Những ý tưởng hình thành Hiến Pháp (Phần 22): Giáo dục công chúng
Đây là bài cuối cùng trong loạt bài “Những ý tưởng hình thành Hiến Pháp.” Bài viết này nhằm đúc rút các bài học của loạt bài này vào cách chúng ta giáo dục trẻ em.
Hiến Pháp Hoa Kỳ là luật thế tục cao nhất của Hoa Kỳ — “Luật tối cao của Đất nước” (như viết tại Điều VI). Hiến Pháp quy định về cấu trúc chính quyền trung ương, điều chỉnh các nội dung liên quan đến liên bang của Hoa Kỳ và bảo vệ các quyền cá nhân. Do đó, nghiên cứu về Hiến Pháp nên là một phần trong chương trình giáo dục cho mọi công dân Mỹ.
Thật vậy, có thể nói rằng để thực hiện quyền công dân Hoa Kỳ, kể từ khi có Hiến Pháp thì việc hiểu biết Hiến Pháp thực sự quan trọng hơn nghiên cứu lịch sử Hoa Kỳ. Điều này quan trọng hơn nhiều các môn học khác hao tốn thời gian trong các lớp học ở trường công.
Hiểu Hiến Pháp yêu cầu cao hơn so với việc thảo luận về quyền tự do ngôn luận hoặc đọc các biểu đồ như “Làm thế nào để một dự luật trở thành luật”. Hiến Pháp hưởng lợi từ những ý tưởng triết lý kéo dài hàng ngàn năm. Hầu hết các nhà tư tưởng được nêu trong loạt bài này đều sống trong thời cổ đại. Những người đến sau, chẳng hạn như ông John Locke và Nam tước Montesquieu, họ đã học được từ trí tuệ cổ điển — cũng như từ lịch sử Anh và châu Âu sau đó và từ các nguyên tắc của hệ thống pháp luật Anh-Mỹ.
Cuối cùng, những Nhà Lập Quốc là những người soạn thảo Hiến Pháp và những người phê chuẩn thành luật, đều là những người đã được giáo dục thông qua các chương trình giảng dạy chú trọng vào kiến thức thời cổ đại.
Bắt đầu từ Phần Kết
Khi mới bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một giáo viên tại các trường đại học, tôi đã được dạy một nguyên tắc sư phạm căn bản: “Khi lập kế hoạch cho một bài học — hoặc một chương trình giảng dạy — hãy bắt đầu từ phần kết.”
Điều này có nghĩa là quý vị phải bắt đầu bằng cách xác định những gì quý vị muốn học sinh của mình biết và có thể làm được sau khóa học. Khi quý vị thiết lập được mục tiêu của mình, quý vị sẽ soạn nội dung chạy ngược lại từ đó.
Như vậy, nếu mục tiêu của giáo dục Hoa Kỳ là đào tạo ra những công dân tốt và hiểu biết, thì các nhà giáo dục phải dạy cho học sinh hiểu đúng về Hiến Pháp. Và để hiểu Hiến Pháp đòi hỏi sinh viên phải biết nền tảng mà tài liệu được xây dựng. Ngược lại, điều đó yêu cầu chú trọng đáng kể đến thời đại cổ điển, cũng như những phát triển và ý tưởng sau này.
Tôi xin nói rõ: Tôi không gợi ý rằng chúng ta nên sao chép nền giáo dục của Kỷ nguyên Lập quốc. Tôi không nghĩ rằng một nền giáo dục tập trung vào các tác phẩm kinh điển bằng tiếng Latinh là phù hợp với hầu hết học sinh — mặc dù có thể phù hợp với nhiều nhà lãnh đạo tương lai.
Hệ Giáo dục K-12
Theo quan điểm của những gì tôi vừa nêu, tất cả học sinh, vào một thời điểm nào đó trước khi tốt nghiệp trung học, nên:
- Tham gia vào các lớp học trong đó học sinh đọc to toàn bộ Hiến Pháp, từng điều một; giáo viên nên chèn lời giải thích, ngữ cảnh, câu chuyện và hình ảnh minh họa khi quá trình đọc diễn ra.
- Liệt kê các nhà tư tưởng được nêu trong loạt bài này và những đóng góp chung của họ cho hệ thống chính phủ Hoa Kỳ.
- Xác định một hoặc nhiều đóng góp cho Hiến Pháp của từng Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ sau đây: John Adams, John Dickinson, Alexander Hamilton, James Madison, George Mason, Gouverneur Morris, Edmund Randolph, George Washington và ba đại biểu Connecticut tham dự Hội nghị Lập hiến. (Đây là chủ đề của loạt bài cho Epoch Time tiếp theo của tôi.)
- Xác định ít nhất ba từ hoặc cụm từ mà Hiến Pháp sử dụng theo những cách không phổ biến ngày nay.
- Giải thích sự phân chia quyền hạn và trách nhiệm của Hiến Pháp giữa chính quyền tiểu bang và trung ương, đồng thời hiểu lý do đằng sau sự phân chia đó. Như đã giải thích trước đây trong loạt bài này, để biết những lý do đó cần phải có chút hiểu biết về lịch sử cổ điển, kinh nghiệm của người dân Mỹ thời thuộc Đế quốc Anh và các cuộc tranh luận về hiến pháp giai đoạn 1787–1790.
