PHÂN TÍCH: Cuộc tranh cãi phía Đảng Cộng Hòa về chức chủ tịch Hạ viện không khiến Hạ viện rơi vào tình cảnh hỗn loạn
Các nhà soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ đã dự liệu rằng sẽ có gián đoạn chính trị nên đã tạo ra một hệ thống để giải quyết tình trạng này một cách yên ổn và trật tự.
Ngay sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa-California) bị truất phế hôm 03/10 trong một diễn biến xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử, trên các hãng truyền thông thiên tả đã tràn ngập những cảnh báo như tuyên bố của The New York Times rằng “Hạ viện [đã] rơi vào cảnh hỗn loạn” và “tê liệt cho đến khi chọn được người kế nhiệm.”
Tương tự, National Public Radio mô tả Hạ viện “gần như bị đình trệ,” trong khi Politico dẫn lời giáo sư khoa học chính trị Julia Azari của Đại học Marquette nói rằng “khả năng hoạt động của Hạ viện đang bị nghi ngờ.”
Ông McCarthy bị truất phế sau khi Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) và bảy dân biểu Đảng Cộng Hòa khác cùng 208 dân biểu Đảng Dân Chủ tuyên bố rằng ghế chủ tịch Hạ viện cần được bỏ trống. Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sau đó đã chọn Lãnh đạo Đa số Hạ viện, Dân biểu Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) để kế nhiệm ông McCarthy, nhưng tại thời điểm viết bản tin này, dân biểu Đảng Cộng Hòa đến từ Louisiana này đang gặp khó khăn để có được số phiếu bầu của 217 trong số 221 dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, trong đó ít ra phải có vài dân biểu trong nhóm tám người của ông Gaetz.
Trên thực tế, mặc dù gây lo ngại, nhưng những tuyên bố của giới truyền thông về sự hỗn loạn và tê liệt vẫn còn xa mới xác đáng bởi vì, phần lớn, hoạt động công vụ thường nhật của Hạ viện vẫn diễn ra bình thường bất chấp sự bối rối và bất ổn chính trị xảy ra sau vụ bãi nhiệm gây bất ngờ của ông McCarthy, bao gồm cả việc sắp đặt Dân biểu Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina) làm chủ tịch tạm quyền. Ông McHenry có thể triệu tập hay cho Hạ viện nghỉ, nhưng quyền lực của ông bị hạn chế trong việc định hình lịch trình lập pháp.
Ví dụ, trong tuần sau khi ông McCarthy mất chức chủ tịch Hạ viện, Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, do Dân biểu Mark Green (Cộng hòa-Tennessee) làm chủ tịch, đã công bố báo cáo tạm thời thứ ba về cuộc điều tra về “cuộc khủng hoảng tại Biên giới Tây Nam và các chính sách cũng như hành động của Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa (DHS) Alejandro Mayorkas đã gây ra cuộc khủng hoảng biên giới tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ như thế nào.”
Tiểu ban Đặc biệt của Hạ viện về Đại dịch Virus Corona, do Dân biểu Brad Wenstrup (Cộng Hòa-Ohio) làm chủ tịch, đã thông báo rằng họ sẽ triệu tập một phiên điều trần vào ngày 18/10 về “‘Tăng cường các Tiêu chuẩn An toàn sinh học và Bảo mật sinh học: Bảo vệ Chống lại các Đại dịch trong Tương lai’ để đánh giá hiệu quả của các biện pháp an toàn sinh học và bảo mật sinh học hiện có sau đại dịch COVID-19 và để thảo luận về những cải tiến chính sách trong tương lai.”
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington) đã lên lịch một phiên điều trần — cũng vào ngày 18/10 — về “Phơi bày những Nỗ lực của EPA nhằm Hạn chế các Hóa chất Cần thiết cho các Thiết bị Y tế Cứu mạng và các Sản phẩm Thiết yếu Khác.” Phiên điều trần về EPA là một trong ba sự kiện sắp tới của các ủy ban được bà McMorris Rodgers công bố cùng lúc.
Theo nhà nghiên cứu cao cấp Robert Moffit đến từ Quỹ Di Sản, những người quen thuộc với cách vận hành của Capitol Hill không nên ngạc nhiên với việc hầu như tất cả mọi công việc của Quốc hội đều tiếp tục không bị gián đoạn ngay cả khi Hạ viện chưa có một chủ tịch được đa số bầu lên và phải phụ thuộc vào một chủ tịch tạm quyền.
