Những người Cấp tiến đang Thoái hóa như thế nào?
Chúng ta thường vẫn nghe các nhà bình luận chính trị và các quan chức Đảng Cộng Hòa sử dụng các thuật ngữ “tự do” và “cấp tiến” khi nói về Đảng Dân Chủ? Tuy nhiên, ý nghĩa của hai thuật ngữ này lại hoàn toàn khác nhau.
Chủ nghĩa tự do là một triết lý chính trị nhấn mạnh quyền tự do cá nhân, quyền tự quyết và quyền được lựa chọn. Theo quan điểm tự do, bản chất con người là sự pha trộn của các phẩm chất: nghị lực và lười biếng, ích kỷ và hào phóng, sáng tạo và thói quen. Xã hội tồn tại để cung cấp tối đa sự tự do cho các cá nhân, kèm theo những ràng buộc cần thiết để hạn chế sự xâm phạm lẫn nhau.
Bất bình đẳng trong một xã hội tự do phản ánh sự khác biệt về năng lực và động lực giữa các cá nhân. Chủ nghĩa tự do ủng hộ các cuộc bầu cử tự do cho các quan chức nhà nước và chính phủ có quyền lực hạn chế. Đối với những người theo chủ nghĩa tự do, nền kinh tế của đất nước nên dựa trên các quan hệ hợp đồng do người sản xuất và người tiêu dùng, doanh nhân và người lao động tự nguyện giao kết.
Chủ nghĩa cấp tiến nhấn mạnh về bình đẳng và quyền lợi. Theo quan điểm cấp tiến, bản chất con người về căn bản là tốt, và những tệ nạn là do hoàn cảnh xã hội không hoàn hảo và bị áp bức. Theo họ, xã hội có thể trở nên hoàn hảo, và một xã hội hoàn hảo là xã hội bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi. Nền kinh tế nên được sở hữu và điều hành chung bởi toàn xã hội. Chính phủ phải có quyền lực và có khả năng kiểm soát mọi mặt của xã hội. Các đảng phái chính trị là đang chia rẽ xã hội một cách bất công và là không cần thiết khi chính phủ đã đại diện cho toàn thể người dân.
Phương hướng của chủ nghĩa tự do là ủng hộ nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản, trong khi phương hướng của chủ nghĩa cấp tiến là ủng hộ chủ nghĩa xã hội và kế hoạch hóa kinh tế của chính phủ. Không phải ngẫu nhiên mà một số thành viên của nhóm cấp tiến tại Hạ viện là thành viên của Đảng Xã hội Dân chủ Hoa Kỳ. Nhóm này ủng hộ chủ nghĩa tập thể, thể hiện trong sự kiểm soát của chính phủ đối với tất cả các thể chế và chương trình lớn, chẳng hạn như hỗ trợ phúc lợi, trường mầm non, giáo dục, y tế và tổ chức lao động. Những người cấp tiến thích sự độc tài của chính phủ trong tất cả các lĩnh vực này, đó là lý do tại sao họ phản đối quyền lựa chọn trường học, lựa chọn lao động và lựa chọn y tế (ngoại trừ việc phá thai mà họ yêu thích).
Những người theo chủ nghĩa cấp tiến coi các nền dân chủ tự do là các hệ thống bất công do các đặc quyền được thừa kế và sự áp bức những người yếu đuối. Những người theo chủ nghĩa tự do coi những người cấp tiến như đang hủy hoại tự do cá nhân bằng cách tranh giành mọi chức năng trong một chính phủ toàn quyền, và vì thế ủng hộ chế độ độc tài.
Chủ nghĩa cấp tiến dựa trên ý tưởng về sự tiến bộ của Karl Marx: một phong trào do xung đột giai cấp thúc đẩy từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và sau đó là chủ nghĩa cộng sản. Trong chủ nghĩa Marx cổ điển, các giai cấp được xác định theo vị trí kinh tế và quyền kiểm soát đối với tư liệu sản xuất. Giai cấp trung lưu là chủ sở hữu tư liệu sản xuất và giai cấp công nhân vô sản là những người sống bằng tiền lương do bán sức lao động.
Trong xã hội chủ nghĩa cổ điển, sự bình đẳng được thúc đẩy cho hầu hết mọi người, mặc dù giới tinh hoa cầm quyền đều có quyền lực và địa vị cao hơn số đông. Mặc dù bình đẳng gia tăng và theo sự nhìn nhận của những người cấp tiến, công lý cũng được nâng cao, đó lại là sự bình đẳng về đói nghèo và khốn khổ, bởi kế hoạch kinh tế tập trung của chính phủ toàn trị không xây dựng được nền kinh tế và kích thích sự đổi mới, động lực và phát triển kinh doanh. Đồng thời, bất chấp tuyên bố kéo dài hàng thế kỷ rằng “Chủ nghĩa xã hội thật sự chưa bao giờ được thử nghiệm”, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Albania, Campuchia, Bắc Hàn, Cuba, Venezuela đều đã hoặc đang là các chế độ độc tài áp bức và là những thất bại kinh tế, trì trệ và nghèo đói.
Những người cấp tiến ở Bắc Mỹ, ngoại trừ những người theo chủ nghĩa xã hội cổ điển như Bernie Sanders, đã đổi mới hệ tư tưởng, loại bỏ đấu tranh giai cấp về kinh tế và thay thế nó bằng các nhóm bản sắc như: giới tính, sắc tộc, xu hướng tình dục, tôn giáo, quốc tịch, năng lực. Giờ đây, những người (bị cho là) da trắng (bao gồm cả người Á Châu và Do Thái “da trắng”), nam giới, và theo Cơ Đốc Giáo là những kẻ áp bức, còn người da màu, phụ nữ, LGBTQ++, người Hồi Giáo và người tàn tật là nạn nhân bị áp bức.
Mâu thuẫn giữa các nhóm bản sắc của những người cấp tiến không mang đến “tiến bộ” dưới bất kỳ hình thức rõ ràng nào, mà còn dẫn đến sự thoái trào xã hội, làm hồi sinh các loại định kiến và phân biệt đối xử xấu xa, trong khi phá hoại trật tự công cộng và chủ quyền quốc gia.
Với ba nhân tố “công bằng xã hội” là “đa dạng, bình đẳng và hòa nhập”, những người cấp tiến đã đưa chúng ta trở lại những ngày đen tối của luật Jim Crow, với một số sắc tộc được xem là có đạo đức còn những sắc tộc khác là xấu xa, với điểm khác biệt duy nhất là màu sắc đã thay đổi. Sự “hòa nhập” của chủ nghĩa cấp tiến có các sắc tộc và giới tính được ưu tiên, còn các sắc tộc và giới tính khác bị loại trừ, như chúng ta nhìn thấy trong việc tuyển dụng, tuyển sinh đại học, tài trợ, thăng chức và giải thưởng. Ví dụ mới nhất là tiểu bang New York sắp xếp thứ tự những người sẽ được điều trị y tế COVID-19 theo sắc tộc của họ.
Bình đẳng, nghĩa là sự tương đương về mặt thống kê giữa các sắc tộc và giới tính, trên thực tế có nghĩa là tuyển nhiều người được ưu tiên và ít người bị ghét hơn. Các biện pháp khách quan, chẳng hạn như các bài kiểm tra tiêu chuẩn và các chương trình giáo dục tiên tiến, đều bị hủy bỏ vì chúng không tạo ra kết quả “bình đẳng” như mong muốn. Giờ đây, phân biệt sắc tộc và phân biệt đối xử đã được thể chế hóa và được xem là cần thiết bởi những người cấp tiến, miễn là các nhóm ưu tiên được hưởng lợi.
Bởi vì một số sắc tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn trong giới tội phạm (và nạn nhân), những người cấp tiến đã ủng hộ “cải cách công lý” để giảm bớt cái giá mà tội phạm thiểu số phải trả. Do đó, những người cấp tiến đã ủng hộ việc cắt giảm kinh phí và giải tán cảnh sát, trói buộc hoạt động của cảnh sát, thả tù nhân khỏi bị giam giữ, dừng việc giam giữ các bị can nguy hiểm trước khi xét xử bằng việc cho tại ngoại miễn phí, và các luật sư cấp quận từ chối truy tố tội phạm vì họ coi tội phạm là “nạn nhân của xã hội” chứ không phải là nạn nhân của các lựa chọn tồi tệ của chính họ.
Kết quả là một sự ngạc nhiên chỉ đối với những người cấp tiến, đó là trật tự công cộng bị phá vỡ nghiêm trọng, với tội phạm bạo lực và bất bạo lực gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố do Đảng Dân Chủ lãnh đạo. Đối với những người cấp tiến, an toàn công cộng là sự phân biệt sắc tộc có hệ thống, vì vậy họ rất vui nếu không có nó. Mặc dù số lượng lớn nạn nhân của bạo lực là các sắc tộc thiểu số, những người cấp tiến vẫn tiếp tục bị ám ảnh về số lượng nhỏ các vụ sát nhân của cảnh sát hơn là nạn nhân của tội phạm. Những người cấp tiến thích tội phạm hơn là nạn nhân của tội phạm. Họ thậm chí còn khuyến khích mọi người tham gia vào các hành vi bất hợp pháp, ví dụ như năm 2020, họ khuyến khích những kẻ bạo loạn cướp bóc, đốt phá và tấn công cảnh sát, sau đó bảo lãnh những kẻ này cho đến khi các luật sư quận cấp tiến từ chối truy tố những kẻ bạo loạn.
Những người theo chủ nghĩa cấp tiến đặc biệt ủng hộ người ngoại quốc nhập cư trái phép, không được hoan nghênh và vi phạm luật pháp của chúng ta. Đối với những người cấp tiến, người ngoại quốc bất hợp pháp được ưu tiên hơn công dân, bởi vì có nhiều người là người da màu, bởi vì đất nước đang “phân biệt sắc tộc một cách có hệ thống”, và cán cân sắc tộc cần được thay đổi để có lợi cho người da màu, và bởi vì những người cấp tiến nghĩ rằng họ có thể được những người nhập cư bất hợp pháp ủng hộ khi trở thành cử tri trong tương lai, bằng cách dành cho họ những đặc quyền được trả bởi những công dân đóng thuế. Những người cấp tiến đã dung dưỡng những kẻ nhập cư bất hợp pháp trong các tiểu bang, thành phố và trường đại học bảo hộ, và bảo vệ các tội phạm trong số đó, là lợi ích hai trong một của những người cấp tiến.
Những người cấp tiến không thích các cuộc bầu cử công bằng mà họ luôn có khả năng thua, vì vậy họ ủng hộ “cải cách bầu cử”, nghĩa là liên bang, trái với Hiến Pháp, sẽ chiếm lĩnh các cuộc bầu cử, và họ muốn loại bỏ tất cả các biện pháp bảo vệ chống gian lận. Họ đặc biệt ghét yêu cầu về nhận dạng cử tri, vốn bị họ dán nhãn là “đàn áp cử tri”, mặc dù giấy tờ nhận dạng được công chúng rất ủng hộ và được sử dụng ở hầu hết các nền dân chủ trên thế giới. Khi những người cấp tiến nói “đàn áp cử tri”, họ có ý là đàn áp các phiếu bầu bất hợp pháp, chẳng hạn như phiếu bầu của những người nhập cư trái phép, hoặc nhiều phiếu bầu từ một cá nhân, hoặc phiếu bầu do bên thứ ba ghi. Việc thao túng và phá hoại bầu cử là một biểu hiện khác của khuynh hướng độc tài của những người cấp tiến. Những người cấp tiến không thực sự thích dân chủ; họ thích chế độ độc tài của giai cấp vô sản, hoặc trong sự chuyển đổi chính trị bản sắc ngày nay, chế độ độc tài của các nhóm thiểu số “bị gạt ra ngoài lề và không được đối xử tốt”.
Nói một cách ngắn gọn, những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ tự do cá nhân, chính phủ có giới hạn, an toàn công cộng và chủ quyền quốc gia. Những người cấp tiến ủng hộ một số sắc tộc và giới tính hơn những sắc tộc và giới tính khác, ủng hộ tội phạm hơn là nạn nhân, ủng hộ người ngoại quốc nhập cư trái phép hơn là công dân, và ủng hộ sự cai trị độc tài hơn là nền dân chủ. Những người theo chủ nghĩa cấp tiến là những người phi tự do nhất có thể. Vậy nên, đừng gọi họ là “những người theo chủ nghĩa tự do”.
Ông Philip Carl Salzman là giáo sư danh dự về nhân chủng học tại Đại học McGill, là chuyên gia cao cấp tại Frontier Centre for Public Policy, là chuyên gia của Middle East Forum, và là chủ tịch của tổ chức Scholars for Peace in the Middle East.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Joe Nguyễn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: