Những ý tưởng hình thành nên Hiến Pháp (Phần 2)
Phần 2: Nền Giáo Dục Của Những Nhà Lập Quốc
Kiểm tra mặt sau của tờ USD một cách cẩn thận. Quý vị sẽ tìm thấy ba dòng chữ được viết bằng tiếng Latinh. Dòng bên phải là “E pluribus unum” (Chúng ta là một). Hai dòng bên trái là phóng tác từ tác phẩm của nhà thơ La Mã Publius Vergilius Maro — người mà chúng ta gọi là “Virgil.” Tôi sẽ có một bài sắp tới để nói về ông ta.
Đây là bài tiểu luận thứ hai trong loạt bài viết về những ý tưởng hình thành nên Hiến Pháp. Bài viết này tập trung vào nền giáo dục của những Nhà Lập Quốc. Quý vị có thể đọc bài viết đầu tiên ở đây.
Giáo dục thế kỷ 18 bao gồm tôn giáo, âm nhạc và tiếng Anh. Nữ sinh học cả quản lý gia đình, tiếng Pháp, và đôi khi là tiếng Ý. Nam sinh học lịch sử Âu Châu gần nhất.
Nhưng trọng tâm của chương trình giảng dạy — dành cho nam sinh và một số nữ sinh — được xây dựng từ các tác phẩm kinh điển của Hy Lạp-La Mã. Các tác phẩm kinh điển Hy Lạp-La Mã là một khối lượng lớn các tác phẩm được sáng tác bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh từ thời của các nhà thơ Homer và Hesiod (khoảng 800 trước Công Nguyên) cho đến khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ vào năm 476 Công Nguyên (*). Các dòng thơ của Virgil được viết lại trên đồng dollar giấy được viết vào khoảng năm 39 trước Công Nguyên.
Các tác phẩm kinh điển cung cấp các bài học về văn học, thơ ca, logic, toán học, khoa học, chính trị, lịch sử, hùng biện và đạo đức.
Gần như tất cả các tác phẩm kinh điển Hy Lạp-La Mã đã được dịch sang tiếng Anh. Nhưng phần lớn sức mạnh tinh thần của chúng bị mất đi trong quá trình dịch thuật. Trước khi tôi bắt đầu học tiếng Latinh ở tuổi 32, tôi đã đọc các bài diễn văn của chính khách La Mã Cicero bằng tiếng Anh, và tôi đã tự hỏi có điều gì đặc biệt ở đó. Nhưng lần đầu tiên tôi đọc bài văn xuôi của ông Cicero bằng tiếng Latinh, ông ấy đã khiến tôi rơi lệ.
Do đó, bằng một cách khôn ngoan, các giáo viên vào thế kỷ 18 đã dạy học sinh đọc các tác phẩm của các tác giả Hy Lạp và La Mã bằng tiếng mẹ đẻ của tác giả.
Trường học Ngôn ngữ
Ngoài Massachusetts, có rất ít trường công lập ở Mỹ thế kỷ 18. Trẻ em dưới 8 tuổi thường theo học tại các cơ sở tư nhân do phụ nữ làm chủ được gọi là “trường học các bà”. Tới năm 8 tuổi, nam sinh ghi danh học (hầu hết) ở các trường ngôn ngữ tư nhân.
Không giống như những người quy định chương trình giảng dạy ở trường công hiện đại, thế hệ những người lập quốc hiểu rằng để dạy ngôn ngữ, tốt nhất nên bắt đầu khi học sinh còn rất nhỏ. Mặc dù người lớn thường học tốt nhất thông qua các khái niệm và mối liên hệ, nhưng những điều này thường không đúng đối với trẻ nhỏ, chúng tiếp thu hiệu quả hơn bằng cách học thuộc lòng.
Do đó, người ta dạy tiếng Latinh ngay khi một đứa trẻ bắt đầu học ở trường ngôn ngữ. Các bài học thường bắt đầu lúc 8 giờ sáng cho đến 11 giờ sáng, sau đó lại bắt đầu lúc 1 giờ chiều và tiếp tục cho đến tối.
Để thay thế cho các trường ngôn ngữ, các bậc cha mẹ giàu có đôi khi thuê gia sư riêng. Và với những đứa trẻ khác thì được cha mẹ tự dạy dỗ. Ví dụ, ông Patrick Henry đã học tiếng Latinh từ cha mình. Ông George Wythe, đồng nghiệp người Virginia của ông ấy, đã học tiếng Latinh từ mẹ mình. (Ông Wythe là giáo sư luật đầu tiên của Hoa Kỳ, một trong những người soạn thảo Hiến Pháp, và là chủ tịch ủy ban tổng hợp tại Hội nghị Phê chuẩn Virginia.)
