Những lời cảnh báo bị lãng quên của các Tổ Phụ Lập Quốc Hoa Kỳ
Chúng ta đang sống trong một thời đại của những điều kỳ diệu và những tiện nghi vật chất khiến tổ tiên của chúng ta hoàn toàn sửng sốt.
Các Tổ phụ Lập quốc của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là những người vô cùng thông thái, ngay cả khi họ có những sai sót. Bằng trí thông minh, họ đã đưa ra rất nhiều những lời cảnh báo mà con cháu của họ, chính là chúng ta nên ghi nhớ.
Vì vậy, tôi thường gọi họ là “Các Nhà Tiên Tri Lập Quốc.” Rất ít người có thể nhìn thấy rằng những tuyên bố được viết ra từ hàng trăm năm trước dường như vẫn còn xác đáng và phù hợp đến như vậy, thậm chí còn hơn rất nhiều so với những bài bình luận mới nhất ngày nay.
Nhưng quyền năng tiên tri của họ không phải là siêu nhiên hay thần thánh – mà là kết quả tự nhiên của những tri thức cặn kẽ, toàn diện, thấu đáo về bản chất và lịch sử loài người.
Trong những lời căn dặn ấy có một lời cảnh báo mà con người hiện đại đã lãng quên, và khi nghe thấy, họ lại muốn quên chúng một lần nữa: lời cảnh báo về điều mà các Tổ phụ gọi là “sự xa hoa” – lòng ham muốn vô độ đối với của cải, giàu có và lối sống xa xỉ, đối lập với việc giữ vững đức khiêm nhường và tiết chế dục vọng của bản thân.
Chúng ta chớ mắc lừa rằng: những người bình thường cũng dễ sa ngã bởi lối sống sống xa hoa như là người giàu vậy, thậm chí còn dễ hơn khi họ cố gắng bắt chước một cách mù quáng theo giới tinh hoa của họ. Một người Mỹ bình thường ngày nay đang tận hưởng các tiện ích vật chất còn hơn cả các vị vua giàu có nhất của thế kỷ trước. Những lời cảnh báo về lối sống xa hoa vẫn có giá trị như mọi khi.
Theo các vị Tổ phụ Lập quốc, sự truy cầu lối sống xa hoa có liên hệ chặt chẽ với tự do. Các vị tin chắc rằng tự do là quyền bẩm sinh của loài người, và đối lập với nó là khuynh hướng bị cám dỗ bởi bát canh hầm, một hình ảnh ẩn dụ trong Kinh Thánh (tham khảo câu chuyện Ê-sau bán quyền trưởng nam của mình để đổi lấy bát canh hầm trong sách Sáng-thế Ký 25) – sự thèm khát của chúng ta đối với những tiện nghi vật chất có xu hướng lấn át lòng trung thành đối với các nguyên tắc và lý tưởng, khiến chúng ta đánh mất phẩm vị của tự do. Như một nhà thuyết giáo Thanh giáo đã cảnh báo người thanh niên Benjamin Franklin, “Tôn giáo là người mẹ sinh ra sự thịnh vượng, và đứa con gái đã ăn tươi nuốt sống người mẹ.” Lối sống có đạo đức đòi hỏi sự hy sinh cái lợi trước mắt cho những giá trị lâu dài; nhưng nỗi ám ảnh truy cầu vật chất khiến chúng ta làm ngược lại.
Tổng thống John Adams đã khéo léo tổng kết bài học lịch sử như sau: “Rất nhiều người ở mọi lứa tuổi đã lựa chọn sự thoải mái, cơn mê ngủ và sự mừng vui cổ vũ cho tự do, khi mà những điều này lại mâu thuẫn với nhau.”
Ngài Adams thường viết về sự xa xỉ trong các lá thư của mình như sau: “Bản chất con người, không dưới hình dạng nào, có thể chịu đựng sự cám dỗ của giàu có.” Ông đã viết cho con trai mình, Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng thống tương lai John Quincy Adams như sau:
“Cha tin rằng con đã thường nghe cha nói, rằng Bản chất con người không thể chịu được cám dỗ của sự Giàu có. Nó luôn làm say lòng các cá nhân và quốc gia. Nghịch cảnh là Nhà cải cách vĩ đại. Phiền não là Lò luyện kim. Sự phồn vinh đã khiến nước Mỹ thân yêu của chúng ta bị mê hoặc… Những niềm đam mê đối với giàu có và xa xỉ đã nhấn chìm tất cả Năng lực trí tuệ và thể chất của đất nước.”