“Về vấn đề Hạ viện đang bế tắc, tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng trong nhiều ngày qua, các nhân viên Quốc hội mà tôi đã làm việc cùng đã làm việc rất chăm chỉ về những vấn đề mà họ chưa thể hoàn thành,” ông Moffit nói với The Epoch Times.
Ông là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc đảm nhận một số vị trí nhân viên Quốc hội và cũng từng làm việc trong nhánh hành pháp, giải quyết các mối quan hệ với Quốc hội cho Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ cũng như Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Ông Moffit có bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Arizona. Ông cũng thường xuyên diễn thuyết và viết về tư tưởng và lịch sử chính trị Hoa Kỳ.
Ông Moffit nói: “Bất cứ ai từng làm việc ở Capitol Hill đều biết rằng những ngày làm việc 10, 12, thậm chí 14 giờ là điều bình thường và guồng quay công việc không dừng lại chỉ vì có sự thay đổi trong ban lãnh đạo ở phòng họp.”
Người không ngạc nhiên trước những sự kiện gần đây tại Quốc hội có lẽ là ngài James Madison, một trong ba tác giả đã sử dụng bút danh “Publius” trong The Federalist Papers (Luận cương về Thể chế Liên bang) để bảo vệ cho bản Hiến Pháp Hoa Kỳ được đề nghị lúc bấy giờ. Sau đó, ông đã được bầu làm tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ theo Hiến Pháp.
Ông Madison cũng là một trong những nhà soạn thảo chủ chốt của Hiến Pháp trong hội nghị Philadelphia năm 1787. Một trong những mục đích chính của hội nghị này là tìm cách ngăn chặn các phe phái chính trị phá hủy nền cộng hòa Mỹ còn non trẻ giống như họ đã từng làm với rất nhiều nền dân chủ trước đây từ những thời xa xưa.
Ông Madison đã viết một câu nổi tiếng trong bài luận số 10 của Luận cương về Thể chế Liên bang (Federalist No. 10): “Trong rất nhiều lợi ích mà một Liên minh được xây dựng tốt hứa hẹn mang lại, không có lợi ích nào xứng đáng được phát triển một cách đúng đắn hơn là xu hướng phá vỡ và kiểm soát bạo lực phe phái của Liên minh.”
“Bằng hữu của các chính phủ được người dân ủng hộ không bao giờ cảm thấy lo lắng cho bản chất và số phận của những chính phủ như vậy, khi ông ấy suy ngẫm về thiên hướng của họ đối với tệ nạn nguy hiểm này. Do đó, ông ấy sẽ không thất bại trong việc đặt ra giá trị xứng đáng cho bất kỳ kế hoạch nào mà, khi không vi phạm các nguyên tắc mà ông ấy gắn bó, sẽ cung cấp một phương pháp sửa chữa thích hợp cho tệ nạn này.”
Theo ông Madison, cách giải quyết là phân chia quyền lực của chính phủ cho ba nhánh trong chính phủ liên bang, cũng như phân chia quyền lực giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang. Theo cách tương tự, bản thân nhánh lập pháp cũng phải được phân chia thành Thượng viện và Hạ viện. Kết quả là, với sự phong phú và đa dạng của các nhóm lợi ích được đại diện, đặc biệt là trong Hạ viện, các nhà lập pháp sẽ buộc phải cân nhắc và thỏa hiệp để tập hợp nên một khối đa số để quản trị.
Ngài Madison đã viết trong bài luận số 51 của Luận cương về Thể chế Liên bang (Federalist No. 51) như sau, “Trong chính phủ cộng hòa, cơ quan lập pháp nhất thiết phải chiếm ưu thế. Biện pháp khắc phục sự bất tiện này là chia cơ quan lập pháp thành các nhánh khác nhau; và qua các phương thức bầu cử khác nhau và các nguyên tắc hành động khác nhau, làm cho các nhánh này ít liên kết với nhau nhất có thể, theo mức độ mà bản chất của các chức năng chung và sự phụ thuộc chung của các nhánh này vào xã hội cho phép.”