Hầu hết các giáo viên dạy tiếng Latinh hiện đại đều mắc sai lầm đáng tiếc khi bắt đầu dạy tiếng Latinh bằng cách dạy ngữ pháp nhiều hơn là dạy nói và nghe. Hầu hết những người trong số họ mắc thêm sai lầm khi chỉ dạy học sinh đọc mà không dạy nói hoặc viết ngôn ngữ đó. Các hiệu trưởng thời lập quốc đã phạm phải sai lầm đầu tiên chứ không phải sai lầm thứ hai: học sinh tốt nghiệp trường ngôn ngữ được yêu cầu nói và viết tiếng Latinh cũng như đọc nó.
Sau khi học xong các kiến thức căn bản, học sinh trường ngôn ngữ đọc các tác phẩm của các tác giả như Cicero; các nhà sử học Sallust, Livy, Tacitus; và các nhà thơ Virgil, Ovid, Horace và Juvenal. Có vẻ như họ ít quan tâm hơn sách của Julius Caesar như được phổ biến trong các lớp học tiếng Latinh ngày nay.
Các trường ngôn ngữ không mong muốn dạy tiếng Hy Lạp kỹ lưỡng như tiếng Latinh. Các cậu bé đọc Tân Ước, quyển sách tiếng Hy Lạp tương đối dễ. Họ cũng nghiên cứu những đoạn văn của Homer; các nhà triết học Plato và Aristotle; các nhà sử học Thucydides và Polybius; nhà viết tiểu sử và nhà đạo đức học Plutarch; và một tác giả khó xác định chủ đề: Xenophon của thành Athen.
Trường Đại học
Tương đối ít nam sinh học đại học, mặc dù một lượng không lớn những người soạn thảo Hiến Pháp đã học đại học. Để vào đại học, học sinh phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh. Thông thường, kỳ thi yêu cầu dịch các đoạn văn của các tác giả Latinh sang tiếng Anh và dịch các phần của kinh Tân Ước tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh.
Phần lớn chương trình giảng dạy đại học bao gồm việc đọc thêm các tác phẩm kinh điển Hy Lạp và Latin.
Tình yêu trọn đời
Phương pháp giảng dạy ở trường ngôn ngữ thường thô thiển và đôi khi tàn nhẫn. (Việc đánh đòn bằng roi là phổ biến.) Bạn có thể nghĩ rằng điều này khiến học sinh ghét những tác phẩm kinh điển. Không phải như vậy.
Nền văn học Hy Lạp và La Mã còn sót lại đã tồn tại vì một lý do: Đó thực sự là những thứ hay. Bất chấp những thiếu sót của giáo viên về điều này, hầu hết những Nhà Lập Quốc hàng đầu vẫn cống hiến cho văn học cổ điển và những bài học mà nền văn học này truyền đạt.
Ông Thomas Jefferson là một ví dụ nổi bật. Ông đọc các tác phẩm kinh điển bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh nhiều hơn bất kỳ cuốn sách nào khác, và tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ yêu thích của ông ấy. Nhưng đối với chúng tôi, ông Jefferson không thực sự phù hợp, vì ông ấy đã ở Pháp quốc khi Hội nghị Lập hiến họp và có rất ít ảnh hưởng đối với Hiến Pháp.
Liên quan với Hiến Pháp hơn là một báo cáo của ủy ban năm 1783 gửi tới Quốc hội Hợp bang khuyến nghị rằng Quốc hội nên mua các bản sao của những cuốn sách quan trọng. Danh sách này của ủy ban bao gồm các tác phẩm của Plato, Aristotle và Plutarch; một số tập lịch sử Hy Lạp và La Mã; và thứ được mô tả là “từ điển tiếng Latinh tốt nhất”. Báo cáo có liên quan đến Hiến Pháp vì các tác giả của nó là ông James Madison của Virginia, ông Thomas Mifflin của Pennsylvania và ông Hugh Williamson của North Carolina—tất cả đều là những người soạn thảo trong tương lai. Ông Williamson, tình cờ, đã từng là một giáo viên dạy tiếng Latinh.
Wilson, Dickinson, Mason, Henry và Adams
Các nhà sử học thường ghi nhận ông James Wilson, bên cạnh ông Madison, là người soạn thảo có ảnh hưởng nhất đối với văn bản Hiến Pháp. Ông Wilson sinh ra và lớn lên ở Scotland và được đào tạo tại nơi mà bây giờ là Đại học St. Andrews.
