Những người cha trên phim ảnh: Những người cha tốt của Hollywood
Giữa cơn khủng hoảng tình phụ tử, các hình mẫu về người đàn ông tốt vẫn có thể tìm thấy — nếu bạn biết chỗ để tìm
Tìm kiếm trực tuyến với cụm từ “young men in trouble” (các chàng trai trẻ gặp rắc rối), và bạn sẽ tìm thấy hàng chục bài viết, nhiều bài trong đó còn khá mới, nói về một thế hệ nam giới trong cơn khủng hoảng. Nhiều chàng trai trẻ ngày nay cảm thấy lúng túng, không biết rõ mình là ai hay mục đích của họ trong cuộc sống hay ý nghĩa của việc trở thành một người đàn ông trong một nền văn hóa mà đã đánh mất chuẩn mực đạo đức.
Là một phần của nền văn hóa này, Hollywood cũng góp phần trong việc tạo nên cơn bão hỗn loạn và mơ hồ đó. Mặc dù vậy, Tinseltown (biệt danh của Hollywood) đã sản xuất khá nhiều bộ phim mang đến cho các khán giả những bài học tích cực về ý nghĩa của phẩm chất nam nhân.
Hãy bắt đầu với nhân vật Rick vốn là một người hay lý tưởng hóa bị vỡ mộng trong bộ phim “Casablanca,” nhân vật Atticus Finch chính trực trong bộ phim “To Kill a Mockingbird” (Giết con chim nhại), nhân vật Maximus đáng kính trong bộ phim “Gladiator” (Võ sĩ giác đấu), Thuyền trưởng hào hiệp Jack Aubrey trong bộ phim “Master and Commander” (Thuyền trưởng và Chỉ huy), nhân vật Hub và Garth McCann trong bộ phim “Secondhand Lions” (Hai cựu chiến binh), một số nhân vật trong loạt phim “The Lord of the Ring” (Chúa tể chiếc nhẫn), nhiều nhân vật siêu anh hùng, và bất kỳ nhân vật thiết thực nào như John Wayne miền Viễn Tây. Những bộ phim này và nhiều bộ phim khác nữa mang đến cho chúng ta các hình mẫu nam tính về danh dự, lòng dũng cảm, và đức hạnh, những ví dụ về cách mà bản thân chúng ta có thể trở thành mẫu người đàn ông tốt.
Và những người đàn ông tốt sẽ trở thành những người cha tốt.
Sự mất mát
Xuyên suốt lịch sử nhân loại, gia đình đóng vai trò là nền tảng cơ sở trong bất kỳ nền văn minh nào. Ngày nay, nền tảng đó đã sụp đổ, tan vỡ bởi nhiều vết rạn nứt: ly hôn, suy giảm tín ngưỡng tôn giáo, tâm lý nhấn mạnh tự ngã phổ biến, và các hệ tư tưởng Marxist phá hủy gia đình đã xâm nhập vào các ngôi trường, các tập đoàn, và nền văn hóa của chúng ta. Trong 50 năm qua, ngay cả những chính sách của chính phủ chúng ta cũng làm tổn hại đến lý tưởng về các gia đình nguyên vẹn, thay thế những người cha đích thực bằng những “ông bố ngọt ngào” giàu sụ.
Kết quả là, trên 18 triệu trẻ em ở đất nước chúng ta hiện nay lớn lên mà không có một người cha ở trong nhà, khiến Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về tình trạng trẻ em không có cha. Tai họa nuôi dạy con cái này sẽ không tránh khỏi việc hình thành một vòng tuần hoàn ác tính và tệ hơn là khi một thế hệ các bé trai không có cha đến tuổi trưởng thành, thiếu hụt các kỹ năng làm cha, điều mà nhiều người trong chúng ta học hỏi thông qua việc quan sát.
Nhìn chung, tình trạng không có cha sẽ khiến những cậu bé này bị thương tổn và phá hủy xã hội của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. So với các bạn có cả cha lẫn mẹ, những cậu bé này có nhiều khả năng bỏ học, vật lộn với các vấn đề về sức khỏe cảm xúc và tinh thần, và dễ phạm tội hơn.
Các chàng trai trẻ này cần có những người chỉ dẫn — các giáo viên, mục sư, huấn luyện viên, và họ hàng thân quyến khác — để giúp họ phát triển các yếu tố làm cha. Và đối với vai trò chỉ dẫn này, Hollywood có thể trợ giúp một phần.
2 trong số những bộ phim hay nhất
Một số bộ phim đề cập đến chủ đề làm cha một cách trực tiếp và cởi mở.
Chẳng hạn như, trong bộ phim “Mưu cầu hạnh phúc,” nhân vật Chris Gardner (nam tài tử Will Smith thủ vai) đóng vai cả cha lẫn mẹ của cậu con trai, Christopher (diễn viên Jaden Smith thủ vai), khi người vợ rời bỏ anh và hai cha con trở thành người vô gia cư. Anh Chris mưu sinh với công việc bán hàng và đào tạo để trở thành một người môi giới chứng khoán, trong khi chăm sóc cho cậu con trai của anh. Động lực của anh ấy là gì?
“Tôi đã gặp cha lần đầu tiên khi tôi 28 tuổi,” anh chia sẻ. “Tôi đã quyết định rằng khi tôi có con, các con của tôi sẽ biết cha của chúng là ai.”
Bộ phim “Mưu cầu hạnh phúc” khắc họa một người cha có những lời nói và hành động định hình mẫu người đàn ông mà cậu con trai của anh sẽ trở thành.
Bộ phim “Shenandoah” năm 1965 mang đến cho chúng ta nhân vật Charlie Anderson (nam tài tử James Stewart thủ vai), là một nông gia, góa vợ, cũng là người cha của sáu cậu con trai và một cô con gái sinh sống tại Thung lũng Shenandoah của tiểu bang Virginia trong suốt cuộc Nội Chiến. Ông phản đối cuộc chiến tranh và không cho phép các con trai của mình tham gia lực lượng Liên minh miền Nam Hoa Kỳ, tuy nhiên cuối cùng, cả gia đình ông bị cuốn vào cuộc chiến. Hai người con trai và một cô con dâu của ông đã thiệt mạng, và cậu con trai út của ông, là một thiếu niên, đã bị tàn tật một chân bởi vết thương khi chiến đấu.
Ông Anderson sống theo một chuẩn mực đạo đức cá nhân. Ông đặt quyền lợi của gia đình lên trên quốc gia; ông tôn vinh những ước mơ của người vợ quá cố, bà Martha, khi nuôi dưỡng các con; mặc dù ông tỏ ra lạnh lùng trước những kẻ thù của gia đình, nhưng ông dịu dàng hiền từ đối với các con trai và con gái của mình. Những đứa con của người cha này là bức tượng đài của ông dành cho người vợ Martha thân yêu.
Những người cha ở phía sau
Phổ biến hơn cả là những bộ phim mà trong đó các quan điểm tích cực về tình phụ tử là điều thứ yếu trong cốt truyện của một bộ phim. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý, thì các bộ phim này có thể khắc họa rõ nét, sống động về một người đàn ông và vị trí của họ trong gia đình.
Qua việc kể câu chuyện của nhân vật George Bailey, bộ phim kinh điển dịp Lễ Giáng Sinh có nhan đề “It’s a Wonderful Life” (Cuộc sống tuyệt vời) truyền tải thông điệp rằng mỗi người chúng ta đều quan trọng và có một phần vai trò trong thế giới này. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát kỹ càng, thì nhân vật George Bailey (nam diễn viên điện ảnh James Stewart thủ vai) là một hình mẫu tuyệt vời về tình phụ tử. Đương nhiên là anh yêu quý và tôn trọng vợ mình, cô Mary, và thương yêu các con của mình, được làm nổi bật qua cái ôm của anh dành cho vợ con gần cuối bộ phim.
