Phi dân chủ: Thượng nghị sĩ từ các tiểu bang khác
Thật may mắn nếu quý vị có được điều này — Một sự bổ nhiệm thẳng vào Thượng Viện Hoa Kỳ. Thống đốc California Gavin Newsom đã làm dấy lên những nghi vấn mới về quy trình bổ nhiệm bà Laphonza Butler để thay thế Thượng nghị sĩ Diane Feinstein vừa qua đời. Việc bổ nhiệm bà Butler không chỉ là một điều bất ngờ đối với những người trong Đảng Dân Chủ California, mà bà ấy còn là cư dân bỏ phiếu của Maryland chứ không phải của Tiểu bang Vàng. Bà đã sống ở California được 12 năm nhưng đã ghi địa chỉ hợp pháp của mình là Maryland kể từ năm 2021.
Đây không phải là trường hợp duy nhất của thế kỷ 21 về một ứng cử viên chính trị đứng ra tranh cử ở khu vực mà họ không có liên hệ tại địa phương. Cựu Đệ Nhất Phu nhân Hillary Clinton cũng chuyển từ Arkansas đến New York vào cuối năm 1999 để tranh cử vào Thượng Viện năm 2000. Ông Mitt Romney chuyển địa chỉ cư trú từ Massachusetts đến Utah vào năm 2014 để tranh cử vào chiếc ghế do Thượng nghị sĩ sắp về hưu Orrin Hatch bỏ trống vào năm 2018. Dựa vào tên tuổi của cha mình, bà Liz Cheney đã mua một ngôi nhà ở Wyoming hồi năm 2012 để tranh cử vào Quốc Hội vào năm 2014.
Đối với ba ứng cử viên bắt đầu sự nghiệp muộn màng này, họ lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của mình. Tiến sĩ Mehmet Oz đã chuyển đến Pennsylvania vào năm 2020 (xác nhận rằng ông đã thuê phòng từ gia đình vợ của mình) để tranh cử vào Thượng Viện hồi năm 2022. Nhận được sự tán thành của cựu Tổng thống Donald Trump, ông đã giành được đề cử từ Đảng Cộng Hòa, nhưng sau đó lại bị trừng phạt trong cuộc tổng tuyển cử, một phần do quan điểm cho rằng ông ấy là một người đến từ nơi khác.
Điểm chung giữa những ứng cử viên này là họ đã chuyển đến để cạnh tranh trong các cuộc bầu cử của Đảng Dân Chủ. Bà Laphonza Butler đã được lựa chọn để đến từ tiểu bang khác và đại diện cho California.
Khi một thành viên Quốc Hội để lại một ghế trống, sẽ có hai hệ thống cơ bản được áp dụng. Tại Hạ Viện, tất cả các ghế trống đều được lấp đầy bằng một cuộc bầu cử đặc biệt do thống đốc tiểu bang lập ra. Cũng như vậy, có bốn tiểu bang sẽ yêu cầu một cuộc bầu cử đặc biệt đối với [ghế trống ở] Thượng Viện. Tuy nhiên, quy trình bầu cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ tại những tiểu bang khác lại khá khác biệt.
Đối với 46 tiểu bang còn lại, các thống đốc sẽ chỉ định một người thay thế tạm thời vào Thượng Viện, với các quy định khác nhau về thời gian bổ nhiệm tạm thời đó có thể kéo dài bao lâu, và liệu họ có thể chọn người họ muốn hay phải bổ nhiệm ai đó từ đảng của thượng nghị sĩ sắp mãn nhiệm hoặc từ một danh sách đảng (một hệ thống bầu cử đại diện theo tỷ lệ trong đó mọi người bỏ phiếu cho một đảng chứ không phải cho một ứng cử viên và các vị trí sẽ được lấp đầy từ danh sách ứng cử viên theo tỷ lệ phiếu bầu của mỗi đảng).
Đôi khi các thống đốc tự chuốc lấy rắc rối lớn. Sau khi Thượng nghị sĩ Barack Obama trở thành Tổng thống, Thống đốc tiểu bang Illinois Rod Blagojevich đã đòi tiền hối lộ từ những người thay thế tiềm năng. Ông bị luận tội và bị cách chức, sau đó bị kết tội tham nhũng và phải thụ án tù 8 năm trong nhà tù liên bang.
Hàng năm đều có những ghế trống. Trong lịch sử, 153 thượng nghị sĩ đã qua đời khi còn đang đương nhiệm (không bao gồm việc về hưu hoặc từ chức) kể từ năm 1913 khi Tu chính án thứ 17 được thông qua để thay đổi Điều I, Mục 3 của Hiến Pháp từ việc các thượng nghị sĩ sẽ do cơ quan lập pháp tiểu bang bổ nhiệm thành người dân bầu cử trực tiếp. Nhưng Tu chính án này cũng cho biết thêm rằng các thống đốc có quyền bổ nhiệm người thay thế cho đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, nếu được cơ quan lập pháp tiểu bang của họ cho phép.
Mặc dù các thống đốc là do dân bầu ở tiểu bang của họ, nhưng quá trình bổ nhiệm này vẫn mang tính phi dân chủ. Người dân đã bầu chọn ai đó làm thống đốc cho tiểu bang của họ vẫn có thể có những ưu tiên khác khi bầu cử cho một thượng nghị sĩ.
Chính quyền các tiểu bang nên sửa đổi Hiến Pháp của mình. Hãy tuân theo tinh thần của Hiến Pháp Hoa Kỳ và để các thượng nghị sĩ — luôn luôn — là do dân bầu, và bầu cử một cách kịp thời. Các tiểu bang nên yêu cầu các ứng cử viên phải sống ở tiểu bang hoặc khu vực của họ trong vài năm trước khi tranh cử; điều đó chắc chắn là một yêu cầu trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Giới hạn thời gian nhiệm kỳ sẽ làm giảm số lượng thượng nghị sĩ cao niên, khi độ tuổi trung bình hiện nay là 65 và khoảng một phần tư [trong số các thượng nghị sĩ] đã trên 80 tuổi.
Cuối cùng, phần lớn nền chính trị quốc gia đã trở thành sự chuyển giao quyền lực từ cả hai nhánh Hành pháp và Lập pháp cho Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Quyền của các thống đốc trong việc bổ nhiệm thượng nghị sĩ không chỉ là câu hỏi về việc tiểu bang của họ sẽ được đại diện ra sao, mà còn là ai sẽ là người kiểm soát Thượng Viện — nơi vốn [có thể] phê chuẩn các Thẩm phán của Tối cao Pháp viện trên một cơ sở hoàn toàn chính trị.
Dù cho người ta nghĩ gì về việc bổ nhiệm của ông Newsom thì ông ấy đã làm sáng tỏ quá trình phi dân chủ trong việc thay thế các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ này. Đã đến lúc cần có sự thay đổi.
Các quan điểm và ý kiến được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh chính sách hoặc quan điểm chính thức của Viện Centennial và Đại học Cơ Đốc Giáo Colorado.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times