Năm 2005, thủ thư trưởng tại trường St. Andrews mời tôi xem xét hồ sơ học tập năm 1757–58 của ông Wilson, điều mà cuối cùng tôi cũng đã làm vào năm 2009. Hồ sơ bao gồm danh sách những cuốn sách mà ông Wilson đã mượn từ các ngăn sách để thỏa mãn sở thích đọc sách của mình. Tôi thấy rằng chủ đề được yêu cầu nhiều nhất của ông ấy (nhiều hơn tất cả!) là lịch sử của Rome. Ông Wilson cũng mượn một tập thơ của Horace.
Sau khi di cư sang Mỹ, ông Wilson đã dạy tiếng Latinh một thời gian và vẫn cống hiến cho các tác phẩm kinh điển: Các tác phẩm được sưu tầm của ông có hàng chục tài liệu tham khảo về các tác giả Hy Lạp và La Mã.
Ông John Dickinson của Delaware đã được gọi là nhà soạn thảo bị đánh giá thấp nhất. Tuy nhiên, như tôi đã ghi lại trong một trong những bài báo nghiên cứu của mình (pdf), những đóng góp của ông ấy cho Hiến Pháp là rất đáng kể. Ông Dickinson đã thu thập sách của các tác giả Hy Lạp và Latinh trong suốt cuộc đời của mình và trích dẫn chúng rất nhiều. Sau khi Hội nghị Lập hiến kết thúc, ông đã viết một loạt bài tiểu luận có sức ảnh hưởng thúc giục việc phê chuẩn. Ông lấy bút danh “Fabius” theo tên một vị tướng La Mã, người nổi bật trong các tác phẩm của Livy và Plutarch. Trong một bức thư được gửi vào lúc cuối đời, ông Dickinson thông báo rằng ông đang đọc lại sử gia La Mã Tacitus, một trong những tác giả Latinh khó hơn cả.
Ông George Mason của Virginia, một nhà soạn thảo đã biên soạn Tuyên ngôn về Nhân quyền (Bill of Rights) của Virginia, đã đóng góp vào bản Hiến Pháp cuối cùng bằng cách khẳng định rằng Hiến Pháp có bao gồm Tuyên ngôn Nhân quyền. Sau đại hội, ông Mason dành những năm nghỉ hưu để đọc lại các tác phẩm cổ điển. Ông Patrick Henry, một người ủng hộ Tuyên ngôn về Nhân quyền nổi tiếng khác, đã đưa ra quan điểm rằng hàng năm nên đọc lại bản dịch tiếng Anh về lịch sử của tác giả Livy.
Mặc dù ông John Adams đã ở Âu Châu trong thời gian diễn ra hội nghị soạn thảo, nhưng ông đã ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận đó theo hai cách. Đầu tiên, ông là người soạn thảo chính của Hiến Pháp Massachusetts năm 1780, cùng với Hiến Pháp New York, phục vụ các đại biểu như một hình mẫu [về Hiến Pháp]. Thứ hai, ông Adams đã viết một bộ bách khoa toàn thư về các chính phủ cộng hòa, tập đầu tiên được xuất bản ngay trước khi đại hội họp. Bộ sách đó chịu sự ảnh hưởng của các tác giả Cicero, Plato, Polybius, Livy và Plutarch, trong số những người khác. Các đại biểu tham khảo sách này thường xuyên.
Một số Nhà Lập Quốc đã không có được những lợi ích của một nền giáo dục cổ điển. Trong số này có ông Alexander Hamilton và ông George Washington. Cả hai đều đã làm việc cần cù để bảo đảm rằng thế hệ con họ sẽ phải có được nền giáo dục đó.
Kết luận
Các tác phẩm kinh điển của Hy Lạp-La Mã vẫn thường trực trong tâm trí của những người soạn thảo và phê chuẩn Hiến Pháp. Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem các Nhà Lập Quốc đã lồng ghép các bài học về văn học cổ điển vào văn kiện này như thế nào.
* Ghi chú của tác giả: Một số nhà bình luận của Epoch Times đã bác bỏ việc tôi sử dụng từ “B.C.E” [trước Công Nguyên] và “C.E.” [Công Nguyên] thay vì “B.C.” [Trước Chúa] và “A.D.” [Anno Domini—trong năm của Chúa chúng ta]. Tuy nhiên, B.C.E. và C.E. hiện là tiêu chuẩn trong văn bản lịch sử. Hơn nữa, “B.C.” và “A.D.” thể hiện cụ thể những lời khẳng định của Cơ Đốc Giáo mâu thuẫn với đức tin Do Thái của tôi.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times