Để đáp lại một giọng nói bí ẩn và một mộng cảnh trong bộ phim “Field of Dreams” (Sân bóng chày của những giấc mơ), một nông gia ở tiểu bang Iowa là Ray Kinsella (nam tài tử Kevin Costner thủ vai) đã cày xới một phần ruộng bắp của anh và biến nó thành một sân bóng chày thực sự. Không lâu sau, linh hồn của những cầu thủ bóng chày thời xưa hiện về chơi bóng. Những bí ẩn của sinh mệnh và tầm quan trọng của những giấc mơ là chủ đề chính của bộ phim, và chúng ta có thể bị cuốn vào sự kỳ diệu của câu chuyện này, tuy nhiên ẩn sâu bên trong cốt truyện này là một câu chuyện về tình phụ tử.
Anh Kinsella mong ước rằng anh có thể chuộc lỗi với người cha quá cố của mình, một người hâm mộ bóng chày nồng nhiệt, tuy nhiên đến khi bộ phim kết thúc thì chúng ta mới thực sự hiểu được mệnh lệnh của giọng nói đó: “Nếu anh xây dựng [sân bóng chày], thì ông ấy sẽ đến.” Cha của anh hiện ra cùng những cầu thủ [bóng chày] khác, và trong một tình tiết điển hình về tình phụ tử, anh Ray hỏi, “Có phải là cha không? Cha có muốn một cú bắt bóng không?” Hai cha con ném bóng và nhờ đó chữa lành vết thương của nhau.
Và từ tình yêu của anh Ray dành cho vợ và con gái, chúng ta biết rằng, dẫu cho anh có nhận ra điều đó hay không, thì anh cũng đã học từ cha mình cách làm một người cha.
Trí tuệ của người cha
Đôi khi, các bộ phim cũng sẽ truyền tải một thông điệp cụ thể cho là những khán giả nam trẻ tuổi. Chẳng hạn như, trong bộ phim “Rocky Balboa,” là một bộ phim nói về tình phụ tử cũng nhiều như nói về quyền anh, nhân vật Rocky (nam tài tử Sylvester Stallone thủ vai) truyền dạy bài học nho nhỏ như sau cho cậu con trai mới lớn đang gặp rắc rối của ông.
“Hãy để cha nói cho con một số điều mà con đã biết. Thế giới này không chỉ toàn là ánh mặt trời và cầu vồng. Nó còn là một nơi thấp hèn và dơ bẩn, và cha không quan tâm con cứng cỏi cỡ nào, nhưng nó sẽ đánh bại con và mãi mãi giữ con ở đó nếu con để cho nó làm vậy. Con, cha, hay không một ai sẽ đấm mạnh như cuộc sống này. Tuy nhiên, nó không phải là con đấm mạnh cỡ nào. Mà là con có thể bị đánh gục cỡ nào và tiến về phía trước, con có thể chịu đựng đến mức nào và tiến về phía trước. Đó là cách chiến thắng!”
Đó là lời khuyên tuyệt vời dành cho bất kỳ ai đang tìm cách vực dậy từ thất bại hay những lỗi lầm. Đây là một kiểu lời khuyên, tốt nhất là do một người cha dạy bảo, mà tất cả những cậu con trai đều cần có.
Nếu bạn chỉ dẫn, thì con trai bạn sẽ học hỏi
Trên hành trình trở thành người đàn ông, những cậu con trai của chúng ta sẽ được dạy dỗ tốt nhất bởi những người cha tốt. Nếu vắng bóng người cha, thì ông nội hay chú bác, người cố vấn hay thầy cô, hay một số người cố vấn khác có thể đưa ra lời chỉ dẫn và có ảnh hưởng lành mạnh.
Dẫu cho hoàn cảnh gia đình của bạn như thế nào, nhưng các bộ phim có thể củng cố những hình ảnh tích cực về tình phụ tử. Từ bộ phim “The Lion King” (Vua sư tử) và “Finding Nemo” (Đi tìm Nemo) dành cho lứa tuổi nhỏ hơn đến những bộ phim đã nêu trên và những bộ phim tương tự khác, các cậu bé và các chàng trai trẻ có thể nhận ra những thông điệp, bao gồm các thông điệp được truyền tải qua tiềm thức, truyền đạt những phẩm chất của tình yêu, lòng trung thành, công bằng, và kỷ luật làm nên những người cha tốt.
Y Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times