Thật vậy, như những người theo chủ nghĩa bãi nô ở thế kỷ 19 đã nói khá rõ ràng, niềm khát khao giàu có chủ yếu được củng cố bởi chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ — thần Mammon(*) đã che mờ tầm nhìn đạo đức của đất nước. Lợi ích vật chất đã bao trùm những suy nghĩ sáng suốt và lối sống có đạo đức.
Các vị Tổ Phụ Lập quốc biết rõ rằng những tiện nghi vật chất có xu hướng làm xói mòn chính những đức hạnh đã tạo ra chúng. Có sự xung đột ở đây. Trong lá thư viết cho Thomas Jefferson, Adams đã thẳng thắn đưa ra câu hỏi này:
“Liệu ngài có thể chỉ cho tôi cách làm thế nào để tài phú không ảnh hưởng đến ôn hòa và chăm chỉ? Ngài có thể nói cho tôi biết làm sao phồn vinh không dẫn tới xa xỉ? Ngài có thể nói cho tôi biết làm thế nào để ngăn chặn xa xỉ dẫn đến nhu nhược, mê mờ, phung phí, trụy lạc và những hành động dại dột? Khi ngài trả lời tôi những câu hỏi này, tôi hy vọng tôi có thể mạo hiểm trả lời câu hỏi của ngài.”
Tổng thống Benjamin Franklin, người đã vươn lên từ con số không, chạy trốn từ Boston đến Philadelphia chỉ với vài đồng xu dính túi và đã trở thành một trong những người Mỹ giàu có nhất. Ngài đã viết trong cuốn “Tự truyện” về việc phát triển đức tính ôn hòa, điều độ, và thường khuyến khích các thanh niên trẻ, thay vì tìm kiếm sự giàu có, hãy tập trung vào phụng sự người khác, vì sự giàu có chỉ là phù du, và không tốt cho bản thân họ.” “Sự phồn vinh bộc lộ ra các thói xấu và bất hạnh,” ông đã viết như vậy trong cuốn “Poor Richard’s Almanac.” (Tạm dịch: Niên lịch về chàng Richard Nghèo khổ)
Nhưng các nhà Tổ phụ Lập quốc không đơn độc trong khi đưa ra lời cảnh báo cho hậu thế. Lời cảnh báo về lối sống xa hoa đã có trong lời dạy của các nhà hiền triết vĩ đại ở mọi nơi mọi thời đại. Nhà sử học Hy Lạp về La Mã, Polybius, cảnh báo rằng sự xa hoa sẽ dẫn đến tính ngạo mạn và tự phụ.” Sallust, thượng nghị sĩ La Mã vĩ đại, đã đưa ra lời cảnh báo sau đây trong “The Conspiracy of Catiline” (tạm dịch: “Âm mưu của Catiline”) (chương 52):
“Nhưng chính những thứ khác ngoài những thứ này đã làm cho họ [tổ tiên của chúng ta] trở nên vĩ đại, và chúng ta lại thiếu những phẩm chất như vậy: sản xuất kiểu gia đình; một chính phủ công bằng với tư tưởng tự do trong bàn luận, không bị mê mờ bởi tội ác hoặc dục vọng. Thay vào đó, chúng ta có sự xa hoa và hám lợi, đất nước nghèo đói, người dân sống xa xỉ; chúng ta ca ngợi sự giàu có, chúng ta chạy theo sự lười biếng; không có sự khác biệt giữa điều tốt và điều xấu; tất cả phần thưởng của đức hạnh đều đạt được bằng mưu mô. Và không nghi ngờ gì, khi mỗi cá nhân chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, trở thành nô lệ cho những điều khoái lạc, và, trong các vấn đề chung của cộng đồng về tiền bạc và danh lợi, không có gì ngạc nhiên khi một cuộc tấn công dữ dội được thực hiện nhắm vào nền cộng hòa không được bảo vệ. “
Như người cùng thời với ông, triết gia Cicero, cũng đã cảnh báo trong bài tố cáo Catiline(*), “Kẻ thù đang ở trong các cánh cổng; chính sự xa xỉ của chúng ta, sự điên rồ của chúng ta, tội ác của chính chúng ta là thứ mà chúng ta phải chiến đấu chống lại chúng.”
Khổng Tử cũng có lời cảnh báo cho vấn đề tương tự trong Luận Ngữ (Quyển 14, Phần 10): “Nghèo mà không oán hận thì rất khó, giàu mà không kiêu rất dễ làm.”
Cũng như vậy, nhà sử học Hồi giáo Ibn Khaldûn viết trong kiệt tác lịch sử năm 1377 “The Muqaddimah”, cảnh báo rằng “cuộc sống xa hoa” là khởi đầu cho sự sụp đổ của các đế chế.
Thêm vào đó, nhà triết học, chính trị gia người Pháp thế kỷ 18 Montesquieu trong tác phẩm kinh điển năm 1748 “Tinh thần Pháp luật” (mà các nhà Lập Quốc đã đọc rất nhiều) cảnh báo rằng xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, sự đồi bại về tình dục luôn có liên hệ chặt chẽ với lối sống xa hoa. Nó chính là điều đi kèm với lối sống xa hoa hoặc tạo ra lối sống xa hoa. Nếu bạn cho phép những rung động của trái tim được tự do thì làm sao bạn có thể ước thúc bản thân trước những điểm yếu về tinh thần.
Trong tác phẩm kinh điển “Nền Dân chủ Mỹ” của tác giả người Pháp Alexis de Tocqueville, suy ngẫm về những năm 1830 tại Hoa Kỳ, đã cảnh báo về tác động của lối sống xa hoa:
“Tuy nhiên trong khi con người thích thú với việc theo đuổi sự phồn vinh đáng khen ngợi và hợp pháp này, thì nỗi sợ hãi là cuối cùng anh ta sẽ mất đi năng lực tuyệt vời của mình, và rằng, trong mong khi muốn cải thiện môi trường xung quanh, anh ta có thể tự làm suy yếu bản thân. Đây chính là mối nguy hiểm thực sự chứ không phải ở đâu khác.”
Những nhà thiện nguyện Hoa Mỹ như Andrew Carnegie và John D. Rockefeller, cả hai đều lớn lên trong nghèo khó, đều than vãn về người giàu, chứ không phải người nghèo, vì họ biết lời phán của Chúa Jesus về vấn đề này là đúng đắn: “Ta lại nói cùng các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Ðức Chúa Trời.” [Kinh Matthew 19:24]
Tương tự như vậy, những lời dạy trong sách Châm ngôn trong Kinh thánh tiếng Do Thái (“Cựu ước”) chứa đựng yêu cầu của một người khôn ngoan đối với Đức Chúa Trời cũng thừa nhận sự nguy hiểm của sự xa hoa: “Chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang; Hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng, khi no đủ, tôi từ chối Chúa, Mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo khổ, ăn trộm cắp, Và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng. [Châm-ngôn 30:8-9]
Và chớ quên rằng: một người Mỹ bình thường ngày nay đang sống như những vị vua của thời đại cách đây không lâu. Chúng ta đang sống trong một thời đại của những điều kỳ diệu và những tiện nghi vật chất khiến tổ tiên của chúng ta phải sửng sốt. Theo tiêu chuẩn lịch sử, tất cả chúng ta đều là “một người giàu có.” Chúng ta được ban cho quá nhiều ân huệ và cũng chính vì điều này, chúng ta đang ở trong “vùng nguy hiểm.”
Bởi vì thế, chúng ta cần phải biết ơn, cả với Thượng đế và tổ tiên của mình – và cách tốt nhất để làm điều này chính là lưu tâm đến những lời cảnh báo của họ.
Chú thích của dịch giả:
Mammon: trong Tân Ước của Kinh Thánh thường được định nghĩa là tiền bạc, giàu có vật chất, hoặc bất kỳ thế lực nào hứa hẹn sự giàu có, và được kết hợp với theo đuổi lợi nhuận một cách tham lam. Vào thời Trung cổ, nó thường được nhân cách hóa như một vị thần và đôi khi được coi là bảy hoàng tử Địa ngục.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times