Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 5): Aristotle
Không giống như Socrates, Xenophon và Plato, những người là chủ đề của phần thứ ba và thứ tư trong loạt bài này, Aristotle không phải là người Athen. (Phần thứ nhất và phần thứ hai, xem tại đây và tại đây.) Tuy nhiên, Aristotle đã có được danh tiếng ở Athens. Ông sinh ở Macedonia vào năm 384 trước Công Nguyên. Năm 17 tuổi, ông chuyển đến Athens và học tại Học viện của Plato. Aristotle luôn bày tỏ lòng kính trọng đối với người thầy của mình, mặc dù Aristotle có một khuynh hướng trí tuệ rất khác với Plato.
Sau khi Plato qua đời vào năm 346, Aristotle chuyển đến Tây Bắc Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ). Ở đó, ông tập trung vào việc nghiên cứu phân loại động vật biển. Ông đã xác định được hơn 500 loài.
Ông được ghi nhận là người đã sáng lập ra ngành khoa học về động vật. Vào năm 343 hoặc 342, Phillip II — vị vua của Macedonia (là quốc vương của Aristotle), đã triệu hồi Aristotle về nước để dạy cho con trai của nhà vua. Đây là cậu bé sau này trở thành Alexander Đại đế. Aristotle ở lại Macedonia trong hai năm. Trong thời gian sau đó, khi Alexander thực hiện sứ mệnh chinh phạt, ông thường xuyên gửi cho người thầy cũ của mình những mẫu vật sinh học từ những vùng đất xa xôi.
Khoảng trước năm 336, Aristotle trở lại Athens. Ở đó, ông thành lập trường học của riêng mình là Lyceum, và bắt đầu thời kỳ làm việc hiệu quả nhất trong cuộc đời ông. Cùng với một đội ngũ trợ lý, ông nghiên cứu sâu về thực vật học, hóa học, đạo đức, lịch sử, logic, siêu vật lý học, chính trị, tâm lý học, vật lý học, thi pháp học và tu từ học. Phạm vi [nghiên cứu] của ông thật đáng kinh ngạc. Sau khi Alexander băng hà vào năm 323, phong trào chống người Macedonia ở Athens đã khiến Aristotle chuyển đến đảo Euboea, ngay phía bắc và phía tây của Athens. Ông qua đời vào năm sau đó, ở tuổi 62.
‘Politeia’
Chuyên luận chính của Aristotle về khoa học chính trị là “Politeia”. Các dịch giả tiếng Anh thường dịch nhan đề đó là “The Politics” (Nền Chính Trị) hoặc “Nền Cộng Hòa”. Tuy nhiên, từ ‘politeia’ có một tập hợp các ý nghĩa, bao gồm hiến pháp, quyền công dân, đời sống công dân, cơ quan (quản lý) của công dân, thịnh vượng chung và tinh thần chính trị. Trong tựa đề của cuốn sách, Aristotle đã sử dụng từ này với nghĩa là “khoa học chính trị”. Trong cuốn sách, ông đã sử dụng từ đó để chỉ định một loại hiến pháp cụ thể. Chúng tôi sẽ đề cập đến nhan đề của cuốn sách là “Politeia” (viết hoa) và loại hiến pháp cụ thể là politicia (in nghiêng và không viết hoa).
Hầu hết các tác phẩm hoàn thiện của Aristotle đã bị thất lạc. Số lượng bài viết còn tồn tại là rất lớn, nhưng chúng thường có vẻ chưa hoàn thành — giống như ghi chú bài giảng hoặc giáo án. Điều này đúng với “Politeia.” Cuốn sách chứa đầy những ý tưởng, nhưng đôi khi chúng chưa được hoàn thiện hoặc thậm chí trái ngược nhau. Mặc dù chưa hoàn thành, nhưng “Politeia” là một thành tựu đáng kinh ngạc, cả về chất lượng phân tích của Aristotle và số lượng nguồn tài liệu của ông: Cuốn sách dựa trên nghiên cứu không dưới 150 hiến pháp đương thời. Người Mỹ hiện đại có thể nhận ra một số ý tưởng trong “Politeia”. Ví dụ, Aristotle chia các quan chức chính phủ thành ba loại: (1) người nêu luận điểm, (2) quan tòa và (3) tư pháp. Đây là tiền thân của sự phân chia trong hiến pháp của chúng ta giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp của chính phủ.
Tương tự như vậy, Aristotle lập luận rằng các quan chức nên cai trị vì lợi ích của người dân hơn là vì bản thân họ. Đây là hạt giống cho nghĩa vụ chính trị trong hệ thống Anh – Mỹ về “độ tin cậy của công chúng” (pdf). Aristotle tinh chỉnh cách phân loại hiến pháp của Socrates và Plato. “Politeia” xác định ba hệ thống chính trị trong đó những người cai trị [thực hiện việc] cai trị vì lợi ích của người dân. Họ là:
- Chế độ quân chủ hay vương quyền—nghĩa là, sự cai trị hợp pháp của một người;
- chế độ quý tộc—sự cai trị hợp pháp của một tầng lớp tương đối nhỏ gồm những công dân “tốt nhất”; Và
- nền dân chủ lập hiến được kiểm soát bởi pháp quyền và bởi một hội đồng quý tộc. Đây là hình thức Aristotle gọi là politeia.
Aristotle nói thêm rằng mỗi hình thức trong số ba dạng này có thể thoái hóa thành các dạng sai lệch sau:
- Chế độ chuyên chế (tệ nhất trong sáu chế độ)—chế độ độc tài bất hợp pháp vì lợi ích của nhà độc tài;
- đầu sỏ chính trị—sự cai trị bất hợp pháp bởi và vì lợi ích của một số ít; và
- dân chủ (không bị kiểm soát bởi một hội đồng quý tộc).
Aristotle cũng nhận ra các biến thể của các hình thức này, bao gồm năm loại dân chủ. Những Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ đã đặc biệt chú ý đến một trong năm loại này. Đó là ‘teleutaia demokratia’, mà họ đã dịch thành “nền dân chủ thuần túy”. Trong tiếng Anh thế kỷ 18, cụm từ đó có nghĩa là “nền dân chủ vô điều kiện”. Bởi vì teleutaia có nghĩa là “kết thúc” hoặc “cuối cùng”, hầu hết các tác giả hiện đại đều dịch ‘teleutaia demokratia’ là “nền dân chủ cực đoan” hoặc “nền dân chủ giai đoạn cuối cùng”.
Aristotle giải thích rằng trong hầu hết các nền dân chủ, ý chí của đám đông bị các quan tòa và pháp quyền kiềm chế. Nhưng trong teleutaia demokratia, đám đông đưa ra mọi quyết định một cách trực tiếp và không gò bó. Trên thực tế, tình trạng đó không thể kéo dài, vì vậy hình thức chính phủ cực đoan này mang tính lý thuyết hơn là thực tế. Aristotle nghi ngờ liệu nó có thực sự là một hiến pháp hay không.
Ảnh hưởng đối với các Nhà Lập Quốc
Các cậu học sinh thế kỷ 18 được làm quen với những trích đoạn của Aristotle ở trường ngôn ngữ. Chỉ một số ít học đại học đã nghiên cứu kỹ lưỡng các bài viết của ông. Tuy nhiên, các học sinh đã học các tác phẩm của Polybius, các tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào Aristotle. Và họ đã học đi học lại các tác phẩm của Cicero, người tiếp theo cũng dựa vào Polybius và Aristotle. (Polybius và Cicero sẽ là chủ đề của hai phần tiếp theo trong loạt bài này.)
Dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Aristotle là khi ủy ban của Quốc hội Liên bang đề nghị Quốc hội mua một số cuốn sách nền tảng, cuốn “Politeia” đã có trong danh sách. Các thành viên của ủy ban là ông Hugh Williamson của North Carolina, ông Thomas Mifflin của Pennsylvania, và ông James Madison của Virginia—tất cả những người này sau này đều là đại biểu tại Hội nghị Lập hiến.
Để có cái nhìn sâu hơn về ảnh hưởng của Aristotle, hãy tập trung vào ba Nhà Lập Quốc đã từng học đại học: ông John Adams, từng học tại Harvard; ông John Francis Mercer, người đã học tại Đại học William và Mary; và ông Madison, được đào tạo tại Đại học New Jersey (nay là Princeton).
John Adams
Tôi đã thảo luận về ảnh hưởng của ông Adams đối với Hội nghị Lập hiến trong các bài viết trước của loạt bài này. Ông Adams đang phục vụ với tư cách là một nhà ngoại giao ở Châu Âu khi đại hội diễn ra, và tập đầu tiên của cuốn “Bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ” của ông vừa được xuất bản. Đó là cuốn bách khoa toàn thư về các hiến pháp cộng hòa, và tác phẩm được lưu hành tại đại hội. “Bảo vệ” của ông Adams liên tục dựa vào Aristotle và các tác giả (chẳng hạn như Polybius, Cicero và Machiavelli), những người đã dựa vào Aristotle. Aristotle cung cấp cho ông Adams những mô tả về các chính phủ Hy Lạp cổ đại. Ông Adam cũng sử dụng Aristotle như một nguồn tài nguyên cho những lời chỉ trích của ông đối với Plato và tranh đấu cho pháp quyền.
John Francis Mercer
Ông Mercer đại diện cho Maryland tại Hội nghị Lập hiến, nhưng rời đi sớm và phản đối bản thảo cuối. Anh ta có lẽ là tác giả của bài báo với chữ ký “Người Nông dân.” Trong bài tiểu luận thứ hai của “Người Nông dân”, ông Mercer lập luận rằng thế giới đã không học được nhiều về khoa học chính trị kể từ khi Aristotle viết tác phẩm “Politeia”. Nói cách khác, ông Mercer nghĩ rằng học giả Hy Lạp biết nhiều về chính trị cũng [tương đương] như thế hệ của ông ta.
Ông Mercer dựa vào Aristotle để mô tả các hiến pháp Hy Lạp cổ đại. Ngoài ra, chủ đề trung tâm của bài tiểu luận của ông dựa trên lý thuyết của Aristotle về cách các hiến pháp tốt thoái hóa thành xấu. Ông Mercer rõ ràng tin rằng nếu Hiến pháp dự thảo được thông qua thì sẽ tạo ra một chế độ politeia: Nhà nước pháp quyền và Thượng viện quý tộc sẽ kiểm tra Hạ viện dân chủ. Nhưng ông lập luận rằng sự cân bằng này sẽ không kéo dài lâu. Một cơ quan hành pháp độc lập, mạnh mẽ là cần thiết để duy trì sự cân bằng dân chủ-quý tộc. Ông Mercer tin rằng tổng thống quá yếu cho mục đích này và quá phụ thuộc vào Thượng viện. Vì vậy, chế độ politeia của Hiến Pháp sẽ sớm chìm vào chế độ chuyên chế. May mắn thay, khi ngài George Washington trở thành tổng thống, ông đã thiết lập vững chắc các phong tục hành xử để bảo vệ quyền của tổng thống trước Thượng viện. Nếu không, dự đoán của ông Mercer có thể đã được chứng minh là đúng!
Ảnh hưởng của ông Madison đối với bản Hiến Pháp cuối thường được đánh giá quá mức. Tuy nhiên, ông ta là một kiến trúc sư quan trọng nhất của Hiến Pháp. Ông Madison ngưỡng mộ “Politeia.” Mặc dù nhiều người theo dõi lý thuyết nổi tiếng của ông về “các phe phái” trong bài báo Người Liên bang thứ 10 gửi đến triết gia người Scotland David Hume, nhưng quý vị có thể tìm thấy phiên bản ban đầu của lý thuyết này trong “Politeia”. Aristotle, giống như ông Madison, lập luận rằng các phe phái (lợi ích đặc biệt) gây ra ít tác hại hơn khi số lượng công dân tham gia đông hơn so với số lượng công dân ít.
Ông Madison cũng giải quyết khái niệm của Aristotle về ‘teleuteria demokratia’. Ông lập luận rằng hình thức cai trị đám đông này không phải là hình thức chính phủ cộng hòa vì nó không tuân theo luật pháp và vì nó thiếu các quan chức có quyền lực đáng kể. Về vấn đề này, những ý tưởng của ông Madison có lẽ đã được hỗ trợ bởi triết gia Cicero, người đã phát triển thêm cách giải quyết của Aristotle đối với chủ đề này.
Tại thời điểm này, cần làm rõ thứ tự: Vào những năm 1840, đã nảy sinh quan niệm sai lầm rằng ông Madison cho rằng mọi nền dân chủ đều không phù hợp với chủ nghĩa cộng hòa. Cả Madison và các Nhà Lập Quốc khác đều không tin điều đó; ông Madison chỉ nói về nền dân chủ “thuần túy” hoặc “cực đoan” (pdf). Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn tồn tại quan điểm cho rằng các Nhà Lập Quốc đã phân biệt rõ ràng giữa một nền cộng hòa và một nền dân chủ. Đó là một huyền thoại tồn tại ngoan cố mà đôi khi còn len lỏi vào thời báo The Epoch Times.
Phần tiếp theo sẽ khám phá những đóng góp của một người Hy Lạp khác. Ông là một nhà sử học và cũng là một người của hành động: Polybius.
Phần 6: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 5): Polybius
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times