Do đó, quyền và lợi ích của các nhóm thiểu số ở Hoa Kỳ sẽ được bảo vệ tối đa bởi những khó khăn to lớn trong việc hình thành một khối đa số lập pháp — chứ đừng nói đến việc hình thành một khối đa số sở hữu cả khả năng kiểm soát hai nhánh còn lại — với khả năng gây tổn thất mà không bị kiềm chế. Theo ngài Madison, các phe phái chính trị là không thể tránh khỏi, nhưng quyền tự do cá nhân có thể được bảo vệ tốt nhất và chính phủ đại diện có thể hoạt động tốt nhất khi các quyết định phải được đưa ra bởi các khối đa số có được thông qua thảo luận và thỏa hiệp.
Nói cách khác, theo ông Moffit: “Nếu có bất kỳ bài học nào từ Luận cương về Thể chế Liên bang, thì đó là chính sách công đúng đắn đang và phải dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng của các đại diện được bầu của người dân, và chính sách công phải dựa trên sự thỏa hiệp và đồng thuận, bởi vì chúng ta có một xã hội đa nguyên gồm các tiểu bang và dân cư. Đó là cách duy nhất mà một cơ quan lập pháp có thể hoạt động hiệu quả trong một xã hội dân chủ, đa nguyên.”
Chắc chắn rằng, chừng nào ông McHenry còn chủ trì trong khi thiếu thẩm quyền quy định lịch trình và nội dung của quá trình lập pháp thì Hạ viện sẽ vẫn bị hạn chế tạm thời. Nhưng một khối đa số quá bán có thể có thể thay đổi mô tả công việc của chủ tịch tạm quyền để bao gồm việc lên lịch cho hoạt động lập pháp được tiến hành tại Hạ viện trong khi các phe phái khác nhau trong hội nghị Đảng Cộng Hòa giải quyết những khác biệt phải thừa nhận là gay gắt của họ.
Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, tất cả các phe phái thuộc Đảng Cộng Hòa sẽ nhận ra rằng họ phải tìm ra một thỏa hiệp để tránh một số người trong họ phá vỡ ranh giới đảng phái và tham gia cùng các dân biểu Đảng Dân Chủ Hạ viện trong việc chỉ định một tân chủ tịch chỉ được một thiểu số nhỏ dân biểu Đảng Cộng Hòa ủng hộ.
Theo thành viên cao cấp của Viện Cato, ông Roger Pilon, nhận thức đó là cần thiết nếu nhóm tám người của ông Gaetz muốn thực hiện mục tiêu cuối cùng của họ là chấm dứt việc sử dụng các ủy quyền chi tiêu tạm thời như các Nghị quyết Chi tiêu Tiếp tục (CR) thay vì các khoản phân bổ ngân sách lớn được viết trong ủy ban, thì sẽ có cuộc tranh luận toàn diện trên sàn Hạ viện và được một khối đa số thông qua.
Ông Pilon lấy bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Chicago, từng đảm nhận năm vị trí cao cấp trong chính phủ cố TT Reagan, và sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Hiến Pháp Cato vào năm 1989, sau đó giám sát trung tâm này cho đến năm 2019.
“Những người cứng rắn đúng về bản chất nhưng sai về cách thức quản trị,” ông Pilon nói với The Epoch Times. “Họ đúng khi cho rằng chính phủ này đang khiến nước Mỹ phá sản mà không hề xem trọng thực tế đó và điều này không thể kết thúc tốt đẹp.”
“Chỉ cần nhìn vào Argentina hiện nay để biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào một khi quỹ tín thác dành cho cái gọi là các phúc lợi của chúng ta cạn kiệt như họ trong vài năm ngắn ngủi sắp tới. Những người cứng rắn đúng về điều đó, nhưng quý vị không thể làm gì được vấn đề đó hoặc bất kỳ vấn đề nào khác nếu quý vị không thể đạt được những thỏa hiệp giúp quý vị duy trì nắm quyền và giải quyết các vấn đề.”
Nói cách khác, theo quan điểm của ông Pilon, nhóm tám người của ông Gaetz khiến mong muốn có được thành quả hoàn hảo trở thành yếu tố cản trở sự tiến bộ. Như để minh họa cho quan điểm đó, vào thứ Sáu trước khi truất phế ông McCarthy, nhóm tám người của ông Gaetz đã cùng với Đảng Dân Chủ đánh bại một CR mà nếu được thông qua sẽ cắt giảm 8% chi tiêu liên bang tùy ý trên toàn diện.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times