được thành lập, họ sẽ tham gia vào một ban lãnh đạo chính trị và quân sự mà trong tâm sẽ luôn đặt tình hình chính trị trong nước bấp bênh này lên hàng đầu thay vì tập trung vào các thách thức chiến lược, bao gồm chống khủng bố, chính sách của Ấn Độ, sự ổn định chiến lược, và sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Bà Pande bày tỏ lo ngại về an ninh nội bộ của Pakistan, vốn theo bà đã trở nên tồi tệ hơn trong vài năm qua, đặc biệt là kể từ khi Taliban ở Afghanistan trở lại nắm quyền.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times