- Biết các điều khoản chính trong bản gốc của Hiến Pháp và lý do chúng được soạn thảo như hiện tại. (Một lợi ích: Các công dân nhận thức được nhiều yếu tố mà các nhà soạn thảo đã cân bằng khi xây dựng hệ thống bầu cử tổng thống của chúng ta có thể ít bị tổn thương hơn trước các đề nghị hời hợt như “Bầu phiếu phổ thông toàn quốc”.)
- Đọc nhiều lần nội dung của từng điều trong tổng số 27 điều tu chính và lý do chính cũng như sự kiện lịch sử đằng sau mỗi điều sửa đổi đó. (Một lợi ích: Những công dân biết về lịch sử đằng sau Tu chính án thứ 14 ít có khả năng bị đánh lừa bởi những tuyên bố về các đặc quyền hiến định do các nhóm lợi ích đặc biệt đưa ra ngày nay.)
Tôi biết rằng nhiều nhóm lợi ích cạnh tranh để giành được thời gian trong thời khoá biểu của trường học, và có một số cách diễn đạt phổ biến hơn là “Điều này phải được dạy ở trường”. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng một số môn học hiện nay được giảng dạy cần thiết cho sự tồn tại của nền độc lập và tự do của Hoa Kỳ, hơn là luật căn bản của Hoa Kỳ.
Hủy bỏ các môn dạy phụ trợ có thể tạo được chỗ cho các môn học đó. Các trường công của chúng ta dành quá nhiều thời gian trên lớp cho các môn học chẳng có giá trị gì về lâu dài, thí dụ như một số chủ đề nghiên cứu xã hội được liệt kê trong một phân tích năm 2009 về sách giáo khoa tiểu học. Chẳng hạn, liệu có ai có thể khẳng định một cách hợp lý rằng việc nghiên cứu “cuộc sống và lễ hội ở Kenya” cần phải thay thế việc nghiên cứu hệ thống chính quyền nơi người ta sống và bỏ phiếu không?
Giáo dục Pháp luật
Trong bài tiểu luận trước của loạt bài này, tôi đã đề cập đến cuốn sách có tựa đề “Nỗi hổ thẹn của nền giáo dục pháp luật Hoa Kỳ,” của cố học giả người Scotland là Alan Watson. Một phần của “sự hổ thẹn” là cách Hiến Pháp bị hiểu sai trong trường luật. Quý vị có thể gợi ý về những thiếu sót bằng cách phản ánh một trò đùa phổ biến giữa các giáo sư luật: “Tôi không cho sinh viên của mình đọc Hiến Pháp; nó chỉ làm các em bối rối thôi.”
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trò đùa đó là buồn cười. Khi tôi dạy luật hiến pháp, mỗi lớp đọc to toàn bộ tài liệu, học sinh thay phiên nhau cho đến khi chúng tôi hiểu hết nội dung, trong khi tôi xen vào các nhận xét và trả lời câu hỏi.
Đào tạo ra các luật sư, và rồi các thẩm phán, những người hiểu thấu đáo Luật tối cao của chúng ta phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả các trường luật. Nhưng cải cách giáo dục pháp luật sẽ còn khó khăn hơn cải cách hệ giáo dục K-12.
Điều này đúng vì một số lý do: Thứ nhất, mức độ hiểu biết về hiến pháp cần thiết đối với với luật sư cao hơn so với người dân bình thường. Thứ hai, các giáo sư luật có xu hướng được giáo dục kém hơn về lịch sử, kinh điển và ngôn ngữ, và họ không thể dạy những gì họ không biết. Thứ ba, các giáo sư luật hiến pháp thường chỉ có hiểu biết tối thiểu về các lĩnh vực luật chính có ảnh hưởng đến những Nhà Lập Quốc (chẳng hạn như bất động sản, hợp đồng, đại lý và ủy thác). Thứ tư, hầu hết họ chưa hành nghề luật hoặc hành nghề chưa lâu. Cuối cùng, khuynh hướng cực tả của giới học thuật pháp lý tạo ra động cơ tích cực cho việc coi thường, hoặc thậm chí xuyên tạc, ý nghĩa thực sự của Hiến Pháp.
Giải pháp ngay tức thì
Các giải pháp ngay tức thì hiện nay không hoàn hảo, nhưng vẫn phải được thực thi. Giải pháp này dựa vào việc giáo dục Hiến Pháp của các trường tư thục, bán công và tại nhà; trong các buổi gặp gỡ của người dân, các buổi chia sẻ của công dân; và trên các phương tiện truyền thông đại chúng như radio, podcast, video và The Epoch Times. Những kênh đó sẽ phải đảm nhận công việc mà các trường công và trường luật cần phải làm nhưng đã không làm.
Tôi đã viết loạt bài trên như một đóng góp cho nỗ lực này.
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai, thứ mười ba, thứ mười bốn, thứ mười lăm, thứ mười sáu, thứ mười bảy, thứ mười tám, thứ mười chín, thứ hai mươi, và thứ hai mươi mốt.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times