Những giá trị trong Hiến Pháp
Bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện một niềm tin chung của người Mỹ: Tất cả đều sinh ra bình đẳng trước Thượng Đế và pháp luật; Thượng Đế ban tặng cho con người những quyền tự nhiên; một số quyền này là không thể chuyển nhượng được; mục đích của chính phủ là bảo đảm các quyền đó; và nếu một chính phủ cứ không làm được điều đó, thì người dân nên thay thế nó.
Tuy nhiên, bản Tuyên ngôn ấy không dựng lên một hệ thống chính phủ. Nó là một văn bản luật quốc tế (khi được hỗ trợ bằng vũ trang) đã chuyển đổi các thuộc địa thành các tiểu bang mới với chính phủ của riêng mình.
Đến năm 1787, thực tế cho thấy rằng các tiểu bang và hiệp ước của họ, các Điều khoản Hợp bang, là không tương xứng với nhiệm vụ cai quản nước Mỹ. Vì vậy, các cơ quan lập pháp tiểu bang đã cử các đặc ủy viên (đại biểu) đến một hội nghị các tiểu bang ở Philadelphia. Chúng ta thường gọi các đặc ủy viên đó là những người lập khung Hiến Pháp.
Nhiệm vụ của họ là xây dựng một cấu trúc chính phủ sẽ đáp ứng, trong phạm vi có thể, các nguyên tắc của bản Tuyên ngôn. “Trong phạm vi có thể” vì những người lập khung này phải làm việc lựa theo các phong tục và thể chế vốn đã vi phạm những nguyên tắc đó, mà họ không thể thay đổi – chẳng hạn như chế độ nô lệ.
Những người lập khung đã suy nghĩ và đọc rất nhiều về chính phủ. Họ muốn chính phủ phục vụ một mục đích chung là bảo vệ các quyền tự nhiên. Nhưng họ tin rằng để một chính phủ nước Mỹ làm được như vậy, thì Hiến Pháp của quốc gia phải có các điều khoản bao gồm năm giá trị riêng biệt: bảo vệ quyền tự do; chính phủ hiệu quả; chủ nghĩa cộng hòa; phân quyền, và các tiêu chuẩn ủy thác.
Bảo vệ quyền tự do
Hiến Pháp được cấu trúc để tối đa hóa khả năng chính phủ liên bang sẽ tôn trọng quyền tự do. Những người lập khung tin rằng biện pháp bảo vệ quan trọng nhất của Hiến Pháp đối với quyền tự do là Hiến Pháp chỉ trao các quyền hạn chế cho chính phủ trung ương.
Các biện pháp bảo đảm khác để duy trì quyền tự do bao gồm bầu cử định kỳ, một cơ quan tư pháp độc lập, kiểm tra và cân bằng giữa các nhánh khác nhau của chính phủ, và danh sách các quyền hạn cụ thể bị từ chối đối với chính phủ liên bang (Điều I, Phần 9). Hai năm sau khi Hiến Pháp có hiệu lực, danh sách đó đã được bổ sung với 10 tu chính án đầu tiên: Tuyên ngôn Nhân quyền.
Chính phủ hiệu quả
Gần như tất cả mọi người tham gia vào các cuộc tranh luận về Hiến Pháp từ năm 1787 đến năm 1791 — bất kể người đó có ủng hộ Hiến Pháp hay không — đều tin rằng chính phủ theo Điều khoản Hợp bang không có đủ “năng lượng”. Người dân Hoa Kỳ cần một chính phủ trung ương mạnh hơn.
Một đặc điểm chính trong kế hoạch của những người lập khung để có một chính phủ hiệu quả là trao cho Quốc hội quyền đánh thuế trực tiếp vào các cá nhân — một quyền lực mà Quốc hội Hợp bang không có. Không giống như Chính phủ Hợp bang, chính phủ mới sẽ không phải phụ thuộc vào các tiểu bang để có doanh thu.
Tương tự như vậy, Hiến Pháp cho phép chính phủ liên bang thực thi luật pháp của chính mình mà không có sự can thiệp của tiểu bang. Thay vì chính phủ trung ương phụ thuộc hoàn toàn vào các tiểu bang thì chính phủ trung ương và các tiểu bang sẽ hình thành các cấu trúc song song.
Những người lập khung cũng thay thế hệ thống ủy ban của Chính phủ Hợp bang bằng một người điều hành duy nhất: tổng thống. Tổng thống có thể thực thi luật pháp, đưa ra các hiệp ước, và chỉ huy các hoạt động quân sự mà không bị sa lầy vào các cuộc tranh luận của ủy ban. Ông ta sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hậu quả.
Trong một số trường hợp, những người lập khung quyết định rằng nguyên tắc về một người điều hành duy nhất nên được giới hạn để bảo vệ các giá trị khác. Ví dụ, bất kỳ hiệp ước nào mà tổng thống đưa ra đều phải được 2/3 Thượng viện thông qua. Tương tự như vậy, các đề cử của ông cho các chức vụ cao cấp phải được đa số thượng nghị sĩ chấp thuận.
Chính phủ Cộng hòa
Mặc dù tất cả những người lập khung đều lớn lên dưới chế độ quân chủ, nhưng họ đồng ý rằng chính phủ liên bang mới sẽ phải là một nước cộng hòa. Họ cũng viết vào Hiến Pháp một yêu cầu rằng mọi tiểu bang phải có một “Hình thức Chính phủ Cộng hòa.”
Quý vị có thể đã nghe nói rằng Hiến Pháp tạo ra một “nền cộng hòa, không phải một nền dân chủ”. Nhưng đó là một sự khác biệt được tạo ra vào một thời điểm sau đó (những năm 1840). Người Mỹ thời lập quốc thường gọi các chính phủ của họ là các nền dân chủ cũng như là các nền cộng hòa.
Trong lịch sử, hầu hết các nước cộng hòa đều cho phép các hội đồng công dân xây dựng luật pháp mà không cần sự can thiệp của các cơ quan lập pháp. Vì nhiều lý do (chẳng hạn như quy mô khổng lồ của Hoa Kỳ), những người lập khung đã chọn một nước cộng hòa Hoa Kỳ với việc xây dựng luật pháp hoàn toàn thông qua các nghị viên. Tuy nhiên, Hiến Pháp không ngăn cản các tiểu bang sử dụng các thể chế dân chủ trực tiếp.
“Hình thức Chính phủ Cộng hòa” có nghĩa là gì trong Hiến Pháp? Các từ điển của thế kỷ thứ 18 thường định nghĩa “cộng hòa” là “một nhà nước mà quyền lực nằm trong tay nhiều hơn một người” – nghĩa là, một nhà nước không có vua hay độc tài. Những người lập khung tin rằng các nước cộng hòa cũng phải có hai phẩm chất khác. Đầu tiên là một chính phủ chịu trách nhiệm cuối cùng trước người dân. Phẩm chất còn lại là phải tôn trọng pháp quyền.
James Madison đã lập luận rằng một nước cộng hòa không thể là một “nền dân chủ thuần túy”. Cụm từ đó là do ông diễn dịch từ “teleutaia demokratia” của Aristotle. (Dịch hay hơn là “dân chủ tối cao” hoặc “dân chủ cuối cùng”). Teleutaia demokratia là một hình thức dân chủ thối nát, trong đó không có thẩm phán và đám đông điều hành mọi thứ. Mặc dù nó không có vua và chịu trách nhiệm trước người dân, nhưng một teleutaia demokratia không phải là một nước cộng hòa vì nó coi thường pháp quyền.
Nhiều bậc quốc phụ của nước Mỹ, trong đó có John Adams, tin rằng các nước cộng hòa chỉ có thể tồn tại nếu người dân của họ còn giữ được các phẩm chất đạo đức. Họ lập luận rằng chính phủ nên cấm các hoạt động trái đạo đức và nên ủng hộ tôn giáo. Các nhà lập khung đã đồng ý tới mức mà Hiến Pháp của họ cấm các tiểu bang ban hành một số biện pháp, chẳng hạn như các luật về tiền giấy. Những điều này được coi là không phù hợp với giá trị cộng hòa. Tuy nhiên, những người lập khung đã để lại hầu hết các vấn đề về tôn giáo và đạo đức cho các tiểu bang tự quyết định.
Chính phủ phi tập trung (Chủ nghĩa liên bang)
Mặc dù một số người lập khung muốn có một Hiến Pháp khiến các tiểu bang trực thuộc chính phủ trung ương, nhưng hầu hết mọi người đều sớm nhận ra rằng người dân Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận bất kỳ hệ thống nào tập trung quyền lực ở thủ đô. Vì vậy, Hiến Pháp đã phân chia thẩm quyền giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang. Ngay cả sự cân bằng này cũng đã bị dân chúng không chấp nhận, vì vậy những người ủng hộ Hiến Pháp đã phải đồng ý với các tu chính án để hạn chế hơn nữa các đặc quyền của liên bang — thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền.
Kết cấu phi tập trung đáp ứng được nhiều mục đích hơn là chỉ đơn thuần làm cho Hiến Pháp dễ được chấp nhận. Một là nó giúp bảo vệ quyền tự do khỏi sự lạm quyền của liên bang. Nếu chính phủ tỏ ra áp bức, các tiểu bang sẽ đủ mạnh để bảo vệ công dân của họ theo những cách mà James Madison đã nêu ra trong các bài viết của mình, bao gồm cả, và không chỉ hạn chế ở, việc sửa đổi Hiến Pháp.
Kết cấu phi tập trung cũng mang lại những lợi thế khác. Nó khiến cho tầng lớp quý tộc quốc gia khó hình thành hơn. Nó cho phép các tiểu bang khác nhau đáp ứng các sở thích và văn hóa của đa số người dân địa phương. Nó cho phép các tiểu bang thử nghiệm các chính sách khác nhau và cạnh tranh để có thêm dân số và doanh nghiệp. Và bởi vì hầu hết mọi người dễ tiếp cận với các quan chức tiểu bang hơn so với các quan chức liên bang, nên các quan chức tiểu bang thường có thông tin tốt hơn về khả năng và nhu cầu của người dân. Điều này thường dẫn đến chính phủ tốt hơn.
Chính phủ ủy thác
Khi một người trao trách nhiệm và quyền lực cho một người khác, các luật sư nói rằng hai người đang có một mối quan hệ ủy thác, và họ gọi người được trao quyền là người được ủy thác. Các ví dụ phổ biến bao gồm người được ủy quyền, người giám hộ, người đại lý, người quản lý, cán bộ công ty và giám đốc, luật sư, nhân viên kế toán, và nhân viên ngân hàng.
Trong thời kỳ lập quốc, luật pháp đã áp đặt các tiêu chuẩn cao đối với những người được uỷ thác. Những tiêu chuẩn đó rất giống với những tiêu chuẩn mà luật pháp áp dụng ngày nay. Các nghĩa vụ của người được ủy thác bao gồm những điều sau đây: tuân thủ các hướng dẫn và tôn trọng bất kỳ giới hạn nào quy định đối với quyền lực của người được ủy thác; trung thành với lợi ích của khách hàng, và vì thế cần tránh (hoặc ít nhất là công khai) các xung đột lợi ích; hành động có thiện chí – nghĩa là phải trung thực; và phải tự đánh giá tình huống một cách độc lập.
Các tiêu chuẩn này cũng bao gồm cả việc không chuyển giao kết quả đánh giá khi chưa được cho phép; làm việc cẩn thận với mức độ thích hợp; nếu một người được ủy thác quản lý tài sản cho nhiều người, thì phải đối xử công bằng với các khách hàng; và phải thường xuyên cung cấp các bản báo cáo kế toán (báo cáo) để giải trình cách tiền quỹ và các tài sản khác được sử dụng.
Những người lập khung tin rằng các quan chức chính phủ là những người được uỷ thác của người dân – rằng các quan chức đã thực thi “niềm tin của công chúng”. Do đó, những người lập khung tin rằng trong phạm vi có thể về mặt chính trị, các quan chức nên bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn ủy thác.
Hiến Pháp có đầy đủ các điều khoản bắt buộc hoặc khuyến khích các tiêu chuẩn ủy thác. Để lấy ví dụ minh hoạ, Quốc hội có thể đánh thuế nhập khẩu, nhưng các mức thuế này phải đồng nhất trong cả nước (Điều I, Mục 9, Khoản 6). Điều này nhằm ngăn chặn việc Quốc hội ủng hộ một số cảng hơn các cảng khác, đã vi phạm nghĩa vụ công bằng của người được ủy thác.
Hiến Pháp cũng duy trì nghĩa vụ công bằng đối với các cá nhân và nghĩa vụ công bằng đối với các tiểu bang. Điều này giúp giải thích sự phân bổ thành viên của hai viện trong Quốc hội: Tại Thượng viện, các tiểu bang được đại diện ngang nhau, trong khi ở Hạ viện, người dân (gần như) được đại diện ngang nhau (Điều I, Phần 2 và 3).
Cân bằng các giá trị
Những người lập khung không cho phép một số giá trị lấn át những giá trị còn lại. Họ đã cân bằng chúng và khi cần thiết thì tiêu chuẩn hoá chúng. Một ví dụ được thảo luận ở trên là quy trình thực hiện các hiệp ước, trong đó nguyên tắc về một người điều hành duy nhất được hy sinh cho nguyên tắc quyền tự do bằng cách yêu cầu sự chấp thuận của Thượng viện. Những người lập khung đã thực hiện nhiều thỏa hiệp như vậy, và ghi chép lịch sử nhìn chung đã xác nhận trí tuệ trong các quyết định của họ.
Ông Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật hiến pháp và là nhà sử học hiến pháp. Ông là chuyên viên cao cấp về Luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập ở Colorado. Ông là tác giả của “Bản Hiến Pháp Gốc: Những Gì Nó Thực Sự Nói Lên Và Hàm Nghĩa” (xuất bản lần thứ 3, 2015).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Joe Nguyễn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại đây
Xem thêm: