Indonesia thông qua bộ luật hình sự mới cấm tuyên truyền cộng sản
Indonesia đã thông qua một bộ luật hình sự mới trong tháng này nhằm cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Marx-Lenin. Các chuyên gia tin rằng hành động này là một phần trong xu hướng chung nhằm cô lập và bài trừ nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc trên toàn cầu.
Hôm 06/12, Quốc hội Indonesia đã thông qua một sửa đổi đối với bộ luật hình sự quốc gia, trong đó quy định những người tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Marx-Lenin có thể bị kết án từ 4 đến 15 năm tù.
Theo Điều 188 của bộ luật này, bất kỳ ai truyền bá hoặc quảng bá chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa Marx-Lenin, dù là bằng lời nói hoặc bằng văn bản, hay thông qua bất kỳ hãng thông tấn nào, sẽ phải đối mặt với mức án tối đa là bốn năm tù; nếu các hành vi được đề cập ở trên gây rối trật tự xã hội hoặc gây thiệt hại về tài sản, thì mức án tối đa là bảy năm; nếu gây thương tích hoặc gây thiệt mạng thì có thể bị phạt tù từ 12 đến 15 năm.
Hôm 20/12, nhà bình luận thời sự Tần Bằng (Qin Peng) nói với The Epoch Times rằng, “Không phải ngẫu nhiên mà Indonesia ban hành luật này. Hành động này nhằm mục đích kiềm chế và đề phòng trước chính quyền Trung Quốc, đó là xu hướng chung của thế giới,” ông nói.
Ông nói rằng sự bành trướng trên toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng trở nên trắng trợn hơn, và ngày càng có nhiều quốc gia chú tâm hơn đến hành động này. Số người phản đối ĐCSTQ ở nhiều quốc gia cũng đang không ngừng gia tăng.
Ảnh hưởng tàn khốc của ĐCSTQ trong lịch sử
Dữ liệu lịch sử cho thấy vào đầu những năm 1960, ĐCSTQ đã cung cấp các khoản tiền viện trợ lớn và thiết bị quân sự cho Đảng Cộng sản Indonesia. Số đảng viên của đảng này đã một thời từng vượt quá 2 triệu người. Ông Chu Ân Lai, thủ tướng đương thời của chính quyền cộng sản Trung Quốc, đã phô trương với cộng đồng quốc tế rằng có rất nhiều người Trung Quốc đang sống ở các nước Đông Nam Á, và con số đó nhiều đến mức họ có thể biến các quốc gia này thành các quốc gia cộng sản chỉ trong một đêm ngay khi ĐCSTQ ra chỉ lệnh đó. Nhận xét của ông Chu đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo động “đại bài Hoa” ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia, nơi có khoảng 500,000 người Hoa bị sát hại trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến năm 1967.
Chính phủ Indonesia cũng nghiêm cấm giảng dạy Hoa ngữ vì yêu sách của ĐCSTQ. Năm 1967, Trung Quốc và Indonesia cắt đứt mối bang giao, và mãi đến năm 1990 hai quốc gia này mới thiết lập lại liên hệ ngoại giao.
Cho đến ngày nay, Indonesia vẫn nghiêm cấm những hình ảnh tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản như búa, liềm, cờ đỏ, v.v.
Mặc dù chính phủ Indonesia đã cố gắng dỡ bỏ lệnh cấm cộng sản này tại Quốc hội nhằm tăng cường mối bang giao với Bắc Kinh trong những năm gần đây, nhưng chủ ý này đã bất thành.
Ông Tần nói rằng mặc dù hầu hết các quốc gia không sẵn sàng đối đầu với ĐCSTQ một cách trực tiếp và công khai vì lý do kinh tế hoặc an ninh, nhưng ngày càng có nhiều quốc gia đề phòng trước ảnh hưởng của ĐCSTQ. Theo cách này, không gian quốc tế cho hoạt động tuyên truyền ngoại giao quy mô lớn của ĐCSTQ chắc chắn sẽ ngày càng thu hẹp lại, ông nói thêm.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học sống ở Úc, nói với The Epoch Times hôm 20/12 rằng tuyên truyền ngoại giao của ĐCSTQ tập trung vào việc “kể tốt những câu chuyện của Trung Quốc.”
Ông nói, “Sau khi luật này được thông qua, chính quyền Trung Quốc sẽ hạn chế thực hiện luật này một cách công khai ở Indonesia trong tương lai. Họ không dám vi phạm luật pháp Indonesia đâu.”
Malaysia, một quốc gia khác trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng nghiêm cấm việc quảng bá chủ nghĩa cộng